HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 74/2013/NQ-HĐND |
Đà Lạt, ngày 12 tháng 07 năm 2013 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CƠ CHẾ HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC VÀ TỶ LỆ HỖ TRỢ CỦA NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐỂ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2013-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA VIII KỲ HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 3516/TTr-UBND ngày 24/6/2013 của UBND tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về cơ chế huy động các nguồn lực và tỷ lệ hỗ trợ của ngân sách Nhà nước để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất cơ chế huy động các nguồn lực và tỷ lệ hỗ trợ của ngân sách Nhà nước để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cụ thể như sau:
I. Ngân sách Nhà nước bao gồm: Ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, ngân sách xã hỗ trợ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
II. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
Các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (không bao gồm các xã thuộc huyện nghèo Đam Rông).
III. Mức hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước (cho các nội dung công việc chưa được quy định tại khoản b, điều 1, Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ), cụ thể như sau:
1. Đối với các xã nghèo; các thôn nghèo thuộc các xã không nghèo của tỉnh đang thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí đầu tư các hạng mục sau: Đường giao thông đến trung tâm xã; đường giao thông thôn, xóm; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế; xây dựng nhà văn hóa xã, thôn, bản; công trình thể thao thôn, bản; hệ thống cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư; phát triển sản xuất và dịch vụ; hạ tầng khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản. Trong đó, đối với các xã nghèo, đầu tư cho các công trình cấp xã; đối với thôn nghèo, đầu tư cho các công trình cấp thôn.
2. Đối với các xã, thôn còn lại:
a) Xây dựng trạm y tế xã: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí đầu tư kinh phí xây dựng.
b) Giao thông nông thôn: Thực hiện theo Quyết định 1429/QĐ-UBND ngày 01/7/2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án phát triển đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, cụ thể như sau:
- Đường giao thông trục xã: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 100%.
- Đường giao thông trục thôn, xóm; đường giao thông ngõ, xóm: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ các loại vật liệu chính để làm mặt đường, mức hỗ trợ tối đa không quá 70% giá trị công trình, còn lại nhân dân hiến đất, tự giải tỏa cây cối, hoa màu đồng thời đóng góp ngày công lao động, máy móc phục vụ thi công, vật tư và tự tổ chức thi công công trình.
c) Xây dựng nhà văn hóa, công trình thể thao xã: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% phần chi phí xây dựng; phần thiết bị UBND các xã kêu gọi hỗ trợ của các tổ chức kinh tế hoặc xã hội hóa.
d) Xây dựng nhà văn hóa và công trình thể thao thôn, bản (nhà sinh hoạt cộng đồng): Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 50% giá trị công trình còn lại nhân dân đóng góp ngày công lao động, máy móc phục vụ thi công, vật tư và tự tổ chức thi công công trình.
đ) Xây dựng trường học đạt chuẩn: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí đối với các công trình xây dựng mới; kinh phí sửa chữa nhỏ các công trình và tôn tạo cảnh quan sân trường, công trình nước sạch, công trình vệ sinh huy động sự tham gia đóng góp của nhân dân, các tổ chức, cá nhân khác.
e) Xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn: Thực hiện theo Quyết định số 366/2012/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015.
g) Giao thông nội đồng: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 50% giá trị công trình, còn lại nhân dân hiến đất, tự giải tỏa cây cối, hoa màu; đồng thời đóng góp ngày công lao động, máy móc phục vụ thi công, vật tư và tự tổ chức thi công công trình.
h) Kênh mương cấp 3, 4 do xã quản lý: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 70% giá trị công trình, còn lại nhân dân hiến đất, tự giải tỏa cây cối, hoa màu; đồng thời đóng góp ngày công lao động, máy móc phục vụ thi công, vật tư và tự tổ chức thi công công trình.
i) Phát triển sản xuất và dịch vụ: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối đa không quá 50% xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng.
k) Hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 50% để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, xử lý chất thải.
IV. Cơ chế, chính sách.
1. Sử dụng quỹ đất công nằm ngoài khu quy hoạch xây dựng các công trình công cộng hoán đổi cho các hộ dân có đất nằm trong khu quy hoạch để xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao xã, thôn, bản và các công trình công cộng khác. UBND cấp huyện hướng dẫn UBND cấp xã lập phương án trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để triển khai thực hiện.
2. Tăng tỷ lệ vốn thu được từ đất để lại cho ngân sách xã 50% qua các hình thức đấu giá quyền sử dụng đất tại các xã để tạo vốn đối ứng của ngân sách xã xây dựng NTM (ngoài nguồn kế hoạch thu tiền sử dụng đất hàng năm của tỉnh giao cho các địa phương).
3. Áp dụng đồng bộ cơ chế chính sách đặc thù về xây dựng nông thôn mới đối với các chương trình, dự án từ các nguồn vốn lồng ghép khác đầu tư trên địa bàn các xã nông thôn, trừ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương có quy định cụ thể khác.
4. Áp dụng thiết kế mẫu trong xây dựng nhà văn hóa xã, thôn, bản.
5. Huy động nhân dân: Ngoài việc huy động các hộ dân hưởng lợi trực tiếp từ công trình xây dựng, các địa phương cần vận động tuyên truyền các hộ dân không hưởng lợi trực tiếp từ công trình cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là các hộ dân sống trên trục giao thông của xã, liên xã đã được Nhà nước đầu tư bằng vốn ngân sách đóng góp một phần để xây dựng các tuyến giao thông liên thôn, xóm. Nhân dân trong xã bàn bạc mức tự nguyện đóng góp cụ thể, đề nghị Hội đồng nhân dân xã thông qua.
6. Không áp dụng mức phân bổ vốn ngân sách bình quân cho các xã xây dựng nông thôn mới mà căn cứ tình hình thực tế và đối chiếu các tiêu chí, mức huy động vốn ngoài ngân sách để quyết định mức phân bổ hàng năm cho các địa phương.
Điều 2. Giao UBND tỉnh căn cứ Nghị quyết này và các quy định hiện hành để ban hành Quyết định và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện.
HĐND tỉnh giao Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện Nghị quyết; xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung những biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện Nghị quyết theo đề nghị của UBND tỉnh và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đồng thời gương mẫu chấp hành và vận động cán bộ, nhân dân thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Nghị quyết này đã được đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng khoá VIII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2013 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.