QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 69/2013/QH13 |
Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2013 |
VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XIII
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11; Nghị quyết số 07/2002/QH11 ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội;
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIIl,
QUYẾT NGHỊ:
I. Quốc hội ghi nhận cố gắng của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5; hoan nghênh các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tập trung giải quyết, trả lời 2007 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp trước chưa được giải quyết, trả lời. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, khẩn trương trả lời 2268 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 6; tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại các kỳ họp trước, tập trung vào những nhiệm vụ, chỉ tiêu chưa đạt được với các giải pháp căn cơ, có hiệu quả và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
II. Quốc hội đã tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng; nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề bức xúc, được thực tiễn cuộc sống đặt ra, cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội quan tâm. Quốc hội ghi nhận các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã cam kết trước Quốc hội và yêu cầu:
- Từ nay đến năm 2015, huy động mọi nguồn lực để phục hồi tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
- Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện, cả trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản, lâm nghiệp, bảo vệ rừng và trồng rừng, đặc biệt chú ý rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển gắn với việc phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo vệ các vùng sinh quyển và phát triển du lịch ven biển.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng tỷ trọng sản phẩm qua chế biến, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp quốc gia gắn với áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; chấn chỉnh các khâu từ giống cây trồng vật nuôi, đến sản xuất, chăn nuôi, chế biến, bảo quản, bao bì, thị trường tiêu thụ và hỗ trợ tài chính tín dụng.
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các chính sách liên quan đến sản xuất nông nghiệp cho nông dân, xuất khẩu gạo, hỗ trợ ngư dân, di dân tái định cư, nhất là tái định cư các công trình thủy điện để bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống.
- Trong năm 2014, hoàn thành việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý vật tư nông nghiệp; tổ chức lại thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát toàn bộ hệ thống hồ, đập thủy lợi để có kế hoạch đầu tư, gia cố, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ, báo cáo kết quả thực hiện rà soát với Quốc hội vào cuối năm 2014.
2. Đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ và lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức
- Từ nay đến hết năm 2014, hoàn thành việc rà soát, đánh giá lại và có biện pháp chấn chỉnh đối với toàn bộ hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để báo cáo Quốc hội.
- Phối hợp với các cấp, các ngành tổng kết, đánh giá toàn diện, khách quan, minh bạch chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tập trung vào các khâu quy hoạch, chính sách tuyển dụng, tiêu chuẩn, chức danh cán bộ, công chức gắn với vị trí việc làm; xác định yêu cầu về tiêu chuẩn, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực chạy việc, chạy chức, chạy quyền trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách về tiền lương, phụ cấp công vụ, cử tuyển đối với cán bộ, công chức cơ sở, cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, người nghỉ hưu. Đến hết tháng 3/2014, hoàn thành việc ban hành văn bản dưới luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.
- Triển khai đồng bộ chương trình tổng thể cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, theo hướng xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả.
3. Đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và lĩnh vực thông tin, truyền thông
- Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, thông tin, truyền thông; tạo điều kiện hỗ trợ, đào tạo, củng cố đội ngũ làm công tác báo chí, thông tin, tuyên truyền đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương và địa phương, trước hết là Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Thông tấn, Đài tiếng nói Việt Nam tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến nhân dân; tăng thời lượng chương trình phát thanh, truyền hình “Quốc hội với cử tri”, “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, mở chuyên trang, chuyên mục... để thông tin về các hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, tạo điều kiện để nhân dân theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; tạo không khí đồng thuận, thống nhất, đoàn kết trong toàn xã hội.
- Tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, bảo đảm báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đề cao trách nhiệm của Tổng biên tập, cơ quan chủ quản báo chí và phóng viên, biên tập viên. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về báo chí, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này. Nghiên cứu, chuẩn bị trình Quốc hội sửa đổi Luật báo chí, ban hành Luật tiếp cận thông tin, Luật an toàn thông tin.
- Phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an xây dựng và triển khai thực hiện đề án bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng; có các giải pháp hiệu quả bảo đảm an ninh, an toàn thông tin quốc gia.
- Đến năm 2015, hoàn thành việc rà soát quy hoạch tổng thể hạ tầng viễn thông, bảo đảm phát triển hệ thống viễn thông đúng quy hoạch, kế hoạch, có cơ sở vật chất hiện đại, thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh lành mạnh, chủ động hội nhập vào thị trường viễn thông thế giới.
- Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm việc cung cấp thông tin không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục, đạo đức, lối sống, trật tự, an ninh, an toàn xã hội; tăng cường kiểm tra, xử lý sim rác, tin nhắn rác, quảng cáo rác, trò chơi điện tử không lành mạnh, blog cá nhân có nội dung độc hại.
4. Đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và hoạt động của ngành Tòa án nhân dân
- Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ cán bộ tòa án; thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái thẩm phán để bảo đảm phân bổ hợp lý đội ngũ thẩm phán giữa các địa phương; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng đội ngũ cán bộ ngành trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tài, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ; phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoặc vi phạm pháp luật.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức các Tòa hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động và Tòa án quân sự, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Nâng cao chất lượng xét xử ở tất cả các cấp, bảo đảm phán quyết của Tòa án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chủ trì, phối hợp các ngành hữu quan, đảm bảo hàng năm tăng khoảng 5% số vụ xét xử có tranh tụng tại phiên tòa; thực hiện tốt công tác giám đốc, kiểm tra, rà soát các vụ án hình sự đã xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có mức án phạt tù từ 20 năm, chung thân đến tử hình, có đơn kêu oan kéo dài nhằm phát hiện án oan, sai để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
- Xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về tham nhũng, hạn chế tối đa việc áp dụng dưới khung hình phạt luật định.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật, bộ luật về tố tụng, Luật tổ chức Tòa án nhân dân theo tinh thần Hiến pháp (sửa đổi); tăng cường tổng kết thực tiễn xét xử và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.
III. Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét những vấn đề bức xúc, được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm và cử tri kiến nghị để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, tổ chức báo cáo giải trình tại phiên họp Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội.
IV. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết này.
Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2013.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.