HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64/2017/NQ-HĐND |
Bắc Ninh, ngày 12 tháng 7 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
V/V HỖ TRỢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “SỮA HỌC ĐƯỜNG” TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON VÀ CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHOÁ XVIII, KỲ HỌP THỨ NĂM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;
Căn cứ Luật Trẻ em năm 2016;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Xét Tờ trình số 171/TTr-UBND ngày 15/6/2017 của UBND tỉnh đề nghị về việc cho phép thực hiện chương trình “Sữa học đường” trong các cơ sở giáo dục mầm non và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2017 - 2020; báo cáo thẩm tra của Ban văn hoá - xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hỗ trợ thực hiện Chương trình “Sữa học đường” trong các cơ sở giáo dục mầm non và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2017 - 2020 với các nội dung cụ thể như sau:
1. Đối tượng thụ hưởng:
a) Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên đang học trong các trường mầm non và các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh có từ 50 trẻ trở lên;
b) Học sinh từ 6 tuổi trở lên đang học tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh;
c) Đối với trẻ cơ địa dị ứng với sữa, trẻ béo phì, trẻ suy dinh dưỡng (có chỉ định của cơ quan Y tế) có chế độ hỗ trợ riêng.
2. Định mức: Mỗi trẻ mầm non, mỗi học sinh tiểu học được uống 3 hộp sữa/tuần, mỗi hộp 180ml, uống trong 9 tháng thực học (năm học).
3. Giá sữa: Thực hiện theo kết quả đấu thầu.
4. Nguồn kinh phí đầu tư:
a) Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%;
b) Doanh nghiệp cung ứng sữa hỗ trợ 25%;
c) Phụ huynh học sinh đóng góp 25%.
Đối với trẻ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, con diện chính sách, con thương binh, con liệt sĩ, con người có công với cách mạng, trẻ khuyết tật thì ngân sách tỉnh hỗ trợ 75%; Công ty cung ứng sữa hỗ trợ 25%.
5. Lộ trình thực hiện giai đoạn 2017 – 2020:
a) Trẻ mầm non: Triển khai Chương trình “Sữa học đường” trong các các trường mầm non và cơ sở giáo dục mầm non (có từ 50 trẻ em trở lên) trên địa bàn tỉnh.
b) Học sinh tiểu học:
- Năm học 2017- 2018: Triển khai ở khối lớp 1 và khối lớp 2;
- Năm học 2018- 2019: Duy trì triển khai ở khối lớp 1, khối lớp 2; triển khai thêm khối lớp 3 và khối lớp 4;
- Năm học 2019- 2020: Duy trì triển khai ở khối lớp 1; 2; 3; 4 và triển khai thêm khối lớp 5.
6. Phương thức lựa chọn nhà thầu:
Thực hiện đấu thầu cho cả giai đoạn 2017 - 2020 theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành.
7. Tiêu chí lựa chọn nhà thầu:
Sữa phục vụ Chương trình “Sữa học đường” phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
a) Được chế biến từ nguyên liệu sữa tươi sạch, lấy từ các trang trại chăn nuôi tập trung, thành phần có đường hoặc không đường, được bổ sung vi chất dinh dưỡng và hàm lượng theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình “Sữa học đường” cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020;
b) Được sản xuất theo quy định hiện hành về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng và được bổ sung các vi chất dinh dưỡng;
c) Có ghi nhãn đối với sữa cho Chương trình “Sữa học đường” và đảm bảo các quy định khác có liên quan;
d) Có nghiên cứu lâm sàng, đối chứng về hiệu quả sử dụng “Sữa học đường” trên học sinh trong độ tuổi học đường;
đ) Sản phẩm đã được xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em;
e) Có vùng nguyên liệu sữa bò tươi tại Việt Nam (từ trang trại bò sữa của công ty, trang trại bò sữa của nông dân);
g) Sản xuất loại sữa tươi tiệt trùng (180ml/hộp) có đường hoặc không có đường, thời gian bảo quản 6 tháng;
h) Công ty cung cấp sữa cho trẻ uống phải có thương hiệu Việt, thương hiệu quốc gia;
i) Có đủ điều kiện bảo quản sữa tươi tiệt trùng có đường hoặc không có đường từ 6 tháng trở lên;
k) Là đơn vị trực tiếp sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 9001, FSSC 22000;
l) Cam kết bình ổn giá thời gian 3 năm hoặc trong cả giai đoạn;
m) Có kinh nghiệm thực hiện Chương trình “Sữa học đường” 5 năm, đã từng thực hiện tối thiểu 3 năm Chương trình “Sữa học đường” cấp tỉnh từ năm 2010-2016;
n) Hỗ trợ kinh phí cho trẻ uống sữa bằng 25% giá trị/hộp sữa;
o) Có nhà máy chế biến sữa tại tỉnh Bắc Ninh, tham gia đóng góp ngân sách cho tỉnh, sử dụng thường xuyên lao động tại địa phương, tích cực tham gia các hoạt động xã hội do tỉnh phát động.
8. Hình thức hợp đồng:
Hợp đồng được thực hiện trong cả giai đoạn 2017 - 2020 (từ năm học 2017 - 2018 đến hết năm học 2019 - 2020).
9. Đơn vị cung ứng sữa:
Công ty trúng thầu cung ứng sữa chịu trách nhiệm cung ứng kịp thời, không gián đoạn hoặc dồn dập, đồng thời phải bố trí nhân viên vận chuyển sữa đến tận kho sữa của các cơ sở giáo dục mầm non và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh; có một phần kinh phí hỗ trợ cho các trường có từ 2 điểm trường trở lên.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Hằng năm, báo cáo kết quả tại kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khoá XVIII, kỳ họp thứ Năm thông qua ngày 12/7/2017 và có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2017./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.