HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 587/NQ-HĐND |
Hưng Yên, ngày 25 tháng 4 năm 2025 |
NGHỊ QUYẾT
KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TRONG THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG, NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THEO CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 30-CTR/TU NGÀY 03/11/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-NQ/TW NGÀY 16/6/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN ĐẾN 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XVII KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI BẢY
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân;
Căn cứ Nghị quyết số 545/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2024 về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh;
Xét Tờ trình số 237/TTr-ĐGS ngày 24 tháng 4 năm 2025 và Báo cáo số 238/BC-ĐGS ngày 24 tháng 4 năm 2024 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát việc tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện
Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo cáo số 238/BC-ĐGS ngày 24/4/2024 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 03/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chương trình số 30-CTr/TU) với một số nội dung chủ yếu như sau:
1. Kết quả đạt được
Trong giai đoạn 2022-2024, UBND tỉnh và các sở, ngành, UBND cấp huyện đã quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 03/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao. Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Qua hai năm triển khai, việc thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân để chuyển đổi tập quán sản xuất nông nghiệp từ phương thức truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tăng cường liên kết sản xuất hàng hoá. Cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị kinh tế cao. Thực hiện chuyển đổi đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hằng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân, hàng năm chuyển đổi được trên 800ha; giá trị sản xuất bình quân 01ha đất nông nghiệp tăng từ 210 triệu đồng/ha (năm 2020) lên 250 triệu đồng/ha (năm 2025), đạt mục tiêu đề ra. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, có nhiều sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường. Tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất tăng cao, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trên tổng lao động xã hội. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp nông thôn... góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống, tăng thu nhập của nhân dân.
2. Tồn tại, hạn chế
a) Việc tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết thể chế hóa Chương trình số 30-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có thời điểm còn chưa được chú trọng, nhất là các nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
b) Một số địa phương có diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt thấp so với chỉ tiêu. Một số huyện, thị xã như Văn Giang, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Ân Thi, Văn Lâm... đất trồng lúa được quy hoạch chuyển sang các mục đích phi nông nghiệp (đường giao thông, khu công nghiệp, khu dân cư...) nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn hạn chế. Một số khu vực chuyển đổi nhỏ lẻ, manh mún, chưa đảm bảo tính đồng loạt, tập trung; thiếu sự quan tâm đầu tư nên năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đảm bảo. Còn tình trạng bỏ ruộng trong giai đoạn giám sát.
c) Cùng với quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, một số địa phương để xảy ra tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang công trình thủy lợi. Tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước tưới tiêu trên địa bàn tỉnh gây khó khăn trong việc canh tác sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến chất lượng nông sản đầu ra của người nông dân.
d) Việc triển khai các cơ chế, chính sách, nội dung, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở một số địa phương còn lúng túng, chưa quyết liệt; chưa hình thành nhiều khu bán và trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề nhằm thúc đẩy và quảng bá thương hiệu nông sản của tỉnh. Liên kết trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; tích tụ, tập trung đất đai để xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu và sản phẩm quy mô lớn còn nhiều khó khăn.
đ) Việc thành lập và tạo cơ chế hoạt động của Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã còn nhiều bất cập; quy mô hoạt động của các Hợp tác xã, cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh còn nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh thiếu tính đồng bộ, hiệu quả chưa cao, chưa thật sự quan tâm đến việc giữ gìn, phát triển thương hiệu sản phẩm. Số lượng các đơn vị đăng ký và được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu còn thấp.
e) Các mô hình ứng dụng kinh tế nông nghiệp còn nhỏ lẻ; hiệu quả nhân rộng, lan tỏa chưa đáp ứng yêu cầu. Hội đồng khoa học và công nghệ các huyện, thị xã, thành phố chưa chủ động đề xuất các dự án, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp có tính cấp thiết đối với địa phương. Việc đề xuất, đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong phát triển nông nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức.
g) Công tác xã hội hóa nghiên cứu, chuyển giao KH&CN, trong đó chú trọng doanh nghiệp nông nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu nông sản chưa nhiều. Việc ứng dụng thành tựu KH&CN, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.
3. Nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế
3.1. Nguyên nhân khách quan
a) Một số quy định của pháp luật liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn bất cập. Thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực tới đời sống và sản xuất của Nhân dân.
b) Diện tích đất sản xuất nông nghiệp xu hướng thu hẹp, bình quân đầu người thấp, tích tụ khó khăn, cùng với tập quán sản xuất tự cung, tự cấp còn tồn tại ở một số địa phương gây khó khăn cho việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.
c) Việc thu hút lực lượng lao động có trình độ cao vào các tổ chức kinh tế tập thể gặp khó khăn; người nông dân có tâm lý trông chờ việc thu hồi đất nhận đền bù, không tập trung canh tác trồng trọt.
d) Việc đầu tư tín dụng của ngành Ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nợ xấu phát sinh làm ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ. Tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng của một bộ phận người nông dân.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
a) Trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình số 30-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh còn hạn chế; một số địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ vào nguồn ngân sách đầu tư của cấp trên, chưa quan tâm huy động các nguồn lực nội tại. Công tác tuyên truyền Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chương trình 30-CTr/TU và các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đến với nông dân còn chưa hiệu quả. Công tác phối hợp trong triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra có lúc, có việc chưa kịp thời.
b) Việc lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021-2025 ở một số địa phương còn thiếu sự gắn kết với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch nông nghiệp tổng thể, nên gặp khó khăn trong xác định được vùng cần chuyển đổi.
c) Trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có các nội dung liên quan đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tuy nhiên, các nội dung hỗ trợ chưa mang tính đột phá; việc định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các địa phương còn hạn chế.
d) Các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn chậm đổi mới; kinh tế hộ vẫn là đơn vị sản xuất kinh doanh chủ lực ở nông thôn chưa có nhiều sự liên kết, hợp tác với nhau. Nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sau khi tổ chức lại hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã còn lúng túng, hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh chưa hiệu quả do hạn chế về nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực công nghệ thông tin và tập quán kinh doanh.
đ) Trình độ lao động ở nông thôn chưa đáp ứng được sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao. Có tình trạng thiếu lao động trong lúc nông vụ, nữ hóa lao động nông nghiệp, già hóa lao động nông thôn. Giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề cho nông dân đã giao đất phục vụ phát triển công nghiệp còn hạn chế. Nông dân một số địa phương còn tâm lý chuyển đổi theo mùa vụ, phong trào, dẫn đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và không được cấp có thẩm quyền phê duyệt vùng chuyển đổi theo quy định.
e)Việc thu hồi và sử dụng diện tích đất nông nghiệp để thực hiện các công trình dự án xây dựng hạ tầng các khu cụm công nghiệp, đô thị và giao thông trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng đến diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp.
g) Hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu, chưa tạo ra sự đột phá so với tiềm năng và lợi thế của từng địa phương. Hạ tầng thuỷ lợi còn thiếu tính đồng bộ; một số kênh mương chưa được kiên cố hoá, gây thất thoát nước, khả năng tiêu úng, chống hạn chưa thực sự đáp ứng tốt trong điều kiện thời tiết cực đoan.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh tại Báo cáo số 238/BC-ĐGS ngày 24/4/2025; trong đó chú trọng một số nội dung sau:
1. Thường xuyên rà soát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình số 30-CTr/TU, đưa ra các giải pháp cụ thể thực hiện các chỉ tiêu còn yếu, phấn đấu hoàn thành 100% các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Chương trình số 30- CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Chỉ đạo tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, Chương trình đề án, kế hoạch nhiệm vụ của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2025; đồng thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn và định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới, gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương.
2. Triển khai và chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện các định hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp của tỉnh. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp tại các địa phương. Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, cập nhật và xây dựng kế hoạch chi tiết phát triển cây trồng đến cấp cơ sở. Việc xây dựng và ban hành kế hoạch phải được thực hiện từ chính quyền cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhân dân địa phương nhằm đảm bảo tính khả thi, sát thực tế. Đồng thời đảm bảo việc chuyển đổi phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng sản xuất tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo chất lượng, giá bán.
3. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng, tích hợp và vận hành cơ sở dữ liệu đồng bộ với hệ thống quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông nghiệp và điều kiện tự nhiên về hiện trạng sản xuất, cây trồng, mùa vụ,..; hỗ trợ các cấp chính quyền trong giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; cung cấp công cụ tra cứu, hướng dẫn và tư vấn chuyển đổi trực tuyến cho nông dân. Công khai kế hoạch quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến từng xã, từng người dân, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi hiệu quả và đúng quy hoạch.
4. Ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu cho vùng chuyển đổi (kênh mương nội đồng, đường giao thông, trạm bơm,...) phục vụ vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm điều kiện sản xuất bền vững và hiệu quả. Chú trọng việc thu hút đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao; dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nghiên cứu và lựa chọn đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên gắn nhu cầu thị trường.
5. Chỉ đạo ngành nông nghiệp và môi trường tăng cường quản lý phát triển các vùng sản xuất có sản phẩm đạt chất lượng, truy xuất nguồn gốc; tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nông sản như sản xuất hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tham gia hội nhập vào thị trường quốc tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là về hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng thông qua các mô hình thực tiễn.
6. Chỉ đạo đánh giá hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; quan tâm tạo điều kiện cho các Hợp tác xã tham gia sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Có giải pháp hữu hiệu tăng cường liên kết, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu, sản phẩm của các địa phương, phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý tổ hợp tác, Hợp tác xã.
7. Tiếp tục thu hút, kêu gọi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các nông sản chủ lực, tiềm năng.
8. Tập trung chỉ đạo giải quyết các vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp đối với các thửa đất đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và thực hiện các quyền như chuyển nhượng, cho tặng…đối với đất trồng lúa đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng (Chuyển đổi đã đảm bảo theo quy hoạch). Nghiên cứu, ban hành phương án bồi thường giải phóng mặt bằng phù hợp đối với cây trồng lâu năm tự ý chuyển đổi trên đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm không phù hợp quy hoạch, không được phê duyệt vùng chuyển đổi khi nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án ở các địa phương tạo sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng.
9. Đẩy nhanh việc phân bổ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã được xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho các địa phương để xây dựng hạ tầng nông thôn đồng bộ nhằm hoàn thiện các tiêu chí về nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
10. Quan tâm bố trí nguồn nhân lực có chuyên môn về nông nghiệp tại các địa phương. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 343-KH/TU ngày 30/8/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
11. Hằng năm xem xét bố trí bổ sung nguồn lực kinh phí, hỗ trợ để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN đảm bảo yêu cầu thực tiễn để đưa KH&CN mới vào ứng dụng phát triển sản xuất trong nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
12. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện khẩn trương thực hiện kiến nghị tại Báo cáo số 238/BC-ĐGS ngày 24/4/2025 của Đoàn Giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh. Sau khi Quốc hội quyết định mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở) và việc sáp nhập đơn vị hành chính trong tỉnh hoàn thành, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, chính quyền cấp cơ sở kế thừa, tiếp thu kiến nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh để tiếp tục thực hiện, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc khi có yêu cầu của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, Kỳ họp thứ Hai mươi bảy nhất trí thông qua ngày 25 tháng 4 năm 2025 và có hiệu lực kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.