HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/NQ-HĐND |
Hà Giang, ngày 08 tháng 12 năm 2023 |
NGHỊ QUYẾT
TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG; PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
KHÓA XVĨH, KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 15/7/2023 của HĐND tỉnh về thành lập đoàn giám sát chuyên đề “Kết quả triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ năm 2021 đến nay”.
Trên cơ sở xem xét Báo cáo giám sát số 54/BC-ĐGS ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ năm 2021 đến nay và ý kiến thảo luận thống nhất của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện
Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo số 54/BC-ĐGS ngày 05/12/2023 của Đoàn giám sát chuyên đề Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ năm 2021 đến nay (sau đây gọi tắt là các Chương trình mục tiêu quốc gia), với những kết quả như sau:
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đồng hành, giám sát của HĐND tỉnh, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, các ngành, địa phương; sự tham gia, ủng hộ tích cực của Nhân dân, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã kế thừa, phát huy giá trị, thành tựu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của giai đoạn trước; đến nay công tác tổ chức thực hiện các Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định.
Quá trình triển khai các Chương trình đã được UBND tỉnh bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương; các mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc trong các Nghị quyết của HĐND tỉnh. Hoàn thành sớm việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc được kiện toàn với việc hình thành 03 nhóm phụ trách 03 Chương trình đã tạo sự đồng thuận cao, phối hợp tốt giữa các ngành, các địa phương trong tổ chức thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát liên ngành và từng chương trình được tăng cường
Công tác lập kế hoạch và phân bổ vốn thực hiện các chương trình được UBND tỉnh triển khai thực hiện kịp thời và quyết liệt, đẩy mạnh phân cấp nguồn vốn thực hiện 03 Chương trình cho các huyện, thành phố, đảm bảo bố trí vốn đúng mục tiêu, đối tượng, phạm vi của từng chương trình. Tính đến tháng 8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư là 1.025.565 triệu đồng, đạt 41,9% kế hoạch; vốn sự nghiệp đã giải ngân là 479.875 triệu đồng, đạt 22,8% kế hoạch giao. Ước năm 2023, giải ngân vốn đầu tư phát triển 2.586.100 triệu đồng, đạt 98,4% kế hoạch; giải ngân vốn sự nghiệp là 1.893,491 triệu đồng, đạt 90,2% kế hoạch. Tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương đảm bảo theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân và cộng đồng; việc triển khai lồng ghép vốn trong thực hiện các chương trình cũng được nghiêm túc triển khai thực hiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế, cụ thể:
Ban Chỉ đạo chung cho 03 Chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp tuy đã được kiện toàn, thành lập song cơ chế quản lý, chỉ đạo, lãnh đạo vẫn theo tính chất ngành dọc của từng cơ quan; hiệu quả phối hợp liên ngành chưa thật sự chuyển biến rõ nét, một số nội dung liên quan nhiều ngành nhưng công tác phối hợp giữa ngành với ngành, ngành với huyện/thành phố chưa nhịp nhàng, chặt chẽ do đó chất lượng văn bản hướng dẫn chưa cao. Đối với bộ máy giúp việc phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau dẫn đến công tác tham mưu đôi khi chưa kịp thời, báo cáo số liệu có lúc chưa đầy đủ.
Việc khảo sát, lập kế hoạch đầu tư tại một số địa phương còn chưa sát với nhu cầu và điều kiện thực tiễn, do đó khi được phân bổ nguồn và triển khai thực hiện phải điều chỉnh chỉnh về quy mô, địa điểm, nguồn vốn. Nguồn vốn bố trí một số dự án, tiểu dự án chưa phù hợp.
Tiến độ thực hiện các công trình theo cơ chế đặc thù còn chậm, nhiều công trình đã triển khai thi công nhưng chưa đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định. Công tác triển khai các nội dung nguồn vốn sự nghiệp ở cấp cơ sở còn nhiều lúng túng như các nội dung về dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; quản lý, sử dụng nguồn vốn duy tu bảo dưỡng các công trình đầu tư; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; đấu thầu mua sắm...
Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách dân tộc và các chương trình dự án có lúc, có nơi chưa kịp thời và thường xuyên, chưa phù hợp với đặc thù của địa phương, có nơi người dân chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong quá trình triển khai các nội dung của 3 Chương trình tại địa phương.
Việc nghiên cứu và cập nhật văn bản hướng dẫn của một số địa phương, đơn vị còn chưa thường xuyên, kịp thời; việc triển khai các chương trình, dự án trên một số địa bàn còn lúng túng, có sự nhầm lẫn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia; vẫn còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh. HĐND một số xã còn chưa ban hành Nghị quyết để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo thẩm quyền. Một số cơ sở còn thiếu nghiêm túc, chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại các đợt kiểm tra trước. Việc lưu trữ hồ sơ của các dự án, tiểu dự án ở một số xã còn chưa khoa học, chưa đầy đủ.
Những khó khăn, tồn tại, hạn chế trên đã làm cho tiến độ giải ngân còn chậm, Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thực hiện các chương trình đạt thấp so với Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 19/01/2023 của UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư phát triển Chương trình giảm nghèo bền vững và một số Dự án/Tiểu dự án thuộc Chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (như Dự án 2, Tiểu dự án 2 Dự án 3, Tiểu dự án 2 Dự án 10); các nguồn vốn sự nghiệp thực hiện 03 Chương trình.
Nguyên nhân khách quan của tồn tại, hạn chế nêu trên là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng. Bên cạnh đó Khối lượng các quy định, văn bản hướng dẫn của Trung ương về tổ chức thực hiện các Chương trình rất lớn. Một số quy định, hướng dẫn của Trung ương về cơ chế thực hiện các Chương trình còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, gây khó khăn trong triển khai thực hiện ở địa phương. Một số nội dung chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp được giao kế hoạch vốn lớn hơn so với nhu cầu dẫn đến khả năng không thể giải ngân hết. Đối tượng thực hiện một số nội dung của các Chương trình mục tiêu quốc gia có sự trùng lặp làm ảnh hưởng đến khả năng thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của các chương trình. Nhưng nguyên nhân chủ quan là do năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức triển khai các Chương trình còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động ở một số nơi chưa thường xuyên, liên tục; năng lực của một số hợp tác xã, doanh nghiệp để chủ trì thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế; trình độ sản xuất của người dân (đối tượng là các hộ nghèo, hộ cận nghèo) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp; nguồn lực tham gia liên kết còn hạn hẹp.
Điều 2. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tiếp tục tăng cường các giải pháp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà giang. Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện các kiến nghị được đề cập trong báo cáo kết quả giám sát và nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm sau đây:
1. Đối với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh
Tiếp tục tăng cường vai trò quyết định, giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương.
2. Đối với UBND tỉnh
a. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và nội dung các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; Phát huy vai trò, sự tham gia, hỗ trợ hiệu quả của các lực lượng quân đội, công an, các tổ chức, đơn vị khác trên địa bàn khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
b. Có biện pháp quyết liệt thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương đã được phân bổ cho các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường cơ chế lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác; tiếp tục đổi mới việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tăng nguồn vốn tín dụng chính sách để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
c. Tiếp tục tăng cường công tác giám sát, đánh giá; thanh tra, kiểm tra thực hiện các Chương trình trên cơ sở đảm bảo việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Có biện pháp quyết liệt xử lý đối với những địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân thiếu nghiêm túc, chậm khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra.
d. Rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành riêng định mức kinh tế, kỹ thuật cho cây Hồi lấy lá với mật độ 5.000 cây/ha quy định tại Quyết định 15/2023/QĐ-UBND ngày 15/9/2023 của UBND tỉnh về ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025. Hiện tại, đang quy định định mức kinh tế, kỹ thuật trồng cây Hồi là 500 cây/ha là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.
3. Đối với các sở, ngành chuyên môn và các cơ quan đơn vị
a. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh
- Sớm ban hành hướng dẫn lập hồ sơ, dự toán trồng rừng phòng hộ và trợ cấp gạo thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 3 để có cơ sở xây dựng dự toán triển khai thực hiện. Phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thường xuyên hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị đối với từng sản phẩm chủ lực của từng xã, từng huyện gắn với phát triển sản phẩm OCOP; chú trọng các mô hình sản xuất sử dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, dự án liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo thiết thực, hiệu quả, mang tính bền vững, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún.
- Rà soát, sửa đổi định mức kinh tế kỹ thuật tiêu chuẩn lợn giống nuôi thương phẩm cho phù hợp. Vì tại mục 9, Phụ lục II - định mức chăn nuôi lợn thương phẩm, quy định “Giống lợn nội 07kg/con”, nhưng trên thực tế với định mức lợn tiêu chuẩn lợn giống thương phẩm 07kg/con là rất nhỏ, không đảm tỷ lệ sống; do vậy khó triển khai thực hiện đặc biệt đối với các dự án liên kết chuỗi.
b. Sở Y tế
Ban hành hướng dẫn thực hiện và cung cấp sản phẩm dinh dưỡng cho các huyện, thành phố để thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3; thực hiện mua túi y tế thôn bản. Đồng thời phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về hình thức hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng công thức cho trẻ em dưới 5 tuổi tại các cơ sở giáo dục Mầm non công lập thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 9 Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi, làm cơ sở cho các huyện triển khai thực hiện.
c. Sở Thông tin & Truyền thông
Hướng dẫn thêm nội dung Hỗ trợ điểm bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Tiểu dự án 2, Dự án 10 Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi. Tại Điều 10, Thông tư 03/2023/TTBTT, ngày 30/5/2023 hướng dẫn mua sắm thiết bị đầu tư chỉ mua sắm các thiết bị: Tivi trên 60 inch, bàn phím, tăng âm loa đài, bàn ghế ngồi... do nguồn vốn giao cho các huyện lớn, nếu chỉ mua theo danh mục tại Thông tư quy định thì không sử dụng hết được nguồn kinh phí đã được phân bổ.
d. Sở Giao thông vận tải
Đối với các dự án giao thông thực hiện hai bước, đề nghị Sở Giao thông vận tải chỉ thẩm định bước nghiên cứu báo cáo khả thi (bước 1) theo quy định. Đối với bước thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (bước 2) phân cấp cho các huyện thực hiện để đảm bảo tính chủ động, rút ngắn thời gian và phù hợp với quy định tại Khoản 13 Điều 3 Nghị định 15/2021/NĐ-CP
4. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Tổ chức phát động các phong trào thi đua thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa phương làm cho người dân nhận thức sâu sắc hơn mục đích, yêu cầu của các Chương trình, từ đó tạo sự đồng thuận cao và chủ động trong việc triển khai thực hiện; tiếp tục nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, các mô hình hiệu quả.
- Chủ động phối hợp với các sở ngành trong việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các phòng, ban, các xã và cộng đồng nhằm nâng cao năng lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Hoàn thiện hồ sơ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và quản lý, lưu trữ theo đúng quy định.
- Chỉ đạo UBND cấp xã hoàn thiện kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã trình HĐND cấp xã phê duyệt trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau của cấp xã gửi UBND cấp huyện để tổng hợp (theo đúng quy định tại Điều 7, Nghị định số 27/NĐ-VP ngày 19/4/2022 của Chính phủ).
5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội
Phát huy vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các phong trào thi đua thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương; huy động sự vào cuộc tham gia của xã hội và cộng đồng đối với công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường giám sát và phản biện xã hội trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh; các sở, ngành liên quan; UBND các cấp trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp Báo cáo Hội đồng nhân dân về kết quả thực hiện Nghị quyết này vào Kỳ họp cuối năm 2024.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Hà Giang, Kỳ họp thứ 14 khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.