HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2021/NQ-HĐND |
Cao Bằng, ngày 29 tháng 7 năm 2021 |
XÂY DỰNG KHU VỰC PHÒNG THỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHÓA XVII KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quốc phòng ngày 08 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ;
Căn cứ Thông tư số 41/2020/TT-BQP ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thực hiện một số điều của Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ;
Căn cứ Thông tư số 25/2010/TT-BTC ngày 25/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nội dung chi ngân sách nhà nước cho một số nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ;
Xét Tờ trình số 161/TTr-UBND ngày 14/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ giai đoạn 2021 - 2025, hình thành đầy đủ các thành phần bảo đảm thống nhất trong quy hoạch chung của toàn tỉnh, giữ vững chủ quyền biên giới, bảo vệ vững chắc địa phương trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
b) Mục tiêu cụ thể
Trong giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp bổ sung 3 đến 4 công trình chiến đấu của tỉnh, 2 đến 3 hạng mục công trình trong căn cứ chiến đấu của huyện, thành phố; quy hoạch, xây dựng căn cứ, kho, trạm Hậu cần - Kỹ thuật trong khu vực phòng thủ. Đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, hệ thống điện gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (theo phương án tác chiến). Tổ chức xây dựng một huyện làm điểm về khu vực phòng thủ.
2. Nội dung xây dựng khu vực phòng thủ
a) Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, văn hóa, xã hội
Xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền địa phương; triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, tạo sức mạnh về chính trị, tinh thần, văn hóa, xã hội trong khu vực phòng thủ.
Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; chính sách xã hội đối với thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng và chính sách hậu phương quân đội.
Kết hợp giáo dục, đào tạo với công tác thông tin, tuyên truyền giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh nâng cao dân trí trong khu vực phòng thủ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
b) Xây dựng tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ
Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với xây dựng khu vực phòng thủ đáp ứng yêu cầu củng cố quốc phòng, an ninh; phát triển công nghiệp gắn kết với quy hoạch công nghiệp quốc phòng; sẵn sàng chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ quốc phòng, an ninh; phát triển nông nghiệp đáp ứng nhu cầu khu vực phòng thủ, bảo đảm an ninh lương thực cho nhân dân; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phù hợp tạo thế bố trí lực lượng trong khu vực phòng thủ.
Thực hiện các dự án phát triển và quy hoạch hệ thống đô thị với phát triển mạng lưới giao thông, đa dạng hóa các ngành dịch vụ, thương mại bảo đảm kết hợp phục vụ nhân dân và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên môi trường phải gắn với quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.
Phát huy mọi nguồn lực, thành phần kinh tế trong khu vực phòng thủ, coi trọng xây dựng các công trình đáp ứng phát triển kinh tế xã hội vừa phục vụ nhiệm vụ phòng thủ dân sự khi có tình huống.
Phát triển hệ thống y tế kết hợp quân, dân y ở vùng sâu, vùng xa, các xã, thôn, bản biên giới, chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển sản xuất đồng thời nâng cao trình độ năng lực của các lực lượng để làm chủ khoa học - công nghệ trong khu vực phòng thủ.
c) Xây dựng tiềm lực quân sự, an ninh, đối ngoại
Xây dựng lực lượng bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên vững mạnh về chính trị và tổ chức, nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao.
Xây dựng kế hoạch sẵn sàng huy động phương tiện kỹ thuật bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh; duy trì lượng dự trữ vật chất hậu cần, tiếp nhận vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật đảm bảo cho sẵn sàng chiến đấu theo kế hoạch tác chiến phòng thủ.
Tổ chức xây dựng và bố trí lực lượng trong khu vực phòng thủ theo kế hoạch tác chiến của Bộ Quốc phòng và Quân khu, triển khai xây dựng và bảo vệ các công trình quốc phòng, an ninh, khu quân sự đúng quy định.
Thực hiện đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân ở địa bàn biên giới đúng quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng.
d) Xây dựng các thành phần thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, gồm:
Các thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, khu vực bám trụ bí mật; các xã, phường, thị trấn; các đơn vị kinh tế.
Khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương; căn cứ và phân căn cứ hậu cần, kỹ thuật; khu sơ tán; sở chỉ huy các cấp; các mục tiêu trọng yếu cấp tỉnh, huyện.
Các điểm tựa, cụm điểm tựa, khu vực phòng ngự, khu vực bố trí trận địa chiến đấu và bảo đảm chiến đấu của các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ; khu kinh tế, quốc phòng.
đ) Xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ
Xác định địa điểm, diện tích đất sử dụng, quy mô bố trí các loại công trình theo thành phần thế trận trong khu vực phòng thủ; phương án bố trí tổng thể các công trình quốc phòng khu quân sự và các chỉ giới xây dựng các công trình.
Xây dựng danh mục và dự kiến nguồn vốn cho các dự án đầu tư, lập bản đồ quy hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng các công trình quốc phòng, khu quân sự trong khu vực phòng thủ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các quy định của Nhà nước.
3. Hoạt động trong khu vực phòng thủ
Đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, giám sát của Hội đồng nhân dân, quản lý điều hành của chính quyền trong xây dựng và tổ chức hoạt động. Cơ quan quân sự chủ trì, phối hợp với công an và các ban ngành, đoàn thể ở địa phương làm tham mưu và tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao.
Trong thời bình: Phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống về quốc phòng và an ninh; thực hiện đấu tranh quốc phòng; ngăn ngừa làm thất bại âm mưu và hoạt động “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động; xây dựng, hoàn chỉnh, bổ sung các phương án tác chiến, kế hoạch hoạt động của các lực lượng trong khu vực phòng thủ.
Trong thời chiến: Hoạt động tác chiến với sự tham gia của toàn dân đánh giặc, nòng cốt là lực lượng vũ trang địa phương, nhằm bảo vệ vững chắc mục tiêu trọng yếu trong khu vực phòng thủ.
4. Giải pháp
a) Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn tỉnh.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân.
c) Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh, tạo nguồn lực xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình gắn với quy hoạch thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.
d) Phát huy vai trò làm tham mưu của cơ quan quân sự; các ban ngành, đoàn thể của địa phương xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn ngày càng vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
đ) Quán triệt, triển khai đồng bộ, thống nhất các nội dung xây dựng khu vực phòng thủ. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.
5. Ngân sách đảm bảo
Kinh phí thực hiện xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ tỉnh do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán hàng năm theo quy định của pháp luật và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án chi tiết thực hiện Nghị quyết này bảo đảm đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XVII, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 29 tháng 7 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 09 tháng 8 năm 2021./.
|
CHỦ
TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.