QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 51/2010/QH12 |
Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2010 |
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Trên cơ sở xem xét các Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2010
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 được thực hiện trong bối cảnh đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh. Nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đạt được phần lớn các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Tổng thể vĩ mô nhìn chung ổn định, kinh tế phục hồi khá nhanh, tăng trưởng kinh tế (GDP) ước đạt 6,7%, xuất khẩu ước tăng 19,1% cao hơn 3 lần so với kế hoạch; an sinh và phúc lợi xã hội được chăm lo tốt hơn; quốc phòng và an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Kết quả của năm 2010 đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục. Kinh tế tăng trưởng nhưng thiếu tính bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; cơ sở hạ tầng còn yếu kém; hiệu quả đầu tư thấp; nhập siêu còn lớn; bội chi ngân sách cao; tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại; một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết; tình trạng ô nhiễm môi trường còn nghiêm trọng. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn…
II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2011
1. Mục tiêu tổng quát
Tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; tiếp tục củng cố quốc phòng; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
a) Các chỉ tiêu kinh tế:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7-7,5% so với năm 2010.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2010. Nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu.
- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP.
- Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%.
b) Các chỉ tiêu xã hội:
- Tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 6,5%; trung cấp chuyên nghiệp tăng 10%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 16,5%.
- Mức giảm tỷ lệ sinh 0,2‰.
- Tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới; riêng 62 huyện nghèo giảm 4%.
- 4% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới.
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống 17,3%.
- Số giường bệnh trên 1 vạn dân: 21 giường (không bao gồm giường bệnh của trạm y tế cấp xã).
- Diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đầu người: 19m2.
c) Các chỉ tiêu môi trường:
- Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh: 86%.
- Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch: 78%.
- Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý: 69%.
- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý: 82%.
- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 55%.
- Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 83%
- Tỷ lệ che phủ rừng: 40%.
III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHÍNH
Quốc gia cơ bản tán thành các nhóm nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình, kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong các báo cáo thẩm tra, báo cáo giám sát chuyên đề. Năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, có vị trí quan trọng trong việc triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, Quốc hội yêu cầu tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chính dưới đây:
Áp dụng các biện pháp để tăng mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn, nhất là hàng tiêu dùng cao cấp đắt tiền, gắn với đẩy mạnh sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu để giảm nhập siêu. Bảo đảm các cân đối lớn, như cân đối cung cấp hàng hóa gắn với định hướng tiêu dùng, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư; cân đối ngoại tệ quốc gia, thu chi ngân sách…
Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; tăng tổng phương tiện thanh toán phù hợp với các chỉ tiêu vĩ mô; điều chỉnh lãi suất phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường, góp phần vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa kiềm chế lạm phát.
Có biện pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng và việc lưu hành ngoại tệ. Chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước đang quản lý như điện, than, các dịch vụ công như y tế, giáo dục,… theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách hỗ trợ đối với người có công, các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo. Đẩy mạnh các biện pháp quản lý thị trường; phát triển, hoàn thiện hệ thống phân phối, nhất là một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, sữa, thuốc chữa bệnh.
Chú trọng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nợ công và cơ cấu nợ công nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Từng bước giảm tỷ lệ huy động vào ngân sách so với GDP, đồng thời với việc áp dụng quyết liệt các biện pháp chống thất thu. Tiếp tục đổi mới chính sách và cơ cấu chi ngân sách nhà nước, bảo đảm chi đúng mục đích, có hiệu quả, tiết kiệm và chống lãng phí.
Tập trung vốn Nhà nước để đầu tư đồng bộ các công trình, dự án trọng yếu, có hiệu quả cao về kinh tế - xã hội. Thực hiện phân cấp mạnh cho các địa phương đi đôi với tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp trên. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án hỗ trợ có mục tiêu, tập trung đầu mối quản lý để khắc phục tình trạng phân tán nguồn vốn và đầu tư dàn trải. Có biện pháp thật cụ thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy điện, thực hiện kiên quyết và có hiệu quả việc tiết kiệm điện cả trong sản xuất và tiêu dùng, phấn đấu bảo đảm cung ứng đủ điện cho yêu cầu sản xuất và sinh hoạt.
Điều chỉnh cơ cấu ngành công nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng, sớm ban hành và triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển các ngành sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu. Đổi mới cơ cấu và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư vào những ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, ít tiêu tốn năng lượng và ảnh hưởng đến môi trường, có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu.
Ban hành các cơ chế, chính sách và có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo bước chuyển biến mang tính đột phá về cơ sở hạ tầng. Tăng vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tương xứng với vai trò quan trọng, vị trí chiến lược của khu vực này. Tiếp tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kho dự trữ một số hàng hóa nông sản chủ lực, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa đi đôi với phát triển công nghiệp chế biến. Có chính sách hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm đối với những sản phẩm có sản lượng lớn, liên quan nhiều đến sản xuất và đời sống của đông đảo nông dân.
Coi trọng đầu tư phát triển các vùng kinh tế động lực, kinh tế ven biển và các khu kinh tế. Nâng cao chất lượng các quy hoạch và quản lý phát triển theo quy hoạch, bảo đảm yêu cầu liên thông giữa các ngành, các vùng. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, trước hết tập trung vào những ngành đang mất cân đối (như năng lượng), lĩnh vực đang có dấu hiệu cung vượt cầu (như sắt thép, xi măng…), bảo đảm cân đối và liên thông giữa kế hoạch đầu tư và vốn đầu tư, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài quy hoạch.
Cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, trước hết tập trung củng cố, tăng cường năng lực và sự phát triển bền vững của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trên cơ sở rà soát, đánh giá kỹ, chấn chỉnh, sắp xếp lại một cách căn bản; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tập đoàn, tổng công ty, đi đôi với hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và người đứng đầu. Tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước phải tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh chính; thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính và thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc. Kiên quyết tách biệt chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, phát triển mạnh các loại hình kinh tế ngoài nhà nước. Tạo môi trường bình đẳng về pháp luật và trên thực tế giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội và mức độ tiếp cận của các doanh nghiệp đối với các nguồn lực, nhất là đất đai, vốn tín dụng đầu tư. Có cơ chế, chính sách, tạo sự phát triển có hiệu quả, bền vững các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo điều kiện phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác.
Coi trọng kiểm tra, giám sát để các chính sách phúc lợi, an sinh xã hội đã ban hành áp dụng đúng đối tượng thụ hưởng. Ban hành chuẩn nghèo quốc gia mới, thực hiện lồng ghép các chương trình giảm nghèo. Tập trung các biện pháp giảm nghèo tại các địa phương, các vùng có tỷ lệ hộ nghèo và số hộ cận nghèo cao, bảo đảm giảm nghèo, thoát nghèo bền vững.
Có lộ trình và biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh, đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa chữa trị bệnh hiểm nghèo; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả các dịch bệnh. Mở rộng việc áp dụng chế độ luân phiên cán bộ y tế giúp tuyến dưới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tăng cường công tác dân số ở cơ sở. Quản lý chặt chẽ chất lượng và việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khám chữa bệnh tư nhân, thị trường thuốc chữa bệnh; tăng khả năng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống nghiện ma túy, nhiễm HIV.
Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện và triển khai thực hiện đúng pháp luật và chính sách đối với người có công, các đối tượng chính sách xã hội.
Xây dựng và thực hiện hệ thống giải pháp đồng bộ, hữu hiệu khắc phục tình trạng bạo lực, tệ nạn xã hội đang có xu hướng diễn biến phức tạp; thực hiện các biện pháp kiên quyết giảm tai nạn giao thông.
Tăng đầu tư vào lĩnh vực môi trường, phòng chống ô nhiễm không khí, nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở nghiên cứu, dự thảo về biến đổi khí hậu; đầu tư tương xứng cho việc khắc phục hậu quả và công tác phòng, chống thiên tai. Kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật về môi trường. Kiên quyết không cấp phép cho các dự án đầu tư mới không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Đổi mới và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề nhằm tăng cường đội ngũ lao động có đào tạo cả về quy mô và chất lượng; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo; phát triển hình thức đào tạo thông qua hợp đồng đào tạo; điều chỉnh cơ cấu đào tạo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai xây dựng và thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao kỹ năng thực hành, năng lực sáng tạo đáp ứng yêu cầu của các ngành, các địa bàn kinh tế trọng điểm, quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Coi trọng giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục trách nhiệm công dân, tăng khả năng thực hành của học sinh. Xây dựng văn hóa trường học; đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình kiên cố hóa trường, lớp học. Hoàn thiện và triển khai quy định của pháp luật về phát triển giáo dục mầm non. Ban hành và áp dụng đồng bộ các chính sách nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ phát triển giáo dục phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
5. Củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Ưu tiên nguồn lực cho bảo đảm, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo của Việt Nam. Chủ động phát hiện, ngăn chặn mọi âm mưu chống phá, gây bạo loạn của các thế lực thù địch, bảo đảm sự ổn định, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là trên các địa bàn trọng điểm. Khắc phục những hạn chế trong hoạt động tư pháp; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức; xử lý kiên quyết hành vi chống người thi hành công vụ. Thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em; nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Sớm sửa đổi, bổ sung quy định về hợp tác, đầu tư, liên doanh trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài thuộc nhóm lĩnh vực có điều kiện. Thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, liên doanh các dự án trồng rừng có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh; giao đất trồng rừng tại các khu vực này cho nhân dân hoặc các đơn vị của quân đội thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Mở rộng quan hệ đối thoại và tăng cường hợp tác quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển và bảo vệ đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, thực hiện tốt các cam kết quốc tế. Phát huy vai trò và huy động các nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về phát triển đất nước.
6. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí
Chỉ đạo quyết liệt hơn chương trình cải cách thủ tục hành chính theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, đồng thời kiểm soát chặt chẽ những thủ tục mới phát sinh, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân và doanh nghiệp, vừa bảo đảm yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước. Tăng cường kỷ luật hành chính, kỷ luật công vụ và đặc biệt là đề cao chế độ trách nhiệm cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội và Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 ngày 16/1/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đến khi Quốc hội có Nghị quyết mới về vấn đề này.
Rà soát, điều chỉnh quy định về phân cấp, phân công quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương, giữa các Bộ ngành, bảo đảm trong từng lĩnh vực có cơ quan chịu trách nhiệm chính, có sự phân công chủ trì, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan hữu quan. Nâng cao năng lực, hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan trung ương, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, đầu tư công, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và hiệu lực, hiệu quả của hệ thống quản lý hành chính nhà nước. Áp dụng đồng bộ các biện pháp mạnh để phòng, chống quan liêu, tham nhũng một cách có hiệu quả hơn.
Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thành thói quen, nếp sống của mỗi công dân và cả cộng đồng.
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao Nghị quyết của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật giám sát và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, Kỳ họp thứ tám thông qua ngày 8 tháng 11 năm 2010.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.