HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2005/NQ-HĐND .K7 |
Thị xã Cao Lãnh, ngày 16 tháng 12 năm 2005 |
VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ 5 NĂM 2006-2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11năm 2003;
Sau khi xem xét, thảo luận dân chủ, tập trung trí tuệ và trách nhiệm cao, các Báo cáo của Ủy ban nhân dân Tỉnh và Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân Tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2006-2010, Hội đồng nhân dân Tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 5 năm 2001-2005 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2006-2010, đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung cơ bản sau đây:
1. Về kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2001-2005.
Năm năm qua, mặc dù diễn biến tình hình có mặt không được thuận lợi, đặc biệt là thiên tai, lũ lụt 3 năm liền (2000-2002), tiếp đến là khô hạn xuất hiện trên diện rộng, dịch cúm gia cầm bùng phát trong phạm vi toàn Tỉnh, giá cả một số mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao..., nhưng với tinh thần phấn đấu vươn lên của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân trong Tỉnh, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ có hiệu quả của Trung ương, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế của Tỉnh đã vượt qua thời kỳ suy giảm về tốc độ tăng trưởng, nâng dần mức phát triển năm sau cao hơn năm trước, bình quân 5 năm 2001-2005 tăng 9,93%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra là tăng 8,5%/năm; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp từng bước đi vào chiều sâu, góp phần đưa giá trị tăng thêm toàn khu vực nông - lâm - thủy sản vượt chỉ tiêu kế hoạch nhiều năm liền; sản lượng lúa hàng năm vượt mục
tiêu 2 triệu tấn; chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dịch vụ và dân sinh được tăng cường; phát triển đô thị đạt kết quả bước đầu quan trọng. Thương mại, dịch vụ chuyển biến tích cực. Huy động vốn đầu tư đạt khá. Thu ngân sách ngày càng tăng. Hầu hết các lĩnh vực văn hóa, xã hội có tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại với tỉnh Prây-veng (Campuchia) không ngừng được củng cố, phát triển.
Bên những kết quả đạt được, cũng còn một số mặt hạn chế như: cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; công nghiệp dân doanh, hoạt động dịch vụ phát triển còn thấp so với yêu cầu; huy động vốn đầu tư đạt thấp so với kế hoạch; cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ. Kinh tế tuy phát triển khá, nhưng đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng biên giới vẫn còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với mặt bằng chung của vùng và cả nước; cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành giáo dục thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục; chất lượng nguồn nhân lực kém. Tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm, tai nạn và tệ nạn xã hội tuy được kềm chế nhưng chưa đạt yêu cầu. Tinh thần, thái độ phục vụ công dân của một số cán bộ, công chức chuyển biến còn chậm so với yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới.
2. Về phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2006-2010.
a- Tập trung thực hiện đạt mục tiêu tổng quát: chủ động đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, cải thiện và nâng cao mức sống người dân; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội và hệ thống an sinh xã hội; tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tiếp theo (2011-2020).
b- Lĩnh vực ưu tiên đầu tư nhằm tạo sự phát triển đột phá trong 5 năm tới là công nghiệp, xây dựng và phát triển đô thị.
c- Phấn đấu đến năm 2010 thực hiện hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu như sau:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 14,5%/năm; trong đó khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 6,65%/năm, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 30,0%/năm, khu vực thương mại - dịch vụ tăng 17,5%/năm. Giá trị tổng sản phẩm nội Tỉnh (GDP) gấp 3,16 lần năm 2000; GDP bình quân đầu người đạt 768 USD (giá cố định năm 1994).
- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 40,5%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,8%, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 30,7% tổng giá trị GDP toàn Tỉnh (tính theo giá cố định 1994).
- Hàng năm huy động ngân sách đạt 12-13% GDP.
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD (bình quân tăng 17,95%/năm); trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 180 triệu USD (bình quân tăng 26,18%/năm).
- Sản lượng lúa hàng năm ổn định ở mức trên 2 triệu tấn.
- Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 280 ngàn tấn.
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,05%.
- Giải quyết việc làm hàng năm cho 40.000 người, trong đó xuất khẩu lao động 2.000 người.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%, bình quân giảm từ 1,5 - 2%/năm. Tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm còn 2,5%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 26,6%; số sinh viên đại học, cao đẳng/1 vạn dân đạt 170 người. Hàng năm, huy động 90% học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi và 50% học sinh trung học phổ thông trong độ tuổi đến lớp.
- Tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia trên 75%; số giường bệnh so với một vạn dân đạt 19,4 giường; số bác sĩ, dược sĩ/1 vạn dân đạt 5,5 người; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn dưới 20%.
- Có 85% hộ gia đình; 85% khóm, ấp; 30% xã, phường, thị trấn và 85% công sở đạt tiêu chuẩn văn hóa.
- Tỷ lệ hộ dân nông thôn dùng nước sạch đạt 85%.
- Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 95%; cơ cấu tiêu thụ điện năng đạt: điện phục vụ sản xuất, dịch vụ chiếm 63,6%, điện sinh hoạt chiếm 33,57%, điện phục vụ các hoạt động khác chiếm 2,83%.
- Số máy điện thoại/100 dân đạt 11,96 máy.
- Hoàn thành xây dựng 2.250 căn, sửa chữa 600 căn nhà tình nghĩa.
- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 28,3%. Nâng thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười) và thị trấn Lấp Vò (huyện Lấp Vò) lên đô thị loại IV.
d. Một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung.
- Thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm góp phần tạo sự chuyển biến mạnh về tốc độ tăng trưởng kinh tế ngay từ những năm đầu của kế hoạch.
- Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho yêu cầu phát triển sản xuất, dịch vụ, dân sinh và đảm bảo quốc phòng - an ninh.
- Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; bảo vệ
môi trường; chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới an sinh xã hội, nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
- Tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục; thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; cải thiện và nâng cao mức sống các tầng lớp nhân dân; tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, phát triển đa dạng các loại hình văn hóa, nghệ thuật; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; giảm tỷ lệ tăng dân số, giảm các loại tai nạn và tệ nạn xã hội.
- Đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, phát huy dân chủ cơ sở.
- Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tiếp tục củng cố, mở rộng mối quan hệ đối ngoại với tỉnh Prây-veng (Vương quốc Campuchia) trên tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
e. Một số giải pháp và chính sách chủ yếu thực hiện Kế hoạch.
Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung một số giải pháp trọng yếu sau đây:
- Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Chú trọng việc nâng cao trình độ dân trí, chất lượng học tập, đặc biệt là ở cấp tiểu học; đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục trung học cơ sở để tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức tham gia vào lĩnh vực học nghề. Nâng cao năng lực đào tạo của các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn Tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp lên trường đại học đa ngành, Trường Trung học Y tế lên Trường Cao đẳng Y tế, Trường Dạy nghề lên Trường Cao đẳng Dạy nghề, nâng hai trung tâm hướng nghiệp - kỹ thuật lên trường trung cấp nghề, xây dựng mỗi huyện, thị một trung tâm dạy nghề; hình thành các trạm, trung tâm nghiên cứu đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống. Tăng cường đào tạo lực lượng cán bộ khoa học và cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Cùng với đào tạo ở trong nước, có kế hoạch thực hiện theo Chương trình Mê-Kông 1.000 (cử 100 người đi đào tạo trình độ sau đại học ở nước ngoài).
- Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đi đôi với nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.
Tích cực và chủ động tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để huy động cao nhất các nguồn vốn cho đầu tư phát triển thông qua đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị tốt về mặt bằng, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với không ngừng cải tiến môi trường đầu tư... Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng đầu tư.
- Tiếp tục đổi mới công tác kế hoạch hóa vốn đầu tư; xác định, lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư từng công trình và chọn thời điểm đầu tư phù hợp, đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất. Trên cơ sở chọn lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và phát triển đô thị làm khâu đột phá, trong hai năm đầu cần tập trung nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực kinh tế , đặc biệt là tập trung đầu tư cho hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, thủy lợi. Bên cạnh đó, dành nguồn vốn thích hợp với tỷ lệ tăng dần trong những năm về sau để đầu tư các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững.
- Hoàn thiện và tăng cường năng lực hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường tại địa phương. Tăng cường lồng ghép các nội dung quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường vào qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực cho công tác tài nguyên và môi trường.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, du lịch và vận động đầu tư.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm xúc tiến thương mại, du lịch và
vận động đầu tư. Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thật cụ thể cho từng giai đoạn, đồng thời triển khai thực hiện với quyết tâm cao. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa.
- Nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; tiếp tục cải tiến mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành và cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các thành phần kinh tế an tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức vững về chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện rà soát bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục hoàn thiện công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đổi mới hoạt động kinh tế hợp tác và hợp tác xã; khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xã hội.
Khẩn trương cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện xã hội hóa các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, văn hóa, thể dục thể thao.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân Tỉnh tiếp thu, nghiên cứu những kiến nghị của các Ban Hội đồng nhân dân Tỉnh và ý kiến tham gia của các Đại biểu Hộ đồng nhân dân Tỉnh trong thảo luận ở tổ và trên hội trường, bổ sung, hoàn chỉnh Báo cáo; khẩn trương cụ thể hóa thành những chương trình, kế hoạch, giải pháp điều hành khả thi, sát thực tiễn, đồng thời tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao, nhằm đảm bảo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2006-2010 đã được Hội đồng nhân dân Tỉnh thông qua tại kỳ họp này.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các Đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Tỉnh khóa VII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2005./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.