HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46/NQ-HĐND |
Hải Dương, ngày 08 tháng 12 năm 2021 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Xét Báo cáo số 148/BC-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh với những nội dung cụ thể như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021
1. Năm 2021, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và sự điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, đảm bảo sức khỏe nhân dân; vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 đạt được những kết quả tích cực, về cơ bản đã đạt được các mục tiêu tổng quát và tăng tốc phát triển ở những tháng cuối năm để hoàn thành và hoàn thành vượt mức 11/14 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kết quả chủ yếu như sau:
(1) Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,6% (kế hoạch năm 8%).
(2) Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá năm 2010) ước đạt 20.717 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2020; giá trị sản phẩm thu hoạch/1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ước đạt 180,4 triệu đồng/ha.
(3) Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: 178/178 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; trong đó 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; cấp tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận tỉnh nông thôn mới.
(4) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 19.290 tỷ đồng, vượt 48,4% dự toán năm; trong đó thu nội địa đạt 16.703 tỷ đồng, bằng 151,9% dự toán, tăng 14% so với năm 2020.
(5) Hoạt động ngân hàng tiếp tục đảm bảo ổn định, hiệu quả. Dư nợ tín dụng ước đạt 104.000 tỷ đồng. Tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
(6) Hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ được đẩy mạnh, nhiều giải pháp công nghệ đã được triển khai hiệu quả.
(7) Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được giữ vững, cơ bản đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm học; chất lượng học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc, xếp thứ 5 toàn quốc.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt được kết quả tích cực. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh.
(8) Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Huy động được nhiều nguồn lực của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được chú trọng. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
(9) Đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
(10) Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương.
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế, yếu kém cơ bản, đó là:
(1) Hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đứng trước nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhất là về giá nguyên vật liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ sản phẩm, thu hút và giữ chân lao động, vốn sản xuất...
(2) Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 63% so với năm 2020; chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trình tự, thủ tục đầu tư ở một số khâu vẫn còn vướng mắc, thực hiện chậm so với yêu cầu “tăng tốc”. Công tác cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến nhưng chưa mạnh mẽ, chưa thực sự thông thoáng; môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự được cải thiện. Giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn làm chậm tiến độ triển khai một số dự án.
(3) Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực hiệu quả, hiệu lực chưa cao, còn xảy ra nhiều vi phạm như: quản lý nước thải ở các cụm công nghiệp, quản lý khai thác than, khai thác cát sỏi lòng sông, quản lý an toàn hành lang giao thông, hành lang lưới điện; nghiệm thu, bàn giao một số dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị còn chậm, kéo dài.
(4) Tiến độ lập và trình phê duyệt của một số Chương trình, Đề án chưa bảo đảm yêu cầu về thời gian. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tiến độ.
(5) Cơ sở vật chất ở một số trường học xuống cấp; đồ dùng, trang thiết bị dạy học hiện đại còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cơ bản thiếu và không đồng bộ. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa ở một số địa phương còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao.
(6) Một số cuộc thanh tra kéo dài thời gian so với quy định; việc đôn đốc, thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra đạt tỷ lệ chưa cao. Xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo có vụ việc còn chưa chính xác, giải quyết chưa đúng quy định, chất lượng chưa cao. Hoạt động của một số loại tội phạm còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội.
II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022
1. Mục tiêu
Chủ động thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, tạo bứt phá về tăng trưởng kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Quyết liệt thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy nhanh chuyển đổi số, hình thành, phát triển kinh tế số, chính quyền số. Quan tâm phát triển văn hóa và lĩnh vực xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế. Xây dựng củng cố quốc phòng, quân sự địa phương và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chủ đề năm 2022 của tỉnh là “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2022
(1) Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 10%.
(2) Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với GRDP đạt 35%.
(3) Thu ngân sách nội địa phấn đấu tăng 10% so với dự toán năm.
(4) Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 185 triệu đồng.
(5). Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đến cuối năm đạt 6,2%.
(6) Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 15%.
(7) Tỷ lệ đô thị hóa đạt 35%.
(8) Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ đạt 28,3%.
(9) Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có bảo hiểm đạt 45%.
(10) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92%.
(11) Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia: Mầm non 68,8%; Tiểu học 96%; THCS 90%; THPT 64%.
(12) Cuối năm 2022 đạt 33 giường bệnh/10.000 dân (không tính trạm y tế xã); đạt 9,6 bác sỹ/10.000 dân.
(13) Tỷ lệ làng, khu dân cư văn hóa đạt 92%; Tỷ lệ cơ quan văn hóa đạt 86%.
(14) Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,75% (theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025).
(15) Tỷ lệ các cụm công nghiệp (có chủ đầu tư hạ tầng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%.
(16) Tỷ lệ các doanh nghiệp thuộc đối tượng được phê duyệt đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường đạt 90%.
3. Nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực
(1) Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tập trung bao phủ vắc xin cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp kiểm soát dịch bệnh; linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, giáo dục - đào tạo và các hoạt động xã hội trong bối cảnh thích ứng với dịch bệnh.
(2) Tiếp tục xây dựng và lập kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt. Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch vùng công nghiệp động lực, báo cáo các Bộ, cơ quan Trung ương thẩm định, trình, phê duyệt thành lập khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh.
(3) Tổ chức rà soát, khoanh vùng sản xuất lúa 2 vụ gắn với chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau màu có giá trị kinh tế cao; Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp phục vụ chế biến xuất khẩu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng quy mô sản xuất theo quy trình GAP.
Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Đề án mỗi xã một sản phẩm (Đề án OCOP); Đề án Phát triển diện tích cấy lúa bằng máy giai đoạn 2020-2025. Xây dựng Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp; Kế hoạch thực hiện Đề án trồng 01 tỷ cây xanh của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
(4) Quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu PCI tăng tối thiểu 05 bậc so với năm 2021. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, uy tín cao. Tăng cường công tác quản lý đầu tư các dự án, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, để xử lý theo quy định của pháp luật. Tập trung khắc phục điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng. Tổ chức triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phát triển giao thông vận tải theo chương trình, nội dung thống nhất với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
(5) Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách, khai thác dư địa các nguồn thu, nhất là nguồn thu trong lĩnh vực xây dựng, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, vật liệu san lấp… Đưa Quỹ phát triển đất vào hoạt động có hiệu quả. Đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất và tiến hành đấu giá một số cơ sở nhà đất do nhà nước quản lý để tăng thu ngân sách dành cho đầu tư phát triển.
Điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách tỉnh và tính chủ động của ngân sách các cấp.
Tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo năm 2022 giải ngân 100% kế hoạch vốn giao của các cấp ngân sách.
(6) Tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; dùng chuyển đổi số làm nền tảng và đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khẩn trương triển khai hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030. Rà soát nhu cầu sử dụng đất dành cho phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần triển khai thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất 2021-2030. Hướng dẫn, đôn đốc hoàn thiện việc xây dựng, điều chỉnh quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị.
Tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả Đề án thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục triển khai lắp đặt các trạm quan trắc tự động môi trường xung quanh theo phân kỳ đầu tư.
(7) Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện những trường đã đạt chuẩn và đẩy mạnh việc xây dựng trường chuẩn mới, các cơ sở giáo dục; đặc biệt quan tâm giải quyết tiêu chí khó khăn về cơ sở vật chất cho các trường học và tiêu chuẩn giáo viên theo Luật Giáo dục năm 2019.
(8) Đẩy mạnh thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816; Đề án khám chữa bệnh từ xa, tăng cường chuyển giao cho tuyến dưới và tiếp nhận kỹ thuật của tuyến trên. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện. Củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các bệnh viện đã xuống cấp nghiêm trọng; đầu tư trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
(9) Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn về lĩnh vực báo chí. Tổ chức lễ hội mùa Xuân, mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022. Tiếp tục phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang xây dựng và hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang) là di sản thế giới. Xây dựng 02 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với hiện vật Mộc bản chùa Trăm gian và hệ thống tượng chùa Côn Sơn. Kết nối tuyến du lịch nội địa, quốc tế với các tỉnh lân cận có sản phẩm đặc thù tương tự hoặc gần nhau về mặt địa lý như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… Chuẩn bị kế hoạch đăng cai tổ chức môn Bóng bàn trong chương trình SEA Games 31 tại Hải Dương.
(10) Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; cơ cấu mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo ngành nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao; tăng tần suất và nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và có giải pháp hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở cho người có công với cách mạng theo quy định. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, chính sách trợ giúp xã hội, công tác bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới.
(11) Thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính có liên quan.
Hoàn thành tốt kế hoạch huấn luyện, chiến đấu, diễn tập. Tăng cường khả năng ứng cứu trong công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tình hình, nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới, gắn với hướng dẫn đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tập trung đấu tranh quyết liệt, tấn công trấn áp, triệt xóa các băng, nhóm và các loại tội phạm; đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy.
(12) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021- 2025; tăng cường triển khai thủ tục hành chính lên dịch vụ công mức độ 4. Tăng cường kiểm tra đôn đốc sắp xếp thực hiện giảm số lượng cấp phó phòng theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP ; sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW. Hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động theo đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2021./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.