HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2022/NQ-HĐND |
Vĩnh Long, ngày 14 tháng 12 năm 2022 |
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ GIAI ĐOẠN 2022-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01 tháng 12 năm 2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030.
Xét Tờ trình số 238/TTr-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
4. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long Khóa X, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 24 tháng 12 năm 2022.
|
CHỦ TỊCH |
QUY ĐỊNH
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2022 - 2030
(Kèm theo Nghị quyết số 45/2022/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2022
của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-TU/NQ ngày 01 tháng 12 năm 2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Liên hiệp Hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản, thủy sản.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện chính sách.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ
1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ sau đầu tư, khi các ứng dụng công nghệ cao đã được đầu tư hoàn thành, ứng dụng vào sản xuất và có sản phẩm được hình thành hoặc thu hoạch (hỗ trợ sau đầu tư).
2. Hỗ trợ thông qua kế hoạch hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Trong cùng một thời điểm, một nội dung có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau, đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cao nhất. Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ từ chính sách này một lần. Trong cùng một nội dung hỗ trợ, nếu đã được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thì không được hưởng hỗ trợ của ngân sách tỉnh.
Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách
Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được chi từ nguồn ngân sách tỉnh.
Chương II
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Điều 5. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt
1. Đối tượng hỗ trợ: Liên hiệp Hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, cơ sở trồng trọt.
2. Điều kiện hỗ trợ: Phải có đủ các điều kiện sau:
a) Có sản xuất các nông sản trồng trọt chủ lực và tiềm năng của tỉnh như: lúa, khoai lang, bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh, cam Sành; nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, dừa, mít; rau củ quả thực phẩm.
b) Có tổng quy mô từ 30 ha trở lên đối với vùng cây ăn quả; quy mô 20 ha đối với vùng sản xuất rau củ quả thực phẩm; từ 50 ha trở lên đối với lúa.
c) Có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ hoặc có phương án tiêu thụ.
d) Có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trồng trọt thuộc Phụ lục các loại công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp cần phổ biến, nhân rộng trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quy định này.
đ) Có đăng ký kế hoạch thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phê duyệt kế hoạch.
3. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 lần (01 vụ) 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình (giống; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Hỗ trợ tối đa không quá 01 tỷ đồng/01 cơ sở sản xuất; hỗ trợ theo định mức kinh tế kỹ thuật được Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tại Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2021 về quy định về định mức kinh tế kỹ thuật mô hình khuyến nông áp dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Điều 6. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi heo
1. Đối tượng hỗ trợ: Liên hiệp Hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, cơ sở chăn nuôi.
2. Điều kiện hỗ trợ: Phải có đủ các điều kiện sau:
a) Có chăn nuôi heo với quy mô tổng đàn ổn định trong 12 tháng gần nhất từ 500 heo thịt hoặc 200 heo cái giống hoặc 300 heo thịt và 50 heo cái giống trở lên;
b) Có ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi thuộc Phụ lục các loại công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp cần phổ biến, nhân rộng trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quy định này.
c) Địa điểm chăn nuôi nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi được quy định tại Điều 3 của Quy định Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
d) Phải có kê khai hoạt động chăn nuôi với Ủy ban nhân dân xã, đảm bảo tuân thủ đúng các hướng dẫn chăn nuôi theo quy định; có Giấy phép môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp.
đ) Có đăng ký với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố về kế hoạch đầu tư chuồng trại và được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phê duyệt kế hoạch.
e) Hệ thống chuồng trại đã được đưa vào phục vụ sản xuất.
3. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 lần 30% tổng kinh phí đầu tư hệ thống chuồng lạnh khép kín để chăn nuôi heo có áp dụng hệ thống xử lý môi trường, biogas; hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/chuồng lạnh. Hỗ trợ tối đa không quá 01 tỷ đồng/cơ sở.
Điều 7. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò
1. Đối tượng hỗ trợ: Liên hiệp Hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, cơ sở chăn nuôi.
2. Điều kiện hỗ trợ: Phải có đủ các điều kiện sau:
a) Có chăn nuôi bò với quy mô tổng đàn ổn định trong 12 tháng gần nhất từ 250 con bò hoặc 150 bò thịt và 50 bò cái giống trở lên;
b) Có ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi thuộc Phụ lục các loại công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp cần phổ biến, nhân rộng trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quy định này.
c) Địa điểm chăn nuôi nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi được quy định tại Điều 3 Quy định Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long.
d) Phải có kê khai hoạt động chăn nuôi với Ủy ban nhân dân xã; đảm bảo tuân thủ đúng các hướng dẫn chăn nuôi theo quy định; có Giấy phép môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp.
đ) Có đăng ký với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố về kế hoạch đầu tư chuồng trại và được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phê duyệt kế hoạch.
e) Hệ thống chuồng trại đã được đưa vào phục vụ sản xuất.
3. Mức hỗ trợ: hỗ trợ 01 lần 30% tổng kinh phí đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi bò có áp dụng công nghệ cao và có hệ thống xử lý môi trường, biogas. Hỗ trợ tối đa không quá 03 tỷ đồng/cơ sở.
Điều 8. Hỗ trợ nhà lưới, nhà màng ứng dụng công nghệ cao
1. Đối tượng hỗ trợ: Liên hiệp Hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, cơ sở trồng trọt.
2. Điều kiện hỗ trợ: Phải có đủ các điều kiện sau:
a) Có kế hoạch đầu tư nhà lưới, nhà màng phục vụ sản xuất có ứng dụng một hoặc nhiều công nghệ cao như: cơ giới hóa, tự động hóa, sản xuất thủy canh, khí canh, trồng trên giá, trồng trên đất theo hướng GAP được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phê duyệt hỗ trợ.
b) Quy mô đề nghị hỗ trợ tối thiểu 5.000m2 nhà lưới.
c) Nhà lưới, nhà màng đã được đưa vào phục vụ sản xuất.
3. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 lần 30% chi phí xây dựng nhà lưới, nhà màng áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, sản xuất thủy canh, khí canh, trồng trên giá thể, trồng trên đất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất rau, củ, quả, nấm, hoa, sản xuất cây giống; tổng hỗ trợ tối đa không quá 01 tỷ đồng/cơ sở.
Điều 9. Hỗ trợ chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản
1. Hỗ trợ chế biến nông sản, thủy sản:
a) Đối tượng hỗ trợ: Liên hiệp Hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các cá nhân có hoạt động chế biến nông sản, thủy sản.
b) Điều kiện hỗ trợ: Phải có đủ các điều kiện sau:
b1) Có sản phẩm đạt tiêu chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ 3 sao trở lên.
b2) Có áp dụng công nghệ chế biến thuộc Phụ lục các loại công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp cần phổ biến, nhân rộng trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quy định này.
b3) Có hoạt động, sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản sản xuất tại địa phương.
b4) Tổng chi phí đầu tư xây dựng mới hoặc tổng giá trị mua sắm mới trang thiết bị có giá trị từ 05 tỷ đồng trở lên.
b5) Có kế hoạch đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở chế biến nông sản, thủy sản được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thống nhất đề nghị hỗ trợ (bao gồm thẩm định nội dung và thẩm định công nghệ).
2. Hỗ trợ kho lạnh bảo quản nông sản, thủy sản:
a) Đối tượng hỗ trợ: Liên hiệp Hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản cần bảo quản lạnh.
b) Điều kiện hỗ trợ: Phải có đủ các điều kiện sau:
b1) Có áp dụng công nghệ làm lạnh mới thuộc Phụ lục các loại công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp cần phổ biến, nhân rộng trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quy định này.
b2) Có hoạt động sản xuất kinh doanh cần bảo quản lạnh nông sản, thủy sản sản xuất tại địa phương và có sản phẩm đạt tiêu chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ 3 sao trở lên.
b3) Tổng chi phí đầu tư xây dựng mới hoặc tổng giá trị mua sắm mới trang thiết bị có giá trị từ 05 tỷ đồng trở lên.
b4) Có kế hoạch đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản nông sản, thủy sản được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thống nhất đề nghị hỗ trợ (bao gồm thẩm định nội dung và thẩm định công nghệ).
3. Mức hỗ trợ cho các đối tượng ở khoản 1, khoản 2 Điều này: hỗ trợ 01 lần 30% chi phí xây dựng mới hoặc mua sắm mới trang thiết bị chế biến, bảo quản lạnh nông sản, thủy sản. Mức hỗ trợ tối đa không quá 02 tỷ đồng/cơ sở.
Điều 10. Hỗ trợ sử dụng phân hữu cơ (hữu cơ truyền thống, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng)
1. Đối tượng hỗ trợ: Liên hiệp Hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, cơ sở trồng trọt.
2. Điều kiện hỗ trợ: Phải có đủ các điều kiện sau:
a) Có sản xuất các nông sản trồng trọt chủ lực và tiềm năng của tỉnh như: lúa, khoai lang, bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh, cam Sành; nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, dừa, mít; rau củ quả thực phẩm.
b) Quy mô đề nghị hỗ trợ phải đáp ứng tối thiểu 30 ha đối với vùng cây ăn quả; 20 ha đối với vùng sản xuất rau củ quả thực phẩm; 50 ha đối với lúa.
c) Có phương án xây dựng vùng sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phê duyệt phương án.
d) Có triển khai thực tế việc sử dụng phân hữu cơ, có hợp đồng cung ứng phân hữu cơ với đối tác.
3. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ tối đa không quá 02 triệu đồng/ha đối với cây hàng năm và cây lâu năm; không quá 100 triệu đồng/cơ sở/năm và hỗ trợ tối đa không quá 03 năm/cơ sở.
Điều 11. Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản, thủy sản, sản phẩm chế biến từ nông sản, thủy sản
1. Đối tượng hỗ trợ: Liên hiệp Hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản.
2. Điều kiện hỗ trợ: Phải có đủ các điều kiện sau:
a) Có sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản, thủy sản và sản phẩm chế biến từ nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh và đã có nhãn hiệu được đăng ký; có sản phẩm đạt tiêu chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ 3 sao trở lên.
b) Sản phẩm đã được đăng ký thực hiện truy xuất nguồn gốc với các cơ sở chứng nhận truy xuất nguồn gốc; dịch vụ truy xuất nguồn gốc phải tích hợp được vào cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh.
c) Sản phẩm chưa được hỗ trợ in tem truy xuất nguồn gốc, dịch vụ truy xuất nguồn gốc từ ngân sách.
d) Có đăng ký đề nghị hỗ trợ truy xuất nguồn gốc được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chấp thuận.
3. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% chi phí in ấn tem truy xuất nguồn gốc và dịch vụ hỗ trợ truy xuất nguồn gốc năm đầu tiên; hỗ trợ một lần trên một sản phẩm; mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/sản phẩm; chỉ hỗ trợ mỗi đối tượng tối đa 2 sản phẩm.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Tổ chức, cá nhân đáp ứng được các điều kiện theo Quy định này đăng ký nhu cầu hỗ trợ với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nơi đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trình tự, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ trì tổng hợp yêu cầu, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định pháp luật.
3. Khi các văn bản quy định về chế độ, định mức viện dẫn để áp dụng tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản mới thì được áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
PHỤ LỤC
CÁC LOẠI CÔNG NGHỆ CAO ỨNG DỤNG VÀO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CẦN PHỔ BIẾN, NHÂN RỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Công nghệ sinh học, công nghệ viễn thám trong quản lý và phòng trừ dịch sâu, bệnh hại cây trồng.
2. Ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất: thủy canh, khí canh, trồng cây trên giá thể, màng dinh dưỡng.
3. Ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động.
4. Ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động.
5. Ứng dụng công nghệ chiếu xạ, công nghệ xử lý hơi nước nóng, công nghệ xử lý nước nóng, công nghệ sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản nông sản.
6. Ứng dụng công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM, IPHM); công nghệ sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản an toàn theo VietGAP, hữu cơ.
7. Công nghệ tự động hóa trong tưới tiêu, kết hợp dinh dưỡng trong canh tác cây trồng quy mô hàng hóa.
8. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống vật nuôi (heo, bò); công nghệ sản xuất an toàn theo VietGAHP, hữu cơ.
9. Công nghệ tự động hóa, bán tự động trong quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp.
10. Ứng dụng công nghệ chiếu xạ, công nghệ xử lý hơi nước nóng, công nghệ xử lý nước nóng, công nghệ sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản nông sản.
11. Ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản và chế biến nông sản: công nghệ bao gói khí quyển kiểm soát; công nghệ bảo quản lạnh nhanh kết hợp với chất hấp thụ etylen để bảo quản rau, hoa, quả tươi; công nghệ tạo màng trong bảo quản rau, quả, thịt, trứng; công nghệ lên men, công nghệ chế biến sâu, công nghệ sinh và vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học và các chất màu, chất phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông sản.
12. Công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch nông sản.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.