HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/NQ-HĐND |
Thái Bình, ngày 05 tháng 12 năm 2014 |
VỀ VIỆC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG, TÊN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN THỊ TRẤN TIỀN HẢI, HUYỆN TIỀN HẢI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ CHÍN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ;
Sau khi xem xét Tờ trình số 233/TTr-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đặt tên đường, tên phố trên địa bàn thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải; Báo cáo thẩm tra số 79/BC-VHXH ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đặt tên đường, tên phố trên địa bàn thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải. Cụ thể như sau:
1. Đặt tên đường (gồm 08 tuyến đường):
- Đường Nguyễn Quang Bích, đường Hoàng Văn Thái, đường 14/10, đường Nguyễn Công Trứ, đường Vũ Trọng, đường Bùi Viện, đường Ngô Duy Phớn, đường Tạ Xuân Thu.
2. Đặt tên phố (gồm 12 tuyến phố):
- Phố Tiểu Hoàng, phố Hùng Thắng, phố Trần Đức Thịnh, phố Phan Ái, phố Bùi Sính, phố Vũ Nhu, phố Ngô Quang Đoan, phố Chu Đình Ngạn, phố Lương Văn Sảng, phố Nguyễn Trung Khuyến, phố Hoàng Vinh, phố Trần Xuân Sắc.
(Có phụ lục đặt tên đường, tên phố trên địa bàn thị trấn Tiền Hải kèm theo).
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khoá XV, Kỳ họp thứ chín thông qua ngày 05 tháng 12 năm 2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua ./.
|
CHỦ TỊCH |
ĐẶT TÊN ĐƯỜNG, TÊN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN THỊ TRẤN TIỀN HẢI,
HUYỆN TIỀN HẢI
(Kèm theo Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Thái Bình).
I. Đặt tên đường (gồm 08 tuyến đường):
1. Đường Nguyễn Quang Bích (Đoạn trên đường 458):
Điểm đầu: Ngã năm tượng đài, điểm cuối: Cầu Thống Nhất 2 (tiếp giáp địa phận xã Tây Lương).
Nguyễn Quang Bích: Còn gọi Ngô Quang Bích quê làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định, nay thuộc xã An Ninh, huyện Tiền Hải, Thái Bình; là người văn võ song toàn, đỗ Đệ nhị Tiến sỹ (Hoàng giáp) năm 1869, làm đến Thượng Thư Bộ Lại; có công dẹp “giặc khách” và cầm quân chống thực dân Pháp xâm lược.
2. Đường Hoàng Văn Thái:
Điểm đầu: Ngã năm tượng đài, điểm cuối: Cầu Tây An (tiếp giáp địa phận xã Tây An).
Hoàng Văn Thái: Quê làng An Khang, tổng Đại Hoàng nay là xã Tây An, huyện Tiền Hải, Thái Bình; nguyên là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; là người có công lao lớn trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
3. Đường 14/10 (đoạn trên đường 465):
Điểm đầu: Ngã năm tượng đài, điểm cuối: Ngã tư Trái Diêm (tiếp giáp địa phận xã Tây Giang).
14/10: Là tên phong trào cách mạng của nông dân Tiền Hải mà đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 của nông dân huyện Tiền Hải chống thực dân Pháp, mở đầu cho cuộc đấu tranh yêu nước ở Thái Bình hưởng ứng cao trào cách mạng 1930 - 1931. Phong trào đã đi vào lịch sử như một mốc son, là niềm tự hào của nhân dân Tiền Hải nói riêng và của nhân dân Thái Bình nói chung.
4. Đường Nguyễn Công Trứ:
Điểm đầu: Giao cắt với đường 458 (đường Nguyễn Quang Bích - đường được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình), điểm cuối: Ngã tư Trái Diêm (tiếp giáp địa phận xã Tây Giang).
Nguyễn Công Trứ: Người làng Uy Viễn nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh; là quan văn nhưng làm tướng đánh đâu thắng đó; làm Doanh Điền Sứ của triều đình, giỏi chiêu mộ dân, quai đê lấn biển, lập ấp khai hoang mở ra 2 huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình).
5. Đường Vũ Trọng (đường vành đai phía Tây thị trấn Tiền Hải):
Điểm đầu: Giao cắt với đường 458 (đường Nguyễn Quang Bích - đường được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình), điểm cuối: Ngã ba cầu Thống Nhất (phố Hùng Thắng - phố được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình).
Vũ Trọng: Quê làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định nay là xã An Ninh, huyện Tiền Hải, Thái Bình; là Bí thư Chi bộ đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên huyện Tiền Hải; năm 1928 được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ; tháng 6/1929 là Tỉnh ủy viên của Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Thái Bình.
6. Đường Bùi Viện:
Điểm đầu: Ngã năm tượng đài, điểm cuối: Giao cắt với đường Nguyễn Công Trứ - đường được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình (tiếp giáp địa phận xã Tây Sơn).
Bùi Viện: Quê làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định nay là xã An Ninh, huyện Tiền Hải, Thái Bình; đỗ Cử nhân năm 1868; là đại thần của triều đình, được xếp vào hàng các sỹ phu có tư tưởng canh tân, là người Việt Nam đầu tiên mở đường ngoại giao với Mỹ; có công đầu trong việc xây dựng hệ thống Thương điếm khắp các tỉnh ven biển. Thơ văn ông gắn liền với sứ mệnh của một triều thần hết lòng với sự hưng vong của quốc gia.
7. Đường Ngô Duy Phớn (đoạn trên đường 462):
Điểm đầu: Ngã tư Trái Diêm, điểm cuối: Cầu Cát Già (tiếp giáp địa phận xã Tây Giang).
Ngô Duy Phớn: Quê làng Đông Cao, xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải, Thái Bình; là một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 của nông dân Tiền Hải và bị địch bắt đầy ra Côn Đảo.
8. Đường Tạ Xuân Thu (đường trục cũ qua xã Tây Giang):
Điểm đầu: Giao cắt với đường 458 (phố Hùng Thắng - phố được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình), điểm cuối: Nút giao với đường 462 (đường Ngô Duy Phớn - đường được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình).
Tạ Xuân Thu: Quê xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, Thái Bình; là Trung tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông tham gia cách mạng từ những năm 1937, từng bị địch bắt năm 1940. Tháng 9/1944 ông vượt ngục tham gia Cứu quốc quân ở Chiến khu Việt Bắc; từng giữ nhiều trọng trách trong quân đội: Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Chính ủy Binh chủng Pháo binh, Chính ủy học viện Quân sự.
II. Đặt tên phố (gồm 12 tuyến phố):
1. Phố Tiểu Hoàng:
Điểm đầu: Ngã năm tượng đài, điểm cuối: Ngã ba giao cắt với phố Vũ Nhu (phố được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình).
Tiểu Hoàng là tên được dùng từ khi thành lập thị trấn Tiền Hải; vốn là tên làng Tiểu Hoàng, xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải, là nơi các cơ quan của huyện đóng trong thời kỳ chống Pháp.
2. Phố Hùng Thắng:
Điểm đầu: Ngã ba giao cắt với phố Vũ Nhu (phố được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình), điểm cuối: Ngã ba cầu Thống Nhất.
Hùng Thắng là phố cũ được chính quyền và nhân dân đặt tên vào khoảng năm 1956. Tên phố Hùng Thắng thể hiện lòng tự hào về thắng lợi của kháng chiến và cách mạng của nhân dân thị trấn Tiền Hải.
3. Phố Trần Đức Thịnh:
Điểm đầu: Nút giao với đường 458, điểm cuối: Nút giao với phố Trần Xuân Sắc (phố được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình).
Trần Đức Thịnh: Quê xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình; là Đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 1930; tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng 1930 - 1945; từng làm Bí thư Huyện ủy Kiến Xương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; từng giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan Trung ương như: Trưởng ban Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương.
4. Phố Phan Ái:
Điểm đầu: Nút giao với đường 458, điểm cuối: Nút giao với đường 465.
Phan Ái: Quê làng Nho Lâm, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, Thái Bình; là Đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 1930; là một trong những người chỉ huy cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 của nông dân Tiền Hải.
5. Phố Bùi Sính:
Điểm đầu: Nút giao với đường 458, điểm cuối: Nút giao với phố Trần Xuân Sắc (phố được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình).
Bùi Sính: Quê làng Nho Lâm, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, Thái Bình; là một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đảng Nho Lâm - Thanh Giám; là một trong số lãnh đạo cuộc biểu tình 14/10/1930; từng là Tỉnh ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Thái Bình.
6. Phố Vũ Nhu:
Điểm đầu: Nút giao với đường 458, điểm cuối: Tiếp giáp địa phận xã Tây Giang.
Vũ Nhu: Quê làng Nho Lâm, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, Thái Bình; là một trong hai thanh niên ở làng Nho Lâm trở thành hội viên Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên từ năm 1928; là một trong những người thành lập Chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nho Lâm và giữ chức Bí thư Chi bộ.
7. Phố Ngô Quang Đoan:
Điểm đầu: Nút giao với đường 458, điểm cuối: Nút giao với đường Vũ Trọng (đường được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình).
Ngô Quang Đoan: Quê làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định nay là xã An Ninh, huyện Tiền Hải, Thái Bình; là con cả của Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích (Ngô Quang Bích); giỏi văn chương lại có tài thao lược; là một trong những thủ lĩnh gan dạ của nghĩa quân chống Pháp; thơ văn của ông nguyện một lòng tận trung với nước tận hiếu với dân.
8. Phố Chu Đình Ngạn:
Điểm đầu: Nút giao với đường 458, điểm cuối: Nút giao với phố Trần Xuân Sắc (phố được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình).
Chu Đình Ngạn: Quê làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định nay là xã An Ninh, huyện Tiền Hải, Thái Bình; là trung thần nhà Lê, được vua ban Quốc tính; được vua Khải Định triều Nguyễn truy phong tước “Phụ quốc Tướng công”. Ông có công lập ra làng Trình Phố và chợ Giếng.
9. Phố Lương Văn Sảng:
Điểm đầu: Nút giao với phố Phan Ái (phố được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình), điểm cuối: Nút giao với phố Vũ Nhu (phố được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình).
Lương Văn Sảng: Quê làng Đông Cao, xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải, Thái Bình; là một trong những quần chúng tích cực của Đảng từ phong trào nông dân 14/10/1930. Ông bị địch bắn vào ruột nhưng vẫn rút ruột xông lên hô lớn: “Đả đảo bọn đế quốc và tay sai!”. Hành động của ông đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh làm cho cuộc biểu tình 14/10 thêm quyết liệt.
10. Phố Nguyễn Trung Khuyến:
Điểm đầu: Nút giao với phố Phan Ái (phố được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình, điểm cuối: Nút giao với đường Nguyễn Công Trứ (đường được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình).
Nguyễn Trung Khuyến: Quê làng Ngoại Đê, nay là thôn Đông Sơn, xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải; được kết nạp vào Đảng Đông Dương; tháng 6/1940 được bầu làm Bí thư Huyện ủy Tiền Hải; năm 1941 được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình. Ông bị địch bắt trên đường đi công tác và hy sinh bởi đòn tra tấn dã man của địch.
11. Phố Hoàng Vinh:
Điểm đầu: Nút giao với đường 458 (đường Nguyễn Quang Bích - đường được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình), điểm cuối: Nút giao với đường Nguyễn Công Trứ (đường được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình).
Hoàng Vinh: Quê làng Đại Hoàng, tổng Đại Hoàng, huyện Chân Định nay là xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; đỗ Tiễn sỹ, làm quan ở Hàn Lâm viện; sau làm Giáo thụ trấn Sơn Nam kiêm Huấn đạo huyện Chân Định.
12. Phố Trần Xuân Sắc:
Điểm đầu: Nút giao với đường 38 (đường Hoàng Văn Thái - đường được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình), điểm cuối: Nút giao với phố Chu Đình Ngạn (phố được đề nghị đặt tên cùng Tờ trình).
Trần Xuân Sắc: Người làng Đông Thành nay là xã Nam Hải, huyện Tiền Hải, Thái Bình; là danh sỹ của Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20; ông đỗ Phó bảng khoa Kỷ Mão, làm quan đến chức Hàn Lâm viện Kiểm thảo và là một nhà giáo giỏi, đào tạo nhiều học trò xuất sắc trong đó có Ngô Quang Đoan./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.