HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2014/NQ-HĐND |
Thái Bình, ngày 05 tháng 12 năm 2014 |
NGHỊ QUYẾT
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ XÃ HỘI TỈNH THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ CHÍN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020; Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 243/TTr-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh về việc phê chuẩn Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 92/BC-KTNS ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan điểm phát triển theo hướng bền vững
- Tiếp tục xây dựng và phát triển nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng hợp lý, rút ngắn khoảng cách của tỉnh Thái Bình so với Vùng, trở thành tỉnh phát triển ở mức khá trong vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng; trong đó trọng tâm phát triển bền vững là đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển công nghiệp thân thiện môi trường, bảo đảm an ninh lương thực.
- Tái cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển, phát triển nông nghiệp công nghệ cao coi đây là khâu bứt phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; hình thành rõ nét những sản phẩm mũi nhọn, những vùng động lực của tỉnh.
- Chú trọng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động xã hội, ổn định quy mô dân số, chăm lo sức khỏe cộng đồng.
- Tăng trưởng, phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; giảm chênh lệch về mức sống giữa khu vực nông thôn và thành thị.
- Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, hài hòa giữa lợi ích kinh tế với lợi ích môi trường sinh thái, giữ gìn môi trường, môi sinh trong sạch cho những năm sau.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh chính trị.
2. Mục tiêu phát triển
- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 8,5%/năm trở lên, trong đó nông, lâm, ngư nghiệp từ 2,5-3,0%/năm; công nghiệp - xây dựng từ 13-14%/năm và dịch vụ 9-10%/năm; giai đoạn 2021-2030 khoảng 7,5%/năm trở lên, trong đó nông, lâm, ngư nghiệp: 2-2,5%/năm; công nghiệp - xây dựng 9,0-9,5%/năm và dịch vụ 7,5-8,0%/năm.
- Cơ cấu kinh tế đến năm 2020: tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 24-26%; công nghiệp - xây dựng chiếm 39-41% và dịch vụ chiếm khoảng 34-36%. Định hướng cơ cấu đến năm 2030, tương ứng từ 17-18%; 46-47% và 37-38%.
- Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 2.000 triệu USD trở lên. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt 1.000-1.100 USD trở lên; định hướng đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6.500 triệu USD.
- Tăng thu ngân sách nhằm đảm bảo chủ động các nhiệm vụ chi của tỉnh và từng bước phấn đấu để có tích lũy cho nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020 tổng thu nội địa đạt từ 4.100 tỷ đồng trở lên, tăng bình quân trên 8%/năm.
- Tốc độ tăng dân số giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 0,06%/năm. Định hướng đến năm 2030 tăng dân số 0,05%/năm.
- Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 70%, trong đó đào tạo nghề khoảng 56,5%. Định hướng đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%, đào tạo nghề 70-75%.
- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) bình quân mỗi năm giảm 1% trở lên.
- Đến năm 2020 đảm bảo duy trì 100% dân số được sử dụng nước sạch; đạt 100% cơ sở sản xuất mới và 90% các cơ sở sản xuất cũ áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% chất thải rắn ở đô thị và 90% ở khu vực nông thôn được thu gom và xử lý.
3. Các trọng điểm phát triển
- Cải cách mạnh mẽ hành chính, thu gọn các thủ tục, xây dựng bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hình thành hệ thống dịch vụ công hiệu quả, chất lượng. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh lên một bước mới, đặc biệt trong lĩnh vực tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính.
- Tập trung tái cơ cấu kinh tế các ngành, lĩnh vực, tăng cường hiệu quả đầu tư công. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu, gia tăng các loại hình công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, có tính bền vững. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hình thành các cụm liên kết sản xuất nông nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị gắn với thị trường xuất khẩu.
- Đẩy mạnh xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và đô thị. Phấn đấu đến năm 2020 Thành phố Thái Bình đủ tiêu chí là đô thị loại I. Tập trung xây dựng hạ tầng khu vực ven biển, xây dựng tiền đề để hình thành khu kinh tế ven biển Thái Bình.
- Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế, nâng năng suất lao động và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ theo hướng hội nhập.
- Phát triển bền vững kinh tế song hành với đảm bảo vững chắc tình hình an ninh chính trị, ổn định các mặt xã hội, giữ gìn và bảo vệ môi trường.
4. Nguồn lực thực hiện quy hoạch
Tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 166,5 nghìn tỷ đồng; dự kiến huy động từ các nguồn: Vốn ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 24-25% (bao gồm vốn ngân sách Trung ương, tỉnh và ngân sách địa phương, chủ yếu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển văn hóa xã hội, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai); vốn doanh nghiệp trong nước và vốn từ dân cư chiếm khoảng 69-70%; vốn nước ngoài (ODA, FDI) chiếm khoảng 6-7%.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển, khai thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 05 tháng 12 năm 2014 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.