HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2011/NQ-HĐND |
Thái Bình, ngày 14 tháng 12 năm 2011 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ BA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 16 tháng 12 năm 2003; Luật nhà ở năm 2005 và Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở;
Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 153/TTr-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2011; Báo cáo thẩm tra số 42/BC-KTNS ngày 09/12/2011 của Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình đến năm 2020 theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 153/TTr-UBND ngày 08/12/2011 với nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2020
- Tích cực triển khai thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị (chủ yếu là nhà căn hộ chung cư) và hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn; phấn đấu đến năm 2020 đáp ứng 70% công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, 80% sinh viên, học sinh tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề có nhu cầu chỗ ở; hoàn thành xoá nhà ở đơn sơ cho hộ chính sách và hộ nghèo (theo chuẩn mới);
- Phấn đấu nâng tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại Thành phố Thái Bình đến năm 2015 đạt 30%, đến năm 2020 đạt trên 40% tổng số đơn vị nhà ở xây dựng mới, tiến tới giảm thiểu nhà ở liền kề;
II. Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2011-2020
1. Tại Thành phố Thái Bình
a) Kế hoạch phát triển nhà ở thương mại
Hoàn thành dứt điểm các khu đô thị đã có, căn cứ nhu cầu phát triển nhà ở sẽ triển khai đầu tư xây dựng các dự án phát triển nhà ở thương mại, với tổng diện tích sàn tăng thêm là 1,248 triệu m2, tổng diện tích đất khoảng 130 ha, chiếm 54,4% tổng nhu cầu đất phát triển nhà ở giai đoạn này.
* Giai đoạn 2011-2015.
- Đôn đốc hoàn thành dứt điểm việc xây dựng nhà ở tại các khu đô thị đã có như: Khu đô thị Trần Hưng Đạo, Khu đô thị Trần Lãm, Khu đô thị Kỳ Bá, sớm bàn giao cho Thành phố quản lý để người dân yên tâm sử dụng và có thực quyền sở hữu.
- Triển khai đầu tư xây dựng mới các Dự án phát triển nhà ở thương mại sau:
+ Khu dân cư và nhà ở xã hội phường Quang Trung với diện tích 10 ha.
+ Khu nhà ở đường Lê Quý Đôn kéo dài, phường Trần Lãm diện tích giai đoạn 1 khoảng 30 ha.
+ Khu nhà ở đường Nguyễn Tông Quai- Hoàng Công Chất khoảng 20 ha.
+ Khu nhà ở xã Vũ Phúc giai đoạn 1 khoảng 15 ha.
+ Khu nhà ở phường Hoàng Diệu giai đoạn 1 khoảng 10 ha.
+ Khu nhà ở xã Phú Xuân giai đoạn 1 khoảng 15 ha.
+ Một số khu nhà ở phát sinh mới và một số khu nhà ở quy mô nhỏ xen kẽ trong khu dân cư hiện có diện tích khoảng 30 ha.
Tổng diện tích đất của các Dự án phát triển nhà ở tại Thành phố Thái Bình giai đoạn 2011-2015 là khoảng 130 ha, chiếm 54,4%, tổng nhu cầu đất phát triển nhà ở giai đoạn này là 238,9 ha.
* Giai đoạn 2016-2020.
- Khu nhà ở đường Lê Quý Đôn kéo dài giai đoạn 2 với diện tích khoảng 20 ha.
- Khu nhà ở xã Vũ Phúc giai đoạn 2 khoảng 15 ha.
- Khu nhà ở phường Hoàng Diệu giai đoạn 2 khoảng 15 ha.
- Khu nhà ở đường Nguyễn Tông Quai- Hoàng Công Chất khoảng 30 ha.
- Khu nhà ở xã Vũ Chính khoảng 10 ha.
- Một số Khu nhà ở tại xã Vũ Lạc, Vũ Đông, Tân Bình, Đông Hoà khoảng 30 ha.
Tổng diện tích đất của các Dự án phát triển nhà ở tại Thành phố Thái Bình giai đoạn 2016-2020 là 140 ha chiếm 44,4%, tổng nhu cầu phát triển đất ở giai đoạn này là: 315 ha.
b) Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội
* Giai đoạn 2011-2015.
- Hoàn thành xây dựng khu nhà ở xã hội tại điểm Xí nghiệp Đoàn kết cũ đường Trần Hưng Đạo diện tích 0,47 ha, tại lô đất cạnh Đoàn chèo Thái Bình với diện tích 0,3 ha và tại khu tập thể Công ty xuất nhập khẩu Thái Bình diện tích khoảng 0,3 ha.
- Hoàn thành các Dự án nhà ở công nhân các đơn vị ngành Dầu khí, nhà ở Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Điện lực.
- Hoàn chỉnh Dự án nhà ở sinh viên với quy mô 4 nhà 9 tầng có diện tích sàn là 32.000 m2 bố trí chỗ ở cho 3.400 sinh viên tại Thành phố Thái Bình và ký túc xá sinh viên trường đại học Y khoa; trường đại học Công nghiệp Thành phố Thái Bình (khu 2); hoàn chỉnh Dự án làng sinh viên trên diện tích 2 ha tại phường Quang Trung.
- Triển khai xây dựng khu nhà ở xã hội tại phường Quang Trung với diện tích khoảng 1,9ha; khu nhà ở xã hội tại xã Phú Xuân với diện tích khoảng 5 ha và một số dự án nhà ở xã hội khác khi có nhu cầu.
* Giai đoạn 2016-2020.
- Triển khai khu nhà ở xã hội tại xã Phú Xuân với diện tích khoảng 5ha.
- Các công trình nhà ở xã hội độc lập trong các dự án phát triển nhà ở thương mại với diện tích khoảng 5ha.
2. Tại các thị trấn, đô thị mới và các xã có khả năng đô thị hoá cao liền kề các đô thị và khu công nghiệp: Mỗi địa phương triển khai 01 đến 02 dự án phát triển nhà ở thương mại, với quy mô tổng diện tích đất từ 5-7 ha (tương đương 48.000 đến 67.200 m2 sàn tăng thêm), tối đã là 15 ha cho các thị trấn có khả năng phát triển và sức hút nhà đầu tư. Đối với các đô thị có yếu tố phát triển đột biến có thể mở rộng quy mô dự án đáp ứng yêu cầu tuỳ theo điều kiện cụ thể.
3. Đối với khu vực nông thôn: Tích cực chỉnh trang nhà ở khu dân cư theo hướng nâng cao tỷ lệ nhà ở kiên cố, xoá bỏ nhà ở đơn sơ đảm bảo tiêu chuẩn diện tích; xây dựng các khu ở mới tập trung đồng bộ hạ tầng theo quy hoạch nông thôn mới đã duyệt; đẩy nhanh quy hoạch chi tiết xác định, công bố quỹ đất được phép xây dựngvà thực hiện thí điểm xây dựng nhà ở cho các điểm dân cư theo dự án kiểu đô thị.
III. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
1. Nhiệm vụ
- Tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở thương mại để bán, cho thuê, thuê mua theo cơ chế thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả;
- Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở nhưng không có đủ khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường gồm:
+ Giải quyết nhà ở cho người có công với cách mạng theo hướng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người có công khi mua, thuê nhà ở;
+ Giải quyết nhà ở cho hộ nghèo theo hướng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ theo nguyên tắc nhà nước hỗ trợ một phần từ nguồn ngân sách kết hợp với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn huy động của cộng đồng, dòng họ và của chính hộ gia đình được hỗ trợ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tặng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho các đối tượng khó khăn về nhà ở;
+ Giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng nhà nước chủ động đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua; đồng thời thực hiện chính sách ưu đãi của nhà nước để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để bán, thuê mua đối với các đối tượng;
+ Giải quyết nhà ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề theo hướng tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê từ nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn ngân sách nhà nước, kết hợp với khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia;
+ Giải quyết nhà ở cho các đối tượng khác theo chính sách hiện hành của nhà nước.
- Tập trung khai thác hiệu quả nguồn nhân lực về đất đai để huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở, đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng;
- Đẩy nhanh việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung đô thị, quy hoạch nông thôn mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; công khai quy hoạch xây dựng và kế hoạch phát triển nhà ở; xác định và công bố quỹ đất được phép xây dựng nhà ở theo quy hoạch để làm cơ sở thu hút đầu tư tổ chức triển khai các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch; bố trí hợp lý quỹ đất xây dựng các loại nhà ở, gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trong quy hoạch chi tiết đô thị;
Các dự án nhà ở thương mại tại Thành phố Thái Bình phải bố trí khoảng 20% diện tích sàn nhà ở dành để làm nhà ở xã hội.
- Tập trung xây dựng các nhà ở mới để di dời các hộ dân đang sinh sống tại các khu nhà chung cư cũ đã bị hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm an toàn tại trung tâm đô thị;
- Đối với khu vực nông thôn, từng bước thực hiện việc phát triển nhà ở hình thành các điểm dân cư nông thôn có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; bảo đảm phù hợp mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới; thí điểm mô hình phát triển nhà ở theo dự án;
- Kiến trúc nhà ở đô thị và nông thôn phải đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ, có bản sắc, coi trọng bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống; xây dựng các thiết kế mẫu nhà ở phù hợp với tập quán sinh hoạt, điều kiện sản xuất và truyền thống văn hoá của địa phương;
- Củng cố, nâng cao năng lực bộ máy quản lý về phát triển nhà ở tại địa phương và các đô thị; kiện toàn Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; thành lập và đưa vào hoạt động quỹ phát triển nhà ở sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng quy hoạch chi tiết từng dự án thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi quyết định triển khai các dự án.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khoá XV, kỳ họp thứ ba thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.