HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2015/NQ-HĐND |
Yên Bái, ngày 15 tháng 12 năm 2015 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XVII - KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Dân số năm 2003 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số ngày 27 tháng 12 năm 2008;
Sau khi xem xét Tờ trình số 361/TTr-UBND, ngày 04 tháng 12 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê duyệt Đề án Một số chính sách hỗ trợ công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tại 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 – 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh và tiếp thu ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Đề án về công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tại 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 – 2020, với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. Phạm vi áp dụng và đối tượng hưởng lợi
1. Phạm vi áp dụng: Tại địa bàn 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh (theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT , ngày 19/9/2013 của Ủy ban dân tộc về công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi, giai đoạn 2012 – 2015).
2. Đối tượng hưởng lợi: Người dân địa bàn 72 xã vùng đặc biệt khó khăn; người thực hiện và vận động biện pháp tránh thai lâm sàng thường trú trên địa bàn; cán bộ dân số thuộc 72 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
1. Mục tiêu: Thực hiện giảm sinh nhanh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, không còn hôn nhân cận huyết thống tại 72 xã đặc biệt khó khăn nhằm góp phần duy trì mức sinh thấp hợp lý, cải thiện chất lượng dân số trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện hoàn thành mục tiêu DS-KHHGĐ giai đoạn 2016 - 2020.
2. Chỉ tiêu cụ thể: Dân số trung bình đến năm 2020 thuộc 72 xã đặc biệt khó khăn là 296.000 người; mức giảm tỷ lệ sinh hàng năm 0,4‰, trong đó các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải 0,6‰; Tỷ suất sinh thô 18,5‰; Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2020 dưới 1,2%; Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên dưới 12%; Tỷ lệ tảo hôn tại các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm bình quân 2%/năm. Đến năm 2020 không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống; Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại 68%.
1. Hỗ trợ kinh phí đối với dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
Ngân sách địa phương hỗ trợ đảm bảo đủ thuốc thiết yếu và chi phí dịch vụ cho toàn bộ các ca triệt sản, đặt dụng cụ tử cung, tiêm thuốc tránh thai đối với người áp dụng các biện pháp tránh thai trên địa bàn 72 xã đặc biệt khó khăn.
2. Hỗ trợ cho đối tượng thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình
a) Hỗ trợ cho người triệt sản 1.000.000 đồng/người.
b) Hỗ trợ cho người đặt dụng cụ tử cung 200.000 đồng/người.
3. Hỗ trợ người vận động đối tượng thực hiện các biện pháp tránh thai
a) Hỗ trợ người vận động đặt dụng cụ tử cung 50.000 đồng/ca.
b) Hỗ trợ người vận động triệt sản 100.000 đồng/ca.
4. Hỗ trợ tổ chức chiến dịch truyền thông 2.000.000 đồng/xã /năm.
5. Chính sách đối với cộng tác viên dân số và cô đỡ thôn, bản
a) Thù lao cho cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình 100.000đồng/ người/tháng.
b) Thù lao cho cô đỡ thôn, bản 300.000 đồng/người/tháng.
6. Trang bị phương tiện phục vụ truyền thông 1.500.000 đồng/xã.
7. Chính sách khen thưởng xã không sinh con thứ 3 trở lên, xã giảm trên 50% tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước và không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
a) Tiêu chí xét thưởng là xã không có người sinh con thứ 3, trừ các trường hợp quy định tại Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 và nghị định số 18/2011/NĐ-CP ngày 17/3/2011.
b) Mức thưởng đối với các xã đặc biệt khó khăn đạt chỉ tiêu không có người sinh con thứ 3 trở lên và không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, như sau: 1 năm mức thưởng 2.500.000 đồng; 2 năm liên tục mức thưởng 4.000.000 đồng; 3 năm liên tục mức thưởng 6.000.000 đồng; 4 năm liên tục mức thưởng 8.000.000 đồng; 5 năm liên tục mức thưởng 10.000.000 đồng.
c) Mức thưởng đối với các xã đặc biệt khó khăn giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ trên 50% so với năm trước và không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, như sau: 1 năm mức thưởng 1.500.000 đồng; 2 năm liên tục mức thưởng 2.500.000 đồng; 3 năm liên tục mức thưởng 4.000.000 đồng; 4 năm liên tục mức thưởng 6.000.000 đồng; 5 năm liên tục mức thưởng 8.000.000 đồng.
d) Đối với thôn, bản không có người sinh con thứ ba trở lên và không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã khen thưởng, mức thưởng bằng 30% so với mức thưởng cho cấp xã đạt cùng tiêu chí. Nguồn kinh phí khen thưởng được lấy từ nguồn kinh phí thi đua khen thưởng hàng năm và các nguồn hợp pháp khác.
8. Hỗ trợ hoạt động tuyên truyền làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải
a) Truyền thông tại cộng đồng lồng ghép với các cuộc họp thôn bản, sinh hoạt các câu lạc bộ phụ nữ, thanh niên, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh… cho 179 thôn bản 600.000 đồng/năm/thôn bản.
b) Truyền thông cho các đối tượng có uy tín trong cộng đồng (già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, chức sắc tôn giáo) và nhóm đối tượng có nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết (các bậc cha mẹ, vị thành niên) tại 24 xã đặc biệt khó khăn 8.000.000 đồng/xã/năm.
1. Tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền các cấp đối với công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình; xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nhằm khắc phục những yếu kém, kiên quyết ngăn chặn tình trạng sinh con thứ ba trở lên, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác dân số. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho mỗi gia đình, mỗi người dân thực hiện chính sách dân số.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về dân số và tuyên truyền vận động về chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao hiệu quả chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ và các hoạt động tư vấn, vận động nhóm, tuyên truyền tại hộ gia đình.
4. Tổ chức cung cấp dịch vụ KHHGĐ an toàn, thuận tiện, nhất là các biện pháp tránh thai đạt hiệu quả cao (như triệt sản, đặt vòng, thuốc tiêm tránh thai). Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
5. Cụ thể hoá việc thực hiện mục tiêu, chính sách DS-KHHGĐ vào trong công tác thi đua, khen thưởng và công tác cán bộ. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ.
6. Huy động và tranh thủ các nguồn lực, đáp ứng phương tiện phục vụ công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chính sách DS-KHHGĐ.
Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án là 18.655.800 nghìn đồng; trong đó: năm 2016 là 3.670.600 nghìn đồng; năm 2017 là 3.746.300 nghìn đồng; năm 2018 là 3.746.300 nghìn đồng; năm 2019 là 3.746.300 nghìn đồng; năm 2020 là 3.746.300 nghìn đồng.
Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.
Điều 4. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 29/2012/NQ-HĐND , ngày 12/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về một số chính sách hỗ trợ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013 - 2016.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVII - Kỳ họp thứ 15 thông qua và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.