HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2013/NQ-HĐND |
Bến Tre, ngày 06 tháng 12 năm 2013 |
VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHOÁ VIII - KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Sau khi nghe Uỷ ban nhân dân tỉnh trình bày Tờ trình số 5848/TTr-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2013 về việc thông qua quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bến Tre đến năm 2030; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bến Tre đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh: Bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của tỉnh Bến Tre.
2. Tỷ lệ đô thị hoá trong vùng theo các giai đoạn phát triển:
a) Năm 2015: Đạt khoảng 23-25%;
b) Năm 2020: Đạt khoảng 28-30%;
c) Năm 2030: Đạt khoảng 35-37%.
3. Dự báo quy mô dân số toàn tỉnh qua các giai đoạn:
a) Năm 2015: 1.288.000-1.400.000 người;
b) Năm 2020: 1.315.000-1.550.000 người;
c) Năm 2030: 1.450.000-1.770.000 người.
4. Tổ chức không gian vùng:
- Phân bố các vùng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp của tỉnh đã được phê duyệt.
- Tổ chức vùng đô thị gồm đô thị trung tâm vùng là thành phố Bến Tre, đô thị trung tâm các tiểu vùng, các đô thị mới và đô thị chuyên ngành phù hợp với Kết luận số 40-KL/TU ngày 17 tháng 10 năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh uỷ khoá VIII về đẩy mạnh phát triển đô thị tỉnh Bến Tre đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; định hướng phát triển các điểm dân cư nông thôn gắn với vùng sản xuất, các làng nghề truyền thống phù hợp phong tục tập quán, đặc điểm tự nhiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng tỉnh Bến Tre nói riêng.
5. Các yêu cầu nghiên cứu tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên phạm vi vùng:
a) Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng: Xác định cốt khống chế xây dựng từng khu vực, các trục giao thông chính của đô thị theo từng giai đoạn phát triển, đề xuất các giải pháp về thoát nước mưa;
b) Giao thông: Xác định hệ thống giao thông đối ngoại cấp vùng gắn kết với hệ thống giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu phương án vị trí và hướng tuyến xây dựng cầu Rạch Miễu 2; xác định hệ thống đầu mối giao thông, hệ thống cảng; đề xuất các tuyến giao thông nội vùng; nghiên cứu hệ thống giao thông đô thị và nông thôn trên cơ sở quy hoạch phát triển giao thông tỉnh đã được phê duyệt;
c) Cấp nước: Xác định nguồn nước trong vùng, các chỉ tiêu và tiêu chuẩn áp dụng; dự báo tổng hợp các nhu cầu dùng nước, các giải pháp cấp nước, quy mô các công trình đầu mối phù hợp với đồ án quy hoạch cấp nước vùng tỉnh đang triển khai lập quy hoạch;
d) Thuỷ lợi: Cập nhật các dự án thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dự án ngọt hoá vùng Bắc Bến Tre; đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giải pháp tưới tiêu, giải pháp kiểm soát lũ, giải pháp tiêu úng phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương;
đ) Cấp điện: Dự báo nhu cầu sử dụng điện, công suất, nhu cầu phụ tải; xác định nguồn cấp điện, các giải pháp cấp điện, chỉ tiêu và tiêu chuẩn cấp điện, vị trí và quy mô nhà máy, trạm biến áp, các hành lang tải điện và mạng lưới phân phối chính gắn kết với mạng lưới quốc gia; đề xuất giải pháp cấp điện từ các nguồn năng lượng sạch;
e) Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang: Dự báo tổng khối lượng nước thải, chất thải rắn, nhu cầu đất nghĩa trang; xác định vị trí và quy mô công trình xử lý chất thải rắn, gắn kết quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xác định vị trí, quy mô các khu nghĩa trang;
g) Hạ tầng xã hội: Phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn, phát triển các dự án chiến lược, trọng điểm có sức lan toả và hỗ trợ các vùng khác phát triển. Xây dựng các trung tâm chuyên ngành, trung tâm giáo dục đào tạo, giải trí, văn hoá, thể dục thể thao, dịch vụ y tế cấp vùng;
Điều 2. Thông qua quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bến Tre đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Phân bố hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn:
a) Định hướng phát triển hệ thống đô thị:
- Năm 2015 toàn tỉnh có 17 đô thị gồm: 1 đô thị loại III (thành phố Bến Tre), 3 đô thị loại IV (Mỏ Cày, Ba Tri và Bình Đại), 7 đô thị loại V hiện có (Giồng Trôm, Thạnh Phú, Chợ Lách, Châu Thành, Phước Mỹ Trung, Tiên Thuỷ và Tiệm Tôm) và 6 đô thị loại V thành lập mới (Vĩnh Thành, Hương Mỹ, Giao Thạnh, Lộc Thuận, Mỹ Thạnh (Giồng Trôm), Tân Xuân).
- Năm 2020 toàn tỉnh có 32 đô thị gồm: 1 đô thị loại II (thành phố Bến Tre), 3 đô thị loại IV (Mỏ Cày, Ba Tri, Bình Đại), 13 đô thị loại V (Giồng Trôm, Thạnh Phú, Chợ Lách, Châu Thành, Phước Mỹ Trung, Tiên Thuỷ, Tiệm Tôm, Vĩnh Thành, Hương Mỹ, Giao Thạnh, Lộc Thuận, Mỹ Thạnh (Giồng Trôm), Tân Xuân) và 15 đô thị loại V hình thành mới từ các trung tâm xã (Tân Thạch, Tân Phú, An Hoá, đô thị Giao Long, Phú Phụng, An Thạnh (Mỏ Cày Nam), An Định, Nhuận Phú Tân, Tân Thành Bình, Tân Phong, Châu Hưng, Thới Thuận, Mỹ Chánh, An Ngãi Trung, Phước Long).
- Năm 2030 toàn tỉnh có 37 đô thị gồm: 32 đô thị phát triển trong giai đoạn đến năm 2020, trong đó Chợ Lách phát triển thành đô thị loại IV và 05 đô thị loại V phát triển mới từ trung tâm xã: An Hiệp (Châu Thành), Phú Túc, Châu Hoà, Định Thuỷ, Thanh Tân.
b) Định hướng phát triển các điểm dân cư nông thôn:
Định hướng phát triển các điểm dân cư nông thôn trên cơ sở triệt để tận dụng các điểm dân cư hiện hữu, khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, tiết kiệm và hạn chế tối đa sử dụng đất canh tác, cải tạo chỉnh trang kết hợp xây dựng mới, bảo vệ môi trường bền vững.
2. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
a) Giao thông: Kết hợp giữa quy hoạch chuyên ngành giao thông cùng với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh. Thống nhất phương án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nhằm giảm tải cho quốc lộ 60 hiện hữu; xây dựng các tuyến tránh quốc lộ khi đi qua các đô thị; xây dựng tuyến đường hành lang ven biển nhằm khai thác thế mạnh và phát triển kinh tế khu vực ven biển; nâng cấp mở rộng các tuyến đường tỉnh, đường huyện hiện hữu; từng bước đầu tư xây dựng các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch nhằm kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia;
b) Cấp nước: Các nhà máy nước sẽ có 2 hệ thống tạo nguồn nước thô cùng hoạt động như sau:
- Nguồn cấp nước thô chính (thứ nhất) là nguồn lấy từ phía thượng nguồn sông Tiền và sông Ba Lai tại khu vực Châu Thành và Chợ Lách chuyển tải nước thô về cấp cho các nhà máy nước trong tỉnh;
- Nguồn cấp nước thô hỗ trợ (thứ hai) là nguồn nước thô của các kênh, sông ngay tại khu vực xây dựng nhà máy nước khi nước sông tại các vị trí nhà máy nước này chưa bị nhiễm mặn hoặc bị nhiễn mặn nhẹ.
c) Cấp điện: Nguồn điện được cấp nguồn chủ yếu từ lưới điện quốc gia thông qua trạm biến áp 220KV (kilôvôn) Bến Tre 2 với quy mô máy biến áp 2x125MVA (MêgaVolt-Ampere); kết hợp nguồn điện gió xây dựng tại huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú với công suất 30MW (Mêgawatt)/trạm và nhiệt điện.
d) Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn:
- Định hướng quy hoạch thoát nước thải:
+ Xây dựng 03 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tại thành phố Bến Tre; các thị trấn dự kiến phát triển thành thị xã như: Bình Đại, Ba Tri, Mỏ Cày Nam xây dựng 2 trạm/thị trấn, các thị trấn còn lại xây 1 trạm.
+ Thoát nước thải các khu, cụm công nghiệp tập trung: xây dựng hệ thống nước thải riêng với nước mưa; xây dựng trạm xử lý nước thải cho các khu, cụm công nghiệp tập trung trong từng dự án.
- Quản lý chất thải rắn: Toàn tỉnh xây dựng 4 khu xử lý chất thải rắn gồm: 01 khu xử lý liên hợp của tỉnh đặt tại huyện Châu Thành và 03 khu xử lý chất thải rắn tại các huyện: Ba Tri, Chợ Lách, Thạnh Phú.
3. Định hướng phát triển các công trình chuyên ngành:
a) Hệ thống giáo dục, đào tạo: Nâng cấp Trường Cao đẳng Bến Tre thành Trường Đại học Bến Tre và kêu gọi đầu tư 01 trường đại học tư thục tại khu vực Đồng Gò; nâng cấp Trường Trung cấp y tế thành Trường Cao đẳng y tế; nâng cấp Trường Trung học văn hoá nghệ thuật thành Trường Cao đẳng văn hoá nghệ thuật; đầu tư các trường dạy nghề tại các huyện; nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng quy mô đào tạo, từng bước xây dựng hoàn chỉnh các trung tâm giáo dục thường xuyên đạt chuẩn.
b) Hệ thống văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao vùng: Nâng cấp, hoàn chỉnh trung tâm văn hoá, thể thao các huyện và thành phố; xây dựng khu liên hợp thể dục thể thao đa năng tỉnh; cải tạo, nâng cấp các công trình thể dục, thể thao hiện hữu; trùng tu, tôn tạo các di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh.
c) Hệ thống y tế vùng: Đầu tư mới bệnh viện đa khoa tỉnh ở khu vực Nam Bình Phú; cải tạo bệnh viện khu vực Cù Lao Minh; nâng cấp bệnh viện Ba Tri thành bệnh viện khu vực; cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu để trở thành trung tâm y tế cấp vùng;
d) Hệ thống thương mại, dịch vụ cấp vùng: Xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm tại thành phố Bến Tre; xây dựng mới hệ thống các siêu thị tổng hợp; hình thành các trung tâm thương tại các huyện; hoàn chỉnh hệ thống chợ nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.
4. Quỹ đất dự trữ xây dựng đô thị và điểm dân cư nông thôn:
a) Đến năm 2015 quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 6.500-7.000ha, quy mô đất xây dựng nông thôn khoảng 29.000-31.000ha;
b) Đến năm 2020 qui mô đất xây dựng đô thị khoảng 8.000-10.000ha, quy mô đất xây dựng nông thôn khoảng 28.000-32.000ha;
c) Đến năm 2030 quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 12.000-13.000ha, quy mô đất xây dựng nông thôn khoảng 28.000-33.000ha.
1. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
3. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 76/2003/NQ-HĐND ngày 15 tháng 10 năm 2003 về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Bến Tre đến năm 2020; Nghị quyết 05/2007/NQ-HĐND ngày 04 tháng 01 năm 2007 về bổ sung một số chủ trương, biện pháp tiếp tục thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và Nghị quyết 06/2009/NQ-HĐND ngày 13 tháng 02 năm 2009 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 05/2007/NQ-HĐND ngày 04 tháng 01 năm 2007 về bổ sung một số chủ trương, biện pháp tiếp tục thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Bến Tre đến năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VIII - kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2013 và có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.