CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
Số: 19/NQ-HĐND |
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 29 tháng 02 năm 2024 |
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG CÔN ĐẢO, TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU ĐẾN NĂM 2045
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI TÁM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045;
Xét Tờ trình số 46/TTr-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045; Báo cáo thẩm tra số 27/BC-KTNS ngày 21 tháng 02 năm 2024 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045 (có phụ lục kèm theo).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch theo quy định; theo dõi, bám sát, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương kịp thời bổ sung, giải trình rõ những nội dung liên quan khi có yêu cầu.
Các nội dung trong quy hoạch chỉ là định hướng, do đó trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch được duyệt, phải thực hiện đúng quy trình, quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất Đai, Luật Xây dựng, đặc biệt là Luật Lâm nghiệp và các văn bản pháp luật khác có liên quan; bảo đảm thực hiện đúng theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ và các quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt trên địa bàn huyện Côn Đảo.
3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Điều khoản thi hành
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Khóa VII, Kỳ họp thứ Mười Tám thông qua ngày 29 tháng 02 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC
ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY
HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG CÔN ĐẢO, TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU ĐẾN NĂM 2045
(Kèm theo Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 29 tháng 02 năm 2024 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
1. Tên dự án: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045.
2. Phạm vi, ranh giới và quy mô lập quy hoạch
a) Phạm vi lập quy hoạch: toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, bao gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích đất nổi khoảng 7.578,87 ha và phần khai thác không gian biển khoảng 140 ha.
b) Quy mô lập quy hoạch: khoảng 7.718,48 ha.
c) Thời hạn quy hoạch: giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030; giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
3. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch
- Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo phù hợp định hướng phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, khai thác và bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia, hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao; phù hợp với chủ trương, định hướng về phát triển Côn Đảo đến năm 2045 được đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
- Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo để đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển dân cư, du lịch với các yêu cầu về bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ tài nguyên và sinh thái, bảo đảm an ninh quốc phòng. Hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa lịch sử, gắn với các khu đô thị xanh, thông minh.
- Làm cơ sở cho việc triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
4. Tính chất
- Là khu du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái biển đảo quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế.
- Là khu vực bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử.
- Là khu vực bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển, đất ngập nước của quốc gia và quốc tế.
- Có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh.
5. Dự báo phát triển
a) Dự báo quy mô dân số:
- Dự báo đến năm 2030 dân số khoảng 24.500 người (trong đó dân số thường trú khoảng 14.000 người, dân số quy đổi khoảng 10.500 người).
- Dự báo đến năm 2045 dân số khoảng 44.500 người (trong đó dân số thường trú khoảng 24.500 người, dân số quy đổi khoảng 20.000 người).
b) Dự báo quy mô khách du lịch và dịch vụ lưu trú: đến năm 2030 khoảng 1,0 - 1,2 triệu khách/năm và năm 2045 khoảng 1,7 - 2,0 triệu khách/năm.
c) Quy mô đất đai:
- Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 7.718,48 ha, bao gồm:
+ Diện tích ngoài Vườn quốc gia Côn Đảo: khoảng 1.828,68 ha (bao gồm: diện tích đất tự nhiên ngoài Vườn quốc gia khoảng 1.689,07 ha và diện tích đất quy hoạch khai thác mặt biển khoảng 140 ha);
+ Diện tích nằm trong Vườn quốc gia Côn Đảo (không tính phần mặt biển): khoảng 5.889,8ha.
6. Định hướng phân vùng chức năng
a) Mô hình, cấu trúc phát triển
Là đảo sinh thái đặc thù với mô hình cấu trúc phân tán đa trung tâm. Mỗi khu vực đều được gắn kết với hệ sinh thái rừng tự nhiên và mặt biển, cấu trúc chính của đảo bao gồm:
- Vùng ưu tiên dành cho bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên bao gồm: Vườn Quốc gia Côn Đảo, các đảo nhỏ, các khu vực tự nhiên khác.
- Vùng ưu tiên phát triển đô thị, du lịch bao gồm:
+ Khu vực Trung tâm Côn Sơn;
+ Khu vực Cỏ Ống, Đầm Tre;
+ Khu vực Bến Đầm.
b) Định hướng phân vùng chức năng
b1) Định hướng cho vùng dành cho bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên:
- Vườn Quốc gia Côn Đảo: là khu vực bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên rừng và biển, kết hợp khai thác tham quan du lịch. Định hướng phát triển tại vùng này như sau:
+ Khu vực đảo chính: Quy hoạch phát triển các khu du lịch dịch vụ theo mô hình thuê môi trường rừng tại một số địa điểm theo Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Côn Đảo đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt.
+ Các bãi tắm nhỏ: tại các bãi: Ông Cường, Ông Đụng, Ông Câu, Đất Thắm... phát triển các điểm du lịch sinh thái quy mô nhỏ.
+ Các đảo nhỏ: tại các đảo có khả năng khai thác du lịch (hòn Bà, Bảy Cạnh, Tre Lớn, Cau...) phát triển các dịch vụ và bãi tắm nhỏ. Một số đảo gắn với các chứng tích lịch sử cách mạng nghiên cứu gắn vào các tuyến du lịch trên biển. Tổ chức du lịch biển theo các tuyến. Xác định và khoanh vùng các khu vực được phép bơi lặn, neo đỗ tàu thuyền và quan sát khu bảo tồn san hô, rùa biển, ...
(Vị trí cụ thể sẽ được xác định trong Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo do UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp).
b2) Định hướng vùng ưu tiên phát triển đô thị - du lịch.
- Khu Trung tâm Côn Sơn: là khu vực đô thị di sản - đô thị du lịch, với các chức năng hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ,... Quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 27.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 18.500 người với khoảng 3.500 phòng khách sạn. Khu vực được định hướng phát triển như sau:
+ Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt nhà tù Côn Đảo: quy mô 110,69 ha, trong đó: diện tích khu vực bảo vệ I khoảng 41,04 ha; diện tích khu vực bảo vệ II khoảng 69,65 ha, được Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đảm bảo theo Luật Di sản. Đối với khu vực xung quanh di tích gốc định hướng quy hoạch thành các không gian đệm, không gian mở - quảng trường, không gian cây xanh, không gian văn hóa và các hạng mục kiến trúc hỗ trợ trong khai thác các di tích. Sau khi di dời các chức năng nhà ở, cơ quan đảm bảo không gian cảnh quan đẹp đóng góp vào tiện ích chung cho đô thị trong khu vực này.
+ Các khu dân cư hiện trạng cải tạo: tái thiết, cải tạo hạ tầng và cảnh quan khu vực; ưu tiên phát triển du lịch dịch vụ tạo nên không gian lõi đô thị hấp dẫn cho khu trung tâm hiện hữu. Bổ sung các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, cây xanh cho các khu dân cư: Tây Bắc giáp chân núi (làng An Hải), khu dân cư đường Phan Châu Trinh, khu dân cư nông nghiệp phía Bắc nghĩa trang Hàng Dương, khu dân cư đường Huỳnh Thúc Kháng.
+ Các khu đô thị - du lịch phát triển mới: ưu tiên phát triển theo hướng tách khỏi khu vực hiện hữu trung tâm cận kề di tích, hướng vào khu vực phía Bắc hồ Quang Trung - An Hải, sát chân núi. Phần diện tích đất kho đạn sau khi di rời sẽ quy hoạch các công trình công cộng, dân cư và thương mại dịch vụ du lịch. Ưu tiên nhà ở cao tầng phía chân núi đảm bảo tiết kiệm đất cho Côn Đảo.
+ Các khu du lịch - dịch vụ nghỉ dưỡng riêng biệt: phát triển theo hướng tách xa khỏi khu di tích. Các khu du lịch phát triển dọc các bãi biển và các triền núi, bao gồm: khu du lịch Bãi đất Dốc, khu du lịch dọc ven biển đoạn từ đầu đường Nguyễn Đức Thuận giao với đường Tôn Đức Thắng đến khu đất Công ty Ngọc Trai Côn Đảo. Một số khu vực du lịch dịch vụ phía Tây Bắc hồ Quang Trung An Hải. Tạo các trục không gian tiếp cận không gian biển và bãi tắm công cộng tổ chức dịch vụ công cộng, công viên, bãi đỗ xe phục vụ người dân và du khách.
+ Khu hỗn hợp: là các khu vực được quy hoạch sử dụng chủ yếu cho mục đích dịch vụ du lịch, dân cư, các công trình công cộng. Trong đó, đối với các khu vực trung tâm đã ổn định cải tạo cảnh quan hiện hữu để tăng tính hấp dẫn của đô thị. Đối với khu vực xây dựng mới phía Tây Nam đang đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật ưu tiên phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch.
+ Phát triển hệ thống công viên cây xanh sinh thái quy mô lớn kết hợp với vùng cách ly bảo vệ nguồn nước (hồ An Hải, hồ Quang Trung, hồ Quang Trung mở rộng).
+ Khu sinh thái nông nghiệp: bảo vệ và lưu giữ diện tích đất nông nghiệp phù hợp phía Bắc nghĩa trang Hàng Dương, cải tạo thành vùng chuyên canh, nông nghiệp sạch, năng suất cao phục vụ một phần nhu cầu về thực phẩm và khai thác du lịch.
+ Điều chỉnh vị trí xây dựng Trung tâm văn hóa và Trung tâm thể dục thể thao cấp đô thị sang khu đô thị Tây Bắc hồ Quang Trung gắn với khu trung tâm hành chính mới. Vị trí sau khi di dời sẽ ưu tiên cho phát triển du lịch, dịch vụ, xây dựng quảng trường du lịch, văn hóa lễ hội gắn với không gian hồ An Hải.
+ Bố trí khu vực đất mặt nước phát triển kinh tế biển và cho thuê (khu vực tàu thuyền được phép kinh doanh cho khách du lịch nghỉ trên tàu qua đêm (tàu lưu trú du lịch) tại vị trí phía trước bãi biển phía Đông Bắc Khu trung tâm Côn Sơn, nằm ngoài phạm vi bảo vệ nghiêm ngặt phần bảo tồn vườn quốc gia trên biển.
+ Xây dựng tuyến cáp treo đi lên đỉnh núi Chúa, Thánh Giá, Nhà Bàn liên kết với khu Cỏ Ống. Bố trí xây dựng nhà ga cáp treo gắn với các dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí. Xây dựng tuyến ray điện khu vực núi Lò Vôi. Các tuyến cáp treo và nhà ga trong Vườn Quốc gia thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
- Khu Cỏ Ống - Đầm Tre: là đô thị du lịch, dịch vụ thương mại - đô thị hàng không, vui chơi giải trí thể thao cao cấp,... Quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 10.500 người; trong đó, dân số thường trú khoảng 3.800 người, với khoảng 2.400 phòng khách sạn. Khu vực được định hướng phát triển không gian như sau:
+ Khu vực cảng hàng không Cỏ Ống: điều chỉnh quy mô nâng cấp sân bay kết hợp cùng hệ thống dịch vụ sân bay với tổng diện tích khoảng 181,51 ha theo định hướng của Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Côn Đảo. Phát triển khu hỗn hợp với hạ tầng đồng bộ và hiện đại bao gồm các trung tâm dịch vụ lớn, các trung tâm thương mại miễn thuế, các trung tâm dịch vụ tài chính, viễn thông, lữ hành... gắn với cảng hàng không.
+ Quy hoạch 01 sân gôn 18 hố (khu cây xanh sử dụng hạn chế) về phía Bắc và Nam sân bay quy mô khoảng 63 ha; tổ chức giao thông kết nối bằng tuyến đường hầm qua sân bay tại vị trí phía Đông đường băng sân bay đảm bảo các yêu cầu an toàn của ngành hàng không. Việc thực hiện xây dựng sân gôn tuân thủ các quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định liên quan đến đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn.
+ Phát triển Tổ hợp đô thị du lịch cao cấp ven biển gồm các khu du lịch tập trung và các khu resort phân tán (phía Bắc Polocondo, các khu ven núi, bãi Đầm Trầu, Ông Cường, Đầm Tre, khu vực lấn biển phía Đông suối Ớt,...) với các loại hình khách sạn, resort và các dịch vụ du lịch khác.
+ Bảo tồn diện tích các vùng sinh thái còn lại dành cho phát triển đất nông nghiệp, cây xanh, rừng tự nhiên, rừng trồng, mặt nước...
+ Tạo các trục không gian tiếp cận không gian biển và bãi tắm công cộng tổ chức dịch vụ công cộng, công viên, bãi đỗ xe phục vụ người dân và du khách.
- Khu Bến Đầm: là đô thị dịch vụ - đô thị cảng phục vụ cho các hoạt động hậu cần cảng và các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng. Quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 5.000 người; trong đó, dân số thường trú khoảng 2.200 người, với khoảng 1.100 phòng khách sạn. Khu vực được định hướng phát triển không gian như sau:
+ Cải tạo và nâng cấp các khu dân cư cũ, xây dựng các công trình hạ tầng xã hội đảm bảo cho khu dân cư hiện hữu và phát triển mới. Phát triển khu đô thị làng chài gắn với các loại hình dịch vụ để phục vụ cho các hoạt động của cảng Bến Đầm.
+ Quy hoạch một số khu du lịch nghỉ dưỡng theo hướng đa dạng loại hình du lịch trên cơ sở điều kiện tự nhiên.
+ Khu vực cảng Bến Đầm và các khu dịch vụ khác: xây dựng tổ hợp dịch vụ thương mại gắn với cảng Bến Đầm. Nâng cấp cảng và hệ thống kho bãi kết hợp với các không gian cho các hoạt động hậu cần cảng và neo đậu tàu thuyền trú bão. Quy hoạch cảng hành khách quốc tế tại khu vực Bến Đầm. Quy hoạch bến du thuyền cao cấp phía Bắc Bến Đầm gắn với tổ hợp khách sạn, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí biển,...
+ Điều chỉnh khu vực Quy hoạch cụm công nghiệp Bến Đầm thành điểm tập trung các hoạt động sản xuất phục vụ địa phương như: nhà máy nước đá, giết mổ gia súc gia cầm, khu hậu cần nghề cá, sản xuất các ngư cụ, sơ chế,... đảm bảo khoảng cách ly đối với các công trình an ninh quốc phòng, không ảnh hưởng đến môi trường du lịch cũng như Vườn Quốc gia Côn Đảo.
+ Quy hoạch khu vực Bãi Nhát thành khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp có chức năng như một cửa ngõ đường bộ khu vực Bến Đầm và mang đến một khung cảnh ngoạn mục nhìn ra đỉnh Hòn Bà.
+ Điều chỉnh vị trí quy hoạch đề xuất xây dựng khu nhà máy xử lý rác kết hợp nghĩa trang sẽ chỉ còn lại chức năng bố trí nhà máy xử lý rác.
7. Định hướng phát triển không gian và thiết kế đô thị
a) Đối với vùng sinh thái tự nhiên và Vườn Quốc gia Côn Đảo
Các khu vực thuê môi trường rừng và vị trí dự kiến xây dựng các công trình phục vụ du lịch trong vùng sinh thái tự nhiên và Vườn Quốc gia Côn Đảo phải tuân thủ các quy định về bảo vệ phát triển rừng, phù hợp với tiêu chí xây dựng, hạn chế san gạt làm biến đổi địa hình, không phá hoại hệ sinh thái tự nhiên.
Các công trình xây dựng trong khu vực với các chỉ tiêu sử dụng đất tuân thủ theo Quyết định được phê duyệt về thuê môi trường rừng.
Quy hoạch các bến thuyền du lịch phục vụ khách tham quan các đảo nhỏ, các bến neo đậu khai thác các loại hình dịch vụ lưu trú trên du thuyền đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường, vùng bảo tồn mặt nước của Vườn Quốc gia Côn Đảo và quy định pháp luật liên quan.
Đối với các khu vực đảo nhỏ:
+ Trong khu vực nhạy cảm về môi trường có nguy cơ tác động đến các sinh vật biến quý hiếm cần kiểm soát chặt chẽ các hoạt động giao thông, du lịch trên mặt biển. Các loại hình du lịch sinh thái cao cấp như lặn biển ngắm san hô hoặc các tour tham quan hệ sinh thái động thực vật như xem rùa đẻ trứng,... tour du lịch sinh thái, du lịch khám phá trải nghiệm leo núi trên hòn Bảy Cạnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các nội quy, quy chế bảo vệ rừng quốc gia Côn Đảo.
+ Kiểm soát số lượng và hoạt động của khách du lịch tham quan đến các đảo nhỏ, đảm bảo không tác động đến môi trường sinh thái tự nhiên.
+ Thiết kế các công trình dịch vụ du lịch tại các vị trí được xác định cho thuê môi trường rừng theo hướng kiến trúc xanh, sử dụng vật liệu địa phương thân thiện môi trường đảm bảo các chỉ tiêu và quy định. Có giải pháp thu gom xử lý chất thải, rác thải triệt để hiệu quả, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường tự nhiên.
+ Quy hoạch những tuyến đường đi bộ sinh thái và các hoạt động mới trong Vườn Quốc gia.
b) Đối với vùng phát triển đô thị - du lịch:
- Khu trung tâm Côn Sơn
+ Giải pháp cho các vùng không gian chính:
• Đối với khu di tích: bảo tồn theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo phát huy các giá trị Khu di tích Côn Đảo.
• Đối với khu phố cũ: cải tạo chỉnh trang các kiến trúc và hạ tầng hiện có. Không phát triển thêm các công trình cao tầng (tối đa 07 tầng nổi, 02 tầng hầm). Các công trình sát di tích cần được chỉnh trang cho phù hợp với cảnh quan chung. Lập danh mục và giải pháp bảo tồn hệ thống cây xanh có giá trị.
• Đối với khu đô thị - du lịch ven biển phía Tây Nam: phát triển các kiến trúc dạng biệt thự du lịch thấp tầng (01 - 05 tầng) có mật độ xây dựng thấp. Khu lấn biển phía Tây Nam xây dựng tổ hợp du lịch với điểm nhấn khách sạn cao tầng gắn với dịch vụ du lịch và bến du thuyền.
• Đối với khu đô thị ven núi: xây dựng khu đô thị du lịch hiện đại, hạ tầng đồng bộ. Phát triển một số công trình khách sạn, dịch vụ du lịch cao tầng làm điểm nhấn (tối đa 25 tầng). Phát triển một số chung cư cao tầng (tối đa 20 tầng) tại phía Tây hồ Quang Trung xa phía biển với mật độ xây dựng thấp, nhằm tiết kiệm quỹ đất, tạo môi trường sống văn minh hiện đại, hài hòa với cảnh quan môi trường (sẽ được cụ thể hóa trong quá trình lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết). Khu dân cư hiện trạng cải tạo gắn với nông nghiệp phát triển mô hình kết hợp du lịch.
• Khu cảnh quan sinh thái nông nghiệp và mặt nước: phát triển cây xanh, cây ăn quả kết hợp với mở rộng mặt nước gắn với hồ Quang Trung, An Hải và Quang Trung mở rộng.
+ Các tuyến không gian chính:
• Trục không gian đi bộ tại khu Trung tâm, trục lễ hội trên tuyến Ngô Gia Tự nối dài từ Trung tâm hành chính mới ra biển.
• Trục không gian tâm linh - tinh thần gắn với Nghĩa trang Hàng Dương.
• Các tuyến ven biển và các tuyến đi bộ thăm quan di tích.
+ Các điểm nhấn và không gian mở, không gian công cộng:
• Tạo các không gian mở Quảng trường Hàng Dương, Quảng trường ven biển... dành cho các hoạt động văn hóa.
• Hình thành các khu trung tâm hành chính, văn hóa, thể dục thể thao, y tế, giáo dục và thương mại dịch vụ mới được bố trí tại những vị trí thuận lợi về giao thông, kết nối thuận lợi với các khu chức năng đô thị khác. Yêu cầu thiết kế có không gian kiến trúc đặc trưng, đa dạng, khuyến khích các công trình xây dựng có xu hướng kiến trúc xanh; tạo không gian dẫn hướng đến các khu vực trung tâm, tạo tầm nhìn cho các công trình và tổ hợp công trình trong khu trung tâm.
• Bố trí nhà ga cáp treo gắn kết với khu Cỏ Ống qua núi Nhà Bàn xuống khu trung tâm, tạo một tuyến du lịch hấp dẫn trên núi với điểm nhìn toàn cảnh khu vực trung tâm và khu vực Cỏ Ống.
• Hình thành các điểm nhấn của đô thị tại khu vực cuối bãi tắm phía Tây Nam trung tâm, khu vực đô thị mới ven núi, đường đi Ma Thiên Lãnh, Mũi Lò Vôi... bằng các kiến trúc cao tầng hoặc tượng đài.
• Nghiên cứu xây dựng thêm các công trình văn hóa - tín ngưỡng phù hợp.
• Hình thành các quần thể tượng đài với tỷ lệ 1/1 mô phỏng cuộc sống sinh hoạt và lao động trên đảo qua các thời kỳ.
+ Các yêu cầu kiểm soát:
Phát triển đô thị Trung tâm Côn Sơn kết hợp kiểm soát chặt chẽ các vấn đề bao gồm: kiến trúc các công trình sát các di tích gốc không tác động xấu tới di tích; bảo tồn các cây cổ thụ quý hiếm; kiểm soát hạn chế tầng cao và quy mô các khu đô thị du lịch và resort ven biển; đảm bảo toàn bộ bãi biển được sử dụng với mục đích công cộng; các không gian tiếp cận biển dễ dàng và tự do kèm các dịch vụ thiết yếu về du lịch; ngăn chặn các hoạt động xả nước thải của các resort ra biển; cho phép đỗ tàu thuyền tại các khu vực theo quy định; hạn chế xe cơ giới, khuyến khích giao thông xanh, thân thiện: xe điện, xe đạp,...; bảo vệ nghiêm ngặt vùng cây xanh cách ly và hồ nước ngọt Quang Trung, An Hải và các hồ nước ngọt khác. Đảm bảo các mục tiêu an ninh quốc phòng khu vực ven biển và các hướng tiếp cận biển.
- Khu Cỏ Ống
+ Giải pháp cho các vùng không gian chính:
• Khu Đô thị thương mại và sân bay Cỏ Ống: mở rộng, nâng công suất sân bay theo quy hoạch được phê duyệt. Hình thành một đô thị hạ tầng đồng bộ có kiến trúc hiện đại với các trung tâm thương mại, văn phòng. Bố trí nhà ga và tuyến cáp treo kết nối về trung tâm Côn Sơn.
• Các khu đô thị du lịch riêng biệt: phát triển một tổ hợp du lịch đặc biệt theo hướng riêng biệt, sang trọng với hai hình thức tổ chức, gồm: tổ hợp các chuỗi khách sạn và hệ thống resort riêng biệt.
• Các dự án cho thuê môi trường rừng đầu tư du lịch sinh thái dưới tán rừng đảm bảo gắn kết với các không gian đô thị du lịch tạo nên một quần thể du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn và đẳng cấp.
• Tổ chức không gian sân gôn phía Bắc và Nam sân bay đảm bảo các điều kiện an toàn của ngành hàng không, tạo nên một nét đặc trưng độc đáo của sản phẩm du lịch Côn Đảo.
• Khu vực sinh thái tự nhiên cải tạo thành công viên sinh thái lớn kết hợp với bổ sung các hồ chứa nước ngọt.
• Khu vực Đầm Tre phát triển du lịch sinh thái gắn với thuê môi trường rừng đảm bảo điều kiện bảo vệ nghiêm ngặt vùng mặt nước và các giá trị cảnh quan thiên nhiên.
+ Các tuyến không gian chính:
• Tuyến trục thương mại - dịch vụ từ Sân Bay đến đô thị Cỏ Ống.
• Tuyến kết nối đô thị sân bay với trung tâm Côn Sơn bằng cáp treo.
• Tuyến du lịch nối phía Bắc và Nam sân bay với Đầm Tre.
+ Các điểm nhấn - không gian mở:
• Quần thể Nhà ga hàng không và quảng trường Nhà ga hàng không là tổ hợp công trình hiện đại, là điểm nhấn chính toàn khu vực.
• Các trung tâm thương mại đô thị kết hợp với quảng trường, phố đi bộ.
• Tổ hợp các khách sạn, chung cư cao tầng.
+ Các yêu cầu kiểm soát:
Phát triển khu vực lưu ý các yêu cầu kiểm soát: tầng cao các công trình đảm bảo an toàn bay; các dự án trong khu vực đạt tiêu chuẩn quốc tế; số lượng khách sạn theo ngưỡng phù hợp; nước thải được thu gom xử lý; kiểm soát việc sử dụng quỹ đất dự trữ.
- Khu Bến Đầm
+ Các giải pháp về không gian:
• Tổ hợp cảng Bến Đầm: phát triển cảng hành khách quốc tế đảm bảo các điều kiện đón trả khách lớn. Phân định các khu dịch vụ cảng - dịch vụ hàng hải, khu trú bão, neo đậu và hậu cần.
• Khu dân cư Bến Đầm: xây dựng các khu đô thị thấp tầng với các công trình quy mô vừa và nhỏ bám theo địa hình tự nhiên và hướng xuống Vịnh.
• Các khu nghỉ dưỡng ven biển và trên núi: xây dựng các làng du lịch nối và các khách sạn sinh thái bám dọc theo các triền núi và nhìn xuống Vịnh.
+ Các yêu cầu kiểm soát: hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường quanh bờ vịnh Đầm; kiểm soát vệ sinh môi trường và nước thải tại điểm công nghiệp; hạn chế san gạt phần bờ chân núi Thánh Giá, Hòn Bà; quy định khoanh vùng kiểm soát neo đậu thuyền; kiểm soát chất lượng nước thải, chất thải rắn của tàu thuyền xuống Vịnh.
8. Định hướng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2045
a) Sử dụng đất đai toàn đảo:
Tổng diện tích đất tự nhiên toàn đảo hiện trạng khoảng 7.578,87 ha.
Tổng diện tích quy hoạch khoảng 7.718,48 ha. Trong đó, diện tích đất Vườn Quốc gia Côn Đảo khoảng 5.889,8 ha và diện tích quy hoạch ngoài Vườn Quốc gia khoảng 1.828,68 ha.
Diện tích quy hoạch ngoài Vườn Quốc gia khoảng 1.828,68 ha (bao gồm: diện tích đất tự nhiên ngoài Vườn Quốc gia khoảng 1.689,07 ha và diện tích đất quy hoạch khai thác mặt biển khoảng 140 ha); trong đó:
- Đến năm 2030: đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.263,26 ha; đất nông nghiệp và chức năng khác khoảng 565,42 ha (trong đó đất rừng phòng hộ khoảng 311 ha).
- Đến năm 2045: đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.486,44 ha; đất nông nghiệp và chức năng khác khoảng 342,24 ha (trong đó đất rừng phòng hộ khoảng 237,76 ha).
b) Đối với diện tích trong vườn Quốc gia Côn Đảo:
- Phần bảo tồn biển: khoảng 14.000 ha; chiếm 70,4% diện tích Vườn Quốc gia.
- Phần bảo tồn trên các hòn đảo: khoảng 5.889,8 ha; chiếm 76,4% diện tích đất tự nhiên và 29,6% diện tích Vườn Quốc gia.
9. Định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giải pháp bảo vệ môi trường
Định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật (hạ tầng kỹ thuật xanh, thông minh; quy hoạch giao thông; quy hoạch cao độ nền xây dựng; quy hoạch thoát nước mặt; quy hoạch cấp điện, năng lượng; quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông; quy hoạch cấp nước; quy hoạch thu gom và xử lý nước thải; quy hoạch thu gom và xử lý chất thải rắn; quy hoạch nghĩa trang, nhà tang lễ) và giải pháp bảo vệ môi trường được nghiên cứu phù hợp và tuân thủ theo quy định hiện hành đảm bảo phù hợp với đặc trưng địa hình, cảnh quan chung và định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
10. Các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư (đợt đầu đến năm 2030)
- Hoàn thiện đồng bộ hệ thống công cụ quản lý về quy hoạch, phát triển đô thị gồm: lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khung làm tiền đề cho phát triển đô thị. Đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ du lịch tại các khu chức năng có không gian đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch, tạo động lực phát triển đồng bộ toàn đảo.
- Ưu tiên lựa chọn các chương trình, dự án: (1) Để triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung; (2) Các dự án theo lĩnh vực kết cấu, hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đầu mối; (3) Các dự án chỉnh trang, nâng cấp công trình hạ tầng xã hội, đời sống dân sinh (công trình công cộng, công viên, cây xanh...) nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục và đào tạo, chỉnh trang kiến trúc cảnh quan đô thị, phát triển hạ tầng cơ sở, tạo điểm nhấn riêng đô thị du lịch Côn Đảo; (4) Các dự án theo nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước (các dự án động lực, trọng điểm nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển chung, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, thời gian thu hồi vốn kéo dài), các nguồn vốn khác (các dự án có khả năng sớm thu hồi vốn, đóng góp tăng trưởng, ...).
- Cơ chế huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; rà soát quỹ đất để có phương án quy hoạch, kêu gọi đầu tư phù hợp; đẩy mạnh giải pháp khơi thông nguồn lực; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ đất đai./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.