HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 183/2022/NQ-HĐND |
Hòa Bình, ngày 20 tháng 10 năm 2022 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;
Xét Tờ trình số 154/TTr-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao
1. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo quy định của pháp luật, định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình Khóa XVII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20 tháng 10 năm 2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 10 năm 2022./.
|
CHỦ TỊCH |
CƠ
CHẾ LỒNG GHÉP NGUỒN VỐN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA, GIỮA CÁC CHƯƠNG
TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA
BÌNH, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Nghị quyết số
183/2022/NQ-HĐND ngày 20/10/2022 của Hội đồng nhân
dân tỉnh Hòa Bình)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021 - 2025.
2. Đối tượng áp dụng
a) Quy định này áp dụng đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến việc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh.
1. Lồng ghép nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động, nội dung có cùng mục tiêu và trên cùng một địa bàn cấp xã, cấp huyện.
2. Đảm bảo không làm thay đổi các mục tiêu, nhiệm vụ, tổng mức vốn được giao của từng chương trình, dự án; giảm thiểu chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung; tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn.
3. Việc lồng ghép các nguồn vốn phải phù hợp với nội dung từng chương trình mục tiêu quốc gia và phù hợp với nội dung các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn, trong đó lấy mục tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới làm trung tâm để thực hiện lồng ghép.
4. Quá trình lồng ghép phải được thực hiện đồng bộ từ khâu xây dựng chính sách, lập kế hoạch, phân bổ, giao dự toán ngân sách và sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn vốn.
5. Tập trung lồng ghép các nguồn vốn thực hiện nội dung, hoạt động trên địa bàn huyện (Đà Bắc); xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
6. Xác định rõ mức vốn của từng chương trình, dự án đưa vào lồng ghép; trong chương trình, dự án được lồng ghép xác định rõ mức vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ, vốn huy động, đóng góp khác để thực hiện chương trình, dự án.
7. Xác định rõ nguyên tắc vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện, cấp xã mang tính chất hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động, nội dung; huy động tối đa nguồn vốn tín dụng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động, nội dung theo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, huy động thông qua nhiều hình thức và có sự tham gia giám sát của Nhân dân.
Điều 3. Nội dung và nguồn vốn thực hiện lồng ghép
1. Nội dung thực hiện lồng ghép:
a) Dự án đầu tư.
b) Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
c) Hoạt động đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo nghề, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện; thông tin, tuyên truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia.
d) Hoạt động kiểm tra, đánh giá, hội nghị triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp.
đ) Các nội dung khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (nếu có).
2. Các nguồn vốn thực hiện lồng ghép:
a) Vốn ngân sách nhà nước:
- Nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương.
- Nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
b) Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và Nguồn vốn viện trợ phi chính phủ (NGO).
c) Vốn tín dụng.
d) Các nguồn vốn hợp pháp khác: vốn đóng góp tự nguyện của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Hình thức lồng ghép nguồn vốn
1. Sử dụng các nguồn vốn để thực hiện cùng một dự án, nội dung, hoạt động thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
2. Sử dụng các nguồn vốn để thực hiện các dự án, nội dung, hoạt động khác nhau có cùng mục tiêu và trên cùng địa bàn cấp xã, cấp huyện.
Điều 5. Phạm vi thực hiện lồng ghép của các nguồn vốn
1. Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Thực hiện trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
2. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Thực hiện trên địa bàn các xã (không bao gồm các xã được đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) và các huyện đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
3. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh và trọng tâm là huyện Đà Bắc.
4. Nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương: Tùy theo mục tiêu, nhiệm vụ được ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện lồng ghép vào các dự án, nội dung, hoạt động thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia cho phù hợp.
5. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ (NGO) trên địa bàn: Tùy theo mục tiêu, yêu cầu của nhà tài trợ đối với từng nguồn vốn để thực hiện lồng ghép vào các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia cho phù hợp (trừ các xã thuộc vùng CT229).
6. Nguồn ngân sách cấp tỉnh, huyện, xã (vốn đầu tư, sự nghiệp): Lồng ghép để thực hiện các dự án, nội dung, hoạt động của chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo vốn đối ứng của ngân sách địa phương theo quy định tại các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với từng Chương trình mục tiêu Quốc gia.
7. Nguồn vốn tín dụng: Tùy theo mục đích vay của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân để xác định lồng ghép vào các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng,...
8. Các nguồn vốn hợp pháp khác: Thực hiện lồng ghép trong các dự án, nội dung, hoạt động đảm bảo phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu của từng chương trình mục tiêu quốc gia.
Điều 6. Phương pháp lồng ghép các nguồn vốn
1. Dự án đầu tư
a) Thực hiện lồng ghép trong cùng dự án: Các dự án đầu tư có cùng mục tiêu, đối tượng đầu tư được sử dụng từ 02 nguồn vốn khác nhau trở lên thì thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để đạt được mục tiêu của dự án.
b) Thực hiện lồng ghép trong cùng phạm vi địa bàn: Trên cùng một địa bàn huyện, xã được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau, thì lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án nhằm đạt mục tiêu chung trên địa bàn.
2. Các nội dung, hoạt động sử dụng kinh phí sự nghiệp
a) Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất:
- Thực hiện lồng ghép trong cùng dự án, hoạt động: Lồng ghép các nguồn vốn có cùng phạm vi thực hiện để thực hiện dự án, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.
- Thực hiện lồng ghép trong cùng phạm vi địa bàn: Lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các dự án, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm đạt được mục tiêu chung trên địa bàn.
b) Hoạt động đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo nghề, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện; thông tin, tuyên truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia:
- Hoạt động đào tạo, tập huấn: Lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện một hoặc một số lớp đào tạo, tập huấn có cùng mục tiêu, địa bàn thực hiện; tránh xảy ra trường hợp nhiều đơn vị cùng đào tạo, tập huấn một nội dung, cho một nhóm đối tượng.
- Hoạt động thông tin tuyên truyền: Lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện một hoặc một số hoạt động thông tin tuyên truyền có cùng mục tiêu, địa bàn thực hiện; tránh xảy ra trường hợp nhiều đơn vị cùng thực hiện một hình thức tuyên truyền có cùng nội dung thông tin.
c) Hoạt động kiểm tra, đánh giá, hội nghị triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia:
- Lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Lồng ghép các nguồn vốn đẻ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong trường hợp thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành và tổ chức thực hiện một hoặc một số hội nghị triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có cùng mục tiêu, địa bàn thực hiện.
d) Các nội dung khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (nếu có): Trường hợp phát sinh các nội dung, hoạt động có cùng mục tiêu, địa bàn thực hiện phải thực hiện lồng ghép các nguồn vốn theo quy định.
Điều 7. Quy trình thực hiện lồng ghép
1. Ủy ban nhân dân cấp xã
Lập kế hoạch các chương trình mục tiêu quốc gia đồng thời vào thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm, trình hội đồng nhân dân cấp xã phê duyệt, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức triển khai lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư phát triển; xây dựng danh mục dự án đầu tư và kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hàng năm các chương trình, dự án trên địa bàn xã.
b) Tổng hợp kế hoạch hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia các xã theo các nội dung khoản 2, Điều 7, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ, gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Ban Dân tộc.
3. Cấp tỉnh
a) Trên cơ sở kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Ủy ban nhân dân các huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tổng hợp và lập kế hoạch thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia có sự lồng ghép theo phạm vi, chức năng của ngành gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.
b) Sở Tài chính tổng hợp nội dung lồng ghép đối với nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch thực hiện (có sự lồng ghép) đối với nguồn vốn đầu tư phát triển và tổng hợp chung bao gồm cả nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình, trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 8. Thanh toán, quyết toán vốn lồng ghép
1. Đối với nguồn vốn sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành.
2. Đối với các nguồn vốn tín dụng thực hiện theo quy định của các tổ chức tín dụng.
3. Đối với nguồn vốn của các nhà tài trợ (nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn viện trợ phi Chính phủ (NGO):
a) Trường hợp nhà tài trợ có quy định về phương thức thanh toán, quyết toán thì thực hiện theo quy định của nhà tài trợ.
b) Trường hợp nhà tài trợ không có quy định thì thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy định hiện hành.
4. Đối với nguồn vốn đóng góp tự nguyện:
a) Do cộng đồng dân cư tham gia thực hiện Chương trình trực tiếp quản lý, sử dụng; tham gia đóng góp bằng hiện vật hoặc ngày công lao động được quy đổi thành tiền và được tính trong giá trị nội dung thực hiện đầu tư, hỗ trợ của Chương trình để theo dõi, quản lý tỷ lệ đóng góp đã thống nhất không thực hiện hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước.
b) Sau khi thanh toán, quyết toán, nếu chênh lệch thu lớn hơn chi hoặc với các khoản hiện vật đóng góp chưa được sử dụng hết, Nhân dân tổ chức họp bàn và quyết định sử dụng kinh phí hoặc hiện vật chưa sử dụng hết để tiếp tục đầu tư, hỗ trợ thực hiện các nội dung thuộc Chương trình trên địa bàn hoặc sử dụng cho các công trình công ích cần thiết khác của cộng đồng./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.