HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2024/NQ-HĐND |
Tiền Giang, ngày 09 tháng 12 năm 2024 |
QUY ĐỊNH MỨC ĐẦU TƯ, HỖ TRỢ ĐẦU TƯ TRONG LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 27/2024/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp;
Xét Tờ trình số 403/TTr-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Báo cáo thẩm tra số 490/BC-HĐND ngày 28 tháng 11 năm 2024 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư trong lâm nghiệp gồm: bảo vệ rừng phòng hộ, khoán bảo vệ rừng, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, trồng rừng, đầu tư cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
2. Đối tượng áp dụng
Nghị quyết này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến hoạt động bảo vệ và phát triển rừng từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện.
Điều 2. Nguyên tắc đầu tư, hỗ trợ đầu tư trong lâm nghiệp
1. Bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh phù hợp với khả năng cân đối vốn từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch trung hạn và hằng năm.
2. Đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch và tuân thủ theo các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các nội dung có liên quan đến hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.
3. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tự đầu tư, huy động vốn hợp pháp để thực hiện dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.
QUY ĐỊNH CÁC MỨC ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ
Điều 3. Mức hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ
Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ, quản lý rừng, với mức như sau:
1. Ban Quản lý rừng phòng hộ: 500.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng phòng hộ được giao, ngoài kinh phí sự nghiệp thường xuyên cho các hoạt động của bộ máy Ban Quản lý rừng.
2. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư: 500.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng phòng hộ được giao.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê: 150.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng phòng hộ được giao.
4. Mức hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ đối với vùng đất ven biển bằng 1,5 lần mức quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này.
Điều 4. Mức đầu tư trồng rừng phòng hộ
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (Chủ rừng) thực hiện trồng rừng phòng hộ, mức đầu tư theo định mức kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán công trình lâm sinh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 5. Mức hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững
Mức hỗ trợ một lần xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho chủ rừng có rừng trồng sản xuất (trừ chủ rừng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài): 400.000 đồng/ha.
Điều 6. Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phòng hộ
Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phòng hộ như sau:
1. Đối với diện tích rừng tiếp giáp khu dân cư, rừng tiếp giáp với khu vực có nguy cơ cao về xâm hại tài nguyên rừng: 500.000 đồng/ha/năm;
2. Đối với diện tích rừng phòng hộ thuộc vùng đất ven biển: 750.000 đồng/ha/năm.
3. Mức hỗ trợ lập hồ sơ lần đầu cho khoán bảo vệ rừng và quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng như sau:
a) Lập hồ sơ lần đầu cho khoán bảo vệ rừng: 50.000 đồng/ha.
b) Quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng: 7% trên tổng kinh phí chi cho bảo vệ rừng hàng năm.
Điều 7. Mức hỗ trợ đầu tư cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có dự án đầu tư riêng hoặc được lập chung trong các dự án bảo vệ và phát triển rừng được cơ quan cấp có thẩm quyền phê duyệt, được hỗ trợ như sau:
1. Xây dựng rừng giống trồng mới có diện tích từ 2,0 ha trở lên, vườn giống trồng mới có diện tích từ 1,0 ha trở lên: 55.000.000 đồng/ha.
2. Xây dựng rừng giống chuyển hóa có diện tích từ 1,0 ha trở lên, vườn cây lâm nghiệp đầu dòng có diện tích từ 500m2 trở lên: 25.000.000 đồng/ha.
3. Dự án hoặc công trình xây dựng trung tâm sản xuất giống cây rừng chất lượng cao có quy mô sản xuất tối thiểu 1 triệu cây/năm: 5.000.000.000 đồng/dự án hoặc công trình.
4. Dự án hoặc công trình xây dựng mới vườn ươm giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô với diện tích đất xây dựng vườn ươm tối thiểu 0,5 ha: 300.000.000 đồng/dự án hoặc công trình.
Điều 8. Mức hỗ trợ trồng cây phân tán
Mức hỗ trợ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia trồng cây phân tán: 15.000.000 đồng/ha trồng cây phân tán (quy đổi 1.000 cây/ha), để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công trồng, chăm sóc; tổ chức các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện trồng cây phân tán.
Điều 9. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Nguồn kinh phí chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên của ngân sách địa phương theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Nguồn ngân sách địa phương kết hợp với ngân sách trung ương hỗ trợ và các nguồn lực khác để thực hiện.
3. Nguồn vốn khác: các nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo quy định.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Trường hợp các nội dung không quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang Khóa X, Kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.