HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 175/2009/NQ-HĐND |
Việt Trì, ngày 20 tháng 4 năm 2009 |
XÂY DỰNG THÀNH PHỐ VIỆT TRÌ ĐẠT ĐÔ THỊ LOẠI I VÀO NĂM 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI SÁU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ về phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị;
Căn cứ Nghị quyết số 65/2006/NĐ-HĐND ngày 17 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 736/TTr-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2009 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc đề nghị thông qua Đề án xây dựng thành phố Việt Trì đạt đô thị loại I vào năm 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1: Tán thành thông qua Đề án xây dựng thành phố Việt Trì đạt đô thị loại I vào năm 2015. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:
Phấn đấu xây dựng thành phố Việt Trì: Đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2015; trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam; thành trung tâm vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
II - Các chỉ tiêu chủ yếu xây dựng thành phố Việt Trì đạt đô thị loại I vào năm 2015
- Mức tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2009 - 2015 đạt 15%/năm.
- Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt (tối thiểu) 1,5 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước.
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 85% trở lên.
- Tỷ lệ lao động có đào tạo nghề (tối thiểu) đạt 65% tổng số lao động.
- Các công trình nhà ở, công trình dịch vụ, thương mại, công cộng, y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao, công viên cây xanh và các công trình khác phục vụ cuộc sống dân cư đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ và cơ bản hoàn chỉnh.
- Tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị: 25%.
- Mật độ đường chính (đường rải nhựa): 4,5km/km2.
- Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tối thiểu: 6%.
- Tỷ lệ nước bẩn được thu gom và xử lý: 80%.
- Mật độ đường ống thoát nước chính: 4,5km/km2.
- Cấp điện sinh hoạt nội thành: 1.000kwh/người/năm; ngoại thành: 500kwh/người/năm
- Tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng: 100%.
- Diện tích cây xanh đô thị: Trên 10m2/người.
- Đất cây xanh công cộng trong khu dân dụng: 8m2/người.
- Diện tích đất xây dựng công trình công cộng cấp khu ở: 1,5m2/người.
- Mức độ ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, chất lượng nước phục vụ sinh hoạt, chất lượng nước của hệ thống hồ trong đô thị đạt quy định của tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.
- Tỷ lệ rác các chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng công nghệ thích hợp: 90%.
- Dân số tối thiểu: 350.000 người (bằng 70% mức tối thiểu của đô thị loại I).
- Mật độ dân số đô thị: 12.000 người/km2.
III - Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
1. Nâng cao chức năng đô thị
Xây dựng thành phố Việt Trì trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ của tỉnh và của vùng; là thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam; phấn đấu để văn hóa thời đại Hùng Vương sớm được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
2. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị một cách đồng bộ
a) Hệ thống giao thông:
- Giao thông đối ngoại: Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh việc triển khai các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai; phát triển vận tải đường sông.
- Giao thông nội thị: Ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường chính theo quy hoạch tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh; tiếp tục cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, phố trong nội thành.
- Phát triển hệ thống giao thông công cộng và giao thông tĩnh trong nội thành.
b) Cấp nước: Đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt cho trên 95% người dân.
c) Thoát nước: Xây dựng hệ thống, thu gom xử lý nước thải sinh hoạt và nước bẩn đô thị; xử lý nước thải công nghiệp và nước thải bệnh viện đạt tiêu chuẩn.
d) Cấp điện: Cải tạo nâng cấp lưới điện, đảm bảo cấp điện cho hộ tiêu dùng và nhu cầu điện phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị.
e) Bưu chính, viễn thông: Cải tạo, nâng cấp hệ thống bưu chính, viễn thông, phấn đấu trở thành trung tâm viễn thông vùng; đảm bảo mỹ quan đô thị, thông tin thông suốt đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.
f) Vệ sinh môi trường: Làm tốt vệ sinh môi trường đô thị, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải bệnh viện. Quy hoạch, xây dựng nghĩa trang mới cho thành phố sau khi nghĩa trang Vân Phú đóng cửa và tiến tới xây dựng đài hóa thân. Hạn chế, tiến tới không mở rộng, không hung táng tại các nghĩa trang của các phường, xã; xây dựng nghĩa trang cải táng thành công viên vĩnh hằng. Đầu tư xây dựng một số nhà tang lễ phục vụ nhu cầu chung cho từng khu vực nhằm thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
g) Phát triển các khu đô thị mới: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu đô thị mới đã được phê duyệt, tiếp tục quy hoạch các khu đô thị mới hiện đại đáp ứng tiêu chí của đô thị loại I.
h) Xây dựng nhà ở: Tiếp tục khuyến khích nhân dân đầu tư xây dựng và phát triển nhà ở kiên cố. Xây dựng, cải tạo nâng cấp các khu nhà ở tập trung cao tầng đã xuống cấp và xây dựng mới một số khu nhà ở chung cư cao tầng, nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.
i) Xây dựng công trình công cộng: Xây dựng công viên, cây xanh, các thiết chế văn hóa, công trình công cộng trong các khu ở dân cư, các phường, xã. Xây dựng các trung tâm dịch vụ công cộng: Quảng trường Hùng Vương và Trung tâm dịch vụ tổng hợp, Quảng trường chính trị, Công viên Văn Lang… Xây dựng trung tâm hội nghị, hội thảo đạt tiêu chuẩn quốc gia; xây dựng trung tâm hành chính, chính trị các cấp.
k) Xây dựng, nâng cấp một số xã lên phường: Dự kiến đến năm 2015 thành lập thêm 6 phường mới là: Vân Phú, Minh Phương, Minh Nông, Trưng Vương, Hy Cương và Phượng Lâu, nâng số phường của thành phố lên 16 phường. Quy mô diện tích đất đô thị sẽ là 63,12km2 và diện tích đất ngoại thành là 47,82km2.
3. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động và thu hút dân cư
Tập trung phát triển mạnh kinh tế xã hội, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế; bảo tồn, trùng tu, nâng cấp, phục dựng các di sản văn hóa, xây dựng thành phố lễ hội; gắn kết văn hóa với du lịch về nguồn; phát triển làng nghề, sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các vùng nông thôn.
Hoàn thiện các thiết chế văn hóa - xã hội; xây dựng các trung tâm lớn về đào tạo, y tế và văn hóa thể thao trên địa bàn.
Có chính sách thu hút nhân dân từ các vùng miền khác về định cư, làm ăn, sinh sống tại thành phố thông qua phát triển công nghiệp, dịch vụ; có chính sách hỗ trợ về đất đai và nhà ở, phát triển các khu đô thị tại các khu công nghiệp, các khu dịch vụ.
4. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đô thị
Thực hiện tốt quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, kiến trúc đô thị và đẩy nhanh quy hoạch chi tiết các phường, xã trong đó ưu tiên lập quy hoạch cho những xã xây dựng thành phường, quy hoạch các khu chức năng của thành phố.
Thực hiện tốt chính sách thu hút cán bộ. Thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao trình độ quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý điều hành chính quyền đô thị. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thực hiện tốt quy chế quản lý đô thị.
5. Đẩy mạnh huy động nguồn lực, xây dựng và thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút đầu tư
a) Giải pháp huy động nguồn lực và thực hiện các chính sách thu hút đầu tư:
- Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, có cơ chế chính sách để huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển, xã hội hóa nguồn lực đầu tư, bao gồm các nguồn như: Ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách thành phố, nguồn ODA và các nguồn hợp pháp khác.
- Vận dụng cơ chế đặc thù mời gọi các nhà đầu tư có khả năng về tài chính để đầu tư vào các dự án công trình công cộng, du lịch, kinh tế, xã hội có quy mô lớn.
b) Nhu cầu vốn đầu tư: Dự kiến vốn đầu tư cho xây dựng phát triển thành phố từ năm 2009 đến năm 2015 khoảng trên 30.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng đô thị khoảng 19.924 tỷ đồng, trung bình mỗi năm khoảng 3.320 tỷ đồng.
c) Thứ tự ưu tiên đầu tư:
- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: Hạ tầng kinh tế - xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị; hạ tầng môi trường;
- Đầu tư xây dựng hình thành các trung tâm lớn về: Công nghiệp, dịch vụ, đô thị, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ;
- Đầu tư cho công tác quy hoạch và đào tạo nâng cao năng lực quản lý đô thị.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết;
- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVI, kỳ họp thứ mười sáu thông qua ngày 15 tháng 4 năm 2009.
|
CHỦ
TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.