HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2007/NQ-HĐND |
Trà Vinh, ngày 17 tháng 8 năm 2007 |
VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC CÔNG NHẬN DANH HIỆU XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VĂN HÓA
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT ngày 23/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin về việc ban hành Quy chế công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa";
Xét Tờ trình số: 2161/TTr-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê chuẩn quy định về tiêu chuẩn, thủ tục công nhận danh hiệu xã, phường, thị trấn văn hóa; trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê chuẩn Quy định về tiêu chuẩn, thủ tục công nhận danh hiệu xã, phường, thị trấn văn hóa tại Tờ trình số: 2161/TTr-UBND ngày 12/8/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh, với những nội dung cụ thể như sau:
1. Quy định này quy định về tiêu chuẩn, thủ tục công nhận danh hiệu xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
2. Danh hiệu xã văn hóa do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận.
3. Việc công nhận danh hiệu xã văn hóa và khen thưởng xã văn hóa phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, đúng tiêu chuẩn.
II. TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC CÔNG NHẬN DANH HIỆU XÃ VĂN HÓA
1. Tiêu chuẩn xã văn hóa
1.1. Tiêu chuẩn về kinh tế
- Có đời sống kinh tế ổn định, từng bước phát triển; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có tổ chức thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng các loại hình hợp tác kinh tế được công nhận, tạo được mô hình có hiệu quả; có ít nhất 01 hợp tác xã hoạt động đúng luật và có hiệu quả.
- Đạt 75% trở lên, đối với xã có 70% dân số trở lên là đồng bào Khmer đạt 60% hộ khá, giàu; tỷ lệ hộ nghèo không quá 10% đối với xã, không quá 5% đối với phường, thị trấn; đối với xã có 70% dân số trở lên là đồng bào Khmer hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4% trở lên.
- Đạt từ 85% trở lên, đối với xã có 70% dân số trở lên là đồng bào Khmer đạt từ 65% nhà kiên cố, bán kiên cố.
- Đạt 90% đối với xã, 100% đối với phường, thị trấn, đối với xã có 70% dân số trở lên là đồng bào Khmer đạt 85% hộ sử dụng điện.
1.2. Tiêu chuẩn về văn hóa - xã hội
- Được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
- Đạt 98%, đối với xã có 70% dân số trở lên là đồng bào Khmer đạt 95% trẻ em 6 tuổi đến trường; không quá 2%, đối với xã có 70% dân số trở lên là đồng bào Khmer không quá 3% học sinh bỏ học giữa chừng.
- Đạt 90%, đối với xã có 70% dân số trở lên là đồng bào Khmer đạt 85% các điểm trường, phòng học cơ bản còn lại là bán cơ bản, có ít nhất một trường đạt chuẩn quốc gia.
- 100% ấp, khóm được công nhận danh hiệu văn hóa và tới hạn phải được kiểm tra tái công nhận.
- Có phòng đọc sách, bưu điện văn hóa xã, thư viện liên kết trường học, phải có từ 800 bản sách trở lên, đối với xã có 70% dân số trở lên là đồng bào Khmer phải có từ 500 bản sách trở lên.
- Có trạm truyền thanh của xã với 6 loa phóng thanh trở lên, đảm bảo hoạt động mỗi ngày 2 buổi (sáng, chiều).
- Có một cụm panô cổ động và ít nhất 20 panô tuyên truyền theo tuyến lộ chính của xã, có cổng chào của xã.
- Có tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở ấp, khóm, xã; hàng năm có tổ chức hội thi, hội diễn cấp xã ít nhất một lần.
- Có tổ chức các hoạt động thể dục thể thao; hàng năm có tổ chức tranh tài, giao lưu trong và ngoài xã vào các dịp lễ, tết... ít nhất 3 lần trong năm; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
- Xây dựng ý thức và tham gia tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh ở địa phương.
- 100% cơ quan, trường học, trạm xá, chợ, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo... đóng trên địa bàn phải được công nhận danh hiệu văn minh.
- Có 80%, đối với xã có 70% dân số trở lên là đồng bào Khmer có 70% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa và các danh hiệu khác (gia đình sức khỏe, gia đình nông dân văn hóa, hộ kinh doanh văn hóa,...).
- Phải đạt các tiêu chí về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe do Bộ Y tế quy định, được xét công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; thực hiện tốt Pháp lệnh về dân số.
- Phải có phong trào xã hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, lao động - thương binh và xã hội.
1.3. Tiêu chuẩn về môi trường cảnh quan
- Phải thường xuyên duy tu bảo dưỡng các công trình do xã quản lý, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và trật tự an toàn giao thông đô thị, đảm bảo lòng đường, vỉa hè thông thoáng sạch đẹp, tạo mỹ quan đô thị; không có hộ dân lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, lấn chiếm đất công.
- Thực hiện tốt Chỉ thị 200/TTg của Thủ tướng Chính phủ, xóa chuồng trại chăn nuôi và cầu tiêu trên ao hồ, sông rạch trên địa bàn xã; có 90% trở lên, đối với xã có 70% dân số trở lên là đồng bào Khmer có 85% hộ sử dụng nước sạch; có 95%, đối với xã có 70% dân số trở lên là đồng bào Khmer có 90% hộ có nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh; khu trung tâm hành chính xã phải đảm bảo xanh, sạch, đẹp.
- Những tuyến đường liên ấp, khóm phải được bê tông hóa 90%, không còn cầu khỉ, có nhiều cây xanh và thường xuyên làm vệ sinh, sạch đẹp.
- Đối với chợ xã, thị trấn phải có bãi đổ rác, nhà vệ sinh công cộng, thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy (đảm bảo các đường giao thông cho xe cứu hỏa tới khu dân cư); thị trấn có đất nghĩa địa.
1.4. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
- Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân.
- Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, có phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt loại khá trở lên, không để xảy ra khiếu kiện đông người kéo dài, không để xảy điểm nóng về an ninh nông thôn, đô thị. Đạt xã an toàn về an ninh trật tự.
- Công tác tuyển quân, xây dựng lực lượng vũ trang và dự bị động viên, dân quân tự vệ hàng năm phải đạt chỉ tiêu trên giao.
- Được công nhận xã lành mạnh không có tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy, mại dâm; không có hộ gia đình tàng trữ, lưu hành, sử dụng băng, đĩa hình, sách báo... có nội dung độc hại, đồi trụy, phản động và mê tín dị đoan.
- Thực hiện tốt chính sách xã hội, chú trọng gia đình diện chính sách, người già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi; có bảng vàng truyền thống ghi danh các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ...; được công nhận xã có mức sống của gia đình chính sách ngang bằng với mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
- Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; quy chế dân chủ ở cơ quan, thực hiện tốt công tác hòa giải.
- Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Quyết định 308 của Thủ tướng Chính phủ và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Hoàn thành các chỉ tiêu của Nhà nước giao hàng năm.
1.5. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
- Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã có Nghị quyết và kế hoạch về phong trào xây dựng đời sống văn hóa; định kỳ hàng tháng, quý, năm có sơ, tổng kết rút kinh nghiệm.
- Đảng bộ cơ sở đạt trong sạch vững mạnh, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể hoạt động hàng năm được xếp loại khá trở lên.
- Có 90%, đối với xã có 70% dân số trở lên là đồng bào Khmer có 85% công dân tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và các tổ chức kinh tế.
2. Thủ tục công nhận danh hiệu xã văn hóa
2.1. Đăng ký xây dựng xã văn hóa
- Ủy ban nhân dân xã xem xét đăng ký với Ban Chỉ đạo huyện, thị xã; Ban Chỉ đạo huyện, thị xã tiến hành đăng ký với Ban Chỉ đạo tỉnh. Việc đăng ký xây dựng xã văn hóa phải được đưa vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã.
- Trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo xã căn cứ vào tiêu chuẩn và biên bản kiểm tra do Ban Chỉ đạo tỉnh hướng dẫn, tự kiểm tra chấm điểm. Khi đạt được các tiêu chuẩn xây dựng xã văn hóa, mời Ban Chỉ đạo huyện, thị xã đến kiểm tra; Ban Chỉ đạo huyện, thị xã khi kiểm tra đủ tiêu chuẩn xã văn hóa, gửi báo cáo và toàn bộ hồ sơ kiểm tra về thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh (Sở Văn hóa - Thông tin).
2.2. Hồ sơ đề nghị kiểm tra
- Công văn đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã.
- Biên bản kiểm tra (có bản so sánh các chỉ tiêu).
- Báo cáo kết quả xây dựng xã văn hóa.
- Các văn bản chứng minh cho từng tiêu chí của các tiêu chuẩn.
- Báo cáo thành tích tập thể và cá nhân điển hình trong quá trình xây dựng xã văn hóa.
2.3. Quy trình công nhận xã văn hóa
- Sở Văn hóa - Thông tin (thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh) là nơi tiếp nhận đề nghị.
- Ban Chỉ đạo tỉnh (ít nhất có 2/3 thành viên) tiến hành kiểm tra thực tế đối chiếu các tiêu chuẩn, về nhận thức của cán bộ cơ sở và nhân dân trong xã.... khi bảo đảm đạt các tiêu chuẩn của xã văn hóa, thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận danh hiệu xã văn hóa, thời hạn là 2 năm và được tặng thưởng 300 triệu đồng để xây dựng thiết chế văn hóa xã.
Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua và bãi bỏ Nghị quyết số 50/2003/NQ-HĐNDT ngày 18/7/2003 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI - kỳ họp thứ 9 về việc Quy định tạm thời tiêu chuẩn, thủ tục công nhận danh hiệu xã, phường, thị trấn văn hóa.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai tổ chức thực hiện; Ban Văn hóa - Xã hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 17 tháng 8 năm 2007./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.