HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 159/2014/NQ-HĐND17 |
Bắc Ninh, ngày 11 tháng 12 năm 2014 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 13
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2003/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;
Căn cứ Chỉ thị số 2178/CT-TTg ngày 02/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch;
Sau khi xem xét Tờ trình số 220/TTr-UBND ngày 04/12/2014 của UBND tỉnh về “Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực dịch vụ tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực dịch vụ tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Có nội dung chủ yếu kèm theo).
Điều 2. Giao UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết được HĐND tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ 13 thông qua./.
|
TM. HĐND TỈNH |
MỘT SỐ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA DỰ ÁN
QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU VỰC DỊCH VỤ TỈNH BẮC NINH ĐẾN NĂM
2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 159/2014/NQ-HĐND17 ngày 11/12/2014 của HĐND
tỉnh Bắc Ninh)
1. Đánh giá thực trạng phát triển khu vực dịch vụ tỉnh Bắc Ninh:
1.1. Đánh giá thực trạng phát triển khu vực dịch vụ của tỉnh Bắc Ninh dưới 2 góc độ:
Thứ nhất, khu vực dịch vụ bao gồm các nhóm ngành theo hệ thống tài khoản quốc gia, để xác định các hoạt động, nhóm ngành thống kê giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ, tạo nên cơ cấu của GDP.
Thứ hai, theo thể chế và tổ chức quản lý của các ngành trong hoạt động kinh tế xã hội (tổ chức quản lý có các hoạt động nằm trong 15 nhóm ngành, hoạt động được thống kê theo hệ thống tài khoản quốc gia nằm trong quy định phân ngành kinh tế quốc dân).
1.2. Các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với phát triển khu vực dịch vụ tỉnh Bắc Ninh:
a. Điểm mạnh: Với lợi thế về vị trí địa lý kinh tế - chính trị trong hợp tác phát triển kinh tế, đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển; công nghiệp tiếp tục phát triển, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ là điều kiện quan trọng để phát triển dịch vụ trong thời gian tới; Dân số, lao động, thu nhập bình quân/người khá cao, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động diễn ra tích cực, đúng hướng, có tính cộng hưởng là những yếu tố quan trọng để Bắc Ninh trở thành một thị trường tiêu thụ tiềm năng, tạo điều kiện cho các ngành trong khu vực dịch vụ phát triển...
b. Điểm yếu: Dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa đáp ứng sự biến động nhanh chóng của nhu cầu thị trường; liên kết và tham gia vào cơ cấu kinh tế dịch vụ với Hà Nội còn yếu, chịu ảnh hưởng của hiệu ứng “chân đèn”; hoạt động của các ngành dịch vụ có chất lượng, giá trị gia tăng cao, hoạt động mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và có sức cạnh tranh trong vùng còn hạn chế...
c. Cơ hội: Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển; thực hiện các cam kết sẽ tạo sự đối xử bình đẳng hơn để mở rộng sang các ngành dịch vụ; Vùng Đồng bằng sông Hồng được định hướng xây dựng, phát triển trở thành đầu tàu về phát triển kinh tế; Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với định hướng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật, tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, địa bàn hội nhập và giao thương của cả nước thực sự trở thành hạt nhân phát triển; kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện đồng bộ theo hướng hiện đại và còn nhiều dư địa cho phát triển các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ chất lượng cao; sự gia tăng của lao động nhập cư ngoại tỉnh và lao động người nước ngoài cũng tạo ra nhu cầu dịch vụ; cùng với đó là các cơ hội về nguồn nhân lực là khá “trẻ”, linh hoạt và thích ứng nhanh hơn với các ngành dịch vụ, các chương trình hợp tác trong khu vực sẽ mang lại cho tỉnh những cơ hội phát triển mới về dịch vụ; đặc biệt, Bắc Ninh với vai trò quan trọng nằm trong vùng trung tâm mở rộng trong cơ cấu không gian vùng Thủ đô đã được điều chỉnh sẽ tạo ra nhiều thuận lợi trong việc đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ của tỉnh.
d. Thách thức: Hội nhập kinh tế thế giới mở ra thuận lợi nhưng cũng có sức ép cạnh tranh quyết liệt trong xu hướng mở cửa dịch vụ với các cam kết quốc tế; Bắc Ninh gần các trung tâm kinh tế lớn phát triển năng động và mạnh mẽ cũng thách thức lớn về cạnh tranh, tìm kiếm thị trường; cơ sở hạ tầng chưa thực sự đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển; sự chậm trễ trong việc phát triển dịch vụ ở một số ngành sẽ dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ tốt hơn ở ngoài địa bàn; áp lực trong tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hoàn thành các nội dung xây dựng nông thôn mới, tìm lối đi mới, sáng tạo, đột phá để phát triển ngành dịch vụ du lịch của tỉnh ngoài các lợi thế sẵn có.
2.1. Quan điểm phát triển:
Thứ nhất, phát triển lĩnh vực dịch vụ nhanh, hiệu quả, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Thứ hai, tích hợp quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa gắn với xu thế phát triển dịch vụ, chuyển nền kinh tế thích ứng với mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đảm bảo hội nhập quốc tế.
Thứ ba, đảm bảo sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong phát triển các lĩnh vực dịch vụ; khuyến khích cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh cho các khu công nghiệp.
Thứ tư, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch; phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh và ngày càng hiện đại các loại thị trường nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ.
Thứ năm, quan tâm tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật thúc đẩy dịch vụ phát triển.
2.2. Mục tiêu:
Phát triển khu vực dịch vụ hiệu quả, đạt chất lượng với việc phát huy các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế so sánh, có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, phù hợp với việc chuyển nền kinh tế thích ứng với quá trình đô thị hóa, thực hiện mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đảm bảo phát triển bền vững và dần từng bước chuyển sang nền kinh tế tri thức.
2.3. Các khâu đột phá:
Một là, quy hoạch và tổ chức không gian phát triển dịch vụ gắn với quy hoạch và điều chỉnh chức năng đô thị Bắc Ninh, hướng tới xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Hai là, thu hút đầu tư các dự án dịch vụ có quy mô lớn tạo ảnh hưởng lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư bất động sản cũng như các dự án đầu tư vào những khu du lịch gắn với phát triển làng nghề; thu hút đầu tư dịch vụ của các tập đoàn đa quốc gia để tạo đột phá về các thương hiệu dịch vụ trên địa bàn.
Ba là, xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ, đầu tư vào các khu du lịch và các khu nghỉ dưỡng trọng điểm.
Bốn là, chú trọng công tác đào tạo nhân lực phát triển dịch vụ.
2.4. Định hướng phát triển 13 ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh gồm: Thương mại; Du lịch; Thông tin truyền thông; Dịch vụ tài chính; Dịch vụ ngân hàng; Dịch vụ vận tải và logistics; Giáo dục - đào tạo; Y tế; Văn hóa, phát thanh truyền hình; thể dục thể thao; Khoa học và công nghệ; Cứu trợ và an sinh xã hội; Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh.
3. Tổ chức không gian phát triển dịch vụ:
Theo định hướng xây dựng vùng tỉnh; phát triển vành đai dịch vụ xanh "du lịch, văn hóa và sinh thái" sông Đuống. Phát triển hạ tầng khu nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, xây dựng “làng đại học” thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tầm cỡ quốc gia; hình thành và phát triển khu đô thị đại học hiện đại, văn minh với hàm lượng cao về kinh tế tri thức; khai thác có hiệu quả khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; thu hút đầu tư công nghệ thông tin và sản xuất phần mềm tại khu tổ hợp công nghệ thông tin; quy hoạch vườn ươm doanh nghiệp và trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, học viện doanh nghiệp và phát triển kinh doanh trong làng đại học.
Tổ chức không gian phát triển du lịch “về miền Quan họ”; khu văn hóa, lễ hội đền Bà Chúa Kho; khu du lịch - vui chơi giải trí núi Dạm; Đền Đầm gắn với Lăng sơn cấm địa nhà Lý và cảnh quan Tiêu Tương; không gian lễ hội Lim; khu chiến tuyến lịch sử Như Nguyệt; khu du lịch sinh thái và tâm linh Phật Tích; làng cổ Vạn Ninh, Lai Hạ; làng nghề tranh tre Xuân Lai, gò đúc đồng Đại Bái; tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, du lịch sông Đuống thăm viếng đền Cao Lỗ Vương, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, Chùa Bút Tháp, chùa Dâu, thành cổ Luy Lâu, di tích Lệ Chi Viên, Đền thờ Lê Văn Thịnh, cảnh quan núi Thiên Thai...
Phát triển khu vực dịch vụ Logistics, quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics tại các khu công nghiệp Yên Phong, VISIP, các cảng cạn ICD và các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này phát triển. Rà soát tạo điều kiện về không gian và mặt bằng, trang trí, quảng cáo để phát triển khu phố ngân hàng và dịch vụ tài chính tại thành phố Bắc Ninh; mở rộng đường truyền băng thông rộng phục vụ các dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Phát triển Dịch vụ trong tam giác tăng trưởng tỉnh Bắc Ninh và hành lang thương mại, dịch vụ đô thị lõi Bắc Ninh - Tiên Du - Từ Sơn theo định hướng tổ chức không gian phát triển hợp lý tạo thành hành lang thương mại dịch vụ xuyên suốt khu vực, tạo chuỗi kết nối với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh trong vùng và cả nước.
Hình thành các trung tâm dịch vụ quốc tế (Trung tâm nghiên cứu triển khai, trung tâm giao lưu văn hóa truyền thống, triển lãm quốc tế); hành lang thương mại, dịch vụ hiện đại với vành đai dịch vụ xanh và là bố cục không gian chủ yếu có tính đặc sắc của Bắc Ninh nằm trong xu hướng phát triển đô thị Bắc Ninh hiện đại, hài hòa, bản sắc và bền vững theo mục tiêu quy hoạch vùng Bắc Ninh.
4. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:
- Nâng cao nhận thức về phát triển khu vực dịch vụ.
- Xác định các sản phẩm dịch vụ có lợi thế cạnh tranh.
- Phát triển các loại hình dịch vụ cung cấp cho các khu công nghiệp và hỗ trợ kinh doanh, trước mắt tập trung vào các dịch vụ nhà ở, tài chính, ngân hàng, y tế, vận tải, bảo vệ và an ninh cho các khu công nghiệp.
- Khuyến khích và hỗ trợ phát triển dịch vụ.
- Giải pháp huy động vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển khu vực dịch vụ.
- Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của khu vực dịch vụ năng động, hiện đại.
- Nâng cao năng suất, thúc đẩy cạnh tranh trong phát triển khu vực dịch vụ.
5. Tổ chức thực hiện Quy hoạch:
- Xây dựng và hoàn chỉnh cơ chế tổ chức và phối hợp: Tạo sự minh bạch trong quản lý, sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, giữa tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ; Xây dựng và thông qua hoặc điều chỉnh Quy hoạch phát triển các lĩnh vực dịch vụ quan trọng.
- Xây dựng chương trình hành động và kế hoạch triển khai gắn với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị.
- Thực hiện cơ chế giám sát, tổ chức hệ thống thông tin và xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về khu vực dịch vụ; xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát xã hội.
- Trong quy hoạch đô thị lõi Bắc Ninh cần điều chỉnh một số chức năng đô thị tạo không gian phân bố đảm bảo phát triển khu vực dịch vụ hợp lý theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Ninh đã đề ra.
- Nghiên cứu một số khu dịch vụ tập trung gắn với phát triển đô thị và phát triển du lịch như vành đai Sông Đuống, khu đô thị Nam Sơn...
- Kết nối phát triển các khu công nghiệp với dịch vụ đô thị nhất là các trung tâm thương mại, các trung tâm triển lãm quy mô lớn, khu dịch vụ logistics.
- Nghiên cứu, đề nghị báo cáo Chính phủ cho tiến hành quy hoạch tổng thể các khu di tích quốc gia đặc biệt để kết nối với phát triển du lịch.
- Nghiên cứu tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển dịch vụ./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.