HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2009/NQ-HĐND |
Kon Tum, ngày 09 tháng 12 năm 2009 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ THỰC HIỆN DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN 2006-2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 13
Căn cứ Luật Tổ
chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính
phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt
khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 15/9/2008
của liên Bộ: Ủy ban Dân tộc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II;
Căn cứ Thông tư số 12/2009/TT-BNN ngày 06 tháng 3 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc
Chương trình 135 giai đoạn 2006-2010;
Sau khi xem xét Tờ trình số 123/TT-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban nhân
dân tỉnh về việc đề nghị thông qua mức hỗ trợ thực hiện dự án hỗ trợ phát triển
sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006-2010; Báo cáo thẩm tra của Ban
Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến tham gia của các đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua định mức hỗ trợ thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006-2010, cụ thể:
1. Các hoạt động khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư: Hỗ trợ tối đa 100% kinh phí:
1.1 Chi cho các nội dung mở các lớp tập huấn:
- Biên soạn tài liệu tập huấn (ngoài tài liệu của trung ương đã biên soạn) tối đa 35.000 đồng/trang;
- Chi trả thù lao cho giảng viên không quá 200.000 đồng/buổi;
- Hỗ trợ cho hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật 40.000 đồng/người/ngày;
- Hỗ trợ tiền nước uống và văn phòng phẩm, tài liệu cho người dân trong thời gian tập huấn không quá 20.000 đồng/người/ngày;
- Hỗ trợ tiền ăn cho người dân trong thời gian tập huấn không quá 20.000 đồng/người/ngày;
- Chi phí quản lý lớp học: Tối đa không quá 5% giá trị dự toán nhưng không quá 500.000 đồng/lớp;
1.2 Chi hỗ trợ người dân tham quan, khảo sát mô hình sản xuất khuyến nông, khuyến ngư đang áp dụng thành công ở các địa phương:
- Hỗ trợ tiền tàu, xe đi và về theo mức giá vé tàu, vé xe thông thường của tuyến đường đi tham quan, khảo sát;
- Hỗ trợ tiền ăn trong thời gian tham quan, khảo sát tối đa 50.000 đồng/người/ngày;
- Hỗ trợ tiền thuê phòng nghỉ (nếu phải nghỉ qua đêm) tối đa không quá 100.000 đồng/người/ngày;
2. Xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, tiên tiến: Hỗ trợ tối đa 90% giá trị vật tư chính cho nhóm hộ thực hiện các mô hình nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng cho một mô hình. Kinh phí triển khai mô hình: Hỗ trợ không quá 07 triệu đồng cho một mô hình.
- Mô hình áp dụng công cụ, cải tiến kỹ thuật: Hỗ trợ tối đa 30% giá trị công cụ nhưng không quá 10 triệu đồng cho một mô hình;
- Mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản chế biến và ngành nghề khác hỗ trợ tối đa 75% trang thiết bị chính nhưng không quá 125 triệu đồng cho một mô hình
Các nội dung chi: Giống, vật tư chính: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 80% cho các hộ tham gia mô hình (thức ăn chăn nuôi, phân bón hóa học, thuốc thú y, bảo vệ thực vật, máy móc thiết bị cần thiết cho xây dựng mô hình); chi phí mua bản quyền, qui trình công nghệ mới (nếu có); Chi phí thuê cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình, bồi dưỡng cho hướng dẫn viên hướng dẫn thực hành thao tác kỹ thuật.
3. Giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất:
Định mức kinh tế kỹ thuật cây trồng, vật nuôi: Thực hiện theo qui định hiện hành của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành.
3.1. Giống cây trồng (cây lương thực, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây ăn quả và cây dược liệu): Hỗ trợ tối đa 100% giống, vật tư chính nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá:
- 0,5 triệu đồng/hộ/năm đối với cây lương thực;
- 03 triệu đồng/hộ/năm đối với cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp và cây dược liệu;
3.2. Giống vật nuôi (gia súc, gia cầm và thuỷ sản): Hỗ trợ tối đa 100% kinh phí nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá:
- 05 triệu đồng/hộ/năm đối với gia súc. Riêng đối với trâu, bò chỉ hỗ trợ 1 lần theo dự án;
- 01 triệu đồng/hộ/năm đối với gia cầm và thủy sản;
3.3. Phân hoá học, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư khác: Hỗ trợ tối đa 100% kinh phí nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 0,5 triệu đồng/hộ/năm.
4. Mua sắm thiết bị máy móc, công cụ sản xuất và chế biến, bảo quản sản phẩm:
- Hỗ trợ cho hộ tối đa 100% kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị nhưng không quá 5 triệu đồng/hộ/năm;
- Hỗ trợ cho nhóm hộ tối đa 100% kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị nhưng không quá 75 triệu đồng/mô hình. Trong đó, kinh phí triển khai mô hình không quá 07 triệu đồng/mô hình.
5. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành định mức:
- Danh mục hỗ trợ cây trồng, vật nuôi;
- Danh mục hỗ trợ máy móc thiết bị, công cụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa IX, kỳ họp thứ 13 thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.