HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 148/NQ-HĐND |
Quảng Ninh, ngày 31 tháng 5 năm 2014 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XII - KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; Luật Xây dựng năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/01/2005 về Quy hoạch xây dựng và các Thông tư, Quyết định hướng dẫn liên quan;
Căn cứ Văn bản số 27/SXD-KTQH ngày 03/6/2013 của Bộ Xây dựng “V/v triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 2252/TTr-UBND ngày 05/5/2014; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050, gồm các nội dung sau:
1. Phạm vi nghiên cứu: Toàn bộ địa giới hành chính của huyện Hải Hà.
2. Mục tiêu:
- Nghiên cứu các mối quan hệ kinh tế, mối quan hệ giữa phát triển vùng huyện Hải Hà với các vùng khác trong tỉnh Quảng Ninh, cùng với các địa phương khác trong Khu vực Đông Bắc và vùng duyên hải Bắc Bộ; mối quan hệ phát triển của 06 xã với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh trên cơ sở đánh giá, nghiên cứu đến tổng thể chung của toàn huyện Hải Hà, kế thừa Quy hoạch chung huyện Hải Hà duyệt năm 2008 và mối quan hệ với các vùng khác trong Khu vực để triển khai bảo đảm các định hướng phát triển của Tiểu vùng các Khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh.
- Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp then chốt gắn với thế mạnh về kinh tế biển (cảng biển, xuất nhập khẩu...); hỗ trợ phát triển hai Khu kinh tế cửa khẩu; cung cấp nhân lực, nguyên liệu sản xuất... theo phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thực hiện giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, thị trấn Quảng Hà đạt đô thị loại IV và đến năm 2030 trở thành đô thị loại III.
- Tích cực, chủ động xây dựng tỉnh Quảng Ninh và huyện Hải Hà nói riêng trở thành Khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
3. Vị trí, tính chất:
- Là vùng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp then chốt gắn với thế mạnh về kinh tế biển, trung tâm chế biến nông, lâm, thủy sản phục vụ xuất khẩu theo hướng xây dựng thương hiệu, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm.
- Cùng với thành phố Móng Cái xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái thành một Khu đô thị lớn Hải Hà – Móng Cái đồng thời xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh bảo đảm chức năng trong tương lai của huyện Hải Hà phát triển thành trung tâm công nghiệp cảng biển, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển, là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới và trung tâm hội chợ quốc tế; giữ vai trò là cửa ngõ hợp tác quan trọng giữa Việt Nam với Đông Bắc Á và Đông Nam Á…
- Đến năm 2020, thị trấn Quảng Hà đạt đô thị loại IV và phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị loại III.
- Là vùng có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng phía Đông Bắc Việt Nam.
- Phát triển khu công nghiệp (KCN), cảng biển Hải Hà, khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Bắc Phong Sinh để hỗ trợ gắn kết với phát triển của Móng Cái, Đầm Hà, Bình Liêu phát triển sản xuất và chế biến nông sản.
4. Chỉ tiêu dự kiến về quy mô dân số, đất đai, hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
a. Quy mô dân số:
- Đến năm 2020: 100.000 người;
- Đến năm 2030: 125.000 người;
- Đến năm 2050: Khoảng từ 250.000 - 300.000 người.
b. Quy mô đất xây dựng: Đất xây dựng đô thị khoảng 12.000 ha; đất nông thôn Khu vực nông thôn khoảng 39.393 ha. Đất ở trong đô thị mới khoảng 900 ha; đất ở nông thôn khoảng 210 ha; đất ở đô thị hiện trạng khoảng 102 ha.
c. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật về hạ tầng xã hội, kỹ thuật trong các Khu vực tập trung xây dựng thuộc huyện Hải Hà theo tiêu chí thị trấn Quảng Hà đạt đô thị loại IV và phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị loại III; có tính đến Khu vực nội thị và ngoại thị trong tương lai.
5. Định hướng phát triển không gian vùng: Vùng huyện Hải Hà phân thành 03 Khu vực phát triển như sau: (1) Khu vực 09 xã, thị trấn nằm trong không gian Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; (2) Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh; (3) Khu vực các xã còn lại. Đảm bảo mô hình phát triển bền vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đồng thời cần nghiên cứu phương án định hướng phát triển không gian vùng huyện Hải Hà theo hướng: (1) KCN Cảng biển Hải Hà; (2) KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh và vành đai biên giới kết nối với KKT cửa khẩu Hoành Mô, KKT cửa khẩu Móng Cái; (3) Không gian ven đồi núi phía bắc QL 18 và không gian ven biển phía Nam QL18; (4) Không gian biển, đảo... để lựa chọn phương án định hướng phát triển không gian Vùng một cách tối ưu.
6. Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng:
- Giao thông: Đề xuất giải pháp phát triển hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao phù hợp với cấu trúc quy hoạch xây dựng vùng để hỗ trợ và củng cố các chức năng vùng của huyện Hải Hà. Giải pháp quy hoạch các công trình đầu mối và mạng lưới giao thông liên vùng (gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy), kết nối hợp lý với các Khu vực khác có liên quan. Hình thành các trục hành lang, trục liên kết nhằm thúc đẩy mạnh sự phát triển kinh tế của vùng. Lưu ý định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật của vùng gắn kết với Quy hoạch phát triển các tuyến cao tốc Móng Cái – Hạ Long; Hệ thống cảng biển kết nối vùng và Quốc tế.
- San nền:
+ Đề xuất các giải pháp khai thác quỹ đất xây dựng trên cơ sở bảo vệ và tôn trọng cảnh quan, địa hình tự nhiên, đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật, đảm bảo an toàn, giữ được bản sắc địa hình mỗi vùng. Ưu tiên các giải pháp khai thác quỹ đất xây dựng từ những quỹ đất còn hoang hóa, hạn chế lấy đất nông nghiệp.
+ Đề xuất các giải pháp phòng tránh các tai biến thiên nhiên, các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát lũ, phát triển hệ thống thủy lợi đầu mối, đê, đập... cung cấp nước cho sinh hoạt công nghiệp, nông nghiệp và đặc biệt là đáp ứng yêu cầu phân lũ, thoát lũ trong vùng với đặc thù là vùng ven biển.
- Về thoát nước mưa: Tỷ lệ đường nội thị có cống thoát nước mưa yêu cầu đạt trên 70%, đường ngoại thị đạt tối thiểu 50%.
- Cấp nước:
+ Đề xuất chiến lược cấp nước sạch theo hướng ưu tiên khai thác sử dụng nguồn nước mặt; phương án bảo đảm nguồn nước ổn định, bền vững (xây dựng hồ trữ nước). Xác định chỉ tiêu và tiêu chuẩn thiết kế; dự báo nhu cầu dùng nước; cân đối, đánh giá và lựa chọn nguồn cấp nước; các phương án cấp nước; lựa chọn công nghệ xử lý nước.
+ Đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước, phạm vi bảo vệ nguồn nước và nhà máy xử lý.
- Cấp điện: Dự báo nhu cầu phụ tải điện, bao gồm phụ tải điện sinh hoạt, điện công trình công cộng, điện sản xuất. Xác định nguồn cung cấp điện cho vùng huyện Hải Hà. Đề xuất lưới truyền tải và phân phối điện: Lưới truyền tải điện cao áp (220KV và 110KV), lưới phân phối điện trung áp phục vụ Khu vực đô thị và nông thôn.
- Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:
+ Xác định và đề xuất lưu vực, hệ thống thoát nước thải đầu mối cho từng Khu vực trong vùng và cho các đô thị chính. Các yêu cầu vệ sinh đối với các loại nước thải sau khi xử lý. Riêng Khu công nghiệp Hải Hà, xây dựng hệ thống nước thải riêng
+ Xác định và đề xuất xử lý chất thải rắn.
- Định hướng bảo vệ môi trường: Phát triển vùng cây xanh - mặt nước sinh thái. Bảo vệ môi trường cảnh quan nông lâm nghiệp và tài nguyên thiên nhiên trong vùng. Định hướng bảo tồn và bảo vệ di sản. Các biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh các tai nạn trên biển như sự cố tràn dầu, đổ thải ra biển...
- Quy hoạch xây dựng, quản lý nghĩa trang:
+ Nghiên cứu đề xuất xây dựng nghĩa trang (có thể quy mô cấp vùng - liên đô thị) có công nghệ táng tổng hợp đáp ứng yêu cầu chung của của các đô thị trong vùng; xem xét vị trí xây dựng nghĩa trang tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà.
+ Các xã, cụm dân cư tập trung xây dựng nghĩa trang riêng. Khu dân cư thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa sẽ hướng dẫn người dân chôn cất theo phong tục tập quán riêng và đảm bảo vệ sinh môi trường.
+ Đối với các nghĩa trang tại Khu vực phát triển hiện hữu, đề xuất giải pháp sử dụng, cải tạo, nâng cấp cải tạo thành các công viên nghĩa trang, dần đóng cửa tiến tới sử dụng nghĩa trang cấp vùng nêu trên.
7. Đề xuất các chương trình, Khu vực, dự án đầu tư phát triển vùng.
- Xác định các mục tiêu, quan điểm xác định lĩnh vực ưu tiên đầu tư.
- Đề xuất các chương trình đầu tư và dự kiến nguồn lực và lộ trình thực hiện.
8. Hồ sơ sản phẩm quy hoạch và khai toán kinh phí, nguồn vốn.
a. Thành phần hồ sơ đồ án quy hoạch thực hiện theo Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/1/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng; Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 03/4/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng; Quyết định số 03/2008/QĐ-BXD ngày 31/3/2008 của Bộ Xây dựng và theo các văn bản pháp quy hiện hành.
b. Khái toán kinh phí, nguồn vốn:
- Nguồn vốn: Ngân sách tỉnh.
- Chi phí lập đồ án quy hoạch được xác định cụ thể tại bước lập đồ án quy hoạch trên cơ sở quy định tại Thông tư số 01/2013/TT-BXD ngày 08/02/2013 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Văn bản số 2205/TTg-ĐP ngày 29/11/2011, số 547/VPCP-ĐP ngày 02/2/2012 về việc thuê tư vấn nước ngoài lập các quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh và Văn bản số 1603/BXD-KTQH ngày 19/9/2012 của Bộ Xây dựng về việc lập QHC xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và vùng kinh tế ven biển Móng Cái - Hải Hà - Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh.
9. Tổ chức thực hiện:
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch (chủ đầu tư): Ủy ban huyện Hải Hà.
- Cơ quan thẩm định, trình phê duyệt: Sở Xây dựng.
- Cơ quan phê duyệt: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
- Đơn vị tư vấn dự kiến lập quy hoạch: UBND huyện Hải Hà thực hiện theo quy định hiện hành.
- Thời gian nghiên cứu, hoàn thành, trình duyệt đồ án: Không quá 12 tháng, kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các Đại biểu tại kỳ họp bảo đảm theo đúng các nội dung chủ yếu đã được nêu trong Nghị quyết, hoàn chỉnh hồ sơ, phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 theo quy định, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 31/5/2014 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.