HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/NQ-HĐND |
Nam Định, ngày 21 tháng 7 năm 2016 |
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ HAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 2341/QĐ-TTg ngày 02/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét nội dung Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của UBND tỉnh trình tại kỳ họp;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND và ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh.
QUYẾT NGHỊ:
I. VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015
Năm năm 2011-2015, bên cạnh những thuận lợi, tình hình thế giới và khu vực có diễn biến phức tạp tác động bất lợi đến nền kinh tế trong nước. Cả hệ thống chính trị, cùng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hữu hiệu nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Kinh tế có bước phát triển mới, quy mô nền kinh tế được nâng lên. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đã đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm, huyết mạch, tạo thế và lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của tỉnh. Thành phố Nam Định hoàn thành nâng cấp lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh, diện mạo đô thị có sự thay đổi rõ rệt, từng bước hình thành các chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều thành tích mới, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, có 01 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tốc độ tăng bình quân tống sản phẩm GRDP. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu ngân sách nhà nước chưa có nguồn thu lớn và ổn định. Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm còn chậm. Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi từ thực tiễn. Tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; chất lượng cải cách thủ tục hành chính và hoạt động theo cơ chế một cửa còn hạn chế. Tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp. Một số loại tội phạm có nguyên nhân xã hội và tai nạn giao thông vẫn là vấn đề bức xúc, lo lắng của xã hội.
II. VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020
1. Mục tiêu tổng quát
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; triển khai toàn diện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 đạt tiêu chí “Tỉnh nông thôn mới”. Tập trung xây dựng thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường. Chăm lo, nâng cao đời sống của nhân dân. Tăng cường khối đại đoàn kết và đồng thuận xã hội. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu
(1) Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP (giá so sánh 2010) tăng bình quân 7,5-8%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2020 đạt 70 - 75 triệu đồng.
(2) Cơ cấu kinh tế đến năm 2020:
- Nông, lâm, thủy sản: - Công nghiệp, xây dựng: - Dịch vụ: |
18% 47% 35% |
(3) Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá so sánh 2010) tăng bình quân 2,5- 3%/năm.
- Sản lượng lương thực hàng năm 910 - 920 nghìn tấn.
- Giá trị sản phẩm trên một ha canh tác đến năm 2020 đạt 140 triệu đồng.
- Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đến năm 2020 đạt 185 - 190 nghìn tấn.
- Sản lượng thủy sản đến năm 2020 đạt 150 nghìn tấn.
(4) Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tăng bình quân 13-14%/năm.
(5) Giá trị các ngành dịch vụ (giá so sánh 2010) tăng bình quân 8 - 8,5%/năm.
(6) Tổng giá trị hàng xuất khẩu đến năm 2020 đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
(7) Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 15 - 16%/năm.
(8) Thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 đạt 5.500 - 6.000 tỷ đồng.
(9) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt 91% dân số.
(10) Tỷ lệ giảm sinh hàng năm 0,1 - 0,15‰.
(11) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 70 - 75%.
(12) Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 1 - 1,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).
(13) Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch đạt trên 95%.
(14) Mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020: Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Phát triển nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới
Triển khai toàn diện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững, hiệu quả, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, xác định đây là một định hướng phát triển cơ bản và lâu dài của tỉnh. Khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất; xây dựng và hình thành các mô hình, vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Mở rộng các vùng sản xuất giống cây trồng.
Khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn thông qua tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, trong đó tập trung triển khai thành công các nội dung thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa tỉnh Nam Định với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu (Nhật Bản) và một số dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Phát triển mạnh chăn nuôi, coi chăn nuôi là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích phát triển trang trại chăn nuôi theo phương thức công nghiệp an toàn dịch bệnh.
Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/4/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 09/6/2016 của UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; tập trung triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới đối với các xã, thị trấn còn lại, phấn đấu đến năm 2020 đạt tiêu chí “Tỉnh nông thôn mới”.
2. Tập trung xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu, tạo động lực phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ
Tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thành một số công trình trọng điểm tạo thế và động lực phát triển cho giai đoạn tiếp theo: Khu đô thị tại thị trấn trung tâm các huyện; Khách sạn Nam Cường, Khu đô thị mới Mỹ Trung, Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường. Các tuyến đường giao thông: Tuyến đường trục kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường Cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án cải tạo, nâng cấp đường vào Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông và phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn huyện Nghĩa Hưng; tỉnh lộ 487, 488, 489C... Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương liên quan triển khai xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định.
Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại và giá trị gia tăng cao: Cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh. Khuyến khích công nghiệp thu hút nhiều lao động dịch chuyển về vùng nông thôn.
Hoàn thành xây dựng hạ tầng và lấp đầy Khu công nghiệp Mỹ Trung, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông. Triển khai xây dựng Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Hồng Tiến để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Hoàn thành xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 tại Hải Hậu.
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng một số trung tâm thương mại, khách sạn hiện đại tại thành phố Nam Định và trung tâm các huyện. Tích cực thu hút đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ tại hai bên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, hai bên Quốc lộ 10 đoạn đi qua thành phố Nam Định, đường nối cầu Tân Phong với Quốc lộ 10 và Quốc lộ 21.
3. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn ở các ngành, các cấp về công tác xây dựng chính quyền, đảm bảo sự chỉ đạo tập trung thống nhất. Tập trung thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn và phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị.
Tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 05- NQ/TU ngày 09/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 và Chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Quyết tâm chỉ đạo nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, phấn đấu đứng trong tốp đầu hạng khá trở lên trên bảng xếp hạng chỉ số PCI các tỉnh, thành phố trong cả nước và tiến tới nằm trong các tỉnh có chỉ số PCI xếp loại tốt. Mục tiêu từ nay đến năm 2020 thu hút được trên 3 tỷ đô la Mỹ vốn FDI và trên 30 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.
4. Tăng cường quản lý tài chính, phát triển dịch vụ ngân hàng
Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan. Huy động tối đa các nguồn thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu thu ngân sách nhà nước. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách. Bố trí ngân sách phù hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung ưu tiên một số lĩnh vực trọng điểm, tránh dàn trải, hiệu quả đầu tư thấp.
Phát triển mạnh dịch vụ tài chính ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh. Phấn đấu huy động vốn tăng bình quân hàng năm từ 14% - 16%, dư nợ cho vay tăng bình quân từ 13% - 15%.
5. Phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội
Tập trung triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Phấn đấu đến năm 2020 có 80% trường mầm non, 90% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 60% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Nâng cao chất lượng các trường đại học, cao đẳng hiện có, tập trung đào tạo một số ngành phù hợp đáp ứng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và y đức của cán bộ y tế ở tất cả các tuyến. Quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát triển mạng lưới y tế dự phòng; tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Có chính sách thu hút, đào tạo đội ngũ thầy thuốc, chuyên gia giỏi. Đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc, tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Thực hiện có hiệu quả công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, duy trì tỷ lệ giảm sinh hàng năm 0,1 - 0,15‰.
Thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 30 nghìn lượt người, trong đó có khoảng 1.000 - 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Bảo đảm thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách xã hội, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công theo quy định. Đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và phòng chống tệ nạn xã hội.
Triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 có: 80% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; 80% làng, xóm, khu phố đạt chuẩn văn hóa; 100% xã, phường có nhà văn hóa; 100% làng, thôn có điểm sinh hoạt văn hóa, khu hoạt động thể dục, thể thao. Tiếp tục nâng cao chất lượng, định hướng thông tin tuyên truyền để báo chí tham gia tích cực vào sự phát triển của tỉnh.
6. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường quản lý tài nguyên, đất đai và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ.
Xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tăng cường công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra sử dụng đất của các tổ chức và kiên quyết thu hồi đất, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án chậm triển khai, vi phạm cam kết theo đúng quy định. Huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, rác thải ở các khu, cụm công nghiệp, cơ sở y tế, làng nghề và ở các xã, thị trấn. Tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở vùng ven biển.
7. Phát triển các vùng kinh tế và đô thị
Vùng kinh tế biển: Phát triển kinh doanh dịch vụ tại các khu du lịch ven biển hiện có; quy hoạch và xây dựng một số khu du lịch ven biển mới. Hình thành một số khu công nghiệp, khu kinh tế trên các vùng đất nhiễm mặn, trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu thủy; dịch vụ, chế biến thủy sản; cảng, vận tải biển.
Vùng sản xuất nông nghiệp: Tích cực chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa trong tiến trình tái cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất tập trung thâm canh, chuyên canh các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hoàn thiện đầu tư đồng bộ hạ tầng các cụm công nghiệp - làng nghề.
Trung tâm công nghiệp dịch vụ thành phố Nam Định: Triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 09/6/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung xây dựng phát triển thành phố Nam Định, hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng của Thành phố Nam Định theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng. Từng bước mở rộng quy mô dân số, diện tích phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch.
Phát triển đô thị: Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh, mở rộng các đô thị hiện có và xây dựng các đô thị mới gắn với phát triển các khu công nghiệp, trung tâm thương mại và dịch vụ như: Khu đô thị Nam sông Đào, thành phố Nam Định, Khu đô thị Rạng Đông, Thịnh Long, Quất Lâm, đô thị mới thuộc địa phận 4 xã (Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến), huyện Ý Yên.
8. Đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Xây dựng thế trận “Quốc phòng toàn dân” gắn với thế trận “An ninh nhân dân” và biên phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Thực hiện tốt các chương trình phòng, chống tội phạm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy.
Thực hiện nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là bảo đảm việc kê khai trung thực, chính xác đầy đủ của người kê khai và đề cao trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy vai trò của các đoàn thể, cơ quan báo chí và nhân dân tham gia tuyên truyền, đấu tranh, tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí.
1. UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
2. Thường trực HĐND, Ban của HĐND, đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân giám sát, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và thực hiện Nghị quyết.
HĐND tỉnh kêu gọi cán bộ, quân và dân trong tỉnh đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 5 năm 2016 - 2020.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định khóa XVIII, Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 21/7/2016 và có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
CHỦ
TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.