HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2022/NQ-HĐND |
Hà Giang, ngày 23 tháng 9 năm 2022 |
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
KHÓA XVIII - KỲ HỌP THỨ CHÍN (CHUYÊN ĐỀ)
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
Xét Tờ trình số 81/TTr-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định cơ chế huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Báo cáo thẩm tra số 33 ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Nghị quyết này quy định cơ chế huy động các nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang, bao gồm:
a) Huy động nguồn vốn tín dụng.
b) Huy động, thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
c) Huy động nguồn đóng góp tự nguyện của người dân (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động), doanh nghiệp, tổ chức.
2. Đối tượng áp dụng:
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức huy động các nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Điều 2. Cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng
1. Ngân sách địa phương bố trí nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Giang, Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện (sau đây gọi tắt là ngân hàng chính sách xã hội cấp tỉnh, cấp huyện) để cho vay vốn các đối tượng chính sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh và chi trả phí quản lý nguồn vốn ủy thác tương ứng sau khi đã bù trừ với tiền lãi từ vốn cho vay thu được trong năm (nếu có); mức phí quản lý nguồn vốn ủy thác thực hiện theo quy định của Chính phủ và Ngân hàng chính sách xã hội (Trung ương) trong từng thời kỳ.
2. Quy mô vốn ngân sách địa phương bố trí để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tối đa không quá 71 tỷ đồng/năm, bao gồm:
- Ngân sách cấp tỉnh bố trí tối đa không quá 60 tỷ đồng/năm, trong đó:
+ Tối đa không quá 10 tỷ đồng/năm để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08/02/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
+ Tối đa không quá 50 tỷ đồng/năm để cho vay theo Nghị quyết số 58/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh Hà Giang về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
- Ngân sách cấp huyện bố trí tối đa không quá 11 tỷ đồng/năm (01 tỷ đồng/huyện, thành phố) để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08/02/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
3. Các nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương bổ sung và ủy thác cho địa phương hàng năm để Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Giang, Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện, triển khai cho vay các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác theo các chương trình tín dụng chính sách cụ thể theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội trung ương.
Điều 3. Cơ chế huy động nguồn vốn hợp pháp khác
1. Huy động nguồn vốn hợp pháp khác:
a. Huy động, thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất và các hoạt động khác.
- Thông qua chính sách thu hút đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân căn cứ vào khả năng, nhu cầu của mình để nghiên cứu, góp vốn tham gia đầu tư thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
- Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, kinh doanh để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
b. Huy động nguồn đóng góp tự nguyện của người dân (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động), doanh nghiệp, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo sự tham gia đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.
- Đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân:
+ Đóng góp bằng tiền được nộp vào ngân sách nhà nước các cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật;
+ Đóng góp bằng hiện vật được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, các quy định của pháp luật có liên quan.
- Đóng góp tự nguyện (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động) của cộng đồng dân cư tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia do cộng đồng dân cư trực tiếp quản lý, sử dụng.
c. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn viện trợ phi Chính phủ (NGO): Các chủ chương trình, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động tiếp cận, tích cực vận động nguồn vốn ODA (ưu tiên nguồn vốn ODA không hoàn lại) để thực hiện có hiệu quả các chương trình theo quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa các bên để lồng ghép hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia.
2. Quản lý, sử dụng nguồn vốn hợp pháp khác:
a) Vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thông qua các chính sách thu hút đầu tư được sử dụng theo thỏa thuận giữa các bên, quy định của pháp luật về đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
b) Đóng góp (bằng tiền hoặc hiện vật) của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được phân bổ, quản lý và sử dụng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
c) Đóng góp tự nguyện (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động) của cộng đồng dân cư tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia do cộng đồng dân cư trực tiếp quản lý, sử dụng trên cơ sở thỏa thuận giữa các thành viên, công khai, minh bạch, đảm bảo tinh thần đoàn kết, thống nhất, sử dụng đúng mục đích đã đề ra.
d) Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn viện trợ phi Chính phủ (NGO): Quản lý và sử dụng theo quy định quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, hiệp định ký kết hoặc thỏa thuận giữa các bên có liên quan và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang Khóa XVIII, Kỳ họp thứ Chín (chuyên đề) thông qua ngày 23 tháng 9 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 05 tháng 10 năm 2022./.
|
CHỦ
TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.