HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2023/NQ-HĐND |
An Giang, ngày 13 tháng 7 năm 2023 |
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN TÍN DỤNG VÀ NGUỒN VỐN HỢP PHÁP KHÁC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
Xét Tờ trình số 571/TTr-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết ban hành Quy định cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang Khóa X Kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 7 năm 2023.
|
CHỦ
TỊCH |
QUY ĐỊNH
CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN TÍN DỤNG VÀ NGUỒN VỐN HỢP PHÁP
KHÁC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Nghị quyết
số 07/2023/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh An
Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình MTQG) trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động huy động nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Chương II
CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN TÍN DỤNG VÀ NGUỒN VỐN HỢP PHÁP KHÁC
Điều 3. Các nguồn vốn huy động
1. Nguồn vốn tín dụng: gồm vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng; vốn ngân sách nhà nước các cấp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Nguồn vốn hợp pháp khác: gồm nguồn đóng góp tự nguyện của người dân (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động), doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng
1. Hình thức huy động
a) Huy động tối đa nguồn vốn tín dụng để thực hiện các Chương trình MTQG thông qua các chính sách tín dụng cho từng đối tượng, nội dung thuộc phạm vi đầu tư từng Chương trình MTQG.
b) Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định quy mô, bố trí ngân sách tự cân đối của địa phương thực hiện chính sách tín dụng, hỗ trợ tín dụng cho từng đối tượng, lĩnh vực, nội dung, hoạt động thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương và quy định của pháp luật về quản lý đầu tư công, quản lý ngân sách nhà nước và quản lý vốn tín dụng chính sách.
2. Tổ chức quản lý và sử dụng
a) Huy động nguồn vốn tín dụng thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng;
b) Sử dụng nguồn vốn tín dụng thực hiện theo quy định của từng chính sách tín dụng và các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng;
c) Khuyến khích cho vay ủy thác qua hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội.
3. Thanh toán, quyết toán
Thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, các quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng thực hiện các Chương trình MTQG.
Điều 5. Cơ chế huy động các nguồn vốn hợp pháp khác
1. Hình thức huy động
a) Huy động, thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân; huy động nguồn đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, người dân (bằng tiền: việt nam đồng hoặc ngoại tệ; bằng hiện vật: đất đai, cây trái, hoa màu trên đất; hoặc bằng ngày công lao động được quy đổi thành tiền);
b) Từ các khoản đóng góp tự nguyện và viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và các hoạt động khác của các chương trình theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc huy động
a) Huy động nguồn vốn từ đóng góp của người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đảm bảo dựa trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức không được quy định mức ủng hộ, đóng góp. Đối với hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, đóng góp bằng hình thức phù hợp trên tinh thần tự nguyện;
b) Nguồn vốn huy động phải được sử dụng đúng mục đích, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn vốn huy động; phát huy vai trò làm chủ của người dân và cộng đồng, thực hiện dân chủ cơ sở trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát cộng đồng, đánh giá, thực hiện tốt phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng;
c) Việc huy động các nguồn vốn hợp pháp thực hiện các dự án, nhiệm vụ, nội dung, hoạt động phải được thể hiện rõ trong quyết định phê duyệt dự án, dự toán và phải được theo dõi, đánh giá và tổng hợp báo cáo trong kế hoạch 5 năm và hằng năm của địa phương.
3. Phương thức huy động
a) Huy động đóng góp từ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp: Tuyên truyền, vận động, huy động cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (kể cả các cơ quan trung ương đóng tại địa phương); các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ủng hộ bằng tiền hoặc hiện vật để thực hiện các Chương trình; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động, thu nộp và sử dụng quỹ để thực hiện các Chương trình, dự án, hoạt động, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia; việc phân bổ quỹ phải thống nhất với Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp;
b) Huy động từ doanh nghiệp: Tuyên truyền, vận động, huy động các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn với hình thức ủng hộ, đóng góp bằng tiền, hiện vật, công trình hạ tầng hoặc vật tư, nguyên vật liệu để thực hiện các Chương trình. Ủy ban nhân dân, phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức tiếp nhận và triển khai thực hiện;
c) Huy động nguồn vốn đóng góp từ nhân dân tham gia thực hiện các Chương trình: Tuyên truyền, vận động, huy động đóng góp của nhân dân để đầu tư công trình, dự án, hoạt động, nội dung của Chương trình theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”:
- Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai huy động nguồn vốn đóng góp của nhân dân theo quy trình lập kế hoạch đầu tư cấp xã, nội dung huy động nguồn vốn để đầu tư, hỗ trợ thực hiện các dự án của các chương trình phải được đưa ra bàn bạc thống nhất với nhân dân tại cuộc họp và phải đảm bảo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 5 của Quy định này và phù hợp với cơ cấu nguồn vốn đối với từng nội dung tổ chức thực hiện;
- Việc đóng góp xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn theo phương thức tự nguyện thông qua các hình thức như: hiến đất, công lao động, tiền, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị…Việc huy động rộng rãi trong nhân dân do nhân dân trong ấp, xã tự bàn bạc quyết định và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã trình Hội đồng nhân dân xã thông qua;
- Trường hợp các hộ dân chưa thống nhất với phương án huy động đóng góp, Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì phối hợp với ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương và Trưởng các ấp tổ chức tuyên truyền, giải thích, vận động, thuyết phục để các hộ dân tự nguyện đóng góp tham gia theo sự thống nhất chung.
4. Tổ chức quản lý và sử dụng
a) Vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân thông qua các chính sách thu hút đầu tư được sử dụng theo quy định của pháp luật về Luật đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;
b) Đóng góp (bằng tiền hoặc hiện vật) của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện phân bổ, sử dụng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương (nếu có) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Trừ trường hợp đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có yêu cầu phân bổ, sử dụng theo cơ chế riêng;
c) Đóng góp tự nguyện (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động) của nhân dân tham gia thực hiện các chương trình do nhân dân thống nhất, cử đại diện trực tiếp quản lý, sử dụng.
5. Thanh toán, quyết toán
a) Đối với nguồn vốn của các nhà tài trợ: trường hợp nhà tài trợ có quy định về phương thức thanh toán, quyết toán thì thực hiện theo quy định của nhà tài trợ; trường hợp nhà tài trợ không có quy định thì thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định hiện hành;
b) Đối với nguồn vốn đóng góp tự nguyện: do cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình trực tiếp quản lý, sử dụng; tham gia đóng góp bằng hiện vật hoặc ngày công lao động được quy đổi thành tiền và được tính trong giá trị nội dung thực hiện đầu tư, hỗ trợ các chương trình để theo dõi, quản lý tỷ lệ đóng góp đã thống nhất không thực hiện hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước;
c) Sau khi thanh toán, quyết toán, nếu chênh lệch thu lớn hơn chi hoặc với các khoản hiện vật đóng góp chưa được sử dụng hết, nhân dân tổ chức họp bàn và quyết định sử dụng kinh phí hoặc hiện vật chưa sử dụng hết để tiếp tục đầu tư, hỗ trợ thực hiện các nội dung thuộc các chương trình trên địa bàn hoặc sử dụng cho các công trình công ích cần thiết khác của cộng đồng.
6. Công khai tài chính
a) Nội dung công khai: Kết quả huy động vốn (đối tượng, thời gian, hình thức, mức huy động, đóng góp của các đối tượng); việc sử dụng nguồn vốn huy động để đầu tư, hỗ trợ thực hiện các nội dung thuộc các chương trình; số chênh lệch thu, chi phải được công khai (nếu có);
b) Hình thức công khai: Niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nhà văn hóa các ấp, thông báo trên hệ thống truyền thanh của xã, ấp và thông qua các buổi họp trực tiếp với nhân dân.
7. Kiểm tra, giám sát
Các khoản huy động, đóng góp sẽ được kiểm tra, giám sát chặt chẽ; phát huy vai trò giám sát, kiểm tra của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các Tổ Giám sát cộng đồng ở cơ sở./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.