HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2013/NQ-HĐND |
Quảng Trị, ngày 31 tháng 05 năm 2013 |
VỀ XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN, ĐƯA THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ ĐẠT ĐÔ THỊ LOẠI II ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;
Căn cứ Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;
Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị năm đến 2020;
Xét Tờ trình số 1378/TTr-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2013 của UBND tỉnh về việc thông qua Đề án Xây dựng thành phố Đông Hà đạt đô thị loại II vào năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Xây dựng phát triển, đưa thành phố Đông Hà đạt đô thị loại II đến năm 2020 với các nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu chung
a) Xây dựng và phát triển thành phố Đông Hà theo hướng bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, phù hợp với tính chất đô thị; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; quy hoạch và xây dựng thành phố có dấu ấn riêng, là đô thị động lực trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Phấn đấu đến năm 2020 đưa Đông Hà trở thành đô thị loại II.
b) Hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị thành phố theo hướng hiện đại, có hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường; quy hoạch và xây dựng thành phố với định hướng phát triển không gian thành phố Đông Hà theo 4 hướng, lấy sông Hiếu làm trục trung tâm.
c) Xây dựng một xã hội phát triển, giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội như việc làm, giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện công bằng, dân chủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thu hút cộng đồng tích cực tham gia vào quản lý kinh tế - xã hội - môi trường.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị
Triển khai thực hiện Đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Đông Hà giai đoạn 2010 - 2030, tầm nhìn đến 2050; hoàn thành quy hoạch phân khu 09 phường; quy hoạch chi tiết; thực hiện bổ sung, điều chỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 phù hợp điều kiện phát triển.
b) Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố phấn đấu đến năm 2020
- Mức tăng trưởng kinh tế bình quân (tính theo GDP) trên địa bàn thành phố thời kỳ 2010 - 2015 đạt 11,5% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,0%;
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu kinh tế các ngành dịch vụ (57,7%), công nghiệp - xây dựng (41,1%), nông nghiệp (1,2% ); đến năm 2020 cơ cấu tương ứng là 54,1%, 44,7% và 1,2%;
- Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm tăng bình quân trên 15%;
- Mức sống của nhân dân thành phố ngày càng được nâng cao. Giá trị bình quân thu nhập đầu người (GDP) năm 2015 đạt trên 3.700 USD và đến năm 2020 đạt trên 5.000 USD;
- Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 giảm còn 03% theo tiêu chí mới và đến năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo;
- Tỷ lệ tăng dân số đến năm 2015 là 1,1% và ổn định dưới 01% đến năm 2020.
c) Quy mô dân số toàn đô thị: Tổng dân số của thành phố Đông Hà đến năm 2020 là 150.000 người (trong đó: dân số thường trú 135.000 người và dân số tạm trú quy đổi: 15.000 người).
d) Mật độ dân số đô thị: Đến năm 2020 mật độ dân số khu vực nội thành là 9.291 người/km2.
đ) Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp: Lao động trong độ tuổi là 83.700 người; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành là: 90%.
e) Hệ thống công trình hạ tầng xã hội
- Cơ sở y tế: Duy trì ổn định tỷ lệ 04 giường bệnh/1.000 dân; từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân;
- Cơ sở giáo dục đào tạo: Phấn đấu đến trước năm 2020 trên địa bàn thành phố có 10 cơ sở giáo dục đào tạo (đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề) cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II;
- Trung tâm văn hóa thông tin: Phấn đấu đến năm 2018 trên địa bàn thành phố có tối thiểu 06 trung tâm văn hóa có quy mô hiện đại cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II;
- Trung tâm thể dục thể thao: Đến năm 2018 trên địa bàn thành phố có 05 trung tâm thể dục thể thao (sân vận động, nhà thi đấu) cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II;
- Trung tâm thương mại, dịch vụ: phấn đấu đến năm 2018 có từ 06 - 10 trung tâm thương mại dịch vụ đạt được tiêu chí đô thị loại II.
g) Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật
- Phát triển nhà ở: Phát triển các khu đô thị mới hiện đại đan xen các khu dân cũ nằm giữa khu đô thị trung tâm. Các khu dân cư của thành phố hiện tại được tổ chức thành 09 khu trên cơ sở 09 phường và mở rộng không gian đô thị theo hướng ổn định, phát triển là cải tạo và xây mới; phấn đấu đến năm 2018 không còn nhà tạm, nhà nguy hiểm trên địa bàn;
- Quy hoạch đất công cộng: Bổ sung quy hoạch đất xây dựng công trình công cộng tại một số khu nhà ở để đảm bảo chỉ tiêu 1,5 m2/người;
- Phát triển giao thông vận tải: Phấn đấu đến năm 2018, 100% tuyến đường trục chính được nhựa hóa và có hệ thống điện chiếu sáng; đầu tư một số tuyến đường trong khu vực nội thành đảm bảo tỷ lệ đất giao thông và mật độ đường giao thông nội thị, xây dựng và nâng cấp các bến xe ô tô, đầu tư xây dựng mới một số bãi đỗ xe của tỉnh; phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thị so với đất xây dựng trong khu vực nội thị đạt 15%. Nâng cấp ga Đông Hà theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn ga cấp 2, trở thành ga đầu mối nối với các nước trong khu vực. Nâng cấp, nạo vét luồng lạch tuyến đường sông Đông Hà - Cửa Việt; phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo hàng hóa thông qua cảng Đông Hà khoảng 50.000 tấn/năm;
- Hệ thống cấp nước: Đến năm 2015, 100% dân cư được sử dụng nước sạch; duy trì chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt dân cư nội thành đến năm 2015 đạt 120 lít/người/ngày đêm; đến năm 2020 đạt 150 lít/người/ngày đêm, cho khoảng 150.000 dân;
- Hệ thống thoát nước: Phấn đấu đến năm 2018 mật độ cống thoát nước chính khu vực nội thị là 04 km/km2 đạt tiêu chí của đô thị loại II; nước thải công nghiệp và nước thải y tế tại các bệnh viện được thu gom xử lý riêng, đạt tiêu chuẩn trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung;
- Hệ thống cấp điện, chiếu sáng: Nâng công suất, đầu tư mới trạm biến áp để đáp ứng nhu cầu của 150.000 dân và 1.500 cơ sở sản xuất đến năm 2015; phấn đấu đến năm 2018 tỷ lệ đường phố chính khu vực nội thị được chiếu sáng 95%; tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng 55% đạt được các tiêu chí của đô thị loại II;
- Hệ thống thông tin, bưu chính viễn thông: Duy trì số lượng thuê bao điện thoại, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ Internet; duy trì tỷ lệ 93 máy điện thoại các loại/100 dân và 80% số hộ gia đình truy cập dịch vụ Internet;
- Cây xanh, vệ sinh môi trường: Phấn đấu đến năm 2018 đất cây xanh công cộng đô thị đạt 05 m2/người đạt tiêu chí đô thị loại II; thu gom rác thải đạt 95%; xây dựng nhà máy xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường; đến năm 2020 xây dựng 01 - 02 nhà tang lễ ở trong khu vực nội thành.
h) Kiến trúc cảnh quan đô thị
- Ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố Đông Hà và tổ chức quản lý đô thị theo Quy chế, thực hiện việc thiết kế đô thị trên các tuyến đường chính. Xây dựng một số quy định chi tiết về phân cấp, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm tăng hiệu lực quản lý nhà nước cho chính quyền đô thị;
- Tiếp tục đầu tư các khu đô thị mới bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đến năm 2018 phấn đấu hoàn thiện 04 khu đô thị mới; xây dựng kế hoạch chỉnh trang các khu đô thị cũ, đầu tư nâng cấp các tuyến đường theo quy hoạch;
- Phấn đấu đến năm 2018 tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị/tổng số đường chính khu vực nội thị đạt 20% đạt tiêu chí đô thị loại II;
- Xây dựng không gian công cộng của đô thị: Phấn đấu đến năm 2018 xây dựng hoàn chỉnh một số công viên, lâm viên, để đạt tiêu chí không gian đô thị;
- Xây dựng các công trình kiến trúc, công trình lịch sử văn hóa, di sản, danh thắng tiêu biểu có ý nghĩa quốc gia, quốc tế.
1. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân
a) Lĩnh vực kinh tế: Tăng cường xúc tiến thương mại, thu hút, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào thành phố. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố; ban hành các chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư; ưu tiên phát triển công nghiệp sạch. Tiếp tục đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động các cụm công nghiệp; phát triển nền nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững.
b) Lĩnh vực văn hóa - xã hội: Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường học; mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học, các viện nghiên cứu mở các phân hiệu, phân viện tại Đông Hà. Thực hiện tốt các chính sách xã hội hóa giáo dục, y tế; đầu tư nâng cấp các bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho ngành y tế; từng bước nâng cấp, xây dựng mới, khuyến khích xã hội đầu tư các công trình văn hóa thể thao. Khoanh vùng bảo vệ, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của nhân dân; quan tâm chăm lo giải quyết việc làm, tháo gỡ khó khăn, giải quyết kịp thời các chế độ đối với đối tượng chính sách.
c) Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách
UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành nghiên cứu, tham mưu để sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố, tạo điều kiện cho Đông Hà phát triển nhanh hơn. Đẩy mạnh phân công, phân cấp, giao quyền chủ động cho thành phố về thu hút, sử dụng các nguồn tài chính, ngân sách; về đầu tư và xây, phát triển phúc lợi công cộng; tổ chức cán bộ và thẩm quyền quyết định để tạo điều kiện cho thành phố chủ động điều hành, quản lý địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật và theo nguyên tắc những gì thành phố làm tốt, có hiệu quả thì giao cho thành phố thực hiện, nhưng không tạo ra một thiết chế độc lập riêng mà có sự kết hợp giữa tỉnh và các địa phương khác.
Các cơ quan cấp tỉnh thường xuyên phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để Đông Hà thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố và xem đây là nhiệm vụ, công tác trọng tâm của mình.
Ưu tiên bố trí các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương tạo điều kiện để thành phố Đông Hà thu hút các nguồn vốn ODA, các tổ chức và các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị Đông Hà (giao thông, thoát nước, điện chiếu sáng, vỉa hè…), xây dựng các công trình phúc lợi xã hội và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
d) Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh
Bổ sung, điều chỉnh các kế hoạch, phương án tác chiến, xây dựng căn cứ hậu phương, khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Phát huy hiệu quả thế trận quốc phòng toàn dân và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Triển khai kế hoạch đấu tranh với hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Kịp thời đối phó với mọi tình huống, không để bất ngờ xảy ra, xử lý kịp thời và đúng đắn các vấn đề phức tạp nảy sinh, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
2. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng đô thị phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020
a) Hệ thống công trình hạ tầng xã hội
Tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trọng điểm, như: Trường Cao đẳng Sư phạm để nâng cấp thành trường đại học; Trường Công nhân kỹ thuật Giao thông vận tải, Trường Dạy nghề tổng hợp, Trường Trung cấp Y tế, Trường Chính trị Lê Duẩn; khuyến khích xây dựng phát triển, hiện đại hóa Phân viện Đại học Huế và mở thêm một số trường đào tạo mới. Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành Bệnh viện Đa khoa 500 giường và Bệnh viện Lao; chuyển Bệnh viện tỉnh hiện tại thành Bệnh viện Đa khoa Đông Hà và Bệnh viện Đa khoa Đông Hà thành Bệnh viện Y học cổ truyền. Đầu tư xây dựng Nhà văn hóa Trung tâm thành phố, khu liên hợp thể dục, thể thao thành phố và các thiết chế văn hóa theo quy hoạch.
b) Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật
- Đầu tư công trình thương mại dịch vụ: Xây dựng các khu chợ đầu mối, dịch vụ có quy mô tại phường 4, Đông Lễ; xây dựng và nâng cấp chợ Đông Hà, chợ phường 5 (đường Hàm Nghi), chợ khu phố 2, phường 5 (đường Lê Lợi), chợ phường 3; thu hút đầu tư các trung tâm thương mại, dịch vụ ở đường Hùng Vương và điểm bến xe (bến xe Đông Hà cũ); đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khách sạn Viettel, các dự án dịch vụ kho tàng bến bãi dọc hai bên trục Quốc lộ 9D; phát triển các cụm điểm dịch vụ dọc bờ kè sông Thạch Hãn, đôi bờ sông Hiếu; các trung tâm thương mại ở các khu đô thị mới tạo thành hệ thống các trung tâm thương mại văn minh, hiện đại;
- Đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp: Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp, hệ thống kho tàng, phát triển theo hướng tập trung: hoàn thiện hạ tầng, lấp đầy 100% diện tích khu công nghiệp Nam Đông Hà (100 ha) trước năm 2014; xây dựng và hoàn thành hạ tầng, thu hút đầu tư, lấp đầy diện tích 70% diện tích cụm công nghiệp đường 9D (40 ha) trong giai đoạn 2014 - 2016;
- Đầu tư xây dựng chỉnh trang các khu đô thị, khu dân cư: Tiếp tục đầu tư xây dựng các khu đô thị như: Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn II, III; Khu đô thị Khóa Bảo, Thành Cổ trước năm 2015 và kêu gọi đầu tư xây dựng các Khu đô thị Bắc sông Hiếu, Khu nghỉ dưỡng hồ Khe Mây; hoàn thành đầu tư xây dựng các khu dân cư kết hợp tái định cư như: Bắc sông Hiếu, Tây Hùng Vương, phường 3 để phục vụ tốt cho công tác giải phóng mặt bằng; kêu gọi lập dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Đông Thành Cổ. Tập trung xây dựng cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu dân cư hiện có; ưu tiên vốn xử lý dứt điểm các nút giao thông “cổ chai” và xây dựng các công trình công cộng nhằm đảm bảo cải thiện môi trường, tạo cảnh quan đô thị;
- Hệ thống giao thông: Tập trung đầu tư có trọng điểm, ưu tiên các công trình có ý nghĩa về quy hoạch đô thị như đường Trần Nguyên Hãn, Lê Thánh Tông, Lê Lợi nối dài, Trần Bình Trọng, Nguyễn Trãi nối dài, cầu qua sông Hiếu và đường hai đầu cầu; đường nối đường Quốc lộ 1A với cầu Đại Lộc; mở rộng Quốc lộ 1A từ cầu Đông Hà đến ngã tư Sòng; tiếp tục tập trung nâng cấp mở rộng các tuyến đường nội thành theo quy hoạch; từng bước xây dựng các tuyến đường vành đai thành phố; bê tông hóa 100% các tuyến đường trong khu dân cư; đầu tư đồng bộ các tuyến đường chính đầy đủ hệ thống vỉa hè, cống thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh. Nạo vét luồng lạch tuyến đường sông Đông Hà - Cửa Việt đảm bảo cho tàu có trọng tải 200 - 350 tấn ra vào thuận lợi; đầu tư cải tạo, nâng cấp cảng Đông Hà công suất lên 50.000 tấn/năm, cải tạo bến bãi bốc xếp hàng hóa. Xây dựng ga Đông Hà hiện đại, đạt tiêu chuẩn ga cấp 2, phục vụ hành khách và trung chuyển hàng hóa. Nâng cấp bến xe Đông Hà đạt tiêu chuẩn loại 2; xây dựng bến xe phía Bắc và phía Nam thành phố đầu tư hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đi các tuyến trong thành phố và các vùng phụ cận;
- Hệ thống cấp nước: Đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nước mặt sông Vĩnh Phước; duy trì nguồn cung cấp nước thành phố có công suất 30.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu 150.000 dân thành phố và vùng phụ cận. Khi thành phố mở rộng và phát triển, xây dựng thêm nhà máy nước ở Cam Lộ cung cấp cho thành phố 20.000 m3/ngày đêm từ năm 2015 - 2020;
- Hệ thống thoát nước: Lập kế hoạch xây dựng kè chắn lòng hồ và xây dựng đường dạo để chống lấn chiếm, đảm bảo cảnh quan đô thị và giải quyết ô nhiễm môi trường, điều hòa khí hậu cho thành phố, nhất là các hồ lớn trên địa bàn thành phố (hồ Khe Mây, Trung Chỉ, Khe Sắn, Đại An, Km 6); hoàn thiện việc xây dựng kè sông Hiếu, sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Phước; triển khai xây dựng kè Hói Sòng, Đông Giang; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiện quả dự án “Thoát nước thu gom xử lý nước thải thành phố Đông Hà” tăng mật độ phủ rộng của hệ thống thoát nước; xây dựng 01 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội thành tại phường Đông Lễ và một số trạm xử lý nước thải trong thành phố theo quy hoạch;
- Phát triển các khu cây xanh, công viên đô thị: Xây dựng công viên Trung tâm thành phố, công viên văn hóa thanh niên Trung Chỉ. Nâng cấp cải tạo công viên Lê Duẩn, công viên Hùng Vương quy mô hiện đại từ năm 2015 - 2018. Phát triển tôn tạo các khu Lâm viên cây xanh sinh thái khu vực các hồ Trung Chỉ, Khe Mây, Km 6 thành các vùng nghỉ dưỡng, du lịch, dịch vụ tạo cảnh quan, để phục vụ cho nhân dân thành phố và khách du lịch. Duy trì tỷ lệ đất dành cho cây xanh trong đô thị, hoàn thiện quy hoạch cây xanh đô thị, đề án xã hội hóa cây xanh đô thị để đảm bảo tiêu chí đô thị xanh;
- Thu gom, xử lý chất thải rắn: Tiếp tục đầu tư trên các lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường và các công trình phúc lợi công cộng; xây dựng nhà máy xử lý rác thải; xây dựng lò xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế đạt tiêu chuẩn tại khu xử lý rác thải thành phố;
- Nghĩa trang nhân dân và nhà tang lễ: Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng Nghĩa trang nhân dân thành phố. Phấn đấu xây dựng 01 - 02 nhà tang lễ ở trong khu vực nội thành;
- Hệ thống cấp điện, chiếu sáng: Nâng công suất các trạm biến áp để đáp ứng nhu cầu của 150.000 dân và 1.500 cơ sở sản xuất đến năm 2015; từng bước xây dựng hệ thống điện chiếu sáng đô thị trên các trục đường chính, các khu công viên, vườn hoa, khu quảng trường, điểm nhấn kiến trúc, cửa ngõ thành phố; nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa điện chiếu sáng khu dân cư.
3. Huy động có hiệu quả các nguồn vốn tập trung đầu tư phát triển đô thị
a) Đẩy mạnh công tác thu ngân sách, nuôi dưỡng và tạo nguồn thu, phấn đấu tăng thu ngân sách trên địa bàn thành phố bình quân hàng năm đạt 15%; khai thác có hiệu quả quỹ đất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị; thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu các dự án đã được quy hoạch để tạo vốn đầu tư các công trình hạ tầng, phát triển các khu đô thị; tranh thủ vốn hỗ trợ của Trung ương từ các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cơ sở hạ tầng.
b) Xây dựng và ban hành danh mục các chương trình, dự án cần kêu gọi đầu tư đến năm 2020; đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào thành phố, chú trọng khai thác nguồn vốn ODA, FDI; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư; ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư hấp dẫn, phù hợp với các quy định của pháp luật.
c) Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường để huy động vốn từ các thành phần kinh tế; mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT, BTO, PPP tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các thị trường vốn; phát triển các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư, góp vốn đầu tư bằng tài sản.
4. Đẩy mạnh công tác quy hoạch và phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị
a) Công tác quy hoạch
- Ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồ án quy hoạch chung của thành phố giai đoạn 2010 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo hướng thuê tư vấn nước ngoài để nâng cao chất lượng, ưu tiên nghiên cứu mở rộng không gian đô thị để thành phố phát triển lâu dài; triển khai quy hoạch phân khu các phường, quy hoạch chi tiết đô thị; triển khai chia tách phường 1, phường 5 và phường Đông Lương khi có điều kiện;
- Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn đến 2035, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng và tình hình thực tiễn của địa phương;
- Làm tốt công tác quản lý quy hoạch và quản lý đô thị; tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý đô thị; xây dựng tuyến phố văn minh.
b) Phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị
- Định hướng bố trí cảnh quan kiến trúc chủ đạo của thành phố Đông Hà mang đậm nét mô hình “thành phố bên sông”, lấy trục sông Hiếu làm trung tâm, mở rộng không gian đô thị theo hướng Đông và Đông Bắc, tạo dựng được hình ảnh tiêu biểu “thành phố bên sông Hiếu”;
- Chú trọng trong việc đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc hiện đại, có tính thẩm mỹ cao để tạo điểm nhấn đô thị. Ưu tiên giành quỹ đất cho những dự án có quy mô lớn và có kiến trúc đẹp;
- Tiếp tục đầu tư các khu đô thị mới bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật; đầu tư chỉnh trang các khu đô thị cũ, nâng cấp các tuyến đường, công viên cây xanh, các khoảng không gian trong khu dân cư.
5. Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách và phân cấp quản lý
a) Ban hành Nghị quyết về xây dựng phát triển thành phố Đông Hà; ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng phân cấp mạnh cho thành phố, tạo điều kiện cho thành phố chủ động huy động các nguồn vốn đầu tư thông qua tổ chức xúc tiến đầu tư; ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị.
b) Ban hành quy định phân cấp, ủy quyền quản lý một số lĩnh vực kinh tế - xã hội cho thành phố giai đoạn 2013 - 2020, trên các lĩnh vực quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý dự án đầu tư; quản lý thu thuế trên địa bàn; hỗ trợ nguồn thu từ đấu giá đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện để đầu tư hạ tầng thành phố; ưu tiên bố trí phần vượt thu ngân sách hàng năm cho thành phố để đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị.
6. Về dân số và lao động phi nông nghiệp
a) Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thu hút các nhà đầu tư, phát triển giáo dục đào tạo, y tế, xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, các khu vui chơi, dịch vụ giải trí; xây dựng các khu, cụm công nghiệp tạo việc làm, thu hút nguồn lao động, tăng dân số cơ học và quy đổi.
b) Hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất; phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp hợp lý để thu hút và chuyển đổi nguồn lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp.
7. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
a) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý Nhà nước cho cán bộ, công chức các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt của thành phố; có cơ chế đột phá trong bố trí và sử dụng nguồn nhân lực, đào tạo cơ bản, tạo cơ hội cho cán bộ trẻ được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
b) Huy động các nguồn lực để đảm bảo nhu cầu vốn cho phát triển nguồn nhân lực trong xã hội, tăng mức đầu tư từ ngân sách cho dạy nghề; nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp; tăng cường liên kết phối hợp với các trường đại học, các cơ sở đào tạo lớn; phát huy chức năng trung tâm đào tạo cấp vùng, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
8. Nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng
a) Ban hành các chính sách đặc thù để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố, có các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm; đầu tư các khu tái định cư, xây dựng và ban hành giá đất hợp lý. Thiết lập quỹ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
b) Công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, do đó cần ưu tiên kinh phí để giải phóng mặt bằng các khu đất quy hoạch cho các dự án đầu tư, tạo mặt bằng sạch để kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư.
III. NHU CẦU NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2020
1. Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2013 đến 2020 khoảng 11.000 tỷ đồng, bao gồm:
- Ngân sách Trung ương, tỉnh đầu tư trên địa bàn, vốn đầu tư nước ngoài (ODA): 4.180 tỷ đồng;
- Ngân sách thành phố: 1.320 tỷ đồng;
- Huy động nhân dân: 2.110 tỷ đồng;
- Thu hút vốn đầu tư bên ngoài + doanh nghiệp: 3.390 tỷ đồng.
2. Nhu cầu vốn đầu tư các công trình hạ tầng từ 2013 - 2020 là 8.890 tỷ đồng.
Điều 2. Giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên giám sát thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh khóa VI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 31 tháng 5 năm 2013 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.