HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/NQ-HĐND |
Ninh Thuận, ngày 22 tháng 01 năm 2024 |
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH TỔNG THỂ QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ PHAN RANG - THÁP CHÀM ĐẾN NĂM 2040, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 16
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030;
Căn cứ Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018- 2023;
Căn cứ Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25 tháng 10 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050;
Căn cứ Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Thông báo kết luận của Bộ Chính trị số 49-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 về Định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1214/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 9 năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 04 tháng 5 năm 2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế đô thị, trọng tâm là xây dựng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm thành thành phố thông minh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Văn bản số 5275-CV/TU ngày 13 tháng 7 năm 2020 của Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm;
Căn cứ Thông báo số 599-TB/TU ngày 05 tháng 6 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chử, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2045;
Xét Tờ trình số 03/TTr-UBND ngày 08 tháng 01 năm 2023 của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính như sau:
1. Quan điểm, mục tiêu phát triển, tính chất đô thị
a) Quan điểm
- Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và tỉnh Ninh Thuận, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận, đồng thời phải có tầm nhìn tạo động lực thúc đẩy phát triển cho vùng, kết nối với cấu trúc không gian đô thị, hài hòa với hình thái kiến trúc cảnh quan chung.
- Đặt đô thị trong sự phát triển liên kết ở cấp vùng và kết nối khu vực ở cấp quốc gia. Gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa hệ thống đô thị Ninh Thuận với vùng Đông Nam bộ, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên.
- Từng bước xây dựng hệ thống đô thị Ninh Thuận trở thành một vùng đô thị hiện đại, sinh thái, có khả năng cạnh tranh cao, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai - địa hình - cảnh quan, có môi trường sống tiện nghi, đáp ứng định hướng phát triển không gian kinh tế, đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
- Xây dựng tầm nhìn và mục tiêu chiến lược gắn với các tiềm năng, thế mạnh của thành phố nói riêng và tỉnh Ninh Thuận nói chung.
- Nghiên cứu lập quy hoạch chung theo phương pháp luận và tiếp cận mới phù hợp tính đặc thù của đô thị.
- Kế thừa các đồ án quy hoạch, các dự án đã được phê duyệt nằm trong khu vực lập quy hoạch.
b) Tầm nhìn, mục tiêu phát triển, tính chất, chức năng đô thị
- Tầm nhìn: “Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trở thành một đô thị cân bằng độc đáo”. Là nơi tất cả các khía cạnh của đô thị được quan tâm và đầu tư phát triển trong một tổng thể hòa hợp, phát huy thế mạnh vốn có cân bằng và bổ sung những động lực mới.
- Mục tiêu:
+ Xây dựng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” trước năm 2050, thành phố sẽ được xây dựng trở thành một đô thị là nơi trải nghiệm về ứng dụng năng lượng sạch, phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, bền vững, thông minh và là một thành phố sống tốt.
+ Xây dựng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trở thành một thành phố du lịch đậm đà bản sắc với những giá trị độc đáo và khác biệt trên cơ sở tích hợp văn hóa dân tộc truyền thống, cung cấp các dịch vụ cao cấp hướng đến các nhu cầu cao của con người.
+ Thiết lập các cơ chế chính sách để quản lý, thu hút đầu tư phù hợp. Xây dựng kế hoạch thực thi và lộ trình thực hiện các dự án.
- Tính chất: Phát triển thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là đô thị hỗn hợp, đa dạng, lấy du lịch làm động lực phát triển, hướng tới đô thị thông minh, đô thị du lịch, đô thị biển, đô thị xanh và hướng đến hình thành đô thị loại I trong tương lai; đồng thời đáp ứng mục tiêu lấy phục vụ con người làm trung tâm, phát triển xanh, bền vững và thân thiện.
- Chức năng đô thị:
+ Là đô thị trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ, du lịch, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, văn hóa nghệ thuật của tỉnh. Là đô thị tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực về Dịch vụ - Thương mại - Du lịch, Công nghiệp; là đô thị thông minh; đầu mối hạ tầng giao thông của tỉnh Ninh Thuận.
+ Là một trong những trung tâm du lịch của miền Trung và của cả nước. Là đầu mối giao thông liên vùng, trung tâm giao lưu kinh tế với vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (của cả nước) và miền Đông Nam Bộ.
2. Quy mô và phạm vi ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch
- Phạm vi ranh giới đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo Quyết định số 151/QĐ-UBND ngày 22/05/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh bao gồm ranh giới hành chính của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (không bao gồm sân bay Thành Sơn 2.288 ha), ranh giới khu đô thị Khánh Hải và khu vực ven Đầm Nại thuộc huyện Ninh Hải, một phần khu vực Nam sông Dinh thuộc huyện Ninh Phước. Tổng diện tích lập quy hoạch là 10.054,69 ha.
- Phạm vi ranh giới lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, được giới hạn bởi:
+ Phía Bắc: Giáp huyện Thuận Bắc, huyện Bác Ái;
+ Phía Nam: Giáp huyện Ninh Phước;
+ Phía Đông: Giáp huyện Ninh Hải và biển Đông;
+ Phía Tây: Giáp huyện Ninh Sơn và huyện Ninh Phước.
- Diện tích tự nhiên toàn khu vực: 7.918,79 ha.
Việc xác định quy mô và phạm vi ranh giới theo địa giới hành chính của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của các địa phương lân cận.
3. Dự báo quy mô dân số và quy mô sử dụng đất: theo tiêu chuẩn của đô thị loại II và hướng đến hình thành đô thị loại I trong tương lai.
a) Quy mô dân số
- Đến năm 2040, dân số toàn đô thị khoảng 320.000 người.
- Đến năm 2050, dân số toàn đô thị khoảng 376.500 người.
b) Quy mô sử dụng đất
- Dự báo đến năm 2040, đất dân dụng toàn đô thị khoảng: 2.880 - 3.200ha.
- Dự báo đến năm 2050, đất dân dụng toàn đô thị khoảng: 3.120 - 3.380ha.
4. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu: Căn cứ vào Quy chuẩn và Tiêu chuẩn xây dựng đối với đô thị loại II đến năm 2040, các chỉ tiêu sử dụng trong đồ án được dự kiến như sau:
- Các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội:
+ Đất dân dụng: 90 - 100 m2/người.
+ Đất đơn vị ở: 50 - 70 m2/người.
+ Đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị: ≥ 12,0 m2/người.
+ Đất công trình dịch vụ công cộng đô thị: ≥ 3 m2/người.
- Các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật:
+ Giao thông: Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông ≥ 13% đất xây dựng đô thị (tính đến đường khu vực). Mật độ đường chính (tính đến đường khu vực) đạt trên 6,5km/km2.
+ Cấp nước: Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt đô thị 150-180 lít/người/ngđ, tỷ lệ dân đô thị được cấp nước ≥80%; chỉ tiêu nước cấp cho công nghiệp tính toán theo yêu cầu đặc thù khu công nghiệp.
+ Cấp điện: Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt 450-700W/người, điện năng 1100-2100 KWh/người/năm; cho hoạt động dịch vụ, thương mại bằng 30 - 40% tiêu chuẩn cấp điện sinh hoạt; chỉ tiêu cấp điện cho công nghiệp tính toán theo yêu cầu đặc thù khu công nghiệp.
+ Thoát nước mưa và chống ngập úng: Mật độ đường cống thoát nước chính ≥ 2,5km/km2.
+ Thoát nước thải và vệ sinh môi trường: Tiêu chuẩn thải nước lấy theo tiêu chuẩn cấp nước tương ứng với từng đối tượng, trên 80% nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Nước thải khu công nghiệp tính toán theo yêu cầu đặc thù khu công nghiệp, nước thải được xử lý đảm bảo hợp vệ sinh đúng quy định hiện hành.
+ Rác thải sinh hoạt: 1,0 - 1,3kg/người/ngđ. Rác thải khu công nghiệp tính toán theo yêu cầu đặc thù khu công nghiệp, rác thải phải được chôn lấp, xử lý đảm bảo vệ sinh, đúng quy định hiện hành.
5. Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất:
a) Tổng dân số: Khoảng 320.000 người.
b) Tổng diện tích đất tự nhiên: Khoảng 7.918,79 ha.
- Tổng diện tích đất xây dựng đô thị: 7.212,01. Trong đó:
+ Diện tích đất dân dụng: 3.133,07 ha.
+ Diện tích đất ngoài dân dụng: 4.078,94 ha.
- Đất nông nghiệp và chức năng khác: 706,78 ha.
6. Phân vùng đô thị
Với các vùng động lực phát triển đô thị đặc trưng, sơ đồ cấu trúc phát triển không gian, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được phân thành 5 phân vùng lớn với những đặc tính và chức năng riêng biệt, cụ thể như sau:
a) Phân vùng 1: Khu vực phát triển đô thị di sản
- Phạm vi ranh giới bao gồm một phần diện tích của các phường: Đô Vinh, Bảo An và Phước Mỹ.
- Quy mô diện tích: khoảng 927,31 ha.
- Quy mô dân số dự kiến: đến năm 2040 khoảng 28.500 người
Trọng tâm là các không gian xung quanh tháp Po Klong Garai và cộng đồng xung quanh. Khu vực này được chỉnh trang và xây dựng một công viên lịch sử cạnh sông Dinh. Tăng tính kết nối giữa không gian di sản đến không gian mới, ý tưởng nối kết từ quá khứ đến tương lai.
b) Phân vùng 2: Khu vực phát triển đô thị ven biển
- Phạm vi ranh giới bao gồm một phần diện tích của các phường: Văn Hải, Mỹ Bình, Mỹ Hải, Mỹ Đông và phường Đông Hải.
- Quy mô diện tích: Khoảng 408,79 ha.
- Quy mô dân số dự kiến: Đến năm 2040 khoảng 59.500 người.
Đặc trưng của khu vực này là phát triển du lịch, vui chơi giải trí biển. Đặc điểm quan trọng sẽ bao gồm một đường đi dạo ven biển, quảng trường biển, những khách sạn cao tầng, các resort và dịch vụ hướng biển nhằm thể hiện hình ảnh của một thành phố biển.
Tại khu vực phía Bắc và Nam sông Dinh, trọng tâm là khu vực thôn Phú Thọ và cảng Cá Đông Hải. Đặc trưng của khu vực này là phát triển du lịch làng nghề truyền thống kết hợp khai thác dịch vụ thương mại dọc bờ kè biển, chỉnh trang đô thị và xây dựng các không gian công cộng nối kết.
c) Phân vùng 3: Khu vực phát triển đô thị trung tâm
- Phạm vi ranh giới bao gồm một phần diện tích của các phường: Văn Hải, Mỹ Bình, Mỹ Hải, Mỹ Đông, Đài Sơn, Thanh Sơn, Phủ Hà, Mỹ Hương, Kinh Dinh, Tấn Tài và một phần xã Thành Hải.
- Quy mô diện tích: Khoảng 2.250,64 ha.
- Quy mô dân số dự kiến: Đến năm 2040 khoảng 118.000 người.
Là khu đô thị hiện trạng được cải tạo và tái thiết, hình thành đô thị nén khu vực trung tâm thành phố, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Trọng tâm là khu vực Quảng trường trung tâm gắn với Trung tâm hành chính tỉnh, các công viên trung tâm, khu bảo tàng, trục thương mại đường 16 tháng 4 nối kết ra biển. Xây dựng khu đô thị mới hình thành những tuyến phố trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí như khu đô thị Đông Văn Sơn - Bắc Bình Sơn, khu công viên trung tâm và văn hóa thể thao. Phát triển trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế.
Định hướng kết hợp với các đặc trưng hiện có và tăng cường tính bản sắc gắn liền với các di tích, văn hóa để kiến thiết thành những không gian đô thị riêng. Phân vùng đô thị trung tâm thành khu đô thị có chức năng đa dạng thông qua kết nối các không gian công cộng.
d) Phân vùng 4: Khu vực phát triển đô thị sông Dinh
- Phạm vi ranh giới bao gồm một phần diện tích của các phường: Đạo Long, Phước Mỹ, Phủ Hà, Mỹ Hương, Kinh Dinh, Tấn Tài và phường Mỹ Đông.
- Quy mô diện tích: Khoảng 791,30 ha.
- Quy mô dân số dự kiến: Đến năm 2040 khoảng 59.000 người.
Phát triển các khu vực đô thị dọc Sông Dinh dựa trên giá trị đặc trưng, không gian sống, không gian sinh hoạt và mặt nước là giá trị trọng tâm của phân vùng đô thị sông Dinh.
Phía Bắc Sông Dinh là khu đô thị hiện trạng được cải tạo, chỉnh trang, chức năng ở, không gian mở dọc sông kết hợp tăng kết nối cộng đồng và phát triển cảnh quan dọc sông.
Phía Nam sông Dinh phát triển các khu vực du lịch theo hướng du lịch cảnh quan nông thôn và du lịch trải nghiệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
đ) Phân vùng 5: Khu vực phát triển đô thị kết nối (khu vực sân bay Thành Sơn)
- Phạm vi ranh giới bao gồm một phần diện tích của các phường: Phước Mỹ, Đô Vinh và một phần xã Thành Hải.
- Quy mô diện tích: khoảng 3.540,75 ha (bao gồm sân bay Thành Sơn 2.117,5 ha).
- Quy mô dân số dự kiến đến năm 2040 khoảng 55.000 người
Là khu đô thị xây mới bởi sự tác động mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng giao thông. Khu vực này tập trung phát triển đầu mối giao thông vùng, có các chức năng giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao chất lượng cao, y tế, logistic, dịch vụ thương mại. Các khu vực được kết nối với nhau bằng các không gian công cộng và mảng xanh. Trọng tâm của phân vùng 5 là khu vực đầu mối hạ tầng giao thông (bến xe mới, nhà ga đường sắt mới,...), công viên sáng tạo, Khu đô thị đại học, Trung tâm đổi mới sáng tạo, bệnh viện quốc tế, Khu Liên hợp thể thao. Các khu vực này tập trung phát triển theo hướng đô thị thông minh sáng tạo, hài hòa với thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống đô thị với các công trình hiện đại và công không gian xanh công cộng rộng lớn.
7. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Thực hiện đảm bảo theo Quy chuẩn, Tiêu chuẩn xây dựng hiện hành. Tuân thủ theo định hướng quy hoạch cấp trên và quy hoạch chuyên ngành liên quan về hạ tầng kỹ thuật.
8. Phân kỳ thực hiện quy hoạch
- Giai đoạn từ nay đến 2030: Giai đoạn này tập trung phát triển các hạ tầng xã hội về Giáo dục - đào tạo, hành chính, thương mại dịch vụ, thể dục thể thao. Đồng thời, phát triển vào các dự án du lịch nghỉ dưỡng ven biển. Các dự án khu đô thị mới Đông Văn Sơn - Bắc Bình Sơn, khu đô thị mới Tây Bắc, khu đô thị mới Đông Nam. Chỉnh trang và tái thiết các khu vực hiện hữu trong thành phố.
- Giai đoạn từ 2030 đến 2040: Đô thị mở rộng về 2 hướng chính. Hướng Đông - Tây, theo Quốc lộ 27 hướng về đường cao tốc Bắc Nam và đường 705B, phát triển theo hướng đô thị sân bay, giáo dục, tri thức. Hướng Bắc - Nam, mở rộng từ trung tâm hướng đến khu vực Đầm Nại, phát triển các khu đô thị kết hợp thương mại hỗn hợp, chăm sóc sức khỏe.
9. Nguồn lực thực hiện Đồ án
Tập trung nghiên cứu cơ chế huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; rà soát quỹ đất để có phương án quy hoạch, kêu gọi đầu tư phù hợp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời khi có phát sinh; đẩy mạnh giải pháp khơi thông nguồn lực; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ đất đai; ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển thành phố và các ngành mũi nhọn.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật; phê duyệt hồ sơ Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận Khóa XI Kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 22 tháng 01 năm 2024./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.