HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2023/NQ-HĐND |
Thanh Hóa, ngày 24 tháng 3 năm 2023 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHOÁ XVIII, KỲ HỌP THỨ 12
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020; số 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn;
Xét Tờ trình số 06/TTr-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình tham gia bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Mường Lát, giai đoạn 2023 - 2026; Báo cáo số 101/BC-DT ngày 18 tháng 3 năm 2023 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc ban hành chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình tham gia bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Mường Lát, giai đoạn 2023 - 2026; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
1. Đối tượng hỗ trợ
Hộ gia đình người dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sinh sống ổn định trên địa bàn huyện Mường Lát (không bao gồm các hộ gia đình, nhân khẩu đang được hỗ trợ gạo theo Quyết định số 5402/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn).
2. Điều kiện hỗ trợ
Hộ gia đình phải tham gia một hoặc một số các hoạt động sau: Bảo vệ rừng, nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng trồng. Riêng đối với hộ gia đình thuộc đối tượng hỗ trợ gạo của chính sách này nhưng tham gia nhiều hoạt động (trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, bảo vệ rừng, nhận khoán bảo vệ rừng) thì được nhận hỗ trợ theo một nội dung với mức hỗ trợ cao nhất và đảm bảo không trùng lặp đối tượng hỗ trợ.
Diện tích rừng tối thiểu/hộ gia đình tham gia trồng rừng, chăm sóc rừng trồng là 0,3 ha theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng.
3. Mức hỗ trợ
Hộ gia đình người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ gia đình người Kinh thuộc hộ nghèo: Mức hỗ trợ 15 kg gạo/khẩu/tháng.
Hộ gia đình người dân tộc thiểu số không thuộc hộ nghèo, hộ gia đình người Kinh thuộc hộ cận nghèo: Mức hỗ trợ 10 kg gạo/khẩu/tháng, nhưng không quá 700 kg gạo/ha/năm đối với hộ tham gia trồng rừng hoặc chăm sóc rừng trồng.
Quy định cụ thể về cách tính mức gạo hỗ trợ cho từng hộ gia đình: Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân huyện Mường Lát hướng dẫn chi tiết, cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch và quyền, lợi ích của các đối tượng được thụ hưởng chính sách.
4. Thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ
- Đơn đề nghị hỗ trợ gạo của hộ gia đình (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết này).
- Giấy tờ chứng minh hộ nghèo, hộ cận nghèo (bản sao).
- Bản sao một trong các văn bản sau:
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Quyết định giao đất;
+ Hợp đồng khoán bảo vệ rừng;
+ Giấy tờ chứng minh việc tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Điều 2. Trình tự, thủ tục hỗ trợ
1. Xây dựng kế hoạch kinh phí hỗ trợ
Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát nhu cầu hỗ trợ gạo trên địa bàn, lập danh sách tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện Mường Lát trước ngày 15 tháng 7 của năm trước năm kế hoạch.
Sau khi nhận báo cáo của Ủy ban nhân dân xã, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp, tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch khối lượng và nhu cầu kinh phí (bao gồm cả chi phí vận chuyển đến địa điểm giao gạo) thực hiện chính sách trên địa bàn huyện, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính trước ngày 30 tháng 7 của năm trước năm kế hoạch.
Trên cơ sở kế hoạch khối lượng và dự toán kinh phí của Ủy ban nhân dân huyện, trong thời hạn 15 ngày, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp vào dự toán ngân sách tỉnh hằng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách.
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định về việc giao dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách địa phương hằng năm (trong đó, có dự toán thực hiện chính sách).
Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách địa phương hàng năm (trong đó có dự toán thực hiện chính sách), Sở Tài chính thông báo ngân sách cho Ủy ban nhân dân huyện Mường Lát.
Riêng năm 2023, sau khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân huyện Mường Lát phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát xây dựng kế hoạch khối lượng và nhu cầu kinh phí, gửi Sở Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.
2. Tổ chức mua gạo hỗ trợ
Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh giao kinh phí thực hiện chính sách, Ủy ban nhân dân huyện Mường Lát tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu có uy tín cung cấp gạo hỗ trợ theo quy định của Luật Đấu thầu và các quy định của pháp luật khác liên quan (đấu thầu mua gạo hằng quý và tổ chức cấp phát gạo hằng tháng đến người dân).
Gạo cấp cho người dân phải đảm bảo chất lượng, được đựng trong bao bì chống ẩm mốc, gồm 02 loại bao (loại 10 kg/bao và loại 15 kg/bao).
3. Trình tự thực hiện cấp phát gạo hỗ trợ
Bước 1: Ủy ban nhân dân xã thông báo nội dung, thời gian cấp gạo trước mỗi đợt cấp; sau khi nhận được thông báo, đối với đợt cấp lần đầu trong năm hoặc khi có thay đổi về đối tượng hỗ trợ, hộ gia đình nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết này tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân xã; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn và báo cáo Ủy ban nhân dân xã kết quả tiếp nhận hồ sơ trong cùng ngày làm việc.
Trong 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát tổng hợp danh sách, hồ sơ đề nghị hỗ trợ gạo trong tháng trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Nếu trường hợp hộ gia đình chưa đáp ứng đủ các điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo bằng văn bản cho hộ gia đình biết và nêu rõ lý do từ chối.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hạt Kiểm lâm huyện và các đơn vị có liên quan, thẩm định hồ sơ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Lát kết quả thẩm định. Trường hợp không đủ điều kiện hỗ trợ, trong vòng 03 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Lát ban hành Quyết định phê duyệt danh sách, khối lượng hỗ trợ gạo trên địa bàn huyện.
Bước 4: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Lát ban hành Quyết định phê duyệt danh sách, khối lượng gạo hỗ trợ. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với đơn vị trúng thầu cung cấp gạo, hỗ trợ vận chuyển bàn giao đầy đủ số lượng, chất lượng gạo tại Ủy ban nhân dân xã, cụm xã, thị trấn (nơi có đường ô tô đến được); tổ chức cấp phát gạo trực tiếp đến các hộ gia đình thụ hưởng và có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đảm bảo dân chủ, công khai, kịp thời, đúng đối tượng và định mức theo quy định; không để tiêu cực, lãng phí xảy ra.
Điều 3. Số lượng gạo hỗ trợ, nguồn kinh phí thực hiện chính sách
1. Dự kiến số lượng gạo hỗ trợ giai đoạn 2023 - 2026:
Không quá 16.000 tấn (với đơn giá 12 triệu đồng/tấn tại thời điểm xây dựng chính sách, tổng số tiền của 16.000 tấn gạo là 192.000 triệu đồng).
2. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách
Nguồn kinh phí thực hiện chính sách được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh.
Điều 4. Thời gian thực hiện chính sách
Tính từ ngày chính sách có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2026.
Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh:
1. Căn cứ Nghị quyết này tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định, định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 24 tháng 3 năm 2023 và có hiệu lực kể từ ngày 04 tháng 4 năm 2023./.
|
CHỦ TỊCH |
(Kèm theo Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND Ngày 24 tháng 3 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa)
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ GẠO
Kính gửi: Chủ tịch UBND xã/thị trấn ……………………
I. Thông tin chung
1. Đại diện hộ gia đình: ……………………………………………………………………………
2. Dân tộc: ………………………………………………………………………………………….
3. Số CMND/Thẻ căn cước công dân: ………. Ngày cấp: ……… Nơi cấp …………………
4. Địa chỉ: ………………………………………. Số điện thoại: …………………………………
5. Thông tin về Gia đình: Thuộc hộ gia đình người dân tộc thiểu số (hộ nghèo/hộ không thuộc hộ nghèo)/hộ người Kinh thuộc hộ nghèo/hộ người Kinh cận nghèo; số khẩu: ………;
II. Nội dung
Đề nghị hỗ trợ gạo với nội dung như sau:
1. Diện tích bảo vệ rừng/nhận khoán bảo vệ rừng: ……… ha; loại rừng ………………… (rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên).
2. Diện tích trồng rừng/chăm sóc ……………………………………; thời gian trồng/chăm sóc: …………………………………………………………….
3. Vị trí khu rừng: Thuộc lô …………… khoảnh ……………………………. tiểu khu …………………; xã ………………………………………………………….
Đề nghị Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn ……………………………… xem xét, giải quyết./.
|
…………, ngày ……
tháng …… năm …… |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.