HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/NQ-HĐND |
Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2022 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 ngày 6 tháng 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 46/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tại các Báo cáo, Tờ trình số: 73/TTr-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2022, 100/BC-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2022 về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 để thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội; số 72/TTr-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2022, 89/TTr-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2022 về bố trí vốn Kế hoạch đầu tư công cấp Thành phố năm 2022 và cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của Thành phố; Báo cáo thẩm tra số 12/BC-KTNS ngày 05 tháng 4 năm 2022 và số 13/BC-KTNS ngày 07 tháng 4 năm 2022 của Ban Kinh tế và Ngân sách; báo cáo bổ sung, giải trình số 112/BC-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2022, số 113/BC-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2022 của UBND Thành phố và ý kiến thảo luận của các Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Cập nhật, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của Thành phố
1. Đối với Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của Thành phố (gọi tắt là Kế hoạch).
a) Ngân sách cấp thành phố dự kiến đầu tư đối với 03 lĩnh vực giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo là 49.203 tỷ đồng thực hiện 1.469 dự án (gồm 236 dự án cấp Thành phố: 24.429,9 tỷ đồng, 1.233 dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ cấp huyện: 24.773,5 tỷ đồng). Trong đó:
- Giai đoạn 2021-2025 dự kiến cân đối 41.105,4 tỷ đồng thực hiện 1.310 dự án (gồm 227 dự án cấp thành phố: 19.536,9 tỷ đồng; 1.083 dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ cấp huyện: 21.568,5 tỷ đồng), bao gồm:
+ Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 đã cân đối đối với 3 lĩnh vực: 21.759,8 tỷ đồng;
+ Số vốn cần bổ sung so với Kế hoạch trung hạn 2021-2025 đã dự kiến đối với 3 lĩnh vực trên là 19.345,6 tỷ đồng được bổ sung: Từ nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 (3.000 tỷ đồng); Từ nguồn tăng thu, thưởng vượt thu năm 2021; Từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp Thành phố, hoặc từ tăng thu, thưởng vượt thu dự toán các năm 2022- 2024 hoặc xem xét phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô theo tiến độ thực tế của dự án (bố trí cho các dự án y tế, di tích, giáo dục có tổng mức đầu tư lớn, cần nghiên cứu kỹ lưỡng khi đề xuất triển khai).
- Phân kỳ thực hiện giai đoạn sau năm 2025 là 8.098 tỷ đồng, gồm: dự án cấp thành phố: 4.893 tỷ đồng, ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện: 3.205 tỷ đồng.
(Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo)
b) Thông qua tổng mức vốn và danh mục các dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp Thành phố trong Kế hoạch dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2025 thuộc 03 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa (di tích) tại các Phụ lục số 2.1, 3.1, 4.1 kèm theo.
c) Thông qua mức vốn, nguyên tắc, tiêu chí, định mức ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ cấp huyện để thực hiện các dự án nhiệm vụ chi cấp huyện trong Kế hoạch, trong đó:
- Mức vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ tối đa cho từng dự án nhiệm vụ chi cấp huyện tại Phụ lục số 2.2, 3.2, 4.2 kèm theo.
- Nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên ngân sách Thành phố hỗ trợ
+ Dự án đầu tư theo Kế hoạch phải đảm bảo đúng phân cấp quản lý (cấp huyện).
+ Ngân sách Thành phố ưu tiên hỗ trợ cho các huyện, thị xã còn khó khăn về nguồn lực, khó có khả năng xã hội hóa đầu tư trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu về giảng dạy, y tế cộng đồng và di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, cần phục hồi di tích gốc để phát huy giá trị di tích lịch sử và phát huy điểm đến.
+ Ưu tiên hỗ trợ bổ sung cho các đơn vị có dự án vùng ảnh hưởng bởi thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm quốc gia, Thành phố và vùng nhân dân bị ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng bãi rác thải, nghĩa trang tập trung của Thành phố. Ưu tiên đầu tư các công trình trường học, y tế của các địa bàn phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và 05 huyện phấn đấu lên quận.
+ Nguyên tắc xác định thứ tự ưu tiên đầu tư:
* Lĩnh vực giáo dục: (i) Trường học đạt chuẩn nằm trong khu vực thiếu trường, thiếu lớp; (ii) Trường xuống cấp nghiêm trọng, cần cải tạo, sửa chữa ngay để đảm bảo an toàn; (iii) Trường đạt chuẩn để đạt mục tiêu tỷ lệ 80-85% trường chuẩn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố;...
* Lĩnh vực y tế: (i) Trạm y tế xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng, hết khấu hao sử dụng; (ii) Các cơ sở y tế nằm trong quy hoạch phải di dời và đầu tư xây dựng mới sang vị trí khác; (iii) Trạm y tế phải cải tạo, sửa chữa để đảm bảo yêu cầu hoạt động chuyên môn, đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của ngành y tế,...
* Lĩnh vực di tích: (i) Di tích đã được xếp hạng đang xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sụp đổ, cần bảo vệ khẩn cấp; (ii) Di tích đã được xếp hạng có giá trị cao đang xuống cấp các hạng mục gốc, hư hỏng các cấu kiện, kiến trúc; (iii) Di tích cần phát huy điểm đến gắn với phát triển du lịch, nhằm phát huy giá trị di tích và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
- Định mức ngân sách Thành phố hỗ trợ
+ Đối với các dự án trùng tu di tích: ngân sách Thành phố hỗ trợ kinh phí trùng tu hạng mục di tích gốc và kinh phí xây dựng hạ tầng các khu di tích; ngân sách huyện bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng (nếu có) và phần còn lại (bao gồm chi phí dự phòng) để hoàn thành dự án.
+ Các dự án lĩnh vực giáo dục và y tế: ngân sách Thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng và chi phí thiết bị (nếu có); ngân sách huyện bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và phần còn lại (bao gồm chi phí dự phòng) để hoàn thành dự án.
+ Mức vốn hỗ trợ cho các huyện, thị xã được tính toán theo khả năng cân đối của ngân sách Thành phố và khả năng cân đối ngân sách của từng đơn vị để đối ứng thực hiện hoàn thành dự án, theo nhu cầu, thực trạng hạ tầng kỹ thuật và được xác định cụ thể trong Kế hoạch đầu tư công hàng năm.
2. Đối với các dự án nhiệm vụ chi cấp Thành phố:
Cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố cho 08 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố với mức vốn là 358,5 tỷ đồng, trong đó:
a) 01 dự án giao thông chuyển tiếp với số vốn 126,5 tỷ đồng, nguồn vốn từ nguồn dự kiến cho lĩnh vực giao thông còn lại chưa phân bổ chi tiết trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của Thành phố.
b) 07 dự án đê điều xử lý cấp bách với số vốn 232 tỷ đồng, nguồn vốn từ nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của Thành phố.
(Chi tiết tại các Phụ lục số 5.2 kèm theo)
Điều 2. Bố trí vốn Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của ngân sách cấp Thành phố
1. Bố trí Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 cho 11 dự án với tổng số vốn 632 tỷ đồng, trong đó:
a) Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đối với 02 dự án thuộc lĩnh vực giao thông đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, với số vốn bố trí 310 tỷ đồng.
b) Bố trí kế hoạch vốn năm 2022 đối với 08 dự án mới cập nhật vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm 2021-2025 với số vốn 322 tỷ đồng, bao gồm:
Nguồn vốn để bố trí kế hoạch vốn năm 2022 là 632 tỷ đồng cho các dự án được lấy từ nguồn dự phòng 1.500 tỷ đồng của Kế hoạch đầu tư công năm 2022.
(Chi tiết tại Phụ lục số 5.1 và 5.2 kèm theo)
2. Phân bổ Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 cho 146 dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ cấp huyện thuộc Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội đã đủ thủ tục đầu tư, điều kiện bố trí vốn hàng năm với tổng kinh phí là 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đã được cân đối trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Thành phố nhưng chưa phân bổ chi tiết cho các dự án thuộc lĩnh vực y tế cơ sở và di tích.
(Chi tiết tại các Phụ lục số 2.2, 3.2, 4.2 kèm theo)
1. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố:
a) Ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội.
b) Chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện Kế hoạch, trong đó:
- Quán triệt và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố để thực hiện hiệu quả Kế hoạch;
- Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện Kế hoạch.
- Tập trung ưu tiên, bố trí đủ nguồn lực đầu tư từ ngân sách Thành phố để thực hiện Kế hoạch theo tiến độ thực hiện các dự án; rà soát, đánh giá xác định các ưu tiên trong quá trình phân bổ vốn cho các dự án cụ thể, gắn với quá trình lập, thẩm định, phê duyệt từng dự án, đảm bảo phù hợp Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.
- Chỉ đạo UBND các quận chủ động cân đối nguồn lực để triển khai các dự án thuộc 03 lĩnh vực để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và mục tiêu của Kế hoạch.
- Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã chủ động, tập trung cân đối bố trí đủ phần vốn ngân sách cấp huyện phải đối ứng cho các dự án theo Kế hoạch, đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ, tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Rà soát hoàn thiện thủ tục đầu tư của từng dự án để phù hợp với nguồn vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ; đề xuất bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của cấp mình, trình HĐND cấp huyện thông qua theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Chỉ triển khai đầu tư xây dựng và bố trí vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ cho từng dự án cụ thể khi đã đảm bảo thủ tục và đảm bảo nguồn vốn đối ứng của các huyện, thị xã.
- Từng lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, di tích phải xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể trong giai đoạn 2021-2025 và tổ chức triển khai hiệu quả, đảm bảo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Riêng đối với công tác tu bổ tôn tạo di tích, phương án thực hiện phải được cân nhắc xem xét kỹ lưỡng đối với từng công trình, hạng mục, không thực hiện đại trà, đảm bảo nguyên tắc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của công trình cũng như các hạng mục của công trình đó.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tại các cấp, đặc biệt là các nhiệm vụ đã được phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện thực hiện; chỉ đạo các đơn vị báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch định kỳ 6 tháng và định kỳ hàng năm và báo cáo lồng ghép trong báo cáo kinh tế - xã hội, báo cáo đầu tư công 6 tháng và hàng năm để báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và HĐND Thành phố. Chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu, danh mục dự án trình HĐND Thành phố.
c) Khẩn trương hoàn thành việc rà soát các quy định hiện hành của Thành phố liên quan đến phân cấp quản lý đầu tư và quản lý sau đầu tư trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, di tích, đảm bảo phù hợp với yêu cầu triển khai trên thực tế, trình HĐND Thành phố quyết định đúng quy định.
d) Giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 bổ sung cho các chủ đầu tư của các dự án được phân bổ, bố trí vốn Kế hoạch đầu tư công năm 2022 tại Nghị quyết này và chỉ đạo việc thực hiện, thanh toán, quyết toán đảm bảo đúng quy định; và chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư tăng cường các giải pháp để thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố, các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương các quận, huyện, thị xã theo chức năng của mình triển khai thực hiện Nghị quyết này.
3. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
4. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ Tư thông qua ngày 08/4/2022./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.