BỘ CANH NÔNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 508-NĐ | Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1946 |
|
SỐ 508-NĐ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NHA LÂM CHÍNH
BỘ TRƯỞNG BỘ CANH NÔNG
Chiếu quyết nghị ngày 14 tháng 11 năm 1945 của Hội đồng Chính phủ lập bộ Canh nông;
Chiếu sắc lệnh số 69 ngày 01 tháng 12 năm 1945 sát nhập vào bộ Canh nông, các cơ quan canh nông, thú y, mục súc, ngư nghiệp, lâm chính và nông nghiệp tín dụng;
Chiếu nghị định số 01 ngày 01 tháng tháng 12 năm 1945 tổ chức bộ Canh nông;
Chiếu nghị định số 81 ngày 11 tháng 03 năm 1946 tổ chức nha Lâm chính;
Chiếu nghị định số 288 ngày 24 tháng 07 năm 1946 thiết lập tại bộ Canh nông một Ủy ban nghiên cứu Lâm chính;
Theo đề nghị của Ủy ban Nghiên cứu Lâm chính;
NGHỊ ĐỊNH:
Điều thứ nhất. - Nghị định số 81 ngày 11 tháng 03 năm 1946 nói trên nay bãi bỏ.
Nha Lâm chính sẽ tổ chức lại như sau:
Điều thứ 2. – Nha Lâm chính là một cơ quan thuộc bộ Canh nông có nhiệm vụ:
1) Quản lý lâm phận;
2) Thi hành lâm pháp;
3) Thi hành thể lệ săn bắn;
Điều thứ 3. - Để quản lý lâm phận, nha Lâm chính đảm nhận các công việc sau này:
a) Bảo vệ lâm phận;
b) Tu dưỡng lâm phận;
c) Gây rừng;
d) Điều khiển việc khai thác lâm sản;
e) Tham gia vào việc tổ chức nền lâm học, và đào tạo nhân viên.
Điều thứ 4. - Hệ thống tổ chức nha Lâm chính định như sau:
1) Các cấp bộ quản trị:
- Nha Tổng Giám đốc;
- Quận;
- Hạt;
- Chi;
2) Các cấp bộ giám sát và liên lạc:
- Thanh tra liên quận;
- Liên lạc (kiêm công tác);
Điều thứ 5. – Nha Tổng Giám đốc Lâm chính là cơ quan điều khiển và kiểm soát tất cả công việc thuộc phạm vi Lâm chính trong toàn cõi nước Việt Nam.
Điều thứ 6. – Điều khiển nha Tổng Giám đốc sẽ có một Hội đồng quản trị do Tổng Giám đốc chủ tọa, gồm có tính cách tư vấn về mọi vấn đề và có quyền quyết nghị trong những trường hợp sẽ định sau.
Tổng Giám đốc sẽ do một sắc lệnh bổ nhiệm.
Phó Giám đốc và các Trưởng ty sẽ do nghị định bộ canh nông bổ nhiệm.
Điều thứ 7. – Tổng Giám đốc đặt dưới quyền trực tiếp của Bộ trưởng bộ Canh nông có trách nhiệm và quyền hạn như sau:
1) Điều khiển và kiểm soát mọi công việc.
2) Giao thiệp với các cơ quan trung ương khác.
3) Nhận và mở công văn và ký mọi giấy tờ.
4) Ra quyết nghị và chỉ thị.
5) Liên lạc với bộ Canh nông về công việc và tường trình kết quả việc Quản trị nha Lâm chính và những quyền hạn đã định rõ trong lâm luật.
Điều thứ 8. – Tổng Giám đốc có thể ủy nhiệm cho Phó Giám đốc một phần quyền hạn và trách nhiệm của mình.
Khi Tổng Giám đốc vắng mặt, Phó Giám đốc sẽ tạm thay trong mọi công việc.
Điều thứ 9. – Hội đồng quản trị sẽ họp hàng tuần. Khi có việc cần, Tổng Giám đốc có thể triệu tập những phiên họp bất thường.
Khi có hai ý kiến trái ngược mà số phiếu ngang nhau, sẽ lấy ý kiến được Tổng Giám đốc tán thành.
Điều thứ 10. – Tổng Giám đốc phải lấy quyết nghị của Hội đồng quản trị về những vấn đề sau đây trước khi đem thi hành hay đề nghị lên bộ Canh nông:
1) Sửa đổi lâm luật và tổ chức Nha Lâm chính - Đặt thêm và bãi bỏ các chức vụ;
2) Bổ dụng thuyên chuyển thăng thưởng và trừng phạt nhân viên từ kiểm soát trở lên;
3) Dự toán chi thu hàng năm của Nha Lâm chính – Phân phối tiền chi cấp cho các quận;
4) Nhận điều đình biên bản tổng cộng các khoản tiền phạt tối đa và bồi thường trên 10.000 đồng;
5) Quyết định những việc liên can đến vấn đề tư hữu, lâm phận;
6) Bán các cúp bất thường;
7) Duyệt y các quy thuế khai thác bất thường;
8) Chuẩn y các chương trình công tác;
9) Chuẩn y các khế ước thầu cúp mà trị giá lâm sản từ 10.000 đến 20.000 đồng;
10) Xét các khế ước thầu cúp mà trị giá lâm sản trên 20.000 đồng, và các khế ước dài hạn trước khi đệ trình lên bộ Canh nông.
Điều thứ 11. - Tại nha Tổng Giám đốc có 5 ty:
1) Ty Hành chính gồm có ba phòng:
a) Phòng văn thư
b) Phòng nhân viên
c) Phòng tuyên truyền
2) Ty khai thác và Thống kê gồm có hai phòng:
a) Phòng khai thác
b) Phòng thống kê
3) Ty Công tác gồm có hai phòng:
a) Phòng gây rừng và công tác linh tinh
b) Phòng điều chế
4) Ty Pháp chế và Tố tụng gồm có hai phòng:
a) Phòng pháp chế
b) Phòng tố tụng
5) Ty Tài chính gồm có 3 phòng:
a) Phòng chi thu
b) Phòng thanh toán
c) Phòng vật liệu, nhà cửa và an chí.
Điều thứ 12. - Trưởng ty sẽ lựa chọn trong nhân viên từ ngạch kiểm soát trở lên. Trưởng phòng sẽ lựa chọn trong nhân viên ngạch thư ký hay cán sự trở lên tuỳ theo tính cách quan trọng của công việc.
Khi nào một trưởng ty hay trưởng phòng vắng mặt, Tổng Giám đốc sẽ cử một nhân viên khác cùng ngạch tạm thay.
Điều thứ 13. - Trưởng ty có nhiệm vụ xét tất cả những vấn đề do Tổng Giám đốc giao cho; thu thập tài liệu, lập hồ sơ mỗi việc, nghiên cứu và dự thảo, xong sẽ đệ lên Tổng Giám đốc thẩm xét.
II. Thanh tra lâm chính liên quận
Điều thứ 14. - Nhiều quận liên tiếp sẽ đặt dưới quyền giám sát của một Thanh tra lâm chính liên quận do nghị định cán bộ Canh nông bổ nhiệm theo đề nghị của Tổng Giám đốc.
Điều thứ 15. – Thanh tra lâm chính liên quận có nhiệm vụ:
1) Đại diện Tổng Giám đốc để liên lạc với Ủy ban Hành chính kỳ;
2) Đại diện Tổng Giám đốc để liên lạc với Ủy ban Hành chính kỳ;
3) Nghiên cứu và đề nghị những kế hoạch thích hợp cho mỗi liên quận.
Điều thứ 16. - Cấp Thanh tra liên quận không phải là một cấp quản trị và điều khiển, vì vậy công văn giao dịch giữa nha Tổng Giám đốc và các quận không phải gửi qua cấp đó. Riêng về những vấn đề có liên can đến toàn kỳ hay cần Thanh tra liên quận can thiệp, hay cần cho sự giám sát, một bản sao công văn sẽ gửi về cấp đó.
Điều thứ 17. - Tại sở Thanh tra liên quận sẽ có một phòng (văn thư) do một nhân viên ngạch kiểm soát hay trung đẳng điều khiển.
Phòng ấy gồm một hay nhiều ban tùy theo nhu cầu công việc. Mỗi ban sẽ do một nhân viên ngạch thư ký hay cán sự đảm nhận.
III. - Quận lâm chính địa phương
Điều thứ 18. - Về phương diện lâm chính, toàn cõi nước Việt Nam chia ra nhiều quận có tính cách đơn nhất về phương diện địa dư và kinh tế.
Quận là một đơn vị quản trị đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của nha Tổng Giám đốc.
Điều thứ 19. - Điều khiển quận có một trưởng quận và một phó trưởng quận do nghị định của bộ Canh nông bổ nhiệm theo đề nghị của Tổng Giám đốc.
Trưởng quận và phó trưởng quận chọn trong những nhân viên lâm chính từ ngạch kiểm soát trở lên.
Điều thứ 20. - Trưởng quận có nhiệm vụ:
1) Điều khiển và kiểm soát mọi công việc trong phạm vi quận.
2) Tập trung tài liệu và ý kiến của các cấp bộ dưới quyền, đệ trình lên Tổng Giám đốc và đề nghị phương sách giải quyết về những vấn đề ngoài quyền hạn của mình.
Điều thứ 21 – Trưởng quận có những quyền hạn sau đây:
1) Tạm điều động nhân viên ngạch thư ký, cán sự và khán lâm trong phạm vi quận trong khi chờ thượng cấp quyết nghị.
2) Phê điểm nhân viên dưới quyền
3) Cho phép nhân viên dưới quyền nghỉ đến tám ngày
4) Phân phối tiền chi cấp cho các liên hạt và hạt
5) Thanh toán tiền chi
6) Điều đình các biên bản tổng cộng các khoản tiền phạt tối đa và bồi thường đến 5.000 đồng.
7) Đại diện nha lâm chính đứng truy tố các tội phạm về lâm pháp.
8) Chuẩn y các khế ước thầu cúp mà trị giá lâm sản không quá 5.000 đồng.
9) Chuẩn y bản ước lượng sản lực hàng năm của mỗi hạt về lâm sản.
10) Cấp giấy phép khai thác đặc biệt và những quyền hạn đã định trong lâm luật.
Điều thứ 22. – Phó trưởng quận có nhiệm vụ giúp trưởng quận trong mọi công việc.
Trưởng quận có thể ủy nhiệm cho phó trưởng quận một phần quyền hạn của mình.
Điều thứ 23. - Tại quận sẽ có những phòng sau đây:
1) Phòng hành chính và tố tụng gồm có bốn ban: ban văn thư, ban nhân viên, ban tố tụng và ban tuyên truyền.
2) Phòng chuyên môn gồm có 5 ban: ban khai thác, ban gây rừng, ban công tác, ban tiết chế và ban khảo cứu thí nghiệm.
3) Phòng kế toán gồm có 3 ban: ban chỉ thu, ban thanh toán, ban vật liệu nhà cửa và an chi.
Trưởng phòng sẽ chọn trong các nhân viên ngạch kiểm soát, thư ký hay cán sự.
Trưởng ban sẽ chọn trong các nhân viên ngạch thư ký hay cán sự.
Điều thứ 24. - Mỗi quận sẽ chia ra thành nhiều hạt. Về phương diện công tác và giám sát, các hạt trong mỗi quận có thể hợp thành liên hạt.
Điều thứ 25. – Liên hạt sẽ có một trưởng liên hạt điều khiển. Trưởng liên hạt sẽ chọn trong nhân viên lâm chính ngạch kiểm soát trở lên.
Điều thứ 26. – Trưởng liên hạt có nhiệm vụ:
1) Thi hành công tác trong liên hạt theo chương trình đã định.
2) Đại diện trưởng quận để giám sát các hạt trong phạm vi liên hạt
Điều thứ 27. - Trưởng liên hạt không có trách nhiệm điều khiển các hạt trong phạm vi giám sát của mình, vì vậy công văn giao dịch giữa quận và hạt không phải gửi qua cấp đó. Riêng những vấn đề có liên can đến đến liên hạt hay cần trưởng liên hạt can thiệp, hay cần cho sự giám sát, một bản sao các công văn sẽ gửi đến cấp đó.
Điều thứ 28. - Quyền hạn và trách nhiệm của trưởng liên hạt định như sau:
1) Điều khiển và kiểm soát các ban công tác lưu động và các chi công tác.
2) Phê điểm các nhân viên trực tiếp dưới quyền mình điều khiển và cho phép các nhân viên ấy nghỉ tới bốn ngày.
3) Điều khiển các công tác và chịu trách nhiệm về kết quả các công tác đó.
4) Quản lý quỹ ứng trước về công tác.
Điều thứ 29. – Giúp việc trưởng liên hạt có:
1) Một phòng văn thư
2) Một hay nhiều ban công tác lưu động.
3) Những chi công tác.
Điều thứ 30. - Hạt sẽ do trưởng hạt điều khiển. Trưởng hạt sẽ chọn trong các nhân viên lâm chính ngạch kiểm soát trở lên.
Trưởng hạt có nhiệm vụ điều khiển việc khai thác trong hạt.
Điều thứ 31. – Trách nhiệm và quyền hạt trưởng hạt như sau:
1) Điều khiển nhân viên dưới quyền
2) Tạm điều động các nhân viên trong hạt trong lúc chờ quyết nghị của thượng cấp.
3) Phê điểm các nhân viên dưới quyền và cho phép các nhân viên đó nghỉ tới bốn ngày.
4) Chịu trách nhiệm về sự tiến hành công việc trong hạt.
5) Giám sát các chi công tác trong phạm vi hạt
6) Liên lạc với các cơ quan và đoàn thể trong hạt để tuyên truyền và gây một phong trào bảo vệ rừng.
7) Thực hành các công tác linh tinh và quản lý quỹ ứng trước về công tác đó.
8) Điều khiển và kiểm soát sự khai thác – Kiểm điểm lâm sản.
9) Đề nghị những công tác cần thiết trong phạm vi hạt
10) Cấp giấy phép khai thác đã định
11) Đại diện nha lâm chính ký một khế ước thầu cúp trừ khế ước dài hạn.
12) Thẩm xét những khu rừng tiếp giáp địa giới hạt để mở rộng thêm phạm vi hoặc hoạt động.
Và những quyền hạn đã định trong lâm luật.
Điều thứ 32. – Chi là một phận bộ của hạt (chi quản lý) hay của liên hạt (cho công tác) đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của trưởng hạt hay trưởng liên hạt. Tùy theo nhu cầu của công việc cho có thể tạm thời hay vĩnh viễn chia ra nhiều đồn theo quyết nghị của quận trưởng được Tổng Giám đốc duyệt y.
Trưởng chi sẽ là nhân viên ngạch cán sự. Nếu thiếu nhân viên đó, các khán lâm có năng lực có thể được cử thay.
Trưởng đồn sẽ là nhân viên ngạch khán lâm.
Điều thứ 33. - Trưởng chi có nhiệm vụ thi hành mọi công việc do trưởng liên hạt hay trưởng hạt giao cho.
C. - HỘI ĐỒNG THƯỜNG KỲ
Điều thứ 34. - Tại các cấp tổng giám đốc, quận sẽ họp những phiên hội đồng thường kỳ có mục đích:
a) Kiểm điểm công việc đã làm, và trao đổi kinh nghiệm của mỗi nhân viên ;
b) Định kế hoạch cho thời kỳ sắp đến ;
c) Giải thích các công việc sẽ đem ra thi hành ;
d) Góp ý kiến về các bản dự thảo chương trình công tác và quản lý sẽ đệ lên thượng cấp ;
e) Nghiên cứu những phương sách thích hợp cho với từng địa phương ;
g) Tham gia ý kiến về vấn đề hành chính và nhân viên.
Điều thứ 35. – Thành phần và kỳ hạn các hội đồng đó định như sau:
1) Hội đồng thường kỳ cấp tổng giám đốc, họp sáu tháng hay một năm một lần do Tổng Giám đốc triệu tập, gồm có :
Chủ tich : Tổng Giám đốc
Phó Giám đốc
Các trưởng ty tại nha Tổng Giám đốc
Hội viên : Các Thanh tra liên quận
Các Trưởng quận
Đại diện Bộ trưởng bộ Canh nông có thể đến dự các phiên họp
2) Hội đồng thường kỳ cấp quận họp ba tháng một lần do Trưởng quận triệu tập, gồm có :
Chủ tịch : Trưởng quận
Hội viên : Phó trưởng quận
Các trưởng liên hạt và các trưởng hạt trong quận
Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc và Thanh tra liên quận có thể đến dự các phiên hội đồng thường kỳ tại các quận.
D. – PHÂN CHIA ĐỊA HẠT
Điều thứ 36. - Về phương diện lâm chính nước Việt Nam chia ra 12 quận:
Quận I. - Trụ sở tại Tuyên quang, bao quát lưu vực sông Chảy, gồm địa hạt các tỉnh : Hà giang, Tuyên quang, Phú thọ (một phần) và Vĩnh yên, chia ra 8 hạt :
1) Vĩnh tuy
2) Chiêm hòa
3) Tuyên quang
4) Phủ Yên bình
5) Phủ đoan
6) Phan lưỡng
7) Hậu phúc
8) Tam đảo
Những hạt Vĩnh tuy, Chiêm hòa, Tuyên quang, Phủ Yên bình, thuộc liên hạt Tuyên quang, trụ sở tại Tuyên quang.
Những hạt Phủ đoan, Phan lưỡng, Hậu phúc và Tam đảo thuộc liên hạt Phú thọ, trụ sở tại Phú thọ.
Quận II. - Trụ sở tại Hà nội, bao quát lưu vực sông Hồng hà sông Hắc giang và miền Nam Bắc bộ, - gồm địa hạt các tỉnh Lào kay, Yên bảy, Phú thọ (một phần), Lai châu, Sơn la, Hòa bình, Sơn tây và Ninh bình, chia ra 10 hạt :
1) Lào kay
2) Cha pa
3) Bảo hà
4) Yên bảy
5) Việt trì
6) Đồn vàng
7) Đá chông
8) Hòa bình
9) Phủ Nho quan
10) Hà nội.
Những hạt Lào kay, Cha pa, Bảo hà, Yên bảy, thuộc liên hạt Yên bảy, trụ sở tại Yên bảy.
Những hạt Việt trì, Đồn vàng, Đá chông, Hòa bình, Phủ Nho quan, Hà nội thuộc liên hạt Hà nội, trụ sở tại Hà nội.
Quận III. - Trụ sở tại Bắc giang, bao quát lưu vực sông Thương - gồm địa hạt các tỉnh Cao bằng, Bắc kạn, Lạng sơn, Thái nguyên, Bắc giang và Bắc ninh, chia ra 8 hạt :
1) Cao bằng
2) Bắc kạn
3) Thái nguyên
4) Bắc lệ
5) Phổ vi
6) Bổ hạ
7) Chũ
8) Phủ Lạng thương
Những hạt Cao bằng, Bắc kạn, Thái nguyên, thuộc liên hạt Thái nguyên, trụ sở tại Thái nguyên.
Những hạt Bắc Lệ, Phổ vi, Bổ hạ, Chũ, Phủ Lạng thương, thuộc liên hạt Bắc giang, trụ sở tại Bắc giang.
Quận IV. - Trụ sở tại Quảng nguyên, bao quát miền duyên hải Bắc bộ, gồm địa hạt các tỉnh Hải ninh, Quảng yên, Hải dương và Kiến an, chia ra 10 hạt :
1) Hà cối
2) Tiên yên
3) Ba chẽ
4) Vân hải
5) Hòn gai
6) Yên lập
7) Uông bí
8) Đông triều
9) Quảng yên
10) Hải phòng,
Những hạt Hà cối, Tiên yên, Ba chẽ, Vân hải thuộc liên hạt Tiên yên, trụ sở tại Tiên yên.
Những hạt Hòn gai, Yên lập, Uông bí, Đông triều, Quảng yên, Hải phòng thuộc liên hạt Quảng yên, trụ sở tại Quảng yên.
Quận V. - Trụ sở tại Bến thủy, bao quát miền Bắc Trung bộ, gồm địa hạt các tỉnh Thanh hóa, Nghệ an, Hà tĩnh chia ra làm 14 hạt :
1) Phong y
2) Bái thượng
3) Như xuân
4) Thanh hóa
5) Bến chương
6) Phủ quì
7) Bến trại lát
8) Chợ rang
9) Hoàng mai
10) Bến thuỷ
11) Kim cương
12) Lĩnh cam
13) Chợ cũi
14) Chu lệ
Những hạt Phong y, Bái thượng, Như xuân, Thanh hóa, Bến chương, thuộc liên hạt Thanh hóa, trụ sở tại Thanh hóa.
Những hạt Phủ quì, Bến trại lát, Chợ rang, Hoàng mai, Bến thủy thuộc liên hạt Bến thủy, trụ sở tại Bến thủy.
Những hạt Kim cương, Lĩnh cam, Chợ cũi, Chu lệ thuộc liên hạt Lĩnh cam, trụ sở tại Lĩnh cam.
Quận VI. - Trụ sở tại Huế, bao quát miền Trung Trung bộ, gồm địa hạt các tỉnh Quảng bình, Quảng trị, Thừa thiên, Quảng nam, chia ra 9 hạt :
1) Lĩnh cam
2) Quảng khê
3) Đồng hới
4) Lệ thủy
5) Quảng trị
6) Huế
7) Thừa lưu
8) Đà nẵng
9) Phù lao
Những hạt Lĩnh cam, Quảng khê, Đồng hới, Lệ thủy, thuộc liên hạt Đồng hới, trụ sở tại Đồng hới.
Những hạt Quảng trị, Huế, Thừa lưu thuộc liên hạt Huế, trụ sở tại Huế
Những hạt Đà nẵng, Phù lao thuộc liên hạt Đà nẵng, trụ sở tại Đà nẵng.
Quận VII. - Trụ sở tại Quy nhơn, bao quát một phần miền Nam và Tây Nam Trung bộ, gồm các tỉnh Quảng ngãi, Bình định, Phú yên, Komtum, Gia lai và Khánh hòa, chia ra 8 hạt :
1) Quảng ngãi
2) Bồng sơn
3) Quy nhơn
4) Tuy hòa
5) Komtum
6) Gia lai
7) Ninh hòa
8) Nha Trang
Các hạt Quảng ngãi, Bồng sơn, Quy nhơn, Tuy hòa, thuộc liên hạt Quy nhơn, trụ sở tại Quy nhơn.
Các hạt Komtum, Gia lai thuộc liên hạt Komtum, trụ sở tại Komtum.
Các hạt Ninh hòa, Nha trang thuộc liên hạt Nha trang, trụ sở tại Nha trang.
Quận VIII. – Trụ sở tại Đà lạt, bao quát một phần miền Nam và Tây nam Trung bộ, gồm các tỉnh Lâm viên, Di linh, Ninh thuận và Phan thiết, chia ra 8 hạt:
1) Bàn mê thuột
2) Đà lạt
3) Tram hành
4) Tháp chàm
5) Di linh
6) Phan thiết
7) Song định
8) La gi
Các hạt Bàn mê thuột, Đà lạt, Tram hành, Tháp chàm, Di linh thuộc liên hạt Đà lạt, trụ sở tại Đà lạt.
Các hạt Phan thiết, song định, La gi thuộc liên hạt Phan thiết, trụ sở tại Phan thiết.
Quận IX. - Trụ sở tại Sài gòn, bao quát một phần Tiền giang Nam bộ, gồm các tỉnh : Biên hòa, Bà rịa, Gia đinh, Mỹ tho, Vĩnh long, Sa đéc, Bến tre, Trà vinh, Gò công, Tân an, Tân bình, chợ lớn, chia ra 11 hạt :
1) Đinh quan
2) Xuân lộc
3) Trảng bom
4) Biên hòa
5) Tân uyển
6) Đất đỏ
7) Bà rịa
8) Cầu thị vải
9) Cần giờ
10) Mỹ tho
11) Ba Đông
Các hạt Đinh quan, Xuân lộc, Trảng bom, Biên hòa, Tân Uyển thuộc liên hạt Biên hòa, trụ sở tại Biên hòa.
Các hạt Đất đỏ, Bà rịa, Cầu thị vải, Cần giờ, thuộc liên hạt Bà rịa, trụ sở tại Bà rịa.
Các hạt Mỹ tho, Ba đông thuộc liên hạt Mỹ tho, trụ sở tại Sài gòn.
Quận X. - Trụ sở tại Tây ninh bao quát một phần miền Tiền giang Nam bộ gồm các tỉnh Tây ninh và Thủ dầu một, chia ra 10 hạt :
1) Xa mạt
2) Xóm vinh
3) Gò chai
4) Lộc ninh
5) Tây ninh
6) Bến củi
7) Chơn thành
8) Bến cát
9) Bến súc
10) Thủ dầu một
Những hạt Xa mạt, Xóm vinh, Gò chai, Lộc ninh, Tây ninh, Bến cũi thuộc liên hạt Tây ninh, trụ sở tại Tây ninh.
Những hạt Chơn thành, Bến cát, Bến súc, Thủ dầu một thuộc liên hạt Thủ dầu một, trụ sở tại Thủ dầu một.
Quận XI. - Trụ sở tại Rạch giá, bao quát một phần miền Hậu giang Nam bộ, gồm các tỉnh Châu đốc, Long xuyên, Rạch giá, Hà tiên, chia làm 6 hạt:
1) Châu đốc
2) Hà tiên
3) Phú quốc
4) Xốc xoáy
5) Gò quạo
6) Rạch giá
Những hạt trên này thuộc liên hạt Rạch giá, trụ sở tại Rạch giá.
Quận XII. – Trụ sở tại Cà mau, bao quát một phần miền Hậu giang Nam bộ, gồm các tỉnh Cần thơ, Sóc trăng, Bạc liêu, chia ra làm 7 hạt:
1) Thới bình
2) Bãi hap
3) Nam can
4) Nhung miên
5) Tân an
6) Dam đôi
7) Canh hào
Những hạt trên này thuộc liên hạt Nam can, trụ sở tại Nam can.
Điều thứ 37. - Những Quận I, II, III, IV đặt dưới quyền giám sát của Thanh tra liên quận Bắc.
Những Quận V, VI, VII, VIII đặt dưới quyền giám sát của Thanh tra liên quận Trung.
Những quận IX, X, XI, XII đặt dưới quyền giám sát của Thanh tra liên quận Nam.
Điều thứ 38. - Sự phân chia hạt và liên hạt ra chi sẽ do Tổng Giám đốc ấn định.
Điều thứ 39. – Tùy theo khí hậu từng nơi, các hạt sẽ chia làm 3 hạng:
1 - Hạng nhất: các hạt ở nơi khí hậu độc: Bảo hà, Đồn vàng, Đá chông, Ba chẽ, Bến trại lạt, Kim cương, Gia lai, Di linh, Song đỉnh, Tháp chàm, Đinh quan, Xuân lộc, Trảng bom, Xa mat, Xóm vinh, Go choi, Lộc ninh, Bến củi, Bãi hap, Nam can, Nhung miêu, Tân an, Dam đoi, Canh hao.
2 - Hạng nhì: các hạt ở nơi khí hâụ không được lành: Tro cai, Vĩnh tuy, Yên hóa, Phủ Yên bình, Phan lương, Hậu phúc, Hòa bình, Phủ nho quan, Bắc kạn, Bắc lệ, Phổ vi, Chũ, Văn hải, Phong y, Như xuân, Bến chương, Phủ quỳ, Hoàng mai, Chợ củi, Chu lệ, Ninh chũ, Phù lao, Ban mê thuột, La gi, Đất đỏ, Bà rịa, Cầu thị vải, Ba đông, Tây ninh, Chon thanh, Bến cát, Bến súc, Xốc Xoay, Gò quạo, Cà mau, Thời định.
3 - Hạng ba: Các hạt ở nơi khí hậu lành: Tuyên quang, Phủ đoan, Tam đảo, Chapa, Yên bảy, Việt trì, Hà nội, Cao bằng, Thái nguyên, Bổ hạ, Phủ lạng thường, Phan sơn, Hòn gay, Balap, Uông bí, Đông triều, Quảng yên, Hải phòng, Bái thượng, Thanh hóa, Bến thủy, Linh cam, Quảng khê, Đồng hới, Lệ thủy, Quảng trị, Huế, Thừa lưu, Đà nẵng, Quảng ngãi, Bồng sơn, Qui nhơn, Kon tum, Tuy hòa, Ninh hòa, Nha trang, Đà lạt, Tram bành, Phan thiết, Biên hòa, Tân Uyển, Cần gió, Mỹ tho, Ba tri, Thủ dầu một, Châu đốc, Hà tiên, Phú quốc, Rạch giá.
Điều thứ 40. - Những hạt trưởng sau hai năm cải liên tiếp ở một hạt thuộc hạng 1 hay sau 4 năm liên tiếp ở một hạt thuộc hạng số 2, có quyền xin đổi đi ở một nơi khí hậu lành hơn.
Suốt trong thời kỳ tại chức, các hạt trưởng sẽ không ở quá 5 năm trong những hạt thuộc hạng số 1 và 10 năm trong những hạt thuộc hạng số 2.
Điều thứ 41. - Tổng Giám đốc sẽ ấn định sự chia các chi trong mỗi quận thành từng hạng theo khí hậu mỗi nơi, đúng như thể thức nói trong điều thứ 39 ở trên, và sự ấn định thời hạn và việc của nhân viên ngạch trung đẳng và hạ đẳng trong các chi thuộc mỗi hạng.
Điều thứ 42. - Những điều khoản trước trái với nghị định này nay bãi bỏ.
Điều thứ 43. – Ông Đổng lý sư vụ bộ Canh nông và ông Tổng Giám đốc Lâm chính chịu ủy nhiệm thi hành nghị định này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Huỳnh Thiện Lộc |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.