CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 111/2002/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2002 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Thể dục, thể thao ngày 25 tháng 9 năm 2000;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thể dục, thể thao về cơ sở thể dục thể thao; tổ chức giải thi đấu thể thao; thể thao chuyên nghiệp; quản lý nhà nước đối với Liên đoàn thể thao quốc gia; bảo đảm các điều kiện về tài chính, đất đai cho thể dục thể thao.
Điều 2. Cơ sở thể dục thể thao
Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể dục thể thao công lập và ngoài công lập phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển thể dục thể thao, đáp ứng nhu cầu hoạt động thể dục, thể thao của xã hội.
Điều 3. Tổ chức giải thi đấu thể thao
Các giải thi đấu thể thao tổ chức tại Việt Nam do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, được bảo đảm các điều kiện về tổ chức và được công nhận các thành tích thi đấu theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 4. Thể thao chuyên nghiệp
Thể thao chuyên nghiệp là một loại hình của thể thao thành tích cao mang tính nhà nghề và hoạt động có mục đích lợi nhuận.
Nhà nước xây dựng và phát triển thể thao chuyên nghiệp nhằm nâng cao trình độ thể thao của một số môn thể thao, đáp ứng nhu cầu văn hoá và giải trí của nhân dân.
Điều 5. Quản lý nhà nước đối với Liên đoàn thể thao quốc gia
1. Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia là tổ chức xã hội về thể dục thể thao có các thành viên tham gia tự nguyện.
2. Nhà nước có trách nhiệm quản lý và tạo điều kiện để Liên đoàn thể thao quốc gia, Hiệp hội thể thao quốc gia (sau đây gọi chung là Liên đoàn thể thao quốc gia) tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của Liên đoàn, theo quy định của pháp luật và quy định của tổ chức thể thao quốc tế mà Liên đoàn là thành viên, phù hợp với pháp luật Việt Nam.
LOẠI HÌNH, MẠNG LƯỚI TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ THỂ DỤC THỂ THAO
Điều 6. Các loại hình cơ sở thể dục thể thao
Cơ sở thể dục thể thao được tổ chức theo hai loại hình: cơ sở thể dục thể thao công lập và cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập.
1. Cơ sở thể dục thể thao công lập bao gồm:
a) Cơ sở thể dục thể thao công lập do Nhà nước thành lập, bổ nhiệm cán bộ quản lý và giao chỉ tiêu biên chế; Nhà nước quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, cấp kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;
ưb) Cơ sở thể dục thể thao công lập thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm: doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích không vì mục tiêu lợi nhuận và doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận.
2. Cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập bao gồm:
a) Cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập thành lập theo quy định của Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ hoạt động không nhằm mục đích thương mại gồm các hình thức bán công, dân lập, tư nhân;
b) Cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, gồm các loại doanh nghiệp: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân.
Điều 7. Quy hoạch mạng lưới cơ sở thể dục thể thao
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Thể dục Thể thao và các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch các trường đại học, cao đẳng thể dục thể thao.
2. Uỷ ban Thể dục Thể thao xây dựng Quy hoạch chung mạng lưới Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và các cơ sở thể dục thể thao trong cả nước.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy hoạch các cơ sở thể dục thể thao trực thuộc, phù hợp với Quy hoạch chung của ngành thể dục thể thao.
Điều 8. Thủ tục thành lập cơ sở thể dục thể thao
1. Thủ tục thành lập trường đại học thể dục thể thao, trường cao đẳng thể dục thể thao quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 Pháp lệnh Thể dục, thể thao thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục.
2. Thủ tục thành lập cơ sở thể dục thể thao quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 của Điều 6 Nghị định này được quy định như sau:
a) Uỷ ban Thể dục Thể thao tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin thành lập trung tâm huấn luyện thể dục thể thao quốc gia; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao xem xét, quyết định thành lập;
b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin thành lập cơ sở thể dục thể thao trực thuộc; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ xem xét, quyết định thành lập;
c) Uỷ ban nhân dân các cấp tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin thành lập cơ sở thể dục thể thao do cấp mình quản lý; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xem xét, quyết định thành lập.
3. Hồ sơ xin phép thành lập cơ sở thể dục thể thao bao gồm:
a) Đơn xin thành lập;
b) Phương án hoạt động đã được cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao có thẩm quyền phê duyệt;
c) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân xin thành lập cơ sở; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc dự án đầu tư và thiết kế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt trong đó có ghi rõ nhu cầu sử dụng đất hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về địa điểm, diện tích dự án xây dựng cơ sở thể dục thể thao;
d) Văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn của huấn luyện viên, hướng dẫn viên thể thao.
4. Các cơ sở thể dục thể thao thành lập theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước và Luật Doanh nghiệp phải đăng ký hoạt động chuyên môn với cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao có thẩm quyền.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở thể dục thể thao
Cơ sở thể dục thể thao có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Tiến hành các hoạt động thể dục thể thao theo phương án hoặc nội dung đã đăng ký.
2. Thực hiện các dịch vụ phục vụ người tập theo quy định của pháp luật.
3. Đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người tập trong quá trình tập luyện tại cơ sở.
4. Quản lý cán bộ, nhân viên trong cơ sở.
5. Quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
6. Giúp đỡ, tạo điều kiện cho trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật tham gia hoạt động thể dục thể thao.
7. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Đình chỉ hoạt động, giải thể cơ sở thể dục thể thao
1. Cơ sở thể dục thể thao bị đình chỉ hoạt động trong các trường hợp sau đây:
a) Vi phạm nghiêm trọng các quy định về tổ chức, hoạt động;
b) Không đảm bảo quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân viên chuyên môn.
2. Cơ sở thể dục thể thao bị giải thể trong các trường hợp sau:
a) Không khắc phục được tình trạng theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân xin thành lập cơ sở thể dục thể thao.
3. Cấp có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép hoạt động cơ sở thể dục thể thao thì có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, giải thể cơ sở thể dục thể thao đó.
Điều 11. Cơ sở thể dục thể thao nước ngoài tại Việt Nam
Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thành lập Cơ sở thể dục thể thao tại Việt Nam theo quy định sau:
1. Cơ sở thể dục thể thao nước ngoài tại Việt Nam hoạt động nhằm mục đích thu lợi nhuận thực hiện theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.
2. Cơ sở thể dục thể thao nước ngoài tại Việt Nam hoạt động không nhằm mục đích thu lợi nhuận thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
Điều 12. Hệ thống giải thi đấu thể thao
1. Hệ thống giải thi đấu thể thao bao gồm: hệ thống giải thi đấu thể dục thể thao quần chúng và hệ thống giải thi đấu thể thao thành tích cao.
2. Uỷ ban Thể dục Thể thao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Liên đoàn thể thao quốc gia, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức Đại hội thể thao và giải thi đấu thể thao khu vực, châu lục, thế giới tổ chức tại Việt Nam, Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc.
Đại hội thể dục thể thao toàn quốc được tổ chức 4 năm một lần.
3. Uỷ ban Thể dục Thể thao quản lý hệ thống giải thi đấu thể thao quốc gia.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý Đại hội Thể dục, thể thao, giải thi đấu thể thao của Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 13. Thủ tục xin phép tổ chức giải thi đấu thể thao
1. Cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện tổ chức giải thi đấu thể thao thành tích cao, giải thi đấu thể dục thể thao quần chúng quy định tại khoản 3 Điều 13 của Pháp lệnh Thể dục, thể thao phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép và phải chấp hành những quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.
2. Hồ sơ xin phép tổ chức giải thi đấu thể thao bao gồm:
a) Đơn xin tổ chức giải thi đấu thể thao, trong đó nêu rõ nguồn tài chính tổ chức giải; cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức giải thi đấu;
b) Dự thảo Điều lệ giải thi đấu thể thao;
c) Danh sách Ban Tổ chức giải thi đấu thể thao;
d) Dự kiến chương trình thi đấu và các hoạt động khác của giải thi đấu thể thao.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao tiếp nhận hồ sơ, cho phép hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức giải thi đấu thể thao theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Pháp lệnh Thể dục, thể thao.
Điều 14. Đăng ký tư cách vận động viên
1. Vận động viên tham dự giải thi đấu thể thao thành tích cao và giải thi đấu thể dục thể thao quần chúng quy định tại khoản 3 Điều 13 Pháp lệnh Thể dục, thể thao phải tiến hành đăng ký cấp thẻ vận động viên.
2. Uỷ ban Thể dục Thể thao chỉ đạo Liên đoàn thể thao quốc gia quản lý vận động viên, tiến hành đăng ký và cấp thẻ đối với vận động viên tham dự:
a) Đại hội thể thao, giải thi đấu thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam;
b) Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, giải thi đấu quốc gia hàng năm từng môn thể thao.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý, đăng ký và cấp thẻ đối với vận động viên tham dự các giải thi đấu thể dục thể thao do đơn vị mình tổ chức.
Điều 15. Ban Tổ chức giải thi đấu thể thao
Ban Tổ chức giải thi đấu thể thao gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đảm bảo về chuyên môn, tài chính, cơ sở vật chất, an ninh, trật tự và y tế.
Uỷ ban Thể dục Thể thao hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của Ban Tổ chức giải thi đấu thể thao.
1. Uỷ ban Thể dục Thể thao khen thưởng vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích cao trong thi đấu thể thao theo quy định tại Điều 29 Pháp lệnh Thể dục, thể thao.
2. Uỷ ban Thể dục Thể thao trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích đặc biệt xuất sắc trong thi đấu thể thao.
Điều 17. Điều kiện xây dựng và phát triển thể thao chuyên nghiệp
Những môn thể thao đáp ứng những điều kiện sau đây được xây dựng và phát triển thể thao chuyên nghiệp:
1. Có vận động viên chuyên nghiệp, huấn luyện viên chuyên nghiệp.
2. Có tổ chức để quản lý, điều hành thể thao chuyên nghiệp thuộc Liên đoàn thể thao quốc gia.
3. Có Quy chế thể thao chuyên nghiệp được Uỷ ban Thể dục Thể thao phê duyệt.
4. Có nguồn tài chính, cơ sở vật chất tổ chức giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp.
Điều 18. Huấn luyện viên chuyên nghiệp, vận động viên chuyên nghiệp
1. Huấn luyện viên chuyên nghiệp, vận động viên chuyên nghiệp là người lấy việc huấn luyện, thi đấu thể thao làm nghề nghiệp bảo đảm nguồn thu nhập chính của mình.
2. Huấn luyện viên chuyên nghiệp, vận động viên chuyên nghiệp ký hợp đồng huấn luyện, thi đấu với Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp trong nước, Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp
1. Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp là một đơn vị của doanh nghiệp hoặc một doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
2. Điều kiện thành lập và hoạt động Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp:
a) Có vận động viên chuyên nghiệp, huấn luyện viên chuyên nghiệp;
b) Có nguồn tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện và tham gia thi đấu thể thao chuyên nghiệp.
Điều 20. Bản quyền truyền hình giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp
1. Quyền truyền hình giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp bao gồm: quyền ghi hình, phát hình và bán hình giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp.
2. Liên đoàn thể thao quốc gia, Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và tổ chức trực tiếp tổ chức giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp.
3. Chủ sở hữu giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp có quyền chuyển nhượng bản quyền truyền hình giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp cho cơ quan truyền hình thông qua hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình với những điều kiện do hai bên thoả thuận.
4. Cơ quan truyền hình nhà nước được sử dụng quyền truyền hình giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp mà không phải thực hiện quy định tại khoản 3 Điều này trong trường hợp ghi hình một phần cuộc thi đấu thể thao để đưa tin thời sự, bình luận thể thao, cuộc thi đấu thể thao không thu tiền.
Điều 21. Trách nhiệm của Liên đoàn thể thao quốc gia đối với thể thao chuyên nghiệp.
Đối với môn thể thao có điều kiện xây dựng và phát triển thể thao chuyên nghiệp, Liên đoàn thể thao quốc gia có trách nhiệm sau:
1. Xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển thể thao chuyên nghiệp của môn thể thao theo quy hoạch phát triển thể dục thể thao, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
2. Xây dựng Quy chế thể thao chuyên nghiệp của môn thể thao trình Uỷ ban Thể dục Thể thao phê duyệt.
3. Tổ chức, điều hành hoạt động thể thao chuyên nghiệp; quản lý danh sách huấn luyện viên, vận động viên chuyên nghiệp.
ư4. Hỗ trợ chuyên môn, tài chính cho câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.
5. Thực hiện chế độ thu, chi tài chính trong hoạt động thể thao chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật.
1. Uỷ ban Thể dục Thể thao hướng dẫn việc xây dựng và phát triển thể thao chuyên nghiệp; phê duyệt Quy chế thể thao chuyên nghiệp của Liên đoàn thể thao quốc gia; kiểm tra, thanh tra hoạt động thể thao chuyên nghiệp.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý, hỗ trợ và tạo điều kiện xây dựng và phát triển Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI LIÊN ĐOÀN THỂ THAO QUỐC GIA
Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Thể dục Thể thao
Uỷ ban Thể dục Thể thao thực hiện quản lý nhà nước về thể dục thể thao đối với Liên đoàn thể thao quốc gia có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Thông báo chương trình, kế hoạch phát triển thể dục thể thao để Liên đoàn thể thao quốc gia xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động;
2. Công nhận luật thi đấu, điều lệ giải thi đấu thể thao quốc gia từng môn theo đề nghị của Liên đoàn thể thao quốc gia;
3. Hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức các giải thi đấu thể thao trong hệ thống giải thi đấu thể thao quốc gia hàng năm, giải thi đấu thể thao quốc tế tại Việt Nam do Liên đoàn thể thao quốc gia tổ chức;
4. Quyết định thành lập đội tuyển thể thao quốc gia tham gia các giải thi đấu thể thao quốc tế; triệu tập thành viên đội tuyển thể thao quốc gia để tập huấn và thi đấu; thông qua chương trình, kế hoạch huấn luyện và thi đấu của đội tuyển thể thao quốc gia theo đề nghị của Liên đoàn thể thao quốc gia;
5. Hướng dẫn và tạo điều kiện để Liên đoàn thể thao quốc gia tham gia chương trình hợp tác thể thao quốc tế phù hợp với kế hoạch chung của ngành thể dục thể thao, theo quy định của pháp luật và phù hợp với quy định của tổ chức thể thao quốc tế mà Liên đoàn là thành viên;
6. Phong cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao; công nhận việc phong cấp của các tổ chức thể thao quốc tế cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao Việt Nam theo đề nghị của Liên đoàn thể thao quốc gia;
7. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ của Liên đoàn thể thao quốc gia;
8. Khen thưởng hoặc trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Liên đoàn thể thao quốc gia;
9. Quyết định hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân mắc khuyết điểm nghiêm trọng hoặc vi phạm pháp luật trong hoạt động của Liên đoàn thể thao quốc gia.
Điều 24. Thành lập, giải thể Liên đoàn thể thao quốc gia
Uỷ ban Thể dục Thể thao phối hợp với Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, giải thể Liên đoàn thể thao quốc gia, chuẩn y Điều lệ tổ chức và hoạt động của Liên đoàn thể thao quốc gia theo quy định của pháp luật.
Điều 25. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Thể dục Thể thao hướng dẫn, kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn tài chính, tài sản, các khoản tài trợ của Liên đoàn thể thao quốc gia theo quy định của pháp luật.
BẢO ĐẢM CÁC ĐIỀU KIỆN TÀI CHÍNH, ĐẤT ĐAI CHO THỂ DỤC THỂ THAO
Điều 26. Ngân sách nhà nước dành cho thể dục thể thao
1. Uỷ ban Thể dục Thể thao phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch ngân sách về lĩnh vực thể dục thể thao theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bố trí ngân sách cho hoạt động thể dục thể thao, vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể dục thể thao trong dự toán ngân sách của cấp mình theo các quy định hiện hành; huy động và sử dụng các nguồn lực hợp pháp để tăng đầu tư phát triển sự nghiệp thể dục thể thao của địa phương.
Cơ quan quản lý thể dục thể thao các cấp có trách nhiệm quản lý, sử dụng ngân sách đúng mục đích, đúng chế độ và hiệu quả.
Điều 27. Đóng góp, tài trợ cho thể dục thể thao
1. Tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho thể dục thể thao được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Pháp lệnh Thể dục, thể thao. Các khoản đóng góp, tài trợ bao gồm: viện trợ không hoàn lại, tài trợ không vì mục đích lợi nhuận để hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao, nâng cao thành tích các đội tuyển thể thao và các giải thi đấu thể thao; hỗ trợ nhân đạo thể dục thể thao; hỗ trợ thực hiện các dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực thể dục thể thao.
2. Tổ chức, cá nhân tài trợ cho thể dục thể thao để quảng cáo hoặc vì mục đích lợi nhuận thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 28. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cho thể dục thể thao
1. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cho thể dục thể thao thực hiện theo Nghị định số 68/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai và Chỉ thị số 274-TTg ngày 27 tháng 4 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch và sử dụng đất đai phục vụ sự nghiệp phát triển thể dục thể thao.
2. Uỷ ban Thể dục Thể thao căn cứ vào quy hoạch mạng lưới các cơ sở thể dục thể thao, đăng ký nhu cầu sử dụng đất với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch mạng lưới các cơ sở thể dục thể thao ở địa phương để đưa kế hoạch sử dụng đất đai thể dục thể thao vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình.
Điều 29. Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao
a) Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Dân sự.
b) Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 177/1999/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Xã hội, Quỹ Từ thiện nhằm tài trợ cho việc phát hiện và đào tạo tài năng thể thao.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.