CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/2011/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2011 |
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 135/2004/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 6 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐƯA VÀO CƠ SỞ CHỮA BỆNH, TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ CHỮA BỆNH THEO PHÁP LỆNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN, NGƯỜI TỰ NGUYỆN VÀO CƠ SỞ CHỮA BỆNH
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 như sau:
“2. Cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Phòng, chống ma túy và cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính được gọi chung trong Nghị định này là Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.
Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội là đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức và hoạt động theo các quy định của pháp luật hiện hành về đơn vị sự nghiệp công lập.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 như sau:
“1. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc các trường hợp sau đây mà có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh từ 01 năm đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về việc sử dụng trái phép chất ma túy;
b) Đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định;
c) Đã được cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng.”
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
“Điều 3. Các trường hợp không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh:
1. Người nước ngoài.
2. Người nghiện ma túy chưa đủ 18 tuổi.
3. Người trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam.
4. Người bán dâm chưa đủ 16 tuổi.
Căn cứ pháp lý để xác định độ tuổi là Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì căn cứ vào các tài liệu khác.
Trường hợp vào thời điểm ký quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh mà người đó chưa đủ 18 tuổi thì không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh mà xem xét, lập hồ sơ đưa vào cơ sở chữa bệnh theo trình tự, thủ tục đối với người chưa thành niên quy định tại Mục II Chương II Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ.
Trường hợp người đã bị lập hồ sơ đưa vào cơ sở chữa bệnh nhưng đến ngày ký quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, người đã có quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh mà bỏ trốn đến khi bị bắt lại mà họ đã trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam thì không ra quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh. Đối với người đã có quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi quyết định đó.
Trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ thi hành quyết định nhưng đến ngày hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ thì họ đã trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định miễn chấp hành thời gian còn lại.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành Điều này.”
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Khuyến khích đầu tư vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.”
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
“Điều 8. Kinh phí bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh và cơ chế tài chính của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội
1. Kinh phí bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh được huy động từ các nguồn:
a) Ngân sách nhà nước;
b) Đóng góp của cá nhân hoặc gia đình người tự nguyện vào cai nghiện, chữa trị tại Trung tâm;
c) Nguồn thu từ kết quả lao động sản xuất;
d) Viện trợ và ủng hộ của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước;
đ) Các nguồn thu hợp pháp khác.
2. Cơ chế tài chính của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.”
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Hồ sơ và thủ tục đề nghị đưa vào cơ sở chữa bệnh
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Công an cấp xã có trách nhiệm thu thập tài liệu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ.
2. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh gồm:
a) Bản sơ yếu lý lịch (có dán ảnh 4x6 cm và có căn cứ pháp lý xác định độ tuổi), bệnh án (nếu có) của người nghiện ma túy;
b) Biên bản hoặc tài liệu xác định về hành vi vi phạm pháp luật của người đó; các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, biện pháp cai nghiện, quản lý sau cai nghiện đã áp dụng (nếu có);
c) Văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh;
d) Nhận xét của Công an cấp xã, ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp mà người đó là thành viên.
3. Thủ tục lập hồ sơ đối với người không có nơi cư trú nhất định thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định việc đưa người nghiện ma túy, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh.
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
“Điều 11. Hội đồng Tư vấn về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh
1. Hội đồng Tư vấn về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh (sau đây gọi tắt là Hội đồng Tư vấn) là cơ quan tư vấn giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc xét duyệt hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập, giải thể Hội đồng Tư vấn.
2. Thành viên Hội đồng Tư vấn gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Công an, Y tế và Hội Phụ nữ cấp huyện. Thủ trưởng cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội là Thường trực Hội đồng tư vấn.
3. Khi xét duyệt hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, Hội đồng Tư vấn làm việc theo chế độ tập thể, xem xét và biểu quyết từng trường hợp cụ thể, kết luận theo đa số. Biên bản họp Hội đồng Tư vấn phải ghi rõ ý kiến phát biểu của từng thành viên tham dự kèm theo báo cáo trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
4. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Thường trực Hội đồng Tư vấn có trách nhiệm chuẩn bị, tổ chức, chủ trì phiên họp Hội đồng Tư vấn và làm văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:
“Điều 18. Hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh
1. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh được hoãn thi hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
a) Đang ốm nặng có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;
b) Phụ nữ đang có thai có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên hoặc đang nuôi con nhỏ dưới ba mươi sáu tháng tuổi có đơn đề nghị được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
2. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
a) Đang mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên;
b) Bị bệnh AIDS giai đoạn cuối;
c) Có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công và không còn sử dụng ma túy trong thời gian hoãn chấp hành quyết định.
3. Thủ tục hoãn, miễn thi hành quyết định:
a) Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh phải làm đơn đề nghị hoãn, miễn (kèm theo các giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng hoãn, miễn, tự nguyện cai nghiện) gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; đối với người không có nơi cư trú nhất định đang tạm thời lưu trú tại trung tâm thì gửi Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội;
b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội xem xét, thẩm tra và làm văn bản gửi Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện;
c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện phải xem xét, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
d) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh;
đ) Quyết định hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh phải được gửi cho người được hoãn, miễn, gia đình người đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
Khi hết thời hạn hoãn, các đối tượng trên phải tiếp tục chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh; bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp không tự nguyện chấp hành.”
9. Bổ sung Điều 21a vào sau Điều 21:
“Điều 21a. Chuyển hồ sơ đối tượng thuộc diện đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng
1. Hội đồng Tư vấn đưa vào cơ sở chữa bệnh chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xét duyệt hồ sơ đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng theo quy định của pháp luật hiện hành đối với các trường hợp sau:
a) Người nghiện ma túy thuộc loại côn đồ, hung hãn;
b) Người nghiện ma túy đã cai nghiện nhiều lần, thường xuyên thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng có sử dụng bạo lực hoặc hung khí, chống người thi hành công vụ hoặc xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
2. Đối tượng đang trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi mà thực hiện các hành vi: trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự; xâm phạm tài sản của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội; xâm phạm tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng theo quy định của pháp luật.
3. Hồ sơ đề nghị đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này gồm:
a) Hồ sơ của người nghiện ma túy hiện có tại cơ sở chữa bệnh;
b) Biên bản về hành vi vi phạm trong thời gian cai nghiện, chữa trị tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội;
c) Các tài liệu, chứng từ có liên quan đến hành vi vi phạm của đối tượng.
4. Trách nhiệm lập hồ sơ, thủ tục đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:
a) Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội lập hồ sơ đề nghị đưa vào Trường giáo dưỡng gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh;
b) Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội lập hồ sơ đề nghị đưa đối tượng vào Cơ sở giáo dục gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;
c) Thủ tục xem xét về việc đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng đối với các đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở giáo dục, Nghị định số 125/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở giáo dục; Nghị định số 142/2003/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định việc áp dụng biện pháp đưa vào Trường giáo dưỡng, Nghị định số 66/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2003/NĐ-CP quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Trường giáo dưỡng.
5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn cụ thể về lập hồ sơ đề nghị đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng đối với đối tượng quy định tại Điều này.
6. Kinh phí lập hồ sơ đề nghị đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng theo quy định tại khoản 2 Điều này; kinh phí truy tìm đối tượng bỏ trốn khỏi Trung tâm được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.”
10. Sửa đổi Điều 22 như sau:
“Điều 22. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội thực hiện trước hoặc trong thời gian chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.
1. Khi phát hiện người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh tạm đình chỉ thi hành quyết định và chuyển hồ sơ của người đó cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
2. Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án xử phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì phải tiếp tục thực hiện cai nghiện ma túy tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.
3. Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án xử phạt tù, nếu thời gian bị phạt tù ít hơn thời gian cai nghiện ma túy, thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù phải tiếp tục cai nghiện ma túy tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội cho đến hết thời hạn quy định.
4. Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội nơi người đó đang chấp hành quyết định và phối hợp với Tòa án, cơ quan thì hành án phạt tù để buộc người đó phải tiếp tục chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.”
“Điều 33. Chế độ nghỉ chịu tang
Trường hợp ông, bà, bố, mẹ (cả bên vợ và chồng), vợ hoặc chồng, con, anh, chị, em ruột của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bị chết, có đơn đề nghị của gia đình và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận thì Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội xem xét cho người đó về nhà chịu tang trong thời gian không quá 03 ngày (không tính thời gian đi đường). Thời gian này được tính vào thời hạn chấp hành quyết định. Gia đình có trách nhiệm đón và đưa người đó trở lại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Trường hợp gia đình bao che, dung túng cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh không trở lại Trung tâm sau thời gian chịu tang thì Trung tâm ra quyết định truy tìm theo quy định của pháp luật và gia đình phải chịu trách nhiệm liên đới.”
“Điều 36. Chế độ trợ cấp, đóng góp
1. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh được Nhà nước hỗ trợ tiền thuốc chữa bệnh, thuốc hỗ trợ cai nghiện, hỗ trợ học nghề, học văn hóa và mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết và các khoản chi phí khác; được hỗ trợ một phần tiền ăn, trong thời gian chấp hành quyết định. Đối với người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người bị nhiễm HIV/AIDS, người không có nơi cư trú nhất định được hỗ trợ toàn bộ tiền ăn trong thời gian chấp hành quyết định.
2. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc gia đình của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh phải đóng góp một phần tiền ăn theo quy định.”
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 49 như sau:
“1. Người tự nguyện xin vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội phải đóng góp toàn bộ chi phí trong thời gian ở Trung tâm, trừ trường hợp được miễn, giảm theo quy định của pháp luật.”
14. Sửa đổi, bổ sung Điều 61 như sau:
“Điều 61. Tạm đình chỉ, giảm thời hạn, hoặc miễn chấp hành quyết định tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội
1. Trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội xem xét, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tạm đình chỉ, giảm thời hạn, hoặc miễn chấp hành quyết định đối với các trường hợp sau:
a) Phụ nữ có thai thì được tạm đình chỉ thi hành quyết định cho đến khi con đủ ba mươi sáu tháng tuổi;
b) Người đã chấp hành một phần hai thời hạn, có tiến bộ rõ rệt trong thời gian chấp hành quyết định hoặc lập công trong thời gian chấp hành tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thì được giảm hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại;
c) Người ốm nặng thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa về gia đình điều trị; thời gian điều trị được tính vào thời hạn chấp hành quyết định; sau khi sức khỏe phục hồi mà thời hạn chấp hành Quyết định còn lại từ 03 tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành; trường hợp thời gian còn lại dưới 03 tháng hoặc người có được xác định mắc bệnh hiểm nghèo thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.
2. Các trường hợp sau đây được coi là có tiến bộ rõ rệt trong thời gian chấp hành quyết định, lập công:
a) Trường hợp có tiến bộ rõ rệt trong thời gian chấp hành quyết định là người trong thời gian chấp hành quyết định tích cực lao động, học tập, chữa trị, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế của Trung tâm và được giám đốc Trung tâm khen thưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ;
b) Trường hợp lập công trong thời gian chấp hành quyết định là người tố cáo những hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; giúp cơ quan điều tra phát hiện, ngăn ngừa tội phạm, các hành vi trốn khỏi Trung tâm, chống, phá Trung tâm; cứu được tính mạng của người khác; cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể và được Giám đốc Trung tâm khen thưởng bằng văn bản.
3. Trình tự, thủ tục xem xét việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn việc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh:
a) Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội lập danh sách các trường hợp giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn việc chấp hành quyết định theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này kèm theo văn bản gửi Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa đối tượng vào cơ sở chữa bệnh;
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản của Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
c) Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận văn bản của Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải xem xét quyết định việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn việc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh;
d) Quyết định tạm đình chỉ, giảm thời hạn, hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh phải được gửi cho người được tạm đình chỉ, giảm thời hạn hoặc miễn thi hành quyết định, gia đình người đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
Khi hết thời hạn tạm đình chỉ, các đối tượng trên phải tiếp tục chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh; bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp không tự nguyện chấp hành.”
“Điều 62. Hết hạn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh
1. Trước khi kết thúc thời gian cai nghiện bắt buộc 45 ngày, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội có trách nhiệm tổ chức Hội đồng xét duyệt người có nguy cơ tái nghiện cao, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú, tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện theo quy định tại Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy.
16. Sửa đổi khoản 2 Điều 64 như sau:
“2. Quy định việc nghiên cứu thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy; cấp, thu hồi giấy phép lưu hành thuốc, phương pháp cai nghiện ma túy; hướng dẫn, thủ tục xác định người nghiện ma túy; chỉ đạo cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý, hỗ trợ về người, chuyên môn kỹ thuật khi cần thiết.”
“Điều 67. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho công tác lập, xét duyệt hồ sơ, truy tìm đối tượng bỏ trốn, đưa đối tượng vào cơ sở chữa bệnh; các khoản đóng góp của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh; chế độ miễn, giảm các khoản đóng góp, chế độ hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền thuốc chữa bệnh, tiền học nghề, mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết và các khoản chi phí khác trong thời gian chấp hành quyết định của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh tại Trung tâm.”
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 9 năm 2011.
Điều 3. Trách nhiệm hướng dẫn thi hành
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.