CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2004/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 1 năm 2004 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 24/2004/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 01 NĂM 2004 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VỀ TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông,
NGHỊ ĐỊNH:
Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông trong hoạt động quản lý và sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh thuộc chủ quyền Việt Nam.
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện tại Việt Nam.
Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về tần số vô tuyến điện khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện.
3. Nội dung quản lý nhà nước chuyên ngành về tần số vô tuyến điện bao gồm:
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch tần số vô tuyến điện; ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh;
c) Kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại và quản lý tương thích điện từ; thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Nghiệp vụ cố định" là nghiệp vụ vô tuyến điện giữa các điểm cố định đã xác định trước.
2. "Nghiệp vụ lưu động" là nghiệp vụ vô tuyến điện giữa các đài lưu động với các đài mặt đất, hoặc giữa các đài lưu động.
3. "Nghiệp vụ lưu động hàng hải" là nghiệp vụ lưu động giữa đài bờ với đài tầu, hoặc giữa các đài tầu, hoặc giữa các đài thông tin trên tầu.
4. "Nghiệp vụ lưu động hàng không" là nghiệp vụ lưu động giữa các đài hàng không với các đài tầu bay, hoặc giữa các đài tầu bay.
5. "Nghiệp vụ quảng bá" là nghiệp vụ vô tuyến điện trong đó việc phát sóng dành cho toàn thể công chúng thu trực tiếp. Nghiệp vụ này bao gồm phát thanh, phát hình và các loại phát sóng khác.
6. "Nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư" là nghiệp vụ vô tuyến điện nhằm mục đích tự đào tạo, nghiên cứu kỹ thuật thông tin do các khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư là những người được cấp phép, yêu thích kỹ thuật vô tuyến điện thực hiện, chỉ với mục đích cá nhân không liên quan đến lợi nhuận.
7. "Đài vô tuyến điện" là một hay nhiều thiết bị vô tuyến điện kể cả thiết bị phụ kèm theo tại một địa điểm để thực hiện một nghiệp vụ vô tuyến điện. Mỗi đài vô tuyến điện được phân loại theo nghiệp vụ mà nó hoạt động thường xuyên hoặc tạm thời.
8. "Đài thông tin vệ tinh" là một đài vô tuyến điện đặt trong tầng khí quyển hoặc trên bề mặt trái đất dùng để thông tin với một hay nhiều đài không gian hoặc liên lạc với một hay nhiều đài cùng loại thông qua vệ tinh phản xạ.
9. "Đài lưu động" là một đài vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ lưu động, sử dụng lúc chuyển động hoặc tạm dừng ở những điểm không định trước.
10. "Đài bờ" là một đài vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ lưu động hàng hải được đặt trên đất liền hoặc hải đảo để liên lạc với tầu, thuyền.
11. "Đài tầu" là một đài vô tuyến điện lưu động thuộc nghiệp vụ lưu động hàng hải đặt trên tầu, thuyền và không thường xuyên thả neo.
12. "Đài vô tuyến điện đặt trên các phương tiện nghề cá" là một đài vô tuyến điện đặt trên tầu, thuyền và các phương tiện lưu động hoặc không lưu động trên biển dùng để khai thác, chế biến, nuôi trồng và thu gom thủy sản, dịch vụ hậu cần, điều tra thăm dò và kiểm tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
13. "Đài tầu bay" là một đài vô tuyến điện lưu động thuộc nghiệp vụ lưu động hàng không đặt trên tầu bay.
14. "Đài vô tuyến điện nghiệp dư" là một đài vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư.
15. "Điện thoại không dây" (loại kéo dài thuê bao) là thiết bị thu - phát gồm hai phần liên lạc với nhau bằng sóng vô tuyến:
"Phần 1, máy mẹ" là phần đặt cố định, được đấu nối với một mạng điện thoại;
"Phần 2, máy con" là phần có thể đặt cố định hoặc mang đi lưu động, có cùng số điện thoại với máy mẹ.
16. "Phát xạ ngoài băng" là phát xạ ở một hay nhiều tần số nằm ngay ngoài độ rộng băng tần cần thiết do kết quả của quá trình điều chế nhưng không bao gồm phát xạ giả.
17. "Phát xạ giả" là phát xạ trên một hay nhiều tần số ngoài độ rộng băng tần cần thiết và có thể làm giảm mức phát xạ đó mà không ảnh hưởng đến việc truyền đưa tin tức.
18. "Phát xạ không mong muốn" là phát xạ bao gồm cả phát xạ giả và phát xạ ngoài băng.
19. "Nhiễu có hại" là nhiễu làm nguy hại đến các hoạt động của các nghiệp vụ vô tuyến điện hợp pháp hoặc cản trở, làm gián đoạn một nghiệp vụ vô tuyến điện đang được phép khai thác.
20. "Phân bổ băng tần" là việc quy định một băng tần xác định cho một hay nhiều tổ chức hoặc doanh nghiệp được quyền sử dụng theo những điều kiện cụ thể trong một loại nghiệp vụ vô tuyến điện hoặc hệ thống thông tin vô tuyến điện.
21. "ấn định tần số" là việc cơ quan quản lý cho phép một đài vô tuyến điện được quyền sử dụng một tần số hay một kênh tần số vô tuyến điện theo những điều kiện cụ thể.
22. "Nghiệp vụ chính" là nghiệp vụ có tên được in bằng chữ in hoa (ví dụ: cố định) trong bảng phân chia phổ tần số vô tuyến điện cho các nghiệp vụ.
23. "Nghiệp vụ phụ" là nghiệp vụ có tên được in bằng chữ in thường (ví dụ: Lưu động) trong bảng phân chia phổ tần số vô tuyến điện cho các nghiệp vụ.
QUY HOẠCH, PHÂN BỔ TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN
Điều 5. Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện
1. Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia là phương án phân chia phổ tần số vô tuyến điện thành các băng tần dành cho các nghiệp vụ theo từng thời kỳ và quy định điều kiện để thiết lập trật tự khai thác, sử dụng tối ưu phổ tần số vô tuyến điện trên phạm vi cả nước.
Bộ Bưu chính, Viễn thông xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.
2. Căn cứ Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành quy hoạch băng tần, quy hoạch kênh, quy hoạch tần số vô tuyến điện theo vùng.
a) Quy hoạch băng tần quy định chi tiết các điều kiện, mục đích sử dụng một số đoạn băng tần cho một loại nghiệp vụ vô tuyến điện hoặc hệ thống thông tin vô tuyến điện cụ thể. Quy hoạch băng tần được xây dựng trên cơ sở công nghệ sử dụng, định mức số lượng băng tần cần thiết, nhu cầu phát triển dịch vụ và dự phòng băng tần cho công nghệ mới, nhu cầu mới.
b) Quy hoạch kênh phân chia mỗi băng tần thành các nhóm kênh tần số cho một loại nghiệp vụ vô tuyến điện cụ thể theo một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định. Quy hoạch kênh được xây dựng trên cơ sở các khuyến nghị phân kênh, các tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Viễn thông quốc tế để thiết lập trật tự sử dụng kênh tần số vô tuyến điện, hạn chế nhiễu có hại giữa các thiết bị vô tuyến điện.
c) Quy hoạch tần số vô tuyến điện theo vùng xác lập các vùng sử dụng lại tần số cho một loại nghiệp vụ vô tuyến điện cụ thể ở một số đoạn băng tần trong dải tần số từ ba mươi Mêgahéc (30 MHz) đến ba nghìn Mêgahéc (3000 MHz). Quy hoạch tần số vô tuyến điện theo vùng được xây dựng trên cơ sở các khuyến nghị, các tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Viễn thông quốc tế để nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần số vô tuyến điện, hạn chế nhiễu có hại giữa các thiết bị vô tuyến điện.
1. Nghiêm cấm việc sản xuất, nhập khẩu hoặc sử dụng thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện tại Việt Nam trái với quy hoạch (trừ thiết bị thuộc diện tạm nhập tái xuất; thiết bị được sản xuất để xuất khẩu; thiết bị để giới thiệu công nghệ trong triển lãm, hội chợ).
2. Các quy hoạch phát triển điện tử, viễn thông, phát thanh, truyền hình và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác có liên quan đến việc sử dụng tần số vô tuyến điện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải được Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định về phần tần số vô tuyến điện.
3. Đối với các thiết bị vô tuyến điện và mạng lưới viễn thông sử dụng tần số vô tuyến điện từ trước khi Quy hoạch có hiệu lực mà không phù hợp với Quy hoạch, Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định cụ thể biện pháp, thời hạn chuyển đổi thiết bị, tần số để phù hợp với Quy hoạch và điều kiện sử dụng thực tế của Việt Nam theo nguyên tắc:
a) Trường hợp thiết bị có khả năng điều chỉnh về làm việc ở tần số theo quy hoạch mà không cần kinh phí chuyển đổi, tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục chuyển đổi theo thời hạn quy định tại Quy hoạch.
b) Trường hợp thiết bị không có khả năng điều chỉnh về làm việc ở tần số theo quy hoạch hoặc thiết bị có khả năng điều chỉnh tần số nhưng cần kinh phí chuyển đổi:
Ở các băng tần, khu vực có nhu cầu thấp trong việc sử dụng tần số, tổ chức, cá nhân được phép khai thác đến hết thời gian khấu hao thiết bị, nhưng không quá 07 năm, kể từ ngày Quy hoạch có hiệu lực, hoặc cho đến khi Bộ Bưu chính, Viễn thông yêu cầu ngừng khai thác vì lý do can nhiễu.
Việc thay thế thiết bị do bị hỏng hoặc mở rộng mạng không làm thay đổi thời hạn phải ngừng khai thác của toàn mạng.
Ở các băng tần, khu vực có nhu cầu cao trong việc sử dụng tần số, tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục chuyển đổi theo thời hạn quy định tại Quy hoạch và phải chịu kinh phí chuyển đổi.
c) Tổ chức, cá nhân bị thu hồi băng tần trước thời hạn quy định tại Quy hoạch sẽ được thanh toán một phần kinh phí, nhưng không vượt quá giá trị còn lại của thiết bị tại thời điểm thu hồi băng tần. Tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng các băng tần thu hồi này có trách nhiệm thanh toán kinh phí chuyển đổi cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi băng tần.
1. Căn cứ vào chính sách phát triển viễn thông quốc gia, pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong lĩnh vực viễn thông và tần số vô tuyến điện, Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện việc điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện theo từng thời kỳ.
2. Nội dung sửa đổi, điều chỉnh Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành là một phần của Quy hoạch đó.
Điều 8. Phân bổ băng tần phục vụ quốc phòng, an ninh
1. Việc phân bổ băng tần phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
a) Các băng tần sử dụng lâu dài được phân bổ theo tỷ lệ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và có chú ý đến thông lệ quốc tế;
b) Các băng tần sử dụng có thời hạn chỉ áp dụng đối với các thiết bị vô tuyến điện hiện đang sử dụng nhưng không trang bị tiếp;
c) Các băng tần sử dụng không thường xuyên trong thời gian ngắn, khi sử dụng phải thông báo cho Bộ Bưu chính, Viễn thông, trừ trường hợp thuộc danh mục bí mật nhà nước;
d) Khi có nhu cầu sử dụng băng tần dành cho mục đích kinh tế - xã hội vào mục đích quốc phòng, an ninh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Bưu chính, Viễn thông và không được gây nhiễu có hại cho mạng thông tin phục vụ kinh tế - xã hội.
2. Theo từng thời kỳ, Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề xuất việc phân bổ băng tần phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của ủy ban Tần số vô tuyến điện.Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đúng mục đích các băng tần số được phân bổ.
3. Trong trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được sử dụng một số băng tần không thuộc quy định ở điểm a khoản 1 Điều này để đảm bảo thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh trên cơ sở phối hợp theo phương án thống nhất giữa Bộ Bưu chính, Viễn thông và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Điều 9. Nguyên tắc cấp giấy phép
Việc cấp giấy phép tần số vô tuyến điện được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
1. Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển viễn thông; Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy hoạch tần số khác quy định tại Điều 5 của Nghị định này.
2. Đảm bảo sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm phổ tần số vô tuyến điện.
3. Tuân theo định mức sử dụng và tiêu chuẩn kỹ thuật về tần số vô tuyến điện của quốc gia và quốc tế.
4. Đáp ứng nhu cầu hợp lý của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện.
5. Đảm bảo công bằng giữa các đối tượng sử dụng và giữa các nghiệp vụ vô tuyến điện cùng loại.
6. Ưu tiên hợp lý nhu cầu sử dụng tần số phục vụ công nghệ mới, sử dụng hiệu quả phổ tần số vô tuyến điện.
Điều 10. Phí sử dụng tần số vô tuyến điện
1. Phí sử dụng tần số vô tuyến điện là khoản thu do Nhà nước quy định để đảm bảo bù đắp những chi phí gián tiếp và trực tiếp cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại; bảo đảm thi hành các chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ và phù hợp với tình hình thực tế.
2. Mức phí sử dụng tần số vô tuyến điện được xác định trên cơ sở giá trị phổ tần số sử dụng, mức độ chiếm dụng phổ tần số, phạm vi phủ sóng, mật độ sử dụng tần số trong băng tần và trong khu vực được cấp phép.
Điều 11. Các trường hợp bị thu hồi giấy phép
1. Giấy phép tần số vô tuyến điện bị thu hồi trong những trường hợp sau đây:
a) Sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày được cấp giấy phép băng tần hoặc sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện mà tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép không triển khai trên thực tế các nội dung quy định trong giấy phép.
b) Tổ chức, cá nhân sử dụng tần số không đúng mục đích, không hiệu quả, gây lãng phí phổ tần số vô tuyến điện đã được cấp giấy phép.
c) Khi có sự điều chỉnh Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông ra quyết định thu hồi giấy phép và nêu rõ lý do thu hồi.
Giấy phép băng tần là giấy phép cấp cho tổ chức, doanh nghiệp được quyền sử dụng một đoạn băng tần số xác định kèm theo các điều kiện quy định về giới hạn trên và dưới của đoạn băng tần số (bao gồm cả phần băng tần bảo vệ); phạm vi phủ sóng; mức phát xạ cực đại được phép ở ngoài băng tần, ngoài phạm vi phủ sóng và các điều kiện khác.
Điều 13. Điều kiện cấp phép băng tần
Trong trường hợp việc phân bổ băng tần là khả thi, Bộ Bưu chính, Viễn thông căn cứ vào các điều kiện cụ thể sau đây để xem xét, cấp giấy phép băng tần cho tổ chức, doanh nghiệp:
1. Có phương án phát triển mạng thông tin vô tuyến điện, phương án kinh doanh dịch vụ viễn thông bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả sử dụng băng tần.
2. Đối với mạng viễn thông di động công cộng, phải có nhu cầu triển khai băng tần trên phạm vi toàn quốc; đối với mạng viễn thông dùng riêng, mạng nội bộ phải có nhu cầu cao trong việc sử dụng tần số tại một khu vực xác định.
3. Thiết bị phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
Điều 14. Thủ tục cấp phép băng tần
1. Hồ sơ xin cấp phép băng tần gồm:
a) Đơn xin cấp phép, trong đó nêu rõ băng tần xin sử dụng và phạm vi phủ sóng;
b) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Quyết định thành lập đối với tổ chức, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp trong nước hoặc Giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc Bên nước ngoài trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh;
c) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông (hoặc Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông, hoặc Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng) đối với các thiết bị phải cấp giấy phép thiết lập mạng;
d) Đề án thiết lập mạng thông tin vô tuyến điện, trong đó nêu rõ: mục đích, phạm vi hoạt động, cấu hình mạng, công nghệ sử dụng;
đ) Bản đăng ký danh mục các thiết bị phát sóng vô tuyến điện (theo mẫu do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định).
2. Hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép:
Trong thời gian hiệu lực của giấy phép, nếu tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép (trừ quy định về độ rộng băng tần) phải làm hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung. Hồ sơ gồm:
a) Đơn xin sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép;
b) Báo cáo chi tiết nội dung sửa đổi, bổ sung và các tài liệu có liên quan.
3. Trước khi giấy phép băng tần hết hạn 90 ngày, nếu tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện và có yêu cầu tiếp tục sử dụng thì phải làm lại hồ sơ như trường hợp xin cấp phép mới.
4. Nơi tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn kê khai và giao nhận giấy phép:
Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Bưu chính, Viễn thông.
5. Trong quá trình khai thác, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đúng các điều kiện quy định trong giấy phép; báo cáo, bổ sung kịp thời các nội dung thay đổi về tham số kỹ thuật, danh mục thiết bị phát sóng vô tuyến điện trong mạng thông tin vô tuyến điện.
Điều 15. Thời gian giải quyết cấp phép băng tần
1. Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và hoàn thành xét cấp mới, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
2. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn cho tổ chức, doanh nghiệp để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
3. Trường hợp từ chối cấp mới, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức, doanh nghiệp xin cấp phép.
CẤP PHÉP SỬ DỤNG TẦN SỐ VÀ THIẾT BỊ PHÁT SÓNG VÔ TUYẾN ĐIỆN
Điều 16. Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện
Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện cấp cho tổ chức, cá nhân được quyền khai thác một hay nhiều tần số và thiết bị vô tuyến điện, tại địa điểm hoặc khu vực xác định kèm theo các điều kiện quy định về tần số thu và phát, tham số kỹ thuật phát sóng, quy ước liên lạc và các điều kiện khác.
Điều 17. Điều kiện cấp phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện
1. Trong trường hợp việc ấn định tần số vô tuyến điện là khả thi, Bộ Bưu chính, Viễn thông căn cứ vào các điều kiện cụ thể sau đây để xét cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam:
a) Mục đích sử dụng, đối tượng liên lạc rõ ràng phù hợp với quy định của pháp luật;
b) Thiết bị phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định áp dụng (trừ trường hợp thiết bị tham gia triển lãm, thử nghiệm kỹ thuật);
c) Khai thác viên đài tầu biển, đài vô tuyến điện nghiệp dư và các trường hợp khác phải có chứng chỉ vô tuyến điện viên do Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp hoặc công nhận;
d) Địa điểm lắp đặt anten, chiều cao anten phải phù hợp với các quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông và các quy định khác của pháp luật về bảo đảm an toàn hàng không;
đ) Thiết kế hệ thống thiết bị bảo đảm sử dụng tối ưu phổ tần số vô tuyến điện, tương thích điện từ với môi trường xung quanh.
2. Riêng đối với đài thông tin vệ tinh thực hiện liên lạc qua vệ tinh của nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế về thông tin vệ tinh, căn cứ các điều kiện cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Bưu chính, Viễn thông chỉ xem xét, cấp phép trong các trường hợp sau đây:
a) Đài thông tin vệ tinh thuộc mạng viễn thông công cộng của các doanh nghiệp viễn thông có giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông do Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp.
b) Đài thông tin vệ tinh của tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thông tin vệ tinh của các doanh nghiệp viễn thông được Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp phép.
c) Đài thông tin vệ tinh thuộc nghiệp vụ quảng bá qua vệ tinh có giấy phép hoạt động báo chí về phát thanh, truyền hình qua vệ tinh do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp.
d) Đài thông tin vệ tinh thuộc nghiệp vụ lưu động hàng hải, hàng không qua vệ tinh bảo đảm an toàn hàng hải, hàng không theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) hoặc Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
đ) Đài thông tin vệ tinh của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi, miễn trừ ngoại giao (sau đây gọi là "Cơ quan đại diện nước ngoài"), phóng viên nước ngoài vào hoạt động báo chí ngắn hạn ở Việt Nam.
e) Theo điều ước quốc tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước ngoài hoặc với tổ chức quốc tế về thông tin vệ tinh.
g) Các trường hợp khác do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định.
Điều 18. Hồ sơ xin cấp phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện
1. Trừ trường hợp quy định tại Điều 24 Nghị định này, đối với các thiết bị phát sóng vô tuyến điện hoạt động riêng lẻ và thiết bị phát sóng vô tuyến điện thuộc mạng không phải cấp giấy phép thiết lập mạng, hồ sơ gồm:
a) Đơn xin cấp giấy phép;
b) Bản khai xin cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện (theo mẫu do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định);
c) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Quyết định thành lập đối với tổ chức, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã hoặc Giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc Bên nước ngoài trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
2. Đối với đài tầu, đài vô tuyến điện đặt trên tầu, thuyền chỉ chạy trên sông, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, phải có thêm:
a) Xác nhận tổng dung tích, phạm vi hoạt động của tầu, thuyền, hoặc chứng nhận số chỗ (đối với tầu chở khách);
b) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Chứng chỉ khai thác viên do Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp hoặc công nhận (đối với đài tầu).
3. Đối với thiết bị phát sóng vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá:
a) Nếu là thiết bị của tổ chức, doanh nghiệp, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, phải có thêm bản sao có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Giấy chứng nhận đăng ký tầu cá hoặc xác nhận tổng dung tích của tầu, thuyền.
b) Nếu là thiết bị của tổ hợp tác, cá nhân, ngoài hồ sơ quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này, phải có thêm bản sao có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Giấy chứng nhận đăng ký tầu cá hoặc xác nhận tổng dung tích của tầu, thuyền.
c) Các thiết bị phát sóng vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá hoạt động ở băng tần từ 26,96 Mêgahéc đến 27,41 Mêgahéc (MHz) thuộc loại thiết bị vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện và không phải xin giấy phép tần số vô tuyến điện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Nghị định này.
4. Đối với đài vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ quảng bá, ngoài hồ sơ quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này, phải có thêm:
a) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Giấy phép hoạt động báo chí do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp (với đối tượng là cơ quan báo chí).
b) Văn bản đề nghị của Bộ Văn hóa - Thông tin hoặc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (với đối tượng chưa xếp loại là cơ quan báo chí, có nhiệm vụ phát lại chương trình của đài phát thanh, truyền hình Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
5. Đối với đài vô tuyến điện nghiệp dư, ngoài hồ sơ quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này, phải có thêm:
a) Bản sao Chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư do Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp hoặc công nhận;
b) Bản sao Hộ chiếu cùng thẻ thường trú hoặc chứng nhận tạm trú hay thẻ tạm trú (đối với khai thác viên nước ngoài).
6. Đối với điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) không thuộc danh mục thiết bị vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện và phải cấp phép sử dụng tần số, hồ sơ theo quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này.
7. Đối với đài vô tuyến điện thuộc Cơ quan đại diện nước ngoài, ngoài hồ sơ quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này, phải có thêm văn bản đề nghị của Bộ Ngoại giao.
8. Đối với các thiết bị phát sóng vô tuyến điện thuộc mạng phải cấp giấy phép thiết lập mạng, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này phải có thêm:
a) Đề án thiết lập mạng thông tin vô tuyến điện, trong đó nêu rõ cấu hình mạng, phạm vi hoạt động, công nghệ sử dụng, thiết bị, tần số xin sử dụng;
b) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông (hoặc Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông, hoặc Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng).
Trước khi giấy phép hết hạn 30 ngày, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng (không sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép) phải làm thủ tục xin gia hạn giấy phép. Hồ sơ xin gia hạn giấy phép gồm:
1. Đơn xin gia hạn giấy phép;
2. Bản sao có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông (hoặc Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông hoặc Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng) đang còn hiệu lực đối với các thiết bị phải cấp giấy phép thiết lập mạng.
Điều 20. Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép
Trong thời gian hiệu lực của giấy phép, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép phải làm hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung. Hồ sơ gồm:
1. Đơn xin sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép;
2. Bản khai bổ sung nếu có thay đổi;
3. Các tài liệu khác liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung.
Điều 21. Thời gian giải quyết cấp phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện
1. Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm giải quyết cấp mới; gia hạn; sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
2. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân xin cấp phép để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
3. Trường hợp từ chối cấp mới; gia hạn; sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức, cá nhân xin cấp phép.
Điều 22. Nơi tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn kê khai và giao nhận giấy phép
1. Nơi tiếp nhận hồ sơ và giao nhận giấy phép đối với trường hợp xin cấp mới giấy phép cho các thiết bị thuộc mạng thông tin vô tuyến điện phải cấp giấy phép thiết lập mạng, các trường hợp phải xin sửa đổi, bổ sung giấy phép thiết lập mạng:
a) Bộ Bưu chính, Viễn thông;
b) Các Cục Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực.
2. Nơi tiếp nhận hồ sơ và giao nhận giấy phép đối với trường hợp xin cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép cho các thiết bị thuộc loại không phải cấp giấy phép thiết lập mạng; các trường hợp xin gia hạn, sửa đổi, bổ sung mà giấy phép thiết lập mạng đang còn hiệu lực:
a) Cục Tần số vô tuyến điện;
b) Các Trung tâm kiểm soát tần số vô tuyến điện khu vực thuộc Cục Tần số vô tuyến điện.
Điều 23. Sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trong trường hợp khẩn cấp
1. Trường hợp khẩn cấp gây nguy hiểm đến tài sản và tính mạng con người, tổ chức, cá nhân có thể sử dụng tạm thời tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện chưa được cấp phép và phải thông báo kịp thời cho Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông khi điều kiện cho phép.
2. Đài vô tuyến điện khi gửi thông tin hoặc tín hiệu cấp cứu được phép phát sóng để thu hút sự chú ý ở cả các tần số không dành riêng cho gọi cứu nạn quốc tế và quốc gia.
3. Các đài vô tuyến điện khi nhận được thông tin, tín hiệu cấp cứu phải lập tức ngừng phát sóng trên tần số có khả năng gây nhiễu cho thông tin cấp cứu và phải liên tục lắng nghe trên tần số phát gọi cấp cứu; trả lời và thực hiện ngay mọi hỗ trợ cần thiết, đồng thời thông báo cho Cơ quan tìm kiếm cứu nạn.
CÁC LOẠI THIẾT BỊ VÔ TUYẾN ĐIỆN SỬ DỤNG CÓ ĐIỀU KIỆN KHÔNG CẦN GIẤY PHÉP
Điều 24. Điều kiện kỹ thuật và khai thác
1. Các loại thiết bị vô tuyến điện sử dụng có điều kiện bao gồm các thiết bị cự ly ngắn có công suất hạn chế, ít khả năng gây nhiễu có hại và không được bảo vệ khỏi nhiễu có hại.
2. Các điều kiện kỹ thuật và khai thác của loại thiết bị vô tuyến điện sử dụng có điều kiện, bao gồm: phân kênh tần số, mức công suất phát hạn chế, phương thức phát được chỉ định, khu vực được phép khai thác và các điều kiện khác.
3. Theo từng thời kỳ, Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định và công bố danh mục thiết bị vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện. Nội dung thông báo phải nêu đầy đủ điều kiện về kỹ thuật và khai thác của loại thiết bị được sử dụng có điều kiện.
Điều 25. Trách nhiệm của người sử dụng
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng các thiết bị vô tuyến điện quy định tại Điều 24 phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, khai thác theo quy định và không phải xin giấy phép tần số vô tuyến điện.
2. Nghiêm cấm sử dụng các thiết bị vô tuyến điện không đáp ứng được các điều kiện về kỹ thuật và khai thác theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
KIỂM TRA, KIỂM SOÁT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN, XỬ LÝ NHIỄU CÓ HẠI, QUẢN LÝ TƯƠNG THÍCH ĐIỆN TỪ
KIỂM TRA, KIỂM SOÁT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN, XỬ LÝ NHIỄU CÓ HẠI
Điều 26. Đối tượng kiểm tra, kiểm soát
Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện trên lãnh thổ Việt Nam phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát tần số và thiết bị vô tuyến điện của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
Điều 27. Trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát
1. Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, kiểm soát tần số và thiết bị vô tuyến điện trong phạm vi cả nước để thu, đo các tham số kỹ thuật và khai thác, mức độ chiếm dụng băng tần của các đài vô tuyến điện; xác định nguồn nhiễu; phát hiện các đài vi phạm; xử lý nhiễu có hại theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về thông tin vô tuyến điện mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
2. Kết quả kiểm tra, kiểm soát, đo tham số kỹ thuật và định vị các thiết bị vô tuyến điện, dạng phổ tín hiệu, hô hiệu hoặc tín hiệu nhận dạng và các bằng chứng khác là căn cứ để xác định và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.
Điều 28. Các hình thức kiểm tra
1. Kiểm tra định kỳ được thực hiện theo chương trình, kế hoạch kiểm tra đã được Bộ Bưu chính, Viễn thông phê duyệt.
2. Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi giải quyết khiếu nại; khi Bộ Bưu chính, Viễn thông xét thấy có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
Điều 29. Biện pháp hạn chế nhiễu có hại
1. Tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện phải thực hiện đúng các quy định trong giấy phép và phải áp dụng các biện pháp sau đây để hạn chế khả năng gây nhiễu có hại:
a) Giữ tần số phát trong phạm vi sai lệch tần số cho phép;
b) Giảm mức phát xạ không mong muốn ở trị số thấp nhất;
c) Sử dụng phương thức phát có độ rộng băng tần chiếm dụng nhỏ nhất (trừ một số trường hợp đặc biệt như trải phổ);
d) Hạn chế phát sóng ở những hướng không cần thiết;
đ) Sử dụng mức công suất nhỏ nhất đủ để đảm bảo chất lượng thông tin.
2. Đài vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ phụ không được gây nhiễu có hại cho đài vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ chính và không được khiếu nại nhiễu có hại từ đài vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ chính mà tần số của các đài vô tuyến điện này đã được ấn định hoặc có thể được ấn định muộn hơn.
Điều 30. Xử lý khiếu nại nhiễu có hại
1. Tổ chức, cá nhân khi khiếu nại về nhiễu có hại phải gửi tới Bộ Bưu chính, Viễn thông "Báo cáo nhiễu có hại" theo mẫu quy định và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Bưu chính, Viễn thông để tổ chức việc xác định nguồn gây nhiễu, biện pháp giải quyết nhiễu có hại.
Tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trong khu vực nhiễu có hại có trách nhiệm phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện nguồn nhiễu nhanh chóng, chính xác và xử lý nhiễu có hiệu quả.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông xử lý nhiễu có hại theo nguyên tắc sau:
a) Ưu tiên cho phát xạ trong băng, phát xạ không mong muốn phải được hạn chế ở mức thấp nhất;
b) Ưu tiên cho nghiệp vụ chính, các nghiệp vụ phụ phải thay đổi tần số hoặc các tham số kỹ thuật phát sóng;
c) Trong cùng một nghiệp vụ vô tuyến điện, tần số được cấp phép sử dụng sau phải chuyển đổi, ưu tiên cho tần số được cấp phép sử dụng trước;
d) Tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện trong khoa học, công nghiệp, y tế; thiết bị điện, điện tử, khi gây nhiễu có hại cho các đài vô tuyến điện phải thực hiện các biện pháp để loại bỏ nhiễu (trừ trường hợp các thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện hoạt động đúng băng tần qui định) và phải ngừng sử dụng các thiết bị này khi gây nhiễu có hại cho nghiệp vụ vô tuyến dẫn đường, an toàn, cứu nạn;
đ) Trường hợp nhiễu có hại chưa được khắc phục có thể áp dụng các biện pháp: thay đổi tần số, hạn chế công suất phát; thay đổi chiều cao, phân cực, đặc tính phương hướng của anten phát; phân chia lại thời gian làm việc và các biện pháp cần thiết khác đối với đài gây nhiễu;
e) Bên gây nhiễu do không thực hiện đúng nội dung giấy phép chịu trách nhiệm về chi phí cho việc chuyển đổi tần số, thiết bị, xử lý nhiễu có hại.
1. Trừ trường hợp đối với các băng tần được phân bổ cho quốc phòng, an ninh sử dụng lâu dài theo điểm a khoản 1 Điều 8 của Nghị định này, khi xảy ra nhiễu có hại giữa các đài vô tuyến điện phục vụ kinh tế - xã hội với các đài vô tuyến điện phục vụ quốc phòng, an ninh thì các đài vô tuyến điện quốc phòng, an ninh chủ động thay đổi tần số và các tham số kỹ thuật phát sóng để tránh nhiễu.
2. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì và phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan khác thành lập đoàn kiểm tra liên ngành giải quyết nhiễu có hại.
Điều 32. Mục tiêu quản lý tương thích điện từ
Thiết bị, hệ thống thiết bị khi đưa vào sử dụng có tạo ra năng lượng điện từ trong giải tần số từ mười Kilôhéc (10 KHz) đến ba nghìn Gigahéc (3.000 GHz) phải đảm bảo tương thích điện từ để các thiết bị, hệ thống thiết bị này hoạt động ổn định, không bị nhiễu và không gây nhiễu có hại đến thiết bị, hệ thống thiết bị khác.
Điều 33. Nội dung quản lý tương thích điện từ
1. Nội dung quản lý nhà nước về tương thích điện từ bao gồm:
a) Xây dựng, ban hành và công bố việc áp dụng tiêu chuẩn tương thích điện từ;
b) Quy định về chứng nhận tương thích điện từ cho các thiết bị vô tuyến điện, thiết bị viễn thông, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện trong khoa học, công nghiệp và y tế;
c) Công nhận và chỉ định các Phòng thử nghiệm, Cơ quan chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn tương thích điện từ;
d) Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý tương thích điện từ.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông xây dựng và ban hành quy định về quản lý tương thích điện từ.
Điều 34. Chứng nhận, công bố phù hợp tiêu chuẩn tương thích điện từ
1. Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn tương thích điện từ.
Theo từng thời kỳ, Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định danh mục các thiết bị viễn thông, thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện trong khoa học, công nghiệp, y tế cần phải qua chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn tương thích điện từ.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các thiết bị thuộc danh mục này phải làm thủ tục chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn và đánh dấu phù hợp tiêu chuẩn tương thích điện từ theo quy định trước khi đưa vào sử dụng hoặc lưu thông trên thị trường.
2. Công bố và bảo đảm thiết bị phù hợp tiêu chuẩn tương thích điện từ.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các thiết bị điện, điện tử dân dụng, thiết bị có bức xạ sóng vô tuyến điện ngoài ý muốn và các thiết bị khác có trách nhiệm công bố bảo đảm thiết bị phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng về tương thích điện từ và đánh dấu phù hợp tiêu chuẩn tương thích điện từ theo quy định trước khi đưa vào sử dụng hoặc lưu thông trên thị trường.
3. Việc chứng nhận, công bố phù hợp tiêu chuẩn tương thích điện từ theo quy định cụ thể của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
Điều 35. Phòng thử nghiệm, Cơ quan chứng nhận tương thích điện từ
Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định các yêu cầu về năng lực và hoạt động của các Phòng thử nghiệm và Cơ quan chứng nhận tương thích điện từ; quy định thủ tục chỉ định các Phòng thử nghiệm và Cơ quan chứng nhận tương thích điện từ.
Chỉ có các kết quả đo kiểm, chứng nhận tương thích điện từ của các Phòng thử nghiệm và Cơ quan chứng nhận do Bộ Bưu chính, Viễn thông chỉ định hoặc thừa nhận mới được sử dụng trong hoạt động quản lý tương thích điện từ.
PHỐI HỢP, ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ VỀ TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN VÀ QUỸ ĐẠO VỆ TINH
Điều 36. Đối tượng phối hợp, đăng ký quốc tế
Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tần số vô tuyến điện cho thông tin vô tuyến điện quốc tế, cho hệ thống vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh, phi địa tĩnh, hoặc có khả năng gây nhiễu có hại cho nghiệp vụ vô tuyến điện của nước khác, hoặc muốn được quốc tế thừa nhận phải phối hợp, đăng ký quốc tế về tần số vô tuyến điện hoặc quỹ đạo vệ tinh.
Điều 37. Trách nhiệm của Bộ Bưu chính, Viễn thông
Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm:
1. Tổ chức phối hợp với các nước và đăng ký với Liên minh Viễn thông quốc tế về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh để bảo vệ quyền lợi và chủ quyền quốc gia.
2. Quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng và đăng ký quốc tế về quỹ đạo vệ tinh thuộc chủ quyền Việt Nam.
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức việc phối hợp tần số vô tuyến điện với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam.
Điều 38. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tại Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông trong việc phối hợp, đăng ký quốc tế về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.
2. Tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vị trí quỹ đạo vệ tinh thuộc chủ quyền Việt Nam phải được Bộ Bưu chính, Viễn thông cho phép và phải tuân thủ các quy định về phí đăng ký, phối hợp quỹ đạo vệ tinh và qui định khác có liên quan của pháp luật.
Điều 39. Đăng ký quốc tế về tần số vô tuyến điện
1. Hồ sơ đăng ký quốc tế về tần số vô tuyến điện gồm:
a) Công văn xin đăng ký quốc tế về tần số vô tuyến điện;
b) Bản sao Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện;
c) Bản khai đăng ký quốc tế về tần số vô tuyến điện (theo mẫu quy định).
2. Nơi tiếp nhận hồ sơ:
Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Bưu chính, Viễn thông.
3. Trên cơ sở hồ sơ xin đăng ký quốc tế về tần số vô tuyến điện, Bộ Bưu chính, Viễn thông (Cục Tần số vô tuyến điện) xem xét đối chiếu với các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ của quốc tế, quốc gia để thống nhất nội dung và làm thủ tục đăng ký quốc tế.
4. Việc sử dụng và khai thác các tần số vô tuyến điện đã được quốc tế công nhận phải thực hiện theo quy định của Thể lệ vô tuyến điện quốc tế.
Điều 40. Đăng ký quốc tế về quỹ đạo vệ tinh
Tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký quốc tế về quỹ đạo vệ tinh phải nộp hồ sơ cho Bộ Bưu chính, Viễn thông và thực hiện theo đúng thủ tục quy định của Liên minh Viễn thông quốc tế và Bộ Bưu chính, Viễn thông.
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tại Việt Nam sử dụng tần số, sản xuất, sử dụng thiết bị vô tuyến điện, thiết bị phải qua chứng nhận tương thích điện từ đều chịu sự thanh tra, kiểm tra của thanh tra chuyên ngành Bưu chính, Viễn thông và công nghệ thông tin và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong lĩnh vực vô tuyến điện, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức có thẩm quyền trong việc thi hành Nghị định này.
2. Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm quy định của Nghị định này.
3. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với Nghị định này.
Bộ Bưu chính, Viễn thông trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.