CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2005/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 03 tháng 2 năm 2005 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Cơ yếu ngày 04 tháng 4 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Xét đề nghị của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí, chức năng của Thanh tra Cơ yếu Chính phủ
Thanh tra Cơ yếu Chính phủ (sau đây gọi tắt là Thanh tra Cơ yếu) là cơ quan thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước về cơ yếu theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Mục đích hoạt động của Thanh tra Cơ yếu
Hoạt động của Thanh tra Cơ yếu nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về cơ yếu; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cơ yếu, bảo đảm an toàn thông tin quốc gia và bí mật mật mã; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 3. Đối tượng của Thanh tra Cơ yếu
1. Tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Ban Cơ yếu Chính phủ.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực cơ yếu, mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.
3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có tham gia hoạt động liên quan đến mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động của Thanh tra Cơ yếu
Hoạt động của Thanh tra Cơ yếu phải tuân theo pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA CƠ YẾU
Điều 5. Tổ chức của Thanh tra Cơ yếu
1. Thanh tra Cơ yếu được tổ chức ở Ban Cơ yếu Chính phủ. Thanh tra Cơ yếu có trách nhiệm giúp Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ (sau đây gọi tắt là Trưởng ban) quản lý nhà nước về công tác thanh tra; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về cơ yếu trong phạm vi quản lý nhà nước của Ban Cơ yếu Chính phủ và theo quy định của pháp luật.
2. Thanh tra Cơ yếu có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra và các Thanh tra viên.
Chánh Thanh tra Cơ yếu do Trưởng ban bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra.
Phó Chánh Thanh tra Cơ yếu do Trưởng ban bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra Cơ yếu. Phó Chánh Thanh tra được giao phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
3. Thanh tra Cơ yếu có cấp phòng, số lượng không quá 4 phòng.
4. Thanh tra Cơ yếu có con dấu riêng.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Cơ yếu
1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Trưởng ban.
2. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về cơ yếu, mật mã của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý nhà nước của Ban Cơ yếu Chính phủ và theo quy định của pháp luật.
3. Tham gia, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch thanh tra của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ hoặc thanh tra vụ việc khác do Trưởng ban giao.
4. Hướng dẫn Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, Thủ trưởng tổ chức cơ yếu Bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra và các quy định của pháp luật về thanh tra.
5. Xử lý hoặc kiến nghị áp dụng các biện pháp xử lý để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về cơ yếu; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
6. Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
7. Giúp Trưởng ban hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
8. Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng ngừa và chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ban Cơ yếu Chính phủ.
9. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc huỷ bỏ những quy định trái với văn bản pháp luật của Nhà nước được phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, chống tham nhũng.
10. Kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Trưởng ban trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
11. Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra cơ yếu đối với Thanh tra viên, cộng tác viên, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, Thủ trưởng tổ chức cơ yếu Bộ, ngành, địa phương.
12. Yêu cầu cơ quan, đơn vị cơ yếu có liên quan cử cán bộ, công chức tham gia Đoàn thanh tra.
13. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
14. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Ban Cơ yếu
1. Giúp Trưởng ban chỉ đạo công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Ban Cơ yếu Chính phủ.
2. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra; tổng hợp chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra trình Trưởng ban quyết định và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.
3. Trình Trưởng ban việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
4. Kiến nghị Trưởng ban tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sai trái về thanh tra của cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Ban Cơ yếu Chính phủ.
5. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
6. Kiến nghị Trưởng ban xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý của Trưởng ban; phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.
7. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.
1. Thanh tra viên Cơ yếu là người làm công tác cơ yếu được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thanh tra viên Cơ yếu thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Thanh tra viên Cơ yếu phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung theo quy định tại Điều 31 Luật Thanh tra và phải được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cơ yếu.
3. Thanh tra viên Cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách và được bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật.
4. Thanh tra viên Cơ yếu có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau:
a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về thanh tra và các quy định của pháp luật về cơ yếu.
b) Xử phạt hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Khi xử phạt, Thanh tra viên Cơ yếu phải thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
c) Thanh tra viên Cơ yếu chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định thanh tra về các quyết định và biện pháp xử lý của mình.
d) Thanh tra viên Cơ yếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Cộng tác viên Thanh tra Cơ yếu
1. Cộng tác viên Thanh tra Cơ yếu là người được Trưởng ban hoặc cơ quan Thanh tra Cơ yếu trưng tập tham gia Đoàn thanh tra.
2. Cộng tác viên Thanh tra Cơ yếu phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, khách quan, công minh, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ thanh tra.
3. Cộng tác viên Thanh tra Cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, được tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ và có trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA CƠ YẾU
Điều 10. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra
1. Trưởng ban ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra đối với những vụ việc phức tạp có liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ban Cơ yếu Chính phủ.
2. Chánh Thanh tra Ban Cơ yếu ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra, sau khi Trưởng ban phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra hoặc đề nghị thanh tra đột xuất.
3. Trường hợp phân công nhiệm vụ cho Thanh tra viên Cơ yếu tiến hành thanh tra độc lập thì Trưởng ban hoặc Chánh Thanh tra Ban Cơ yếu Chính phủ ra quyết định thanh tra, phải xác định rõ phạm vi, nhiệm vụ và thời hạn tiến hành thanh tra.
Điều 11. Căn cứ ra quyết định thanh tra và nội dung quyết định thanh tra
1. Căn cứ ra quyết định thanh tra:
a) Chương trình, kế hoạch thanh tra đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
c) Yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.
d) Khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cơ yếu.
2. Nội dung quyết định thanh tra.
a) Căn cứ pháp lý để thanh tra.
b) Đối tượng, nội dung, phạm vi, nhiệm vụ thanh tra.
c) Thời hạn tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.
d) Trưởng Đoàn thanh tra và các thành viên khác tham gia Đoàn thanh tra.
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 42 và khoản 1 Điều 52 Luật Thanh tra. Người ra quyết định thanh tra phải ra văn bản kết luận thanh tra chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra của Trưởng Đoàn thanh tra.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 39 và Điều 49 Luật Thanh tra. Trưởng Đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra với người ra quyết định thanh tra chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra viên Cơ yếu và thành viên khác của Đoàn thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 40 và Điều 50 Luật Thanh tra.
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng của Thanh tra Cơ yếu:
a) Có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu thanh tra.
b) Chấp hành yêu cầu, kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; có quyền giải trình vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra.
c) Có quyền khiếu nại về kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; cá nhân là đối tượng thanh tra có quyền tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên Cơ yếu và các thành viên trong Đoàn thanh tra.
d) Có quyền và trách nhiệm khác theo Luật Thanh tra và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có các thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung thanh tra phải cung cấp đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của những thông tin, tài liệu đã cung cấp.
Điều 14. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức sử dụng cơ yếu và tổ chức cơ yếu
1. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức sử dụng cơ yếu và tổ chức cơ yếu trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, chế độ, quy định, nhiệm vụ về cơ yếu; thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Ban Cơ yếu Chính phủ; phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời; xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
2. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra có trách nhiệm xem xét, thực hiện kết luận thanh tra; xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khôi phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.
Điều 15. Mối quan hệ công tác của Thanh tra Cơ yếu
1. Thanh tra Ban Cơ yếu chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.
2. Thanh tra Cơ yếu phối hợp với Thanh tra Bộ, ngành, địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra nội dung liên quan đến hoạt động cơ yếu.
3. Thanh tra Cơ yếu trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm có liên quan đến hoạt động cơ yếu.
4. Thanh tra Cơ yếu phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ và các tổ chức cơ yếu, người làm công tác cơ yếu trong hoạt động thanh tra cơ yếu.
5. Các cơ quan, tổ chức theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 của Điều này có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra Cơ yếu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra cơ yếu, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động thanh tra cơ yếu được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình vi phạm các quy định của pháp luật về thanh tra và Nghị định này hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động cơ yếu, cản trở hoạt động thanh tra cơ yếu, mua chuộc, trả thù người làm nhiệm vụ thanh tra, trả thù người khiếu nại, tố cáo thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức sử dụng cơ yếu, mật mã; người đứng đầu các tổ chức cơ yếu chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.