CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2022/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày tháng năm 2022 |
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG TIỀN GIẢ VÀ BẢO VỆ TIỀN VIỆT NAM
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định việc phát hiện, thu giữ, xử lý tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, tiền nghi hủy hoại trái pháp luật; Giám định tiền giả, tiền nghi giả; Quản lý sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam; và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước), Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tiền Việt Nam bao gồm tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành, là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, còn gọi là tiền thật.
2. Tiền giả là vật phẩm có một mặt hoặc hai mặt được làm giống tiền thật về hình ảnh, hoa văn, màu sắc, kích thước, không có hoặc giả mạo các đặc điểm bảo an, không do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành hoặc là tiền thật bị thay đổi, cắt ghép, chỉnh sửa để tạo ra tờ tiền có mệnh giá khác so với nguyên gốc.
3. Tiền nghi giả là tiền chưa xác định được là tiền thật hay tiền giả.
4. Hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật là hành vi được cơ quan công an, quân đội kết luận là cố ý làm hư hỏng, biến dạng tiền Việt Nam.
5. Sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao hoặc bản ghi hình từ tiền Việt Nam bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG TIỀN GIẢ
Điều 4. Phát hiện, thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả
1. Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc nhà nước, cơ quan chức năng của công an, quân đội, hải quan khi phát hiện tiền giả thực hiện lập biên bản (theo mẫu tại Phụ lục I), thu giữ; khi phát hiện tiền nghi giả thực hiện lập biên bản (theo mẫu tại Phụ lục II), tạm thu giữ.
2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tạm thu giữ tiền nghi giả, tổ chức tạm thu giữ tiền nghi giả có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị giám định theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 và gửi đến cơ quan giám định của Bộ Công an hoặc Ngân hàng Nhà nước để giám định.
3. Trường hợp tổ chức, cá nhân không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc nhà nước thông báo ngay đến công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý.
4. Trường hợp phát hiện dấu hiệu liên quan đến hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, các tổ chức, cá nhân thông báo cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Điều 5. Giám định tiền giả, tiền nghi giả
1. Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện giám định tiền giả, tiền nghi giả cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Danh sách và địa chỉ liên hệ của các cơ quan, đơn vị thực hiện giám định tiền giả, tiền nghi giả phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước.
Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm bố trí cán bộ có chuyên môn thực hiện giám định, đảm bảo trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công giám định tiền giả, tiền nghi giả.
2. Hồ sơ đề nghị giám định
Các tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định tiền giả, tiền nghi giả phải lập 01 (một) bộ hồ sơ và chuyển đến cơ quan giám định, hồ sơ gồm:
a. Văn bản đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả (theo mẫu tại Phụ lục III).
b. Hiện vật là tiền giả, tiền nghi giả cần giám định.
3. Thời gian giám định tối đa 5 ngày làm việc đối với 1 tờ/miếng tiền cần giám định kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 2, Điều này.
4. Việc giám định của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước được thực hiện miễn phí.
5. Trường hợp chưa có sự thống nhất về kết quả giám định tiền giữa các cơ quan giám định thì kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước có giá trị thực hiện.
Điều 6. Xử lý kết quả sau giám định
1. Cơ quan giám định thông báo kết luận giám định bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị giám định. Trường hợp kết luận giám định không phải tiền giả, cơ quan giám định hoàn trả hiện vật cho tổ chức, cá nhân đề nghị giám định; Trường hợp kết luận giám định là tiền giả, cơ quan giám định thực hiện thu giữ hiện vật và xử lý theo quy định.
2. Tổ chức đề nghị giám định tiền nghi giả theo khoản 2 Điều 4 Nghị định này có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân có tiền nghi giả bị tạm thu giữ bằng văn bản, kèm theo thông báo kết quả giám định của cơ quan giám định. Trường hợp kết luận giám định là tiền thật, phải hoàn trả cho tổ chức, cá nhân.
3. Đối với tiền giả, tiền nghi giả giám định theo yêu cầu của cơ quan công an, quân đội, hải quan, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Toà án nhân dân sau khi giám định cơ quan giám định hoàn trả lại cơ quan cơ quan đã yêu cầu giám định.
Điều 7. Lưu giữ, đóng gói, bảo quản, giao nhận, vận chuyển tiền giả
1. Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước được giữ lại một số tiền giả làm tư liệu nghiên cứu. Bộ trưởng Bộ Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định số lượng, chủng loại và quy định việc lưu giữ, quản lý, sử dụng số tư liệu này của cơ quan giám định thuộc Bộ, Ngành quản lý.
2. Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính xem xét, quyết định việc đóng gói, bảo quản, giao nhận, vận chuyển tiền giả trong phạm vi, thẩm quyền quản lý.
Điều 8. Giao nộp tiền giả
1. Các tổ chức, cá nhân có tiền giả có trách nhiệm giao nộp cho cơ quan chức năng của công an, quân đội, hải quan, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước nơi gần nhất.
2. Việc giao nộp tiền giả được thể hiện bằng văn bản trong đó ghi rõ loại tiền, số lượng, mệnh giá, vần seri tiền giả giao nộp (theo mẫu tại Phụ lục IV).
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giao nộp tiền giả đã thu giữ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 9. Thu nhận, tiêu hủy tiền giả
1. Ngân hàng Nhà nước tổ chức thu nhận, tiêu hủy tiền giả. Việc tiêu hủy tiền giả thực hiện theo quy định như đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
2. Việc tiêu hủy tiền giả liên quan đến các vụ việc vi phạm pháp luật thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Thông tin về tiền Việt Nam và thông tin về tiền giả
1. Ngân hàng Nhà nước thông tin công khai, rộng rãi về đặc điểm và cách nhận biết tiền Việt Nam.
2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước phối hợp, trao đổi thông tin về đặc điểm nhận biết loại tiền giả mới xuất hiện trong lưu thông.
3. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an xem xét, quyết định việc thông báo công khai thông tin về tiền giả để các tổ chức, cá nhân biết, phòng ngừa. Việc cung cấp, đăng tải thông tin về tiền giả thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ
1. Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả thuộc Bộ, Ngành quản lý. Bộ Công an xem xét, quyết định việc hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước đào tạo nghiệp vụ giám định tiền giả, tiền nghi giả.
2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, chuyên môn về công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 12. Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tiền giả
1. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trao đổi, xây dựng cơ chế hợp tác với tổ chức quốc tế, cơ quan đầu mối hoặc chủ trì của các quốc gia trên thế giới trong công tác phòng, chống tiền giả.
2. Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định việc trao đổi, phối hợp với tổ chức quốc tế, Ngân hàng Trung ương các quốc gia nhằm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tiền giả.
Chương III
XỬ LÝ TIỀN VIỆT NAM BỊ HỦY HOẠI TRÁI PHÁP LUẬT
Điều 13. Phát hiện, tạm thu giữ, xác minh tiền hư hỏng, biến dạng nghi do hành vi hủy hoại tiền trái pháp luật
1. Khi phát hiện dấu hiệu liên quan đến hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật, các tổ chức, cá nhân thông báo ngay cho cơ quan chức năng của công an, quân đội nơi gần nhất để xử lý.
2. Khi phát hiện tiền hư hỏng, biến dạng nghi do hành vi hủy hoại trong quá trình giao dịch tiền mặt, thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc nhà nước lập biên bản (theo mẫu tại Phụ lục V), tạm thu giữ hiện vật và chuyển ngay đến cơ quan chức năng của công an, quân đội nơi gần nhất để xác minh, kết luận.
3. Cơ quan chức năng của công an, quân đội xác minh, kết luận đối với tiền hư hỏng, biến dạng nghi do hành vi hủy hoại.
Điều 14. Xử lý kết quả sau xác minh
Sau khi xác minh, cơ quan chức năng của công an, quân đội thông báo kết luận bằng văn bản cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
1. Trường hợp kết luận là tiền hư hỏng, biến dạng do hành vi hủy hoại tiền trái pháp luật, cơ quan chức năng của công an, quân đội xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp kết luận là tiền hư hỏng, biến dạng không phải do hành vi hủy hoại tiền trái pháp luật, cơ quan chức năng của công an, quân đội hoàn trả cho tổ chức, cá nhân có tiền bị hư hỏng, biến dạng hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc nhà nước để xử lý theo quy định về thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Điều 15. Lưu giữ, bảo quản, giao nhận, vận chuyển tiền bị hủy hoại trái pháp luật
1. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giữ lại một số tiền bị hủy hoại trái pháp luật làm tư liệu nghiên cứu. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quyết định số lượng, chủng loại và quy định việc quản lý, sử dụng số tư liệu này.
2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định việc đóng gói, bảo quản, giao nhận, vận chuyển tiền bị hủy hoại trái pháp luật trong phạm vi, thẩm quyền quản lý.
Điều 16. Thu nhận, tiêu hủy tiền bị hủy hoại trái pháp luật
1. Ngân hàng Nhà nước tổ chức thu nhận, tiêu hủy tiền bị hủy hoại trái pháp luật. Việc tiêu hủy tiền bị hủy hoại thực hiện theo quy định như đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
2. Việc tiêu hủy tiền bị hủy hoại trái pháp luật liên quan đến các vụ việc vi phạm pháp luật thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chương IV
QUẢN LÝ SAO, CHỤP HÌNH ẢNH TIỀN VIỆT NAM
Điều 17. Sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng phòng, chống tiền giả
1. Ngân hàng Nhà nước được phép sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam để phục vụ thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, giám định tiền, công tác đào tạo, nghiên cứu phát triển, thiết kế mẫu tiền và các công tác chuyên môn khác của Ngân hàng Nhà nước.
2. Cơ sở in, đúc tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước được phép sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu, phát triển nâng cao chất lượng và khả năng chống giả của đồng tiền Việt Nam.
3. Cơ quan giám định được phép sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam để phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích, giám định.
4. Các cơ quan, đơn vị khác trực thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này được phép sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
5. Việc sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này không áp dụng điều kiện quy định tại Điều 18 Nghị định này. Việc sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam quy định tại khoản 4 Điều này không áp dụng điều kiện quy định tại Điều 18 Nghị định này nhưng trên nguyên tắc thông báo trước cho Ngân hàng Nhà nước.
Điều 18. Điều kiện, tiêu chuẩn sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng quy định tại Điều 17 Nghị định này được phép sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam khi đảm bảo đáp ứng các điều kiện quy định sau:
a. Tất cả các bản sao, chụp không làm thay đổi hình ảnh của tiền Việt Nam ngoài việc phóng to, thu nhỏ hoặc sao, chụp theo góc nghiêng cùng tỷ lệ và phải đảm bảo tính toàn vẹn của hình chân dung, quốc huy trên mặt trước tờ tiền.
b. Không trích, ghép, kết hợp một phần hoặc toàn bộ hình ảnh đồng tiền Việt Nam với các nội dung, âm thanh, hình ảnh dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội và hoặc các nội dung, âm thanh, hình ảnh trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và pháp luật Việt Nam.
c. Việc sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam không nhằm mục đích thương mại, không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào trừ trường hợp dùng để viết báo, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu hoặc lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu hoặc chụp ảnh, truyền hình về đồng tiền Việt Nam được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu, tuyên truyền về đồng tiền Việt Nam.
d. Ngoài các điều kiện nêu tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, phải đảm bảo đồng thời đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:
- Sao, chụp một phần hình ảnh, hoa văn của tiền Việt Nam không vượt quá 1/3 diện tích mặt trước hoặc mặt sau tờ tiền.
- Sao, chụp hình ảnh một mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 75% hoặc lớn hơn 150% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá.
- Sao, chụp hình ảnh hai mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 50% hoặc lớn hơn 200% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá.
- Sao, chụp hình ảnh thành bản điện tử để đưa lên không gian mạng có độ phân giải tối đa không vượt quá 72dpi với kích thước tương đương tiền thật cùng mệnh giá.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng quy định tại Điều 17 Nghị định này muốn sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam nhưng không đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều này phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đảm bảo việc sử dụng hình ảnh tiền Việt Nam đúng mục đích; sau khi hoàn thành, phải hủy/xóa toàn bộ các bản phim, bản in, tập tin để tạo ra hình ảnh tiền Việt Nam, không lưu trữ dưới bất kỳ hình thức nào.
Điều 19. Hồ sơ đề nghị sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam
1. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 18 phải lập 01 (một) hồ sơ đề nghị sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước (Bộ phận Một cửa). Hồ sơ gồm:
a. Văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam (theo mẫu tại Phụ lục VI).
b. Bản phác thảo mẫu thiết kế/hình ảnh minh họa hoặc tài liệu liên quan sẽ sử dụng hình ảnh tiền Việt Nam.
2. Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời về việc sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam.
Chương V
QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG PHÒNG, CHỐNG TIỀN GIẢ VÀ BẢO VỆ TIỀN VIỆT NAM
Điều 20. Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
1. Bảo quản tiền Việt Nam trong quá trình quản lý, sử dụng.
2. Yêu cầu cơ quan chức năng giám định tiền giả, tiền nghi giả theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.
3. Kịp thời thông báo cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm nơi thuận tiện nhất về các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam và các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
4. Tuân thủ các quy định về sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam.
Điều 21. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Chịu trách nhiệm chính, toàn diện trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
2. Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan tổ chức công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật, hợp tác quốc tế về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Phối hợp với Bộ Công an kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam theo phạm vi, thẩm quyền quản lý; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan trong việc xử lý các trường hợp tiền giả, tiền nghi giả, tiền nghi bị hủy hoại và phối hợp trong công tác phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam theo quy định của pháp luật.
2. Phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan trong công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ tiền Việt Nam.
Điều 23. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước
1. Bảo đảm đồng tiền trong lưu thông bền, đẹp, có khả năng chống giả cao, thuận tiện trong quản lý, sử dụng và hướng dẫn các biện pháp bảo quản phù hợp với chất liệu đồng tiền nhằm làm tăng thời gian sử dụng đồng tiền trong lưu thông.
2. Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp nâng cao chất lượng, khả năng chống giả của đồng tiền Việt Nam.
3. Hướng dẫn, kiểm tra việc xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng; Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam đúng pháp luật; Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan trong công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ tiền Việt Nam.
Điều 24. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Hướng dẫn, phân bổ kinh phí, thực hiện chi ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan trực thuộc tổ chức thực hiện Nghị định này theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hướng dẫn, kiểm tra việc xử lý tiền giả, tiền nghi giả, tiền nghi bị hủy hoại theo phạm vi thẩm quyền quản lý.
Điều 25. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông
1. Quản lý thông tin của báo chí, quản lý nội dung phát thanh, truyền hình, quản lý xuất bản (bao gồm xuất bản, in, phát hành), quản lý thông tin điện tử đảm bảo đúng quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
2. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng nội dung thông tin tuyên truyền và hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ cở và hệ thống đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước phối hợp thực hiện thông tin truyền truyền về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Điều 26. Báo cáo và khen thưởng
1. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
2. Việc khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam do các Bộ, cơ quan nêu tại Khoản 1 Điều này xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật. Trường hợp các đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, các Bộ, cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ khen thưởng.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 27. Điều khoản thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày … tháng … năm … Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Điều 28. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.