CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2016/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày tháng năm 2016 |
DỰ THẢO |
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT LUẬT THƯƠNG MẠI VỀ XUẤT XỨ HÀNG HOÁ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với thương nhân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan xuất xứ hàng hóa quy định tại Luật Thương mại và Nghị định này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Xuất xứ hàng hóa” là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
2. "Quy tắc xuất xứ ưu đãi" là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa có cam kết hoặc thoả thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi về phi thuế quan.
3. "Quy tắc xuất xứ không ưu đãi" là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa ngoài quy định tại khoản 2 Điều này và trong các trường hợp áp dụng các biện pháp thương mại không ưu đãi về đối xử tối huệ quốc, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan, mua sắm chính phủ và thống kê thương mại.
4. “Chứng nhận xuất xứ hàng hóa” bao gồm Giấy chứng nhận xuất xứ được quy định tại khoản 5 Điều này hoặc Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được quy định tại khoản 6 Điều này.
5. "Giấy chứng nhận xuất xứ" là loại hình văn bản hoặc chứng từ điện tử do tổ chức thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hoá cấp dựa trên những quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá đó.
6. “Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa” là loại hình văn bản hoặc chứng từ điện tử được thương nhân tự phát hành theo hình thức được quy định tại Điều 7.
7. “Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa” là hình thức mà thương nhân tự khai báo và cam kết về xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu,hoặc hàng hóa nhập khẩu theo các quy định về xuất xứ hàng hóa theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
8. "Chuyển đổi mã số hàng hóa" là sự thay đổi về mã số HS (trong Biểu thuế xuất nhập khẩu) của hàng hóa được tạo ra ở một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trong quá trình sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ này.
9. "Tỷ lệ phần trăm của giá trị" là phần giá trị gia tăng có được sau khi nhà sản xuất của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ sản xuất, gia công, chế biến từ các nguyên liệu không có xuất xứ từ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ này so với tổng trị giá của hàng hoá được sản xuất ra.
10. “Thay đổi cơ bản” là việc một hàng hoá được biến đổi qua một quá trình sản xuất, để hình thành một vật phẩm thương mại mới, khác biệt về hình dạng, tính năng, đặc điểm cơ bản, hoặc mục đích sử dụng so với hàng hoá ban đầu.
11. "Sản xuất" là các phương thức để tạo ra hàng hoá bao gồm: trồng trọt, khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, chiết xuất, thu lượm, thu nhặt, đánh bắt, đánh bẫy, săn bắn, chế tạo, chế biến, gia công hay lắp ráp.
12.“Nguyên liệu” là bất cứ vật liệu hay chất liệu nào được sử dụng hoặc tiêu thụ trong quá trình sản xuất ra một hàng hóa, hoặc được kết hợp lại để tạo ra một hàng hóa, hoặc được sử dụng trong quá trình sản xuất ra một hàng hóa khác.
13. “Hàng hóa” bao gồm bất kỳ hàng hóa thương mại, sản phẩm, vật phẩm hoặc nguyên liệu, vật liệu nào.
Chương II
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUY TẮC XUẤT XỨ
Điều 4. Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan quy định chi tiết việc thi hành các Điều ước này.
Điều 5. Việc xác định xuất xứ hàng hoá xuất khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập và các ưu đãi đơn phương khác được thực hiện theo quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu dành cho các ưu đãi này.
Điều 6. Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ngoài hàng hóa được quy định tại khoản 1 và 2 Điều này và trong các trường hợp áp dụng các biện pháp thương mại không ưu đãi về đối xử tối huệ quốc, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan, mua sắm chính phủ và thống kê thương mại thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các Thông tư hướng dẫn.
Chương III
QUY TẮC XUẤT XỨ
Điều 7. Hàng hoá có xuất xứ
Hàng hoá được coi là có xuất xứ khi thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một quốc gia, vùng lãnh thổ như được quy định tại Điều 8; hoặc
2. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng đáp ứng các quy định tại Điều 9.
Điều 8. Hàng hoá có xuất xứ thuần tuý
Hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được coi là sản xuất toàn bộ tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa trong các trường hợp sau:
1. Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.
2. Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.
3. Các sản phẩm từ động vật sống nêu tại khoản 2 Điều này.
4. Các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.
5. Các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, không được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 4 tại Điều này, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.
6. Các sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia, vùng lãnh thổ, với điều kiện quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế.
7. Các sản phẩm đánh bắt và các hải sản khác đánh bắt từ vùng biển cả bằng tàu được đăng ký với quốc gia đó và được phép treo cờ của quốc gia đó.
8. Các sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất ngay trên tàu từ các sản phẩm nêu tại khoản 7 Điều này được đăng ký ở quốc gia, vùng lãnh thổ đó và được phép treo cờ của quốc gia, vùng lãnh thổ đó.
9. Các vật phẩm có được ở quốc gia, vùng lãnh thổ đó hiện không còn thực hiện được những chức năng ban đầu và cũng không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên liệu, vật liệu thô, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế.
10. Các hàng hoá có được hoặc được sản xuất từ các sản phẩm nêu từ khoản 1 đến khoản 9 Điều này ở quốc gia, vùng lãnh thổ đó.
Điều 9. Hàng hoá có xuất xứ không thuần tuý
1. Hàng hóa có xuất xứ không thuần tuý nêu tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này được công nhận có xuất xứ từ một quốc gia, vùng lãnh thổ khi quốc gia, vùng lãnh thổ đó thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa này.
2. Tiêu chí "Chuyển đổi mã số hàng hoá" là tiêu chí chính để xác định sự thay đổi cơ bản của hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều này.
Tiêu chí “Tỉ lệ phần trăm của giá trị” và tiêu chí “Công đoạn gia công hoặc chế biến hàng hóa” được lấy làm các tiêu chí bổ sung hoặc thay thế khi xác định thay đổi cơ bản của hàng hoá.
3. Bộ Công Thương ban hành Danh mục hàng hoá sử dụng tiêu chí "Tỷ lệ phần trăm của giá trị" và tiêu chí "Công đoạn gia công hoặc chế biến hàng hoá" quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 10. Những công đoạn gia công, chế biến đơn giản
1. Những công đoạn gia công chế biến dưới đây, khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là giản đơn và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hoá tại một quốc gia, vùng lãnh thổ:
a) Bảo đảm việc bảo quản hàng hoá trong tình trạng tốt khi vận chuyển hoặc lưu kho;
b) Hỗ trợ cho việc gửi hàng hoặc vận chuyển; và
c) Đóng gói hoặc trưng bày hàng hóa để bán.
2. Trường hợp nước nhập khẩu có quy định khác khoản 1 Điều này, thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu.
Điều 11. Xác định xuất xứ của bao bì, phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ, hàng hoá chưa được lắp ráp hoặc bị tháo rời
1. Vật phẩm dùng để đóng gói, nguyên liệu đóng gói, và bao bì của hàng hoá được coi như có cùng xuất xứ đối với hàng hoá mà nó chứa đựng và thường dùng để bán lẻ.
2. Vật liệu đóng gói và bao gói để chuyên chở và vận chuyển hàng hóa sẽ không được tính đến khi xác định xuất xứ của hàng hóa.
3. Tài liệu giới thiệu, hướng dẫn sử dụng hàng hoá; phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ đi kèm hàng hoá với chủng loại số lượng phù hợp cũng được coi là có cùng xuất xứ với hàng hoá đó.
4. Hàng hoá chưa được lắp ráp hoặc đang ở tình trạng bị tháo rời được nhập khẩu thành nhiều chuyến hàng do điều kiện vận tải hoặc sản xuất không thể nhập khẩu trong một chuyến hàng, nếu người nhập khẩu có yêu cầu, xuất xứ của hàng hóa trong từng chuyến hàng được coi là có cùng xuất xứ với hàng hoá đó.
Điều 12. Các yếu tố gián tiếp
1. Các yếu tố gián tiếp được coi là nguyên liệu có xuất xứ cho dù chúng được sản xuất từ bất kỳ nơi nào.
2. “Các yếu tố gián tiếp” là những yếu tố được sử dụng trong quá trình sản xuất, kiểm tra, hoặc thử nghiệm hàng hóa nhưng không cấu thành hàng hóa đó, hoặc là những yếu tố được sử dụng trong việc bảo dưỡng nhà xưởng hoặc vận hành thiết bị có liên quan tới việc sản xuất hàng hóa, bao gồm:
a. Nhiên liệu và năng lượng;
b. Dụng cụ, khuôn rập và khuôn đúc;
c. Phụ tùng và vật liệu dùng để bảo dưỡng thiết bị và nhà xưởng;
d. Dầu nhờn, chất bôi trơn, hợp chất và các nguyên vật liệu khác dùng trong sản xuất hoặc dùng để vận hành thiết bị và nhà xưởng;
e. Găng tay, kính, giày dép, quần áo, các thiết bị an toàn;
g. Các thiết bị, dụng cụ và máy móc dùng để thử nghiệm hoặc kiểm tra hàng hoá;
h. Chất xúc tác và dung môi;
i. Bất kỳ nguyên vật liệu nào khác không cấu thành hàng hoá nhưng việc sử dụng chúng phải chứng minh được là cần thiết trong quá trình sản xuất ra hàng hoá đó.
Chương IV
CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA
Điều 13. Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá
1. Giấy chứng nhận xuất xứ do các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cấp theo quy định.
2. Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá xuất khẩu phải nộp cho tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về nội dung bộ hồ sơ đó hoặc thực hiện việc khai báo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa qua mạng Internet tại trang thông tin điện tử www.ecosys.gov.vn và chịu trách nhiệm theo quy định của Bộ Công Thương.
3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khai báo qua hệ thống mạng Internet được xem xét giải quyết trước các hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
4. Tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ tiến hành kiểm tra bộ hồ sơ, để xác định xuất xứ hàng hoá xuất khẩu và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ trong thời gian không quá 8 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhận được bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Trong trường hợp cần phải kiểm tra thực tế thì thời hạn cấp có thể kéo dài nhưng không quá 05 ngày làm việc.
5. Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ không được cấp nếu hàng hoá không đáp ứng được quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan. Trường hợp cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ chối cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cần có thông báo nêu rõ lý do từ chối cấp.
6. Trong trường hợp cơ quan Hải quan, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu kiểm tra tính xác thực xuất xứ của hàng hoá, cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có trách nhiệm xác minh xuất xứ của hàng hoá đó và thông báo lại cho cơ quan, tổ chức đã yêu cầu về kết quả xác minh.
7. Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu theo quy tắc xuất xứ ưu đãi và quy tắc xuất xứ không ưu đãi.
Điều 14. Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
1. Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là việc thương nhân tự khai báo xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu thay cho Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa như quy định tại khoản 6, Điều 3.
2. Thương nhân được lựa chọn tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu theo phải đáp ứng các tiêu chí và quy định của Bộ Công Thương và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các khai báo về xuất xứ.
3. Căn cứ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, Bộ Công Thương quy định việc tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định về tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Điều 15. Quy định các trường hợp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan.
Trong những trường hợp sau, Chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hàng hoá nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan tại thời điểm làm thủ tục hải quan:
1. Hàng hoá có xuất xứ từ nước hoặc nhóm nước được Việt Nam cho hưởng các ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, nếu người nhập khẩu muốn được hưởng các chế độ ưu đãi đó.
2. Hàng hóa có xuất xứ từ những nước được Việt Nam cho hưởng ưu đãi theo thuế suất tối huệ quốc Việt Nam trên cơ sở có đi có lại hoặc trên cơ sở đơn phương.
Trong trường hợp không có Giấy chứng nhận xuất xứ thì người nhập khẩu phải có cam kết hàng hóa có xuất xứ từ những nước đó và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về nội dung cam kết đó.
3. Hàng hoá thuộc diện phải tuân thủ theo các chế độ quản lý nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo các Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt Nam và nước hoặc nhóm nước cùng là thành viên.
4. Hàng hoá thuộc diện do Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát.
5. Hàng hoá nhập khẩu từ các nước thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng.
Điều 16. Xác nhận trước xuất xứ hàng hóa nhập khẩu
Người nhập khẩu nếu có nhu cầu xác nhận trước xuất xứ cho hàng nhập khẩu phải gửi văn bản, tài liệu liên quan đề nghị cơ quan Hải quan xác nhận bằng văn bản về xuất xứ cho lô hàng sắp được nhập khẩu.
Điều 17. Thủ tục xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hoá nhập khẩu
1. Sau khi nhận được bộ hồ sơ đăng ký Tờ khai Hải quan của người nhập khẩu, cơ quan Hải quan tiến hành xem xét việc xác định xuất xứ của hàng hoá nhập khẩu.
2. Đối với hàng hoá đã nhập khẩu phù hợp với hàng hoá được nêu trong xác nhận trước về xuất xứ, cơ quan Hải quan không xác định lại xuất xứ. Trường hợp phát hiện hàng hoá đã nhập khẩu không phù hợp với hàng hoá được nêu trong xác nhận trước về xuất xứ, cơ quan Hải quan căn cứ theo các quy định tại Nghị định này để xác định lại xuất xứ của hàng hoá nhập khẩu.
3.Trong trường hợp có nghi ngờ tính xác thực của chứng từ hoặc mức độ chính xác của thông tin liên quan đến xuất xứ của hàng hoá, cơ quan Hải quan có thể gửi yêu cầu kiểm tra cùng với Giấy chứng nhận xuất xứ có liên quan tới tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ.
Trong trường hợp kết quả kiểm tra nêu trên chưa đủ thông tin để kết luận, cơ quan Hải quan có thể đề nghị đi kiểm tra trực tiếp cơ sở sản xuất tại nước xuất khẩu hàng hóa.
4. Đối với hình thức tự chứng nhận xuất xứ, để xác định hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa có xuất xứ, cơ quan Hải quan có thể tiến hành xác minh bằng các hình thức sau:
(a) gửi văn bản yêu cầu tới người nhập khẩu đề nghị cung cấp thông tin;
(b) gửi văn bản yêu cầu tới người xuất khẩu hoặc người sản xuất đề nghị cung cấp thông tin;
(c) kiểm tra thực tế các cơ sở của người xuất khẩu hoặc người sản xuất hàng hoá;
5. Văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh xuất xứ phải nêu rõ lý do yêu cầu, các nội dung cần xác minh xuất xứ và các thông tin nghi ngờ về tính xác thực của Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc chứng từ chứng nhận xuất xứ. Trong trường hợp xác minh thực tế cơ sở sản xuất, yêu cầu văn bản chấp thuận của người xuất khẩu hoặc người sản xuất có cơ sở sản xuất sẽ được kiểm tra, và nêu ngày dự kiến và địa điểm kiểm tra và mục đích cụ thể.
4. Trong khi chờ kết quả kiểm tra, hàng hóa chưa được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng vẫn được phép thông quan theo quy định.
5. Việc kiểm tra được quy định tại khoản 3 và 4 Điều này phải được hoàn thành trong thời gian sớm nhất nhưng không quá 150 ngày, kể từ thời điểm người nhập khẩu nộp bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, hoặc trong khoảng thời gian dài hơn theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Điều 18. Lưu trữ hồ sơ
1.Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ phải lưu trữ hồ sơ, chứng từ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ trong thời hạn ít nhất ba (03) năm kể từ ngày được cấp C/O.
2. Tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ và các chứng từ liên quan tới việc cấp đó trong thời hạn ít nhất ba (03) năm kể từ ngày cấp.
3. Cơ quan Hải quan lưu trữ hồ sơ liên quan đến xác định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn ít nhất ba (03) năm kể từ ngày nhận hồ sơ đó.
3. Thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa chịu trách nhiệm lưu trữ các hồ sơ, báo cáo và tài liệu để chứng minh hàng hóa tự khai báo xuất xứ đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo quy định và các chứng từ liên quan, trong thời gian ít nhất là ba (03) năm, kể từ ngày phát hành Chứng nhận xuất xứ hàng hóa và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
4. Hồ sơ, tài liệu, chứng từ nêu tại khoản 1 đến 3 Điều này có thể được lưu trữ dưới dạng văn bản hoặc dữ liệu điện tử.
5. Trong trường hợp các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có quy định thời gian lưu trữ hồ sơ, chứng từ được quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này dài hơn ba (03) năm thì người đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ quan Hải quan, thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định của các Điều ước quốc tế đó.
Chương V
ỦY QUYỀN CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA
Điều 19. Điều kiện được ủy quyền
1. Cơ quan, tổ chức được xem xét ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ phải đảm bảo và duy trì cơ sở vật chất như trụ sở có địa điểm để đón tiếp thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, hệ thống máy tính đáp ứng việc cấp, lưu trữ hồ sơ và kết nối báo cáo với Bộ Công Thương kịp thời; có đội ngũ nhân sự được đào tạo tại các khóa đào tạo của Bộ Công Thương về xuất xứ hàng hóa.
2. Thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng các tiêu chí và quy định của Bộ Công Thương.
Điều 20. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, thương nhân được ủy quyền
1. Duy trì điều kiện hoạt động, cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự theo quy định tại Điều 19.
2. Đảm bảo tất cả các cán bộ ký tên trên Giấy chứng nhận xuất xứ phải có Giấy chứng nhận đào tạo tham gia khóa đào tạo về xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương tổ chức.
3. Thực hiện nghĩa vụ báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Bộ Công Thương tại các Thông tư hướng dẫn thủ tục cấp và quản lý việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ và tổ chức thực hiện việc tự chứng nhận xuất xứ.
4. Lưu trữ các hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc cấp Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ dưới hình thức phù hợp để phục vụ truy xuất dễ dàng trong thời hạn theo quy định tại Điều 16.
Điều 21. Thu hồi ủy quyền
Trong trường hợp các cơ quan, tổ chức, thương nhân đã được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ không duy trì, đảm bảo điều kiện hoạt động, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân sự và không thực hiện đúng theo quy định tại Điều 19 và Điều 20, Bộ Công Thương sẽ xem xét thu hồi việc ủy quyền.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương
1. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
2. Tổ chức việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu; trực tiếp cấp hoặc ủy quyền cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức khác thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
3. Căn cứ việc kiểm tra điều kiện được ủy quyền của các cơ quan, tổ chức, thương nhân theo quy định tại Điều 19 để tiến hành ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
4. Quản lý hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phổ biến, tuyên truyền, thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa.
5. Chủ trì đàm phán về Quy tắc xuất xứ theo các Điều ước quốc tế.
Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính:
1. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu, hàng hoá nhập khẩu.
2. Tổ chức thực hiện quy chế kiểm tra xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu, hàng hoá nhập khẩu.
3. Tổ chức mạng lưới thông tin, chế độ báo cáo, xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện công tác kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa nhập khẩu.
Điều 24. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan có liên quan
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hoá theo quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan.
Chương VI
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI
Điều 25. Xử lý vi phạm
1. Mọi hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Cán bộ, công chức và cá nhân thuộc các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc thương nhân tự chứng nhận xuất xứ, vi phạm các quy định tại Nghị định này hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc sử dụng Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ không đúng theo quy định của Nghị định này, hoặc gây khó khăn, cản trở trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ kiểm tra xuất xứ hàng hoá, có hành vi vi phạm khác trong khi thi hành nhiệm vụ, tùy theo tính chất, mức độ, mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp việc vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
3. Chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ bị sử dụng sai mục đích hoặc được cấp do thực hiện những hành vi trái pháp luật sẽ bị thu hồi
Điều 26. Giải quyết khiếu nại đối với xuất xứ hàng hoá
Trong trường hợp bị từ chối cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hoá xuất khẩu hoặc bị từ chối công nhận xuất xứ của hàng hoá nhập khẩu hoặc bị từ chối cấp Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ, người đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ, thương nhân đề nghị cấp Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hoặc người nhập khẩu có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại và tố cáo.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 27. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày tháng năm 2016.
2. Trừ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến xuất xứ ưu đãi nhằm thực thi các Điều ước quốc tế, các quy định về xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, hàng hoá nhập khẩu trái với những quy định tại Nghị định này đều bị bãi bỏ.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.