NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 70/TTr-NHNN | Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 2014 |
TỜ TRÌNH
VỀ VIỆC BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐÀM PHÁN VÀ ĐỀ XUẤT KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH TÀI TRỢ CHƯƠNG TRÌNH ĐÔ THỊ MIỀN NÚI PHÍA BẮC VAY VỐN WB
Kính gửi: Chính phủ
Được sự ủy quyền của Chủ tịch nước tại Quyết định số 874/QĐ-CTN ngày 24/4/2014, từ ngày 26-28/4/2014, Đoàn đàm phán liên ngành của Việt Nam (Đoàn đàm phán Việt Nam) do Bà Đoàn Hoài Anh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm trưởng đoàn, đã tiến hành đàm phán với Đoàn đàm phán của Ngân hàng Thế giới (Đoàn đàm phán WB) về Hiệp định Tài trợ và các văn bản pháp lý liên quan (các thư bổ sung, thư giải ngân, dự thảo Đánh giá Hệ thống Môi trường và Xã hội, dự thảo Đánh giá Minh bạch Tài chính của Chương trình, và dự thảo Đánh giá Kỹ thuật, và Tài liệu thẩm định) của Chương trình Đô thị miền núi Phía Bắc. Theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế số 41/2005/QH11 ngày 14/6/2005, NHNN với tư cách là Cơ quan đề xuất đàm phán xin báo cáo Chính phủ những nội dung liên quan đến đàm phán Dự án và ký kết Hiệp định Tài trợ như sau:
I. KẾT QUẢ ĐÀM PHÁN DỰ ÁN
Đoàn đàm phán Việt Nam đã thống nhất với Đoàn đàm phán WB các nội dung của Hiệp định Tài trợ và tài liệu pháp lý liên quan với các nội dung như sau:
1. Tên đầy đủ của Điều ước quốc tế:
- Tên tiếng Việt: Hiệp định Tài trợ giữa Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển Quốc tế cho Chương trình Đô thị miền núi phía Bắc.
- Tên tiếng Anh: "Financing Agreement for Results-based National Urban Development Program in the Northern Mountains Region between the Socialist Republic of Vietnam and the International Development Association".
Tên tiếng Việt đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 189/QĐ-TTg ngày 25/1/2014.
2. Hình thức Điều ước quốc tế: Hiệp định Tài trợ.
3. Danh nghĩa ký: Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
4. Đại diện ký: Lãnh đạo NHNN được Chủ tịch nước ủy quyền.
5. Ngôn ngữ: tiếng Anh.
6. Hình thức hiệu lực: Chủ tịch nước phê chuẩn Điều ước quốc tế.
7. Thời hạn yêu cầu để Hiệp định có hiệu lực: 90 ngày sau ngày ký Hiệp định.
8. Nội dung chính của Hiệp định Tài trợ: Hiệp định Tài trợ đã được đàm phán và dự kiến ký kết giữa nước CHXHCN Việt Nam và Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc Nhóm WB gồm 06 điều, 03 Phụ lục và 01 Phụ đính. Theo đó, WB cam kết tài trợ cho Việt Nam một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 250 triệu USD theo các điều khoản quy định trong Hiệp định Tài trợ để thực hiện Chương trình với mục tiêu nhằm từng bước thực hiện các định hướng, chương trình quốc gia về phát triển đô thị đã được Chính phủ thông qua như "Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009-2020" và " Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2012-2020", qua đó góp phần giảm nghèo cho các đô thị vùng miền núi phía Bắc. Chương trình được thực hiện tại 07 tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái. Cơ quan điều phối là Bộ Xây dựng.
Nội dung các điều khoản tài chính của Khoản tín dụng bao gồm: thời hạn vay là 25 năm, trong đó có 5 năm ân hạn, lãi suất là 1,25 %/năm, phí dịch vụ là 0,75 %/năm, phí cam kết tối đa là 0,5 %/năm. Số tiền của khoản tín dụng này sẽ hỗ trợ thực hiện Chương trình theo 3 hoạt động chính sau đây:
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các tỉnh tham gia Chương trình trên cơ sở giải ngân dựa trên kết quả;
- Hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh tham gia Chương trình; và
- Hỗ trợ xây dựng và giám sát chính sách quốc gia.
Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam và Đoàn đàm phán của WB đã thống nhất các nội dung của dự thảo Hiệp định Tài trợ ngày 26/4/2014.
9. Thời gian thực hiện Hiệp định: Ngày đóng tài khoản của Hiệp định là ngày 30/6/2021. Theo thiết kế, các hoạt động đầu tư xây dựng và nghiên cứu chính sách của Chương trình phải hoàn thành trước 31/12/2020. Tuy nhiên, Chương trình cần bổ sung 6 tháng để cơ quan xác minh độc lập (Kiểm toán Nhà nước) tiến hành xác minh kết quả thực hiện năm 2020 (đây là yêu cầu cần thiết đối với chương trình giải ngân dựa trên kết quả). Do vậy, hai Đoàn đàm phán thống nhất ngày đóng tài khoản là ngày 31/6/2021.
10. Điều kiện hiệu lực: Hiệp định Tài trợ có hiệu lực khi được Chủ tịch nước phê chuẩn và Bộ Tư pháp cấp Ý kiến Pháp lý.
11. Đoàn Việt Nam và Đoàn WB đã thống nhất các tài liệu liên quan của Chương trình gồm: Đánh giá Hệ thống Môi trường và Xã hội, Đánh giá Minh bạch Tài chính của Chương trình, Đánh giá Kỹ thuật, Tài liệu Thẩm định Dự án, Thư giải ngân, Thư bổ sung, và Biên bản đàm phán Dự án. Các tài liệu pháp lý của Dự án sẽ được Đoàn đàm phán WB trình Ban Giám đốc Điều hành WB phê duyệt vào ngày 5/6/2014.
II. NỘI DUNG ĐỀ XUẤT KÝ HIỆP ĐỊNH TÀI TRỢ
Trên cơ sở các nội dung đã đàm phán nêu trên, NHNN xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan đến đề xuất ký kết quy định tại Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế như sau:
1. Sự cần thiết, yêu cầu và mục đích của Hiệp định Tài trợ: Việc ký Hiệp định Tài trợ sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu nâng cấp, phát triển đô thị cho các tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc, bao gồm cải thiện điều kiện vật chất cho các khu vực thu nhập thấp được ưu tiên và xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Đồng thời, việc triển khai Chương trình đô thị miền núi phía Bắc sẽ gắn kết đầu tư hạ tầng đô thị với tăng cường năng lực địa phương để cải thiện hiệu quả công việc, tiến tới nâng cao hiệu quả hoạt động và tác động của các dự án phát triển tại khu vực này.
2. Tên gọi, hình thức và các nội dung liên quan đến Hiệp định Tài trợ: Đoàn đàm phán Việt Nam và Đoàn đàm phán WB đã thống nhất và báo cáo tại Mục I.
3. Cam kết thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh theo Hiệp định Tài trợ: Việt Nam được quyền sử dụng vốn vay theo Hiệp định để tài trợ cho các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu đã cam kết của Chương trình. Đối với các Hiệp định Tài trợ và Hiệp định Vay trước đây mà Việt Nam đã ký với WB đến nay (149 Hiệp định, gồm Hiệp định Tài trợ và Hiệp định Vay), phía Việt Nam đã và đang thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ phát sinh theo các Hiệp định này.
4. Tác động chính trị, kinh tế - xã hội và những tác động khác của Hiệp định Tài trợ: Việc thực hiện các quy định tại Hiệp định Tài trợ sẽ tạo điều kiện để các tỉnh miền núi phía Bắc lập kế hoạch, thực hiện đầu tư và duy trì các dịch vụ cơ sở hạ tầng ưu tiên thông qua các hệ thống và năng lực được tăng cường với sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng. Các tỉnh tham gia có khả năng xây dựng, đầu tư tài chính, thực hiện và duy trì một kế hoạch đầu tư các hạng mục dài hạn và có tính chiến lược để quản lý một cách có hiệu quả việc thúc đẩy phát triển đô thị. Đồng thời, Chương trình đô thị miền núi phía Bắc sẽ góp phần tăng cường khả năng tiếp cận với các hạ tầng kỹ thuật và xã hội chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương (người nghèo, người cận nghèo, các dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em).
5. Tuân thủ các nguyên tắc của Điều 3 theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế: Việc ký kết Hiệp định Tài trợ với WB phù hợp với các nguyên tắc nêu tại Điều 3 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế.
6. Sự phù hợp của Hiệp định Tài trợ với nội dung điều ước quốc tế về cùng một lĩnh vực: Tính đến nay, Việt Nam đã đàm phán và ký kết gần 50 Hiệp định với WB để tài trợ cho các chương trình/dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Hiệp định Tài trợ này không trái với các Hiệp định mà Việt Nam đã ký trước nay trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Phương thức giải ngân dựa trên kết quả quy định trong Hiệp định Tài trợ này phù hợp với quy định tại Hiệp định Tài trợ số 5176-VN đã được đại diện của Việt Nam và đại diện của WB ký ngày 22/2/2013 trong khuôn khổ Chương trình Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn phương thức dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng.
7. Mức độ tương thích giữa quy định của Hiệp định Tài trợ và quy định của pháp luật Việt Nam: Hiệp định Tài trợ dự kiến được ký kết dưới hình thức Điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước là phù hợp với quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Điều 7 và Điều 11 của Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước Quốc tế năm 2005.
8. Kiến nghị bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố ký kết với điều ước quốc tế nhiều bên: Không có.
9. Áp dụng điều ước quốc tế: Áp dụng trực tiếp Hiệp định Tài trợ.
10. Về kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Hiệp định Tài trợ: Không có
11. Ý kiến của các cơ quan liên quan: theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về báo cáo kết quả đàm phán, NHNN đã có văn bản lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về kết quả đàm phán dự án và đề xuất ký Hiệp định Tài trợ. Đến nay, NHNN đã nhận được ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, và Bộ Tư pháp. Các cơ quan nêu trên đều nhất trí với kết quả đàm phán và nội dung đề xuất ký Hiệp định Tài trợ. Các nội dung góp ý mang tính kỹ thuật đã được NHNN cập nhật trong Tờ trình Chính phủ.
III. KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở kết quả đàm phán và các nội dung đề nghị ký kết Hiệp định Tài trợ và các văn kiện liên quan của Chương trình Đô thị miền núi phía Bắc, NHNN kính đề nghị Chính phủ:
- Xem xét thông qua kết quả đàm phán Chương trình Đô thị miền núi phía Bắc; và
- Trình Chủ tịch nước: (i) Quyết định ký kết Hiệp định Tài trợ và các văn bản liên quan của Chương trình Đô thị miền núi phía Bắc; và (ii) Ủy quyền cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thay mặt nước CHXHCN Việt Nam ký Hiệp định Tài trợ và các văn bản liên quan của Chương trình với đại diện của WB;
Trên đây là báo cáo của NHNN về kết quả đàm phán và đề xuất ký kết Hiệp định Tài trợ và các văn bản liên quan của Chương trình nêu trên.
Kính trình Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo thực hiện./.
- Như trên; | KT. THỐNG ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.