VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 68/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI BUỔI LÀM VIỆC CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỚI TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
Ngày 24 tháng 02 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2009, có tính đến năm 2010. Tham dự họp có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; lãnh đạo các cơ quan: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; đồng chí Thái Phụng Nê, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ; các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam.
Sau khi nghe lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo, ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ; ý kiến của đại diện lãnh đạo các cơ quan dự họp; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Đánh giá chung
Năng lượng, trước hết là điện, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng. Nhận thức được vai trò đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, về cơ bản đã hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Chính phủ đánh giá cao đóng góp của Tập đoàn trong việc cung ứng điện năng cho nền kinh tế và đời sống, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động, góp phần vào thành tựu chung của cả nước và đã đạt được những kết quả thiết thực:
- Cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội: điện năng thương phẩm năm 2008 đạt gần 66 tỷ KWh, tăng 12,8% so với năm 2007. Nhu cầu điện tăng cao liên tục, giai đoạn 2000 - 2008 tốc độ tăng bình quân đạt 14,4%. Tuy nhiên, điện thương phẩm bình quân đầu người năm 2008 mới đạt gần 800 KWh, thấp hơn nhiều so với yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Đã đầu tư xây dựng nhiều công trình nguồn và lưới điện, tổng vốn đầu tư 3 năm 2006-2008 đạt trên 96 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm trên 32 nghìn tỷ đồng; công suất nguồn điện mới đưa vào vận hành trong 3 năm 2006 - 2008 gần 2.200 MW; các năm 2009, 2010 công suất mới dự kiến đưa vào có nhiều hơn: năm 2009 là 2.700 MW, năm 2010 là 2.300 MW.
- Thực hiện bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp Ngân sách Nhà nước, cân bằng được tài chính. Năm 2008 doanh thu đạt trên 66 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2007, nộp ngân sách Nhà nước đạt 3.408 tỷ đồng. Giá trị tài sản cố định tăng nhanh, nguyên giá tài sản cố định cuối năm 2006 mới có trên 139 nghìn tỷ đồng, đến cuối năm 2008 đạt gần 172 nghìn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn tăng nhanh, năm 2006 là 49 nghìn tỷ đồng, đến năm 2008 đạt gần 72 nghìn tỷ đồng.
- Tỷ lệ tổn thất điện năng bình quân mỗi năm giảm được gần 0,93%; năm 2008 tỷ lệ tổn thất đã giảm xuống còn 9,35%.
- Năng suất lao động trong sản xuất kinh doanh điện tăng hàng năm, chỉ tiêu điện phân phối bình quân cho một lao động năm 2008 tăng 11,6% so với năm 2007.
- Thực hiện có kết quả nhiều chương trình đầu tư cho điện nông thôn và tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn; đến cuối năm 2008, trên 97% số xã và 94% số hộ nông dân có điện. Việc này thể hiện sự ưu việt trong chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
- Từng bước phát triển kinh doanh đa ngành: về viễn thông đã cung cấp đầy đủ các loại hình dịch vụ, có hệ thống đường trục cáp quang mạnh đến tất cả các tỉnh thành trong cả nước, đến cuối năm 2008 đã có trên 3,67 triệu khách hàng. Về cơ khí chế tạo, năm 2008 tổng doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 51,1% so với năm 2007, đã sản xuất được các máy biến áp đến cấp điện áp 220kV và chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công cho các nhà máy thủy điện lớn.
Tuy nhiên, Tập đoàn còn một số tồn tại, nổi rõ là: còn lúng túng trong điều hành khi xảy ra tình trạng thiếu điện. Năm 2008, việc cấp điện thiếu hụt kéo dài, xẩy ra trên diện rộng làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế gây bức xúc cho người dân và các doanh nghiệp; tiến độ xây dựng nhiều công trình nguồn và lưới điện không đảm bảo, điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện các năm qua mà có thể ảnh hưởng đến việc cấp điện cho các năm tới. . .
2. Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2009, định hướng năm 2010
Năm 2009, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, suy giảm kinh tế ở những khu vực kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Vì vậy, Tập đoàn cần tiếp tục nỗ lực để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội; tập trung đầu tư, đảm bảo tiến độ các công trình nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VI để đáp ứng nhu cầu điện cho các năm tới.
Tỷ trọng điện sản xuất của các nhà máy thuộc Tập đoàn và các nhà máy Tập đoàn chiếm cổ phần chi phối hiện nay chiếm gần 70%, trong các năm tới tỷ lệ này có thể giảm, nhưng Tập đoàn và các đơn vị phát điện nhà nước vẫn phải đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nhu cầu điện cho phát triển kinh tế của đất nước.
Ngoài phát triển nguồn điện, Tập đoàn cần chú trọng hơn nữa đến phát triển lưới điện; lưới truyền tải cần được đầu tư đón đầu, phát triển đường dây có nhiều mạch, nhiều cấp điện áp đi trên cùng một cột để tiết kiệm đất; phát triển lưới điện phân phối để đáp ứng nhu cầu điện tăng thêm và nâng cao chất lượng điện. Từ ngày 01 tháng 3 tới, giá bán điện tăng gần 9% và dần chuyển sang thực hiện theo cơ chế thị trường; giá tăng, chất lượng dịch vụ cần phải tăng.
Việc đầu tư để đáp ứng cho nhu cầu mới cần phải chú ý đến việc sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả. Mặc dù mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, nhưng sử dụng điện vẫn chưa có hiệu quả, thể hiện ở chỗ GDP tăng 1% trong khi đó điện tăng gần 2%; trong khi trên thế giới, GDP tăng 1%, điện chỉ tăng dưới 1%. Việc tiết kiệm không chỉ là giảm tổn thất điện năng, mà còn phải tiết kiệm trong các khâu sản xuất và sử dụng điện; phát triển các dự án công nghiệp có giá trị gia tăng cao, tiêu thụ điện năng thấp; không phát triển các dự án có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều điện.
Chính phủ ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vốn ODA cho các dự án điện; tuy nhiên EVN cần chủ động tìm các nguồn vốn khác, như: vay thương mại, phát hành trái phiếu, tín phiếu, tín dụng người mua, tín dụng người bán… Lợi nhuận thu được cần tập trung cho đầu tư phát triển điện. Trước mắt cần thu xếp đủ vốn cho năm 2009 là gần 50 nghìn tỷ đồng.
Công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ các công trình điện cũng cần được thực hiện quyết liệt hơn. Các thành viên Hội đồng quản trị của Tập đoàn cũng phải tham gia làm việc với các địa phương để tháo gỡ.
Giao Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp chỉ đạo công tác thu xếp vốn và giải phóng mặt bằng các công trình điện trọng điểm.
Vi�c hình thành thị trường, đưa cạnh tranh vào ngành điện là cần thiết với mục đích cung cấp điện ổn định, tin cậy và chất lượng ngày càng cao; thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động điện lực.
Năm 2009, Tập đoàn cần thực hiện tốt các chỉ tiêu sau đây:
- Về sản xuất: sản lượng điện thương phẩm 74,68 tỷ kWh, tăng 11,33% so với năm 2008; giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống dưới 8,85%. Tăng năng suất lao động 7-12% so với năm 2008; tiết kiệm chi phí 5%.
- Về đầu tư phát triển:
+ Đưa vào vận hành 9 công trình nguồn điện với tổng công suất 2.700MW, bao gồm các nhà máy thủy điện: Plêikrông, Sê San 4, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Sông Ba Hạ, Bản Vẽ; các nhà máy nhiệt điện: Hải Phòng I, Quảng Ninh I, Ô Môn I.
+ Khởi công xây dựng 4 dự án nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 3.800 MW: Nghi Sơn 1, Mông Dương 1, Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 2. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án điện theo Quy hoạch điện VI.
+ Phát triển đồng bộ các dự án lưới điện truyền tải và phân phối để đảm bảo an ninh cung cấp điện và nâng cao chất lượng điện.
+ Tiếp nhận các xã để bán điện trực tiếp đến hộ nông dân; tiếp tục triển khai các dự án đưa điện về nông thôn. Mục tiêu đến năm 2010, các hộ dân nông thôn được mua điện với giá quy định.
- Về phát triển đa ngành: ưu tiên cho phát triển cơ khí điện, viễn thông; không đầu tư vào các ngành khác. Cơ khí điện đã chế tạo được máy biến áp 110 -220 KV, cần nghiên cứu để chế tạo được cấp điện áp 500 KV.
Về phát triển nguồn nhân lực: ưu tiên phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động để có thể nâng cao tiền lương cho người lao động.
Về những định hướng chủ yếu cho năm 2010:
Năm 2010, dự báo nền kinh tế thế giới có khả năng ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, kinh tế trong nước có thể tăng trở lại với tốc độ cao hơn. Vì vậy, Tập đoàn cần chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh, với mục tiêu cụ thể như sau:
- Đáp ứng nhu cầu điện tăng khoảng 14 - 15% so với năm 2009, điện thương phẩm đạt 85 - 86 tỷ KWh.
- Thu xếp đủ vốn và tập trung đầu tư để đưa khoảng 2.300 MW nguồn điện mới và lưới điện đồng bộ vào vận hành, trong đó có tổ máy số 1 thủy điện Sơn La, thủy điện Srepok 3, nhiệt điện Quảng Ninh II, Hải Phòng II, v.v... Tiếp tục triển khai chuẩn bị đầu tư các công trình được giao trong Quy hoạch điện VI.
Để Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị là bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và tháo gỡ các khó khăn cho Tập đoàn, các Bộ ngành cần thực hiện những việc sau đây:
a) Bộ Công Thương
- Rà soát, hiệu chỉnh lại Quy hoạch điện VI và chuẩn bị lập Quy hoạch điện VII nhằm bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế đất nước. Dự báo tốc độ tăng nhu cầu điện cho phù hợp với tình hình hiện nay, trên cơ sở đó kiến nghị các dự án điện cần phải đầu tư, phân công lại (nếu cần) cho các đơn vị. Các chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, các dự án nguồn điện cấp thiết chậm triển khai thì chuyển giao lại cho các Tập đoàn đủ năng lực thực hiện. Các doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm chính trong phát triển nguồn điện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ yếu tham gia phát triển các nguồn điện sử dụng khí đốt, Tập đoàn Than và Khoáng sản chủ yếu phát triển các nhà máy đốt than và cung cấp than . . . , nhưng chủ lực vẫn là EVN; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia với tỷ lệ nhất định. Các đơn vị được giao dự án đầu tư phải đảm bảo thực hiện đúng tiến độ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc.
- Cân đối các nguồn nhiên liệu: than, dầu, khí sử dụng cho phát điện đến năm 2015, trên cơ sở đó chỉ đạo các Tập đoàn có liên quan chuẩn bị.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét phân cấp cho Tập đoàn được quyết định đầu tư đối với các dự án điện sử dụng vốn ODA, nếu việc phân cấp không trái với quy định của các điều ước quốc tế về ODA mà Việt Nam đã cam kết.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng EVN làm việc với các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nghệ An, Thái Nguyên. . ., để tháo gỡ các vướng mắc khi thực hiện Dự án Năng lượng nông thôn II.
- Phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo EVN và Chủ đầu tư phát triển dự án để giải quyết các vướng mắc trong đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA); trường hợp cần thiết, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Khẩn trương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; trong đó chú ý xây dựng chiến lược tiết kiệm điện trong cả sản xuất và tiêu dùng.
- Phối hợp với các Bộ, ngành đánh giá tình hình thực hiện cổ phần hóa các công trình điện, các mặt được và chưa được trong việc thực hiện cổ phần hóa các nhà máy điện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện cổ phần hóa dự án điện và giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong trong lĩnh vực phát điện.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA cho các dự án điện đang triển khai theo Quy hoạch điện VI.
- Phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn ngân sách cho dự án cấp điện cho các thôn, buôn của 5 tỉnh Tây Nguyên; dự án thủy điện Quảng Trị.
- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc đàm phán với Ngân hàng Châu Á (ADB) về dự án Phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng, cải tạo lưới điện cho các xã vùng sâu, vùng xa, trong đó có các thôn, buôn của các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Cho phép áp dụng hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dựng đất đối với diện tích sử dụng vào mục đích lòng hồ thủy điện. Đối với các công trình điện khác, Bộ làm việc với Tập đoàn để xem xét miễn, giảm phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách đối với diện tích đất sử dựng xây dựng các công trình điện vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 .
- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, cùng Tập đoàn làm việc tại các tỉnh để tháo gỡ các vướng mắc trong giải phòng mặt bằng các dự án điện; trước mắt đẩy nhanh tiến độ giải phòng mặt bằng các dự án: nhiệt điện Nghi Sơn 1; các đường dây 500kV Nhà Bè - Cai Lậy, Thường Tín - Quảng Ninh.
d) Bộ Tài chính
Xem xét việc tăng vốn điều lệ phù hợp với qui mô Tập đoàn, bảo đảm đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
đ) Bộ Giao thông vận tải
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường tránh ngập Quốc lộ 28, hoàn thành trước tháng 4 năm 2010 để tích nước hồ, phục vụ phát điện dự án thuỷ điện Đồng Nai 3 .
e) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại thu xếp đủ vốn cho các dự án đang thi công, các dự án chuẩn bị đầu tư: Uông Bí MR 2, Huội Quảng, Bản Chát và Lai Châu.
g) Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Phối hợp với Tập đoàn tiếp tục cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với công tác đền bù, tái định cư các dự án thủy điện và chế tạo thiết bị trong nước; trước mắt ưu tiên cho phần đền bù, tái định cư thủy điện Sơn La.
h) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; không được để công tác bồi thường, tái định cư làm chậm tiến độ các dự án.
Các Bộ ngành cần thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao trong cuộc họp này và Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 11 tháng 02 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Quy hoạch điện VI. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.