VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 56/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI BUỔI HỌP BÀN VỀ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
Ngày 10 tháng 02 năm 2009 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp bàn về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Hội Nông dân Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Đề án đào tạo nghề cho nông dân đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo cuộc họp của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
1. Việc xây dựng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhằm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là vấn đề lớn, cần triển khai sớm.
2. Quan điểm, mục tiêu, nội dung, giải pháp của Đề án phải căn cứ vào Nghị quyết số 26/NQ/TƯ ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Quyết định số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010; Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và Nghị quyết 30A/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Cần làm rõ các nội dung chính sau:
a) Đề án tổng thể đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, bổ sung vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục và đào tạo đến năm 2010 và 2020 bao gồm 03 Đề án thành phần: đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp hiện đại; dạy nghề cho nông dân và con em nông dân để chuyển dịch cơ cấu lao động: làm công nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu lao động; đào tạo, nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở ở nông thôn.
b) Về đối tượng đào tạo: cần xác định rõ đối tượng, ngành nghề đào tạo hợp lý, chú ý xác định rõ về độ tuổi, tính đặc thù về học vấn, nhận thức, điều kiện học tập theo vùng, miền, dân tộc của lao động nông thôn để đào tạo, đồng thời làm rõ cơ cấu và số lượng lao động nông thôn sẽ được đào tạo trong tổng số 1 triệu lao động hàng năm, đảm bảo từ nay trở đi có đủ lực lượng lao động trẻ làm nông nghiệp ở các vùng trong cả nước.
c) Chương trình, tài liệu, học cụ phải đáp ứng mục đích yêu cầu và đối tượng.
d) Xác định cơ chế quản lý, hình thức đào tạo hợp lý đối với các cơ sở đào tạo nghề cho nông dân, cho lao động nông thôn. Chuẩn bị các điều kiện bảo đảm việc phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Chú ý phát triển đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất. Xác định chính sách hỗ trợ người học, người dạy và cơ sở đào tạo. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và thực hiện xã hội hoá lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
đ) Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, thể hiện cụ thể và rõ ràng nội dung Đề án nhằm khuyến khích và vận động người dân tự nguyện tham gia đào tạo nghề nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống trong nền nông nghiệp hiện đại.
e) Rà soát lại danh sách các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn, xác định các ngành, nghề cần đào tạo, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu cho các cơ sở tham gia đào tạo. Việc tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn nên kết hợp hình thức đào tạo lưu động với hình thức đào tạo tại các cơ sở đào tạo. Tạo điều kiện thuận lợi giúp người lao động tìm hiểu quy trình sản xuất, xem trình diễn thao tác và thực hành sản xuất để thu được kết quả học tập nhanh, hiệu quả cao nhất.
g) Rà soát toàn bộ các cơ chế, chính sách đã có về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bỏ những nội dung không thích hợp, bổ sung kịp thời những nội dung cần thiết, không trùng lặp, chồng chéo và có hiệu quả. Thực hiện tốt công tác phối hợp xây dựng Đề án và triển khai thực hiện.
3. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp hiện đại.
b) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Đề án đào tạo, nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở ở nông thôn. Đề xuất cơ cấu và số lượng lao động nông thôn được đào tạo trở thành cán bộ quản lý cơ sở; đồng thời tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở hiện tại, chấm dứt tình trạng cán bộ cơ sở không được đào tạo về quản lý nhà nước .
c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo và các địa phương chủ trì xây dựng Đề án dạy nghề cho nông dân và con em nông dân phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động và xuất khẩu lao động; tập hợp 03 đề án trên để hoàn thiện đề án tổng thể: Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
d) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập hợp bổ sung nội dung Đề án tổng thể trên vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục và đào tạo đến năm 2010 và 2020.
đ) Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các nội dung cơ bản của Đề án trên.
e) Trên cơ sở các đề án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức xây dựng và thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của địa phương mình, trong đó xác định cơ cấu lao động, nhu cầu học nghề tại địa phương; danh mục nghề cần dạy; kế hoạch ngân sách địa phương hỗ trợ cho công tác này.
g) Hội Nông dân Việt Nam làm tốt nhiệm vụ: tham gia một phần công tác đào tạo và giám sát việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tuyên truyền về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
4. Giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành tổ chức biên soạn Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thành viên gồm:
- Tổ trưởng: Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- 03 Tổ phó gồm: Thứ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Nội vụ;
- Tổ viên gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc (mỗi Bộ cử 01 đại diện).
5. Tiến độ thực hiện: trước ngày 10 tháng 3 năm 2009, Tổ Công tác biên soạn hoàn thành Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm phối hợp chỉnh sửa và hoàn thiện Đề án nêu trên.
Ngày 20 tháng 3 năm 2009 tổ chức Hội nghị toàn quốc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện nội dung Đề án, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.