UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/TB-UBND | Long Xuyên, ngày 14 tháng 03 năm 2006 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH NGUYỄN VĂN ĐẢM TẠI CUỘC HỌP BAN ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TỈNH AN GIANG
Ngày 07/3/2006, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đảm chủ trì cuộc họp để kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện sắp xếp DNNN 2005 và kế hoạch thực hiện 2006. Tham dự cuộc họp gồm có các thành viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Nội vụ.
Sau khi nghe Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh trình bày báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp DNNN 2005 và kế hoạch thực hiện 2006, ý kiến của các thành viên dự họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đảm có ý kiến kết luận như sau:
1- Trong năm 2005, với nỗ lực của từng doanh nghiệp và sự tập trung chỉ đạo của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp việc sắp xếp, đổi mới DNNN trên địa bàn được 10/21 doanh nghiệp.
Tiến độ thực hiện sắp xếp DNNN như thế là quá chậm so với kế hoạch đề ra. Việc chậm trễ thực hiện kế hoạch sắp xếp DNNN năm 2005 có nhiều nguyên nhân, nhưng cốt lõi có hai nguyên nhân chính là: những khó khăn trong xử lý tồn đọng về tài chính doanh nghiệp đối với những khoản nợ ngân hàng, nợ dây dưa, khó đòi do sáp nhập từ các doanh nghiệp khác trước đây, các khoản lỗ tồn đọng và việc xác định giá trị doanh nghiệp của cơ quan tài chính trung gian quá chậm (tập trung trong một thời gian, trên cả nước đang tiến hành cổ phần hoá).
2- Năm 2006, tỉnh An Giang phải phấn đấu hoàn thành dứt điểm việc sắp xếp, đổi mới DNNN. Vì thế, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh phải nghiên cứu, xây dựng phương án xử lý khả thi đối với những tồn đọng kéo dài đối với từng loại doanh nghiệp cụ thể.
- Nhóm doanh nghiệp: Công ty Xuất nhập khẩu, Công ty Cơ khí, Công ty XNK Nông sản Thực phẩm An Giang, Công ty Xây lắp, Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp tiếp tục thúc đẩy tiến độ thực hiện cổ phần hóa theo quy định.
Trong đó:
+ Công ty XNK Nông sản Thực phẩm An Giang: Tách riêng các hoạt động liên quan đến Xí nghiệp tinh bột khoai mì để xem xét xử lý sau, không đưa vào giá trị doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc cổ phần hóa.
+ Công ty Xây lắp: Sở Tài chính cùng với Công ty Xây lắp làm việc với Công ty mua bán nợ Trung ương để bán các khoản nợ có khả năng bán được, trong đó có công nợ của Sân bay Nội Bài (do Xí nghiệp Chế biến đá xuất khẩu chuyển qua).
Đối với hàng tồn kho nhận từ Xí nghiệp Chế biến đá xuất khẩu chuyển qua, việc xác định giá để bán phải phù hợp với thực tế, có khả năng bán được trên thị trường để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa.
Đối với những tồn đọng về tài chính và những vướng mắc, khó khăn khác Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp chủ động cùng với Công ty xem xét để có phương án xử lý cụ thể (khoản tồn đọng nào tách ra riêng, xử lý nợ ngân hàng thế nào,...), vượt quá thẩm quyền báo cáo xin ý kiến xử lý của UBND tỉnh và Bộ ngành Trung ương.
+ Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp: Khó khăn nhất là các khoản lỗ, nợ ngân hàng tồn đọng từ những năm trước. Cần phải có phương án xử lý cụ thể các khoản lỗ và nợ ngân hàng tồn đọng.
- Nhóm doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng đang gặp khó khăn nên chưa thể kết thúc việc cổ phần hóa: Công ty Công trình Giao thông (lỗ lũy kế đến cuối năm 2005 trên 14 tỷ đồng), Công ty Tư vấn Giao thông Công chánh (mất đoàn kết nội bộ), Công ty Xây dựng Thuỷ lợi (bán cổ phần đạt quá thấp, 8,45% vốn điều lệ).
Nhóm doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn và có khả năng không thể thực hiện được phương án cổ phần hóa theo phương án được duyệt. Cần nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh lại phương án sắp xếp, có thể thực hiện theo hướng có sự tham gia của Công ty Phà với mô hình công ty mẹ, công ty con hoặc có thể sáp nhập các doanh nghiệp này vào Công ty Phà trên cơ sở nhận tài sản, nhận công trình, nhận nợ để tiếp tục hoạt động bình thường, tránh bị vi phạm hợp đồng xây dựng; các khoản lỗ và những tồn đọng về tài chính khác có thể tách ra xử lý riêng?
Thực hiện phương án nào cũng phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công nhân viên, sử dụng được những cán bộ có năng lực,...và phải đảm bảo giảm sự thiệt hại về kinh tế đến mức thấp nhất cho các bên có liên quan (nếu có).
- Nhóm Công ty Giày, An Thái: tiếp tục thực hiện phương án đã chấp thuận trước đây. Trong đó, phải có phương án xử lý nợ 2 triệu USD của Công ty Giày nhận từ Công ty Thắng lợi trước đây.
3- Giao Sở Tài chính khẩn trương đăng ký làm việc và xin ý kiến Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và PTDN Trung ương để xử lý những tồn đọng tài chính của các doanh nghiệp (xử lý nợ ngân hàng dây dưa, các khoản lỗ,...), phương án dự kiến sắp xếp lại đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong cổ phần hóa (công ty mẹ, công ty con, sáp nhập, ...). Kết quả báo cáo UBND tỉnh và Thường vụ Tỉnh ủy vào cuối tháng 3/2006.
Nếu những dự kiến về xử lý tài chính tồn đọng, sắp xếp mới nêu trên không thực hiện được, và xét thấy tình hình quá khó khăn có thể xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy về phương án xử lý cuối cùng là giải thề hoặc phá sản doanh nghiệp theo quy định.
4- Các ngân hàng thương mại cần tham gia nghiên cứu, có phương án xử lý cụ thể đối với các doanh nghiệp đang có nợ tồn đọng tại các ngân hàng nhằm giảm thiểu thiệt hại đến tối đa cho các bên có liên quan.
5- Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan có trách nhiệm tham gia xử lý ngay từ đầu về chế độ, chính sách đối với người lao động, xử lý tồn đọng trong quá trình thực hiệp sắp xếp lại doanh nghiệp theo chủ trương chung của Chính phủ.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương có liên quan biết để tổ chức thực hiện.
Nơi nhận: | TL. CHỦ TỊCH UBND TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.