VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 264/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP TÀU THUỶ VIỆT NAM
Ngày 09 tháng 9 năm 2008, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp về việc đầu tư, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Tham dự họp có lãnh đạo các cơ quan: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Văn phòng Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, ý kiến của các Bộ, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kết luận như sau:
1. Phát triển ngành đóng tàu Việt Nam là một định hướng chiến lược, nhất quán theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển; nhất là trong giai đoạn hiện nay, đóng tàu và vận tải biển đang có điều kiện và có thời cơ vươn ra thị trường thế giới. Trong thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tăng trưởng cao, tạo thêm nhiều việc làm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; đóng thành công các loại tàu lớn xuất khẩu cho nước ngoài; có định hướng đúng trong phát triển đóng tàu, công nghiệp phụ trợ, vận tải.
2. Để hoàn thành tốt mục tiêu chiến lược phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cần thực hiện:
- Tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, có chiến lược phát triển chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu và phục vụ thị trường nội địa (tàu ven biển, tàu phục vụ dầu khí, đánh bắt xa bờ, tàu sông...), phấn đấu nâng vị thế ngành đóng tàu Việt Nam trên trường quốc tế, nâng tỷ lệ nội địa hóa, góp phần tích cực vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.
- Tiếp tục thực hiện và nghiêm túc sơ kết, đánh giá việc triển khai Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Khẩn trương sắp xếp lại hệ thống tổ chức và quản lý của Tập đoàn, các doanh nghiệp thành viên, tập trung vào ngành sản xuất, kinh doanh chính (đóng tàu, vận tải biển, công nghiệp phụ trợ trực tiếp nâng tỷ lệ nội địa hoá cho đóng tàu), bán bớt cổ phần hoặc giảm dần tỷ lệ vốn ở các doanh nghiệp khác mà Tập đoàn không cần nắm giữ.
- Xây dựng Đề án thành lập doanh nghiệp Khoa học Công nghệ trên cơ sở tổ chức lại Viện nghiên cứu Khoa học công nghệ tàu thuỷ và các đơn vị sự nghiệp thuộc Tập đoàn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Rà soát các dự án đầu tư, đảm bảo hiệu quả, tập trung vào những dự án trọng điểm, nhưng bảo đảm đồng bộ để hướng tới và giữ vững mục tiêu lâu dài nhằm nâng thứ hạng ngành đóng tàu Việt Nam trên thế giới.
- Trong Quý IV năm 2008, xây dựng Đề án, báo cáo Thường trực Chính phủ định hướng phát triển công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, tổ chức và quản lý của Tập đoàn, Chiến lược phát triển của Tập đoàn đến 2020.
3. Về một số kiến nghị của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam:
a) Về đăng ký kinh doanh:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp hướng dẫn các Sở Kế hoạch và Đầu tư ở các tỉnh, thành phố thực hiện đăng ký kinh doanh cho các Tổng công ty thuộc Tập đoàn theo mô hình thí điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b) Về vốn chủ sở hữu:
- Trong 10 năm qua Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam đã cố gắng tích luỹ nâng vốn chủ sở hữu từ trên 100 tỷ đồng tại thời điểm thành lập lên đến trên 6.000 tỷ đồng hiện nay. Trong tháng 10 năm 2008, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, đánh giá, công bố vốn Điều lệ của Tập đoàn trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Tập đoàn và tăng trưởng thực tế của Tập đoàn các năm qua.
- Trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và các cơ quan liên quan thực hiện thí điểm đánh giá lại toàn bộ tài sản, vốn của Tập đoàn, phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp với thực tế và sự phát triển của doanh nghiệp; đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung vốn Điều lệ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
c) Về thương hiệu:
Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn Tập đoàn Vinashin thí điểm thực hiện hạch toán giá trị thương hiệu khi góp vốn liên doanh, liên kết cho doanh nghiệp.
d) Về vốn lưu động và vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các dự án đóng tàu xuất khẩu: các Bộ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại văn bản số 182/TB-VPCP ngày 30 tháng 7 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ về tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2008 của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng Phát triển và các ngân hàng thương mại thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, tuy nhiên cần điều hành tín dụng linh hoạt cho một số dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp tàu thủy như sau:
- Các dự án đóng tàu xuất khẩu đã ký kết hợp đồng;
Các dự án công nghiệp phụ trợ đóng tàu đang triển khai như: thép đóng tàu, sản xuất động cơ tàu thuỷ công suất lớn...;
- Vốn lưu động để nhập khẩu thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu phục vụ cho đóng tàu xuất khẩu.
Đồng ý về nguyên tắc cho phép Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu, vay vốn 10.000 tỷ đồng từ các Ngân hàng trong nước và vay 400 triệu USD từ nguồn vốn nước ngoài để phục vụ các hợp đồng đóng tàu xuất khẩu đã ký kết; các dự án đóng tàu đã ký kết với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; các dự án đóng tàu tại nhà máy Đóng tàu Dung Quất (tàu chở dầu thô 104.000 DWT, 105.000 DWT, tàu 54.000 DWT), tiếp đến là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện các hợp đồng trên.
- Bộ Tài chính hướng dẫn Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu nói trên. Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam cân nhắc thời hạn và lãi suất thích hợp với tình hình thị trường hiện nay, giảm thiểu chi phí vay nợ.
- Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chịu trách nhiệm rà soát các dự án đầu tư, danh mục các khoản vay đúng mục tiêu như trên, xây dựng lộ trình cụ thể đối với từng dự án, làm việc với từng ngân hàng để giải ngân.
- Ngân hàng Phát triển và các ngân hàng thương mại thực hiện các cam kết với Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, đặc biệt là bảo đảm lượng vốn cần thiết cho các sản phẩm đóng tàu nói trên (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển 2.700 tỷ đồng, Ngân hàng Công thương 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển 3.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại khác 300 tỷ đồng).
- Về nguyên tắc, cho phép các ngân hàng cho vay trên mức 15% vốn tự có để có thể thực hiện cam kết nói trên với Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam nếu số lượng vay vượt quá hạn mức. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cụ thể.
đ) Về bổ sung chức năng cho Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thuỷ:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, hướng dẫn, hỗ trợ theo đề nghị của Tập đoàn và các quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.