VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH VĨNH LONG
Ngày 13 tháng 01 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008, phương hướng, nhiệm vụ năm 2009 và một số đề nghị của Tỉnh, ý kiến bổ sung của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ý kiến của các lãnh đạo các Bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Năm 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, đầu năm giá cả vật tư, hàng hóa tăng cao, cuối năm giá nhiều sản phẩm giảm mạnh nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tốc độ tăng trưởng GDP khá đạt 12,95%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, huy động vốn cho đầu tư phát triển... đều có mức tăng trưởng khá cao; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm có nhiều tiến bộ; an ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Vĩnh Long vẫn là một tỉnh nghèo, có diện tích nhỏ với mật độ dân cư cao so với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, thu ngân sách thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển, cơ sở hạ tầng kém phát triển, một số chỉ tiêu chưa đạt được so với kế hoạch đã đề ra, tốc độ giải ngân một số công trình, dự án còn chậm; công tác cải cách hành chính tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu, song chưa tạo ra chuyển biến mạnh mẽ.
II. VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA TỈNH TRONG NĂM 2009:
Năm 2009, để đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì phát triển kinh tế, Tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Chủ động, tích cực triển khai 5 nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế đã đề ra trong Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ. Tháo gỡ khó khăn và duy trì sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt, tăng tiến độ giải ngân các nguồn vốn ngân sách nhà nước, đầu tư một cách hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm cho việc phát triển hạ tầng như giao thông, bệnh viện, trường học... Đối với các dự án quan trọng sử dụng hết vốn năm 2009, cho phép được ứng vốn năm 2010 để tiếp tục thực hiện, sớm đưa vào sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
2. Phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên (vị trí địa lý, tài nguyên đất, nước ngọt...) để phát triển nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị gia tăng cao, tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật, những kinh nghiệm hay vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
3. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo chuyên nghiệp, đa dạng hóa các hình thức dạy nghề, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một trong những khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về hỗ trợ vốn thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 907, 902 và 3 cầu (Cái Vồn nhỏ, Phù Ly, Chợ Bà): đồng ý, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Về bổ sung vốn đối ứng thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long do WB5 tài trợ (Đường tỉnh 909): đồng ý, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí đủ vốn, Tỉnh khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm triển khai Dự án đúng tiến độ.
3. Về hỗ trợ từ nguồn Trái phiếu Chính phủ để hoàn thiện phần mặt đường các dự án đường giao thông nông thôn tại các xã vùng sâu, vùng xa: Tỉnh chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, lên danh sách các dự án cấp bách. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp vào danh mục vốn trái phiếu Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
4. Về hỗ trợ vốn đầu tư dự án kè sông Cổ Chiên (từ cầu Mỹ Thuận đến phường 2 thị xã Vĩnh Long): Trước mắt, Tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định những đoạn xung yếu cần làm trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đối với những đoạn còn lại giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp vào danh mục vốn trái phiếu Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trỉnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
5. Về hỗ trợ một lần để Tỉnh xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp thứ 2 (cầu, đường vào, nhà máy xử lý nước thải...): đồng ý, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạm ứng vốn ngân sách 2010 để thực hiện dự án.
6. Về hỗ trợ vốn thực hiện dự án xây dựng khu hành chính của Tỉnh và khu hành chính huyện mới Bình Tân: Tỉnh xây dựng phương án huy động vốn đầu tư thực hiện dự án, trong đó xác định rõ cơ cấu nguồn vốn (ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, vốn từ quỹ đất...) trên cơ sở đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Về hỗ trợ vốn để tiếp tục xây dựng 3 bệnh viện tuyến huyện: Bình Minh, Vũng Liêm, Trà Ôn và xây dựng mới 3 bệnh viện: Long Hồ, Tam Bình và thị xã Vĩnh Long: Tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét, cân đối vốn từ nguồn Trái phiếu Chính phủ.
8. Về cho phép công ty xuất khẩu Vĩnh Long và công ty Lương thực - Thực phẩm Vĩnh Long được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thu mua, tạm trữ lúa gạo, hàng nông sản khác: đồng ý, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Về hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện Đề án phát triển nhà ở xã hội: Tỉnh làm việc cụ thể với các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để hoàn chỉnh đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
10. Về đề nghị hỗ trợ vốn thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp Trường trung cấp nghề Vĩnh Long: đồng ý, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn hỗ trợ Tỉnh thực hiện dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Đối với các gói thầu tư vấn, thiết kế các dự án tại Công văn số 37/UBND-KTN ngày 06/1/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long: đồng ý về nguyên tắc, cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu tư vấn, lập dự án, thiết kế và giám sát thi công đối với các Dự án này, Tỉnh thực hiện đúng theo quy định hiện hành.
12. Về chỉ định thầu đối với các gói thầu xây lắp trong các dự án tại Công văn số 37/UBND-KTN ngày 06/1/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long: đồng ý về nguyên tắc, Tỉnh chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ rà soát, lên danh sách các công trình, dự án cấp bách, sắp xếp thứ tự ưu tiên, cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu xây lắp đối với các dự án này, Tỉnh thực hiện đúng theo các quy định hiện hành.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.