VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 239/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO
Ngày 25 tháng 8 năm 2008, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng – Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ thực hiện các chương trình giảm nghèo đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo dự thảo đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất. Cùng dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các thành viên Tổ công tác xây dựng đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo quá trình xây dựng và dự thảo nội dung cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện nghèo, ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo ngày 07 tháng 7 năm 2008 đã nêu rõ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất. Để chuẩn bị nội dung báo cáo Chính phủ thảo luận và thống nhất triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững tại các huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất trong cả nước, yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Tổ công tác thực hiện kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo tại Thông báo số 169/TB-VPCP ngày 17 tháng 7 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ và khẩn trương thực hiện các công việc sau đây:
1. Xây dựng Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất từ nay đến năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2008, với các nội dung chủ yếu như sau:
a. Mục tiêu: Trên cơ sở tăng cường thực hiện các chương trình, dự án hiện hành, đồng thời đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù để hỗ trợ giảm nghèo nhanh hơn và bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất.
b. Phạm vi: gồm 61 huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vào cuối năm 2006.
c. Nội dung cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo ở các huyện nghèo:
- Trên cơ sở các chính sách, dự án hiện hành và thực trạng của từng huyện, tiếp tục thực hiện đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo về giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe…; đề xuất bổ sung, sửa đổi và nâng mức đầu tư cho phù hợp với điều kiện thực tế ở các huyện nghèo;
- Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư và hỗ trợ phù hợp với yêu cầu của từng địa bàn, bao gồm cả quy hoạch lại dân cư ở những nơi cần thiết để đầu tư có hiệu quả, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do hậu quả thiên tai, lũ lụt…; đồng thời có các chính sách tác động trực tiếp đến nhóm hộ nghèo nhất, bảo đảm người nghèo được thụ hưởng chính sách, thông qua đầu tư cho giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống nhằm đẩy nhanh và bền vững tốc độ giảm nghèo ở các huyện nghèo.
d. Thời gian thực hiện, chia thành 3 giai đoạn: từ nay đến năm 2010, giai đoạn từ năm 2011 – 2015 và giai đoạn từ năm 2016 – 2020.
e. Về nguồn lực:
- Nguồn đầu tư của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng và người dân;
- Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến kinh phí thực hiện Đề án và bố trí kinh phí thực hiện từ năm 2009.
2. Những công việc cần triển khai:
a. Yêu cầu các Bộ, ngành được phân công theo dõi quản lý thực hiện chương trình, chính sách, dự án liên quan đến mục tiêu giảm nghèo thực hiện nghiêm túc yêu cầu nêu tại điểm 2, mục I, Thông báo số 169/TB-VPCP ngày 17 tháng 7 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ về việc đánh giá hoạt động, tiến độ, kết quả thực hiện từng chương trình, chính sách, dự án trên địa bàn các huyện nghèo, gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp trước ngày 30 tháng 9 năm 2008.
b. Yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh có các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất thực hiện nghiêm túc yêu cầu nêu tại điểm 3, mục I Thông báo số 169/TB-VPCP ngày 17 tháng 7 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ đánh giá thực trạng và những nguyên nhân mang tính đặc thù dẫn đến tốc độ giảm nghèo chậm ở các huyện nghèo nhất nêu trên, đề xuất giải pháp đặc thù để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ giảm nghèo bền vững ở các huyện này, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững phù hợp với đặc thù từng huyện; chỉ đạo các huyện nghèo nhất làm báo cáo cụ thể của từng huyện, tỉnh làm báo cáo tổng hợp gửi báo cáo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp trước ngày 30 tháng 9 năm 2008.
3. Yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Tổ công tác chỉ đạo xây dựng Đề án tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Khẩn trương dự thảo công văn hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh có các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và Ủy ban nhân dân các huyện này báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, thực trạng cơ sở hạ tầng và kết quả thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn huyện, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện nghèo, đặc biệt là các giải pháp mang tính đặc thù phù hợp với đặc điểm cụ thể của các huyện nghèo nhằm khai thác thế mạnh của địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn các huyện nghèo.
- Dự kiến phân công các thành viên trực tiếp đi khảo sát tại các tỉnh có các huyện có tỷ lệ nghèo cao, làm việc cụ thể với một hoặc hai huyện nghèo, nắm tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những đặc điểm mang tính đặc thù của huyện, đánh giá kết quả, phân tích tình hình đầu tư của nhà nước, nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo cao, đề xuất của địa phương về cơ chế, chính sách của nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp, xây dựng Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao, trình Chính phủ vào cuối tháng 10 năm 2008.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.