VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 238/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2005 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT KINH DOANH 5 NĂM 2006 - 2010 VÀ PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN NAM
Ngày 22 tháng 12 năm 2005, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2006-2010, kế hoạch năm 2006 và phương án sắp xếp, đổi mới, phát triển Tổng công ty Lương thực miền Nam. Tham dự có lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Sau khi nghe Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2006-2010, kế hoạch năm 2006 và phương án sắp xếp đổi mới phát triển tổng công ty, ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty và các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến như sau:
1. Trong 10 năm qua Tổng công ty Lương thực miền Nam hoạt động theo mô hình tổng công ty nhà nước (tổng công ty 91) về cơ bản đã phát huy được vai trò chủ đạo, nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong ngành và đã cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tiêu thụ hết lúa hàng hóa của nông dân, xuất khẩu lương thực, góp phần bình ổn giá, ổn định lương thực và an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất kinh doanh có kết quả nhất định, thu hẹp chênh lệch giá xuất khẩu gạo so với Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu tăng, khắc phục dần lỗ luỹ kế. Tích cực thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo hướng đa ngành nghề, đa sở hữu, tạo điều kiện các đơn vị thành viên chủ động, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, phù hợp với cơ chế thị trường và chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Nghị định của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới phát triển doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng của đơn vị, chưa kiểm soát được vốn và kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên; còn một số đơn vị thành viên kinh doanh thua lỗ, phá sản, vi phạm pháp luật. Tổng công ty phải phân tích, rút kinh nghiệm về tồn tại này, bổ sung, hoàn chỉnh điều lệ và quy chế hoạt động của tổng công ty để kiểm soát được chiến lược kinh doanh, tình hình tài chính và các hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên.
2. Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2006-2010 và kế hoạch năm 2006 của tổng công ty phải phù hợp với kế hoạch phát triển 5 năm của ngành nông nghiệp và của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệm vụ chính của tổng công ty là: tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong vùng với giá có lợi cho người trồng lúa, thu mua, bảo quản, tàng trữ, chế biến và xuất khẩu lương thực, góp phần bình ổn giá cả, ổn định lương thực, an ninh lương thực quốc gia; thực hiện kinh doanh đa ngành nhưng phải tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm (đầu tư kho, chế biến, chợ, bán buôn, bán lẻ,…) để sớm hình thành tập đoàn kinh tế về lương thực, thực phẩm và có thương hiệu riêng; đối với nhà hàng, khách sạn tổng công ty đã đầu tư phải sớm tiến hành cổ phần hóa để thu hồi vốn và không giữ cổ phần chi phối.
3. Về chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh và Bộ, ngành có liên quan, Hiệp hội lương thực Việt Nam cân đối lại tổng sản lượng lương thực cả nước (bao gồm sản xuất trong nước và nhập khẩu) với nhu cầu tiêu dùng trong nước, xác định chỉ tiêu định hướng xuất khẩu năm 2006 trình Thủ tướng Chính phủ (khoảng 5 triệu tấn gạo), để các doanh nghiệp chủ động thương thảo, ký kết hợp đồng xuất khẩu, tiêu thụ hết lúa hàng hóa của người sản xuất. Trước mắt, Bộ Thương mại cùng Hiệp hội lương thực Việt Nam phải chỉ đạo các doanh nghiệp dãn tiến độ giao hàng tháng 1, tháng 2 năm 2006, chỉ thực hiện các hợp đồng đã đến thời hạn giao hàng và với số lượng không quá lớn để tránh gây đột biến giá cả lương thực trong thời điểm giáp hạt giữa vụ mùa, vụ đông xuân và tết nguyên đán.
4. Về sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam rà soát lại, tách một số đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc để cổ phần hóa, chỉ nên giữ lại một số ít đơn vị thật cần thiết trong cơ cấu của Công ty mẹ; thời gian hoàn thành trong quý I năm 2006.
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định cổ phần hóa 3 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: lương thực Bình Định, vật tư nông nghiệp Bình Tây, xuất nhập khẩu Kiên Giang thành công ty cổ phần và Công ty lương thực thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Tổng công ty Lương thực miền Nam thống nhất cơ chế, giải pháp xử lý dứt điểm tồn tại về tài chính và sớm thực hiện việc bán tài sản của Công ty lương thực thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Đối với những đơn vị thành viên thuộc diện giải thể, phá sản, tổng công ty sớm làm việc với các cơ quan có liên quan để hoàn thành thủ tục giải thể, phá sản. Đồng ý, thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư khi toà án chấp nhận hồ sơ phá sản đối với doanh nghiệp thuộc diện phá sản.
5. Về một số kiến nghị của tổng công ty.
a) Về việc xác lập quyền sở hữu tài sản cho các công ty cổ phần để có căn cứ vay vốn ngân hàng, tổng công ty làm việc với Bộ Tài chính để giải quyết, nếu vược thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ.
b) Về phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của tổng công ty, Văn phòng Chính phủ sớm hoàn chỉnh thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ.
c) Đồng ý về nguyên tắc tiếp tục đầu tư 2 chợ trung tâm nông sản tại Kiên Giang và An Giang; tổng công ty xây dựng dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối hỗ trợ nguồn vốn ngân sách theo quy định hiện hành.
d) Đồng ý về nguyên tắc Tổng công ty lương thực miền Nam liên doanh với tập đoàn CP Group (Thái Lan) theo hướng phân phối, bán buôn, bán lẻ lương thực, thực phẩm, Bộ Thương mại giúp tổng công ty đàm phán, để thực hiện các thủ tục liên doanh.
đ) Về việc miễn thuế VAT đối với phụ phẩm, cám, tấm và chi phí đặc thù của các thị trường tập trung, Bộ Tài chính rà soát lại các trường hợp tương tự của các Bộ, ngành trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung.
e) Việc xin vay vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành thị trường quốc tế để đầu tư cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, tổng công ty phải căn nhắc kỹ lại dự án đầu tư và phương án tự huy động vốn cho phù hợp với tiến độ đầu tư.
g) Về tổ chức Đảng của tổng công ty, Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Cán sự Đảng) làm việc với Ban Tổ chức Trung ương để hướng dẫn thực hiện theo hướng tạo sự quản lý thống nhất toàn tổng công ty. Trước mắt tổng công ty phải quản lý cho được phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của các đơn vị thành viên thông qua điều lệ tổ chức và hoạt động tổng công ty.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Tổng công ty Lương thực miền Nam, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.