VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 212/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ BÁO CÁO ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC HÀ NỘI - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 16 tháng 7 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về Báo cáo đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các đồng chí đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Chủ đầu tư Dự án), ý kiến của các thành viên dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Về chủ trương đầu tư:
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đã được Đảng và Nhà nước thống nhất về chủ trương.
2. Về nội dung báo cáo đầu tư:
- Đối với sự cần thiết phải đầu tư: phân tích rõ sự cần thiết của Dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, hiệu quả kinh tế của Dự án.
- Về phương án lựa chọn công nghệ: đồng ý nguyên tắc lựa chọn công nghệ theo tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ trên toàn tuyến và đề xuất phương án lựa chọn công nghệ phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam trên cơ sở phân tích, đánh giá ưu nhược điểm của các loại công nghệ phổ biến trên thế giới.
- Về phương án tuyến, quy mô và đánh giá tác động môi trường: cơ bản thống nhất với phương án tuyến, quy mô và đánh giá tác động môi trường trong Báo cáo đầu tư. Cần bổ sung, làm rõ nội dung định hướng quy hoạch hình thành các khu đô thị, cụm công nghiệp mới dọc tuyến đường sắt cao tốc.
- Về tiến độ thực hiện và phân kỳ đầu tư: cần xây dựng và phê duyệt Dự án cho toàn tuyến, trên cơ sở đó vận động thu hút vốn để triển khai thực hiện. Nếu có đủ điều kiện về nguồn lực cho toàn bộ Dự án thì triển khai đồng loạt trên toàn tuyến, nếu chưa đủ thì thống nhất với các Nhà tài trợ để triển khai từng đoạn tuyến, trong đó ưu tiên các đoạn Hà Nội - Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh - Phan Thiết, Đà Nẵng - Huế.
- Về tổng mức đầu tư: cần bổ sung so sánh suất đầu tư với các dự án đã thực hiện của một số quốc gia.
- Về phương án tài chính: phương án tài chính đầu tư Dự án được tính toán theo nguyên tắc:
+ Kinh phí đầu tư hạ tầng: vận động thu hút nguồn vốn vay ODA hoặc OCR của các Nhà tài trợ, trong đó chú trọng nguồn vốn vay của Nhật Bản, Hàn Quốc, WB, ADB.
+ Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng từ nguồn thu quỹ đất trên cơ sở hình thành các khu đô thị, cụm công nghiệp dọc tuyến.
+ Kinh phí xây dựng nhà ga, hệ thống thông tin tín hiệu, đầu tư phương tiện vận tải được đầu tư theo hướng xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Doanh nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn vay, Chính phủ có phương án bảo lãnh vốn vay.
3. Kế hoạch và nhiệm vụ trong thời gian tới:
- Giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện nội dung của Báo cáo đầu tư Dự án để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước trong tháng 8 năm 2009; đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi các Nhà tài trợ, các Nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư Dự án.
- Trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương xem xét để trình Quốc hội vào tháng 5 năm 2010.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.