VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 172/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2008 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BỘ QUỐC PHÒNG VỀ CÔNG TÁC GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO TRONG QUÂN ĐỘI
Ngày 26 tháng 6 năm 2008, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đi thăm và làm việc với Bộ Quốc phòng về đào tạo nhân lực cho quốc phòng. Tham dự buổi làm việc có Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Quốc phòng báo cáo về công tác giáo dục – đào tạo và xây dựng hệ thống nhà trường trong quân đội, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
1. Trong những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo trong quân đội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từng bước mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, trình độ các nhà giáo; đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, đào tạo và bồi dưỡng được một số lượng lớn cán bộ lãnh đạo chỉ huy quân sự, chính trị, hậu cầu, kỹ thuật nòng cốt cho quân đội; làm tốt công tác đào tạo giúp các nước bạn; có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hệ thống nhà trường quân đội là một bộ phận quan trọng của hệ thống các cơ sở giáo dục quốc dân; đã liên tục được củng cố, mở rộng và phát triển; đội ngũ nhà giáo có trình độ cao ngày càng tăng.
Tuy nhiên, về chất lượng đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường quân đội còn chưa thật đồng đều, hệ thống nhà trường còn chưa cân đối. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, cần xây dựng kế hoạch tổng thể về công tác đào tạo nhân lực trong quân đội, phấn đấu tăng nhanh số nhà giáo có trình độ từ tiến sĩ trở lên, tạo được sự đột phá của giáo dục đại học trong quân đội và từng bước hiện đại hóa cùng với giáo dục đại học cả nước; mở rộng sự giao lưu, hợp tác, tăng cường hội nhập quốc tế.
2. Những nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo thực hiện:
- Trên cơ sở Chiến lược phát triển giáo dục của Quốc gia, Bộ Quốc phòng cần tập trung xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong quân đội giai đoạn đến năm 2020, có định hướng rõ về phát triển hệ thống nhà trường quân đội; đào tạo nhân lực cho quân đội và nhân lực phục vụ nền kinh tế - xã hội nói chung; tập trung xây dựng các cơ sở đào tạo đại học, trước hết là các trường đại học trọng điểm; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo trong quân đội; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ tiếng Anh cho cán bộ quân đội và các nhà trường;
- Trong năm 2008, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để rà soát, đánh giá, quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội; xác định rõ các ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn mà Quân đội cần tập trung đào tạo, những ngành, lĩnh vực cần phối hợp với hệ thống đào tạo chung của cả nước và hợp tác quốc tế. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ chỉ huy, tham mưu, khoa học, kỹ thuật trình độ cao, các chuyên gia đầu ngành đáp ứng yêu cầu. Trước mắt, tập trung đầu tư xây dựng Học viện Kỹ thuật Quân sự là trường đại học trọng điểm và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét đề án của Học viện Quân y.
- Trong năm 2009, Bộ Quốc phòng cần tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo tiến sĩ cho quân đội nhằm mục tiêu cơ bản tăng nhanh tỷ lệ giáo viên có trình độ tiến sĩ trong các nhà trường quân đội, phấn đấu sớm đạt tỷ lệ 40% đến 50% giáo viên có trình độ tiến sĩ ở các trường; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương xác định danh mục các sản phẩm quốc gia của Bộ Quốc phòng để nhà nước tập trung đầu tư, trong đó có việc lập kế hoạch xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm và triển khai sản xuất gấp, nhanh các sản phẩm đó.
Bộ Quốc phòng cần phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuẩn bị tốt nội dung cho Hội nghị toàn quốc về đào tạo theo nhu cầu phục vụ quốc phòng – an ninh dự kiến sẽ tổ chức vào cuối quý I năm 2009.
Việc xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm chi cho công tác đào tạo và triển khai các dự án nghiên cứu, khoa học và công nghệ trong quân đội cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Quốc phòng với các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ.
- Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả việc tổ chức giao ban định kỳ thường xuyên giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo như hiện nay, đồng thời cần tổ chức ít nhất 1 lần/1 năm để lãnh đạo hai Bộ trực tiếp làm việc, trao đổi về công tác giáo dục – đào tạo.
3. Về các kiến nghị của Bộ Quốc phòng
- Về công tác kiểm định chất lượng các trường quân đội: Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng làm việc cụ thể với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo để thống nhất tiêu chí và phương thức kiểm định phù hợp với đặc điểm của nhà trường quân đội và đưa vào kế hoạch kiểm định từ 1 đến 2 trường quân đội vào năm 2009;
- Về công tác tuyển sinh: Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống nhất và có văn bản thỏa thuận chính thức về công tác tổ chức thi tuyển sinh quân đội, thực hiện đúng quy định về công tác bảo mật danh sách tuyển sinh quân đội, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, tổng hợp chung và xét chuyển nguyện vọng của các thí sinh thi vào các trường quân đội;
- Về công tác đào tạo cán bộ quân sự cơ sở: đây là nhiệm vụ quan trọng, phải được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá tình hình công tác đào tạo nhân lực quân sự địa phương cấp xã, phường trong cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào đầu năm 2009;
- Về công tác cử tuyển: thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ, bảo đảm không hạ thấp yêu cầu về chất lượng đào tạo;
- Về công tác đào tạo nước ngoài: đồng ý mỗi năm giao từ 100 đến 150 chỉ tiêu tuyển cán bộ quân đội đi đào tạo ở nước ngoài theo Đề án 322 của Chính phủ. Các học viện của quân đội cần tăng cường sự hợp tác, liên kết đào tạo với nước ngoài, phấn đấu để mỗi Học viện có sự hợp tác chặt chẽ được với ít nhất một đối tác đào tạo nước ngoài;
Bộ Quốc phòng thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao Học viện Kỹ thuật Quân sự đảm nhận nhiệm vụ là cơ sở tổ chức thi tuyển sinh đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước theo Đề án 322 của Chính phủ;
- Về công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ trong quân đội: Bộ Quốc phòng thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ủy quyền in ấn, cấp phát quản lý văn bằng, bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, đúng quy định, đồng thời có sự phân cấp mạnh;
- Về việc mở các mã ngành mới: ủng hộ việc mở các mã ngành mới phù hợp trong các nhà trường quân đội. Việc cho phép mở các mã ngành mới và công nhận trình độ đào tạo của các cơ sở giáo dục cần được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục đang có hiệu lực.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.