UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 155/TB-UBND | Long Xuyên, ngày 11 tháng 10 năm 2005 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH NGUYỄN HOÀNG VIỆT TẠI CUỘC HỌP UBND TỈNH THƯỜNG KỲ THÁNG 9/2005
Ngày 04/10/2005, Chủ tịch UBND tỉnh triệu tập cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9/2005 (mở rộng) nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và ước cả năm 2005, phương hướng nhiệm vụ quí IV/2005; thông qua kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2006.
Tham dự cuộc họp có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo UBMTTQ, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Liên đoàn Lao động tỉnh; Thường trực HĐND và Trưởng các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh: Kế hoạch &ĐT, Nông nghiệp &PTNT, Thương mại, Du lịch, Công nghiệp, Xây dựng, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Lao động - Thương binh &XH, Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên & Môi trường, Khoa học - Công nghệ, Giao thông - Vận tải, Văn hoá Thông tin, Thể dục thể thao, Ủy ban Dân số GĐ&TE, Trung tâm Xúc tiến Thương mại DL&ĐT, Trung tâm Phát triển Quỹ đất, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Cục Thống kê, Cục Thuế; lãnh đạo Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Thông tấn xã Việt Nam (Phân xã An Giang).
I. Các báo cáo trình bày và ý kiến đóng góp tại cuộc họp:
- Văn phòng UBND tỉnh trình bày dự thảo báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, ước cả năm 2005 và phương hướng nhiệm vụ quí IV/2005.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2006.
- Sở Tài chính trình bày dự thảo Dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2006.
- Cuộc họp đã nghe ý kiến đóng góp của lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh về dự thảo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện trong 3 tháng còn lại, các chỉ tiêu và giải pháp đề ra cho kế hoạch năm 2006. Góp ý các nội dung trên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Hoài Dũng đã phát biểu: Trong 9 tháng qua các ngành, các cấp tuy đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn chưa thực sự tạo được “dấu ấn” cho năm 2005. Trong thực hiện, UBND tỉnh cần xác định các nội dung trọng tâm, có tác động đến tăng trưởng để tập trung, với quyết tâm cao và có lộ trình hoàn thành cụ thể (như tập trung vào khu công nghiệp Bình Long, cửa khẩu Tịnh Biên, cầu Cồn Tiên…). Sở Kế hoạch và Đầu tư cần xem xét lại việc bố trí vốn cho Trung tâm Y tế huyện An Phú vì công trình đã được đầu tư gần 20 tỷ đồng và gần hoàn thành nhưng nay phải ngưng lại do không đủ vốn, trong khi nhiều dự án khác không giải ngân được. Ngành Giáo dục cần xem xét lại tình trạng đáng báo động là số học sinh phổ thông giảm mạnh từ năm 2003 đến nay (giảm gần 25 ngàn học sinh) để có giải pháp phù hợp.
Kế hoạch năm 2006, UBND tỉnh cần xác định các nội dung phải hoàn thành dứt điểm như san lấp và xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Bình Long, cửa khẩu Xuân Tô… Cần chi tiết thêm 13 chương trình triển khai trong năm 2006, nên lượng hoá từng mục tiêu cụ thể. Chương trình khai thác lợi thế mùa nước nổi nên xác định mở thêm loại hình gì, trồng thêm cây gì…; Chương trình phát triển giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, xuất khẩu lao động cần xác định phải đẩy mạnh xã hội hoá tạo thành phong trào trong toàn xã hội, dứt điểm mục tiêu hoàn thành các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện để đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động; chương trình xoá đói giảm nghèo cần phải xác định dứt điểm mục tiêu không phát sinh nhà tạm bợ và đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động. UBND tỉnh nên điều chỉnh lại quy hoạch xã hội hoá đã ký trước khi Nghị quyết 05 của Chính phủ ban hành.
II. Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Việt đã có phát biểu chỉ đạo như sau:
Trong 9 tháng qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức như dịch cúm gia cầm, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, hạn hán kéo dài... nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan góp phần thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2005. Sản xuất nông nghiệp thắng lợi toàn diện, kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách nhà nước đều đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu kế hoạch vẫn chưa đạt được, nhiều công trình trọng điểm chậm được hoàn thành, cơ cấu kinh tế chưa có chuyển biến rõ nét … đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
1. Về Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2006:
Kế hoạch năm 2006 phải được xây dựng như là một bước đi trên nền tổng thể của kế hoạch 5 năm (2006-2010), do vậy phải được chuẩn bị thật chu đáo ngay từ bây giờ và phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
(1). Trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ của năm 2006 cũng như của 5 năm, mức tăng trưởng của năm 2006 phải được xây dựng bằng hoặc cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung 12% của kế hoạch 5 năm, nhằm tạo tiền đề cho các năm kế tiếp. Phải đặt mục tiêu tăng trưởng cao cho năm 2006 vì nền kinh tế chúng ta còn ở mức thấp, dễ bị tổn thương, những bất trắc của các năm sau không thể lường hết được; điều kiện phát triển bền vững của ta chưa đảm bảo (vị trí địa lý xa trung tâm thành phố lớn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, chưa có nhiều dịch vụ giá trị cao, trình độ dân trí thấp…).
- Cần xem lại cơ cấu của 3 khu vực, vì chưa có sự chuyển dịch rõ nét. Phải có dự báo chính xác từng ngành, lĩnh vực để xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cho phù hợp. Chỉ tiêu xuất khẩu gạo có thể giảm về lượng nhưng cần phải thực hiện sao cho tăng giá trị để đảm bảo kim ngạch chung.
- Cách tính toán để kêu gọi đầu tư thu hút vốn để bố trí đầu tư là rất quan trọng, vì vậy các cơ chế chính sách phải đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện đầu tư, kinh doanh, sản xuất cho nhà đầu tư. Phải đẩy mạnh xã hội hoá trên tất cả các lĩnh vực để đảm bảo đủ vốn cho đầu tư.
- Sở kế hoạch và Đầu tư phải cụ thể hoá hơn các chương trình đề ra trong kế hoạch năm 2006, xác định lộ trình, mức độ, giải pháp… Xây dựng chương trình mục tiêu xuyên suốt, có đề án, dự án cụ thể để triển khai thực hiện.
- Phải triển khai xây dựng các chương trình trọng điểm trong kế hoạch năm 2006 trước khi thông qua HĐND tỉnh để đảm bảo kịp thời gian.
- Văn phòng UBND tỉnh xây dựng Chương trình công tác năm 2006 đảm bảo phù hợp với kế hoạch năm 2006.
(2). Bố trí đầu tư phải phù hợp, kết hợp huy động nhiều nguồn lực đảm bảo đủ cho đầu tư. Phải xác định nguồn vốn chúng ta có, nguồn vốn cần huy động để có kế hoạch thực hiện khả thi. Trong bố trí đầu tư, phải đảm bảo tính ưu tiên, cần thiết cho đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí; phải tăng mức đầu tư thấy rõ cho lĩnh vực giáo dục, y tế và dạy nghề.
2- Những công tác trọng tâm quí IV năm 2005
Các ngành, các cấp cần rà soát lại tất cả các chương trình điều hành, nhất là về kinh tế - xã hội, để đề ra kế hoạch, giải pháp thực hiện trong 3 tháng còn lại. Phải thực hiện với nỗ lực và quyết tâm cao nhất nhằm thúc đẩy, tạo sự chuyển biến lớn hơn hiện tại, không nên bằng lòng với đánh giá thực tế hiện nay để nhằm tạo ra “dấu ấn” của năm 2005 theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy từ đầu năm.
Một số nhóm giải pháp trọng tâm cụ thể:
(1). Có giải pháp thực hiện để khởi động trở lại thị trường bất động sản. Bởi vì, giao dịch bất động sản là một nhu cầu thực tế, nhà nước cần tác động bằng các chính sách để thị trường hoạt động sôi động, theo quỹ đạo lành mạnh.
- Đẩy mạnh các hoạt động của Trung tâm Phát triển Quỹ đất.
- Có sự quản lý, hỗ trợ của nhà nước về cơ chế tín dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Xúc tiến nhanh việc thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng.
Nhóm giải pháp này giao đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đảm chịu trách nhiệm phân công, chỉ đạo và điều hành.
(2). Thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm đã triển khai; đẩy nhanh tiến độ giải ngân, quyết toán các công trình. Nhóm giải pháp này giao đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Chiếu chịu trách nhiệm phân công, chỉ đạo và điều hành.
(3). Nắm cụ thể sản lượng, khả năng xuất khẩu, tiêu thụ trong nước đối với 02 sản phẩm gạo và cá để có giải pháp hoặc kiến nghị cụ thể đẩy mạnh tiêu thụ trong và ngoài nước. Phải có giải pháp về tổ chức, quản lý, tổ chức lại sản xuất để đảm bảo phát triển bền vững. Nhóm giải pháp này giao đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đảm chịu trách nhiệm phân công, chỉ đạo và điều hành.
(4). Bảo vệ, thu hoạch trọn vẹn lúa vụ 3. Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm và tiêm vaccin; phòng chống bệnh lỡ mồm, long móng trên gia súc. Giao đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Kim Yên chịu trách nhiệm phân công, chỉ đạo và điều hành nhóm giải pháp này.
(5). Ngoài 4 nhóm giải pháp trên, các ngành, các cấp cần phải đẩy mạnh thực hiện chương trình công tác của UBND tỉnh, thực hiện hoàn thành các chương trình, kế hoạch đã được xác định, được phân công.
- Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản nhà nước, thời gian lao động và trong sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.
- Đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
- Tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, của cá nhân được phân công nhiệm vụ. Phải có trách nhiệm, có quyết tâm mới có sáng tạo và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu tổ chức thực hiện các nội dung trên./.
Nơi nhận: | TL. CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.