BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 153/TB-BYT | Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2006 |
THÔNG BÁO
VỀ NỘI DUNG HỌP BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI NGÀY 22/02/2006
Để tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống đại dịch cúm ở người, ngày 22/02/2006, Bộ Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người đã tổ chức cuộc họp thường kỳ.
I. THÀNH PHẦN ĐẠI BIỂU THAM DỰ:
1.Ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người, chủ trì cuộc họp.
2.Ông Hoàng Thủy Long, Nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
3.Ông Vũ Sinh Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt Nam, Bộ Y tế.
4.Ông Doãn Huy Chung, Vụ Văn xã, Văn phòng Chính phủ.
5.Đỗ Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính văn xã, Bộ Tài chính.
6.Bà Nguyễn Thị Huyền, Cục A 25, Bộ Công an.
7.Ông Lê Lựu, Vụ Du lịch, Tổng cục Du lịch.
8.Ông Lưu Đình Phúc, Cục Báo chí, Bộ Văn hóa thông tin.
9.Ông Lâm Quốc Hùng, Cục Quân y, Bộ Quốc Phòng.
10.Ông Bùi Văn Tuân, Sở Y tế Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải.
11.Bà Trần Hà Phương, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
12.Ông Văn Đăng Kỳ, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
13.Ông Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ Điều trị, Bộ Y tế.
14.Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Y tế.
15.Ông Trần Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế.
16.Ông Đặng Quốc Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ, Bộ Y tế.
17.Ông Phạm Lê Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.
Và các chuyên viên Cục Y tế dự phòng Việt Nam, Vụ Điều trị và Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế.
II.NỘI DUNG CUỘC HỌP:
Cuộc họp đã tập trung thảo luận các nội dung chính sau:
1. Tình hình dịch SARS và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch, các biện pháp phòng chống dịch đã triển khai.
2. Diễn biến tình hình dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người trên thế giới và tại Việt Nam. Một số biện pháp cần tiếp tục triển khai để khống chế dịch.
3. Công tác triển khai mua sắm và tập huấn sử dụng thuốc, hoá chất, trang thiết bị cho công tác phòng chống đại dịch cúm ở người do Chính phủ đầu tư cho các địa phương và các Bộ, ngành trong cả nước.
4. Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch cúm A(H5N1) ở gia cầm và ở người.
2.1. Công tác phòng chống SARS và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch khác:
2.1.1. Tình hình dịch trên thế giới:
Bại liệt:Theo thông tin từ Cơ quan thanh toán Bại biệt toàn cầu: Bại liệt trên thế giới vẫn xảy ra rải rác. Từ 08/02 - 14/02/2006, trên thế giới ghi nhận thêm 44 trường hợp mắc mới. Hiện có 16 Quốc gia đã ghi nhận bại liệt với tổng số trường hợp mắc là: 1.926 người. Trong đó các nước có số mắc nhiều là Nigeria, Yemen, Indonesia và Somalia.
2.1.2.Tình hình dịch tại Việt Nam:
SARS: Theo báo cáo của các địa phương, các đơn vị kiểm dịch y tế biên giới tại cửa khẩu, không phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm SARS.
Sốt Dengue/Sốt xuất huyết Dengue: trong tuần từ 15/02 - 22/02/2006 ghi nhận 441 trường hợp mắc, tích luỹ số mắc cả nước từ đầu năm là 4.441, có 02 trường hợp tử vong. Số mắc tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2005 (3.290/0). Số mắc cao tập trung nhiều nhất tại TP. Hồ Chí Minh (21,7%), tiếp theo là các tỉnh Kiên Giang, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau.
Sởi: Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương dịch Sởi tại xã Căn Co, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, từ tháng 11/2005 đến nay (22/02/2006) có tổng số mắc 52 trường hợp. Trong tháng 02/2006 đã có thêm 08 trường hợp mắc bệnh tại xã Nậm Cuổi. Cục Y tế dự phòng Việt Nam đã có công điện khẩn chỉ đạo Sở Y tế Lai Châu triển khai gấp các hoạt động phòng chống dịch, giám sát chặt chẽ và gửi báo cáo hàng ngày về Bộ Y tế.
Viêm phổi do vi rút: Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tháng 02/2006, tại một số trường Tiểu học, PTTH thuộc quận Cầu Giấy, quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội đã có 482 học sinh sốt, biểu hiện nhiễm vi rút, cụ thể:
Tên trường | Mắc mới | Cộng dồn |
PTTH Nghĩa Tân | 05 | 79 |
Tiểu học Nghĩa tân | 0 | 159 |
Tiểu học Dịch Vọng | 8 | 30 |
Tiểu học Mai Dịch | 18 | 98 |
Tiểu học Quảng An | 13 | 85 |
PTTH Trần Quốc Toản | 1 | 31 |
Tổng số | 45 | 482 |
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã cử đoàn cán bộ kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định do các nguyên nhân sau: Rubella, Adeno vi rút, Thuỷ đậu, Quai bị.
2.1.3.Các hoạt động phòng chống dịch đã triển khai:
1.Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế biên giới giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu có các đối tượng nhập cảnh từ vùng có dịch SARS cũ vào Việt Nam. Trong tuần từ 16/02 - 22/02/2006, tại 7 cửa khẩu lớn của 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai) có 90.920 khách nhập cảnh, trong đó có 47.770 người nhập cảnh từ vùng có dịch SARS cũ. Giám sát 41.235 người từ nước có dịch cúm A (H5N1) trên người nhập cảnh vào Việt Nam, chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm cúm A.
2.Chỉ đạo các Viện VSDT/Pasteur và Sở Y tế các tỉnh/thành phố tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, tích cực điều trị các trường hợp nghi nhiễm SARS và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
2.2. Công tác phòng chống dịch cúm A(H5N1):
2.2.1.Tình hình dịch cúm gia cầm:
Trên thế giới: Theo Tổ chức Y tế thế giới ngày 21/02/2006, chỉ trong tháng 02/2006, dịch cúm gia cầm đã lây lan sang 13 quốc gia trên thế giới (theo thứ tự lần lượt) : Iraq, Nigeria, Azerbaijan, Bulgaria, Hy Lạp, Italy, Slovenia, Iran, Áo, Đức, Ai Cập, Ấn độ và Pháp. Tại Châu Âu, dịch cúm gia cầm lây lan nhanh, chủ yếu các chim hoang dại mắc bệnh.
Tại Nigeria và Ấn độ: Dịch cúm ghi nhận đầu tiên tại 1 nông trường, nơi có khả năng lây lan bệnh rất nhanh.
Tại Rumania: Đã tìm thấy gia cầm mắc bệnh và chết tại làng Tuzla và khu nghỉ mát tại Navodari, gần Constanta. Hiện gia cầm tại hai khu vực trên đã bị tiêu huỷ.
Tại Áo: Ở ngoại ô Floridsorf và một làng tỉnh Lower, Áo đã tìm thấy hai con vịt hoang mắc bệnh.
Tại Italy: Trong tuần qua, Hội đồng Châu Âu thông báo, đã phát hiện 17 con thiên nga chết ở miền Nam Italy, trong đó hai con đã xét nghiệm dương tính với cúm A(H5N1).
Tại Đức: Phía Tây bang Mecklenburg đã phát hiện 2 chim chết nghi do mắc cúm A. Sau đó vi rút cúm A(H5N1) đã lây lan nhanh chóng tới đảo Ruegen.
Tại Hy Lạp: Bộ Nông nghiệp thông báo 03 con thiên nga tại vùng Salonika và Pieria đã xét nghiệm nhiễm cúm A(H5N1). Ngỗng trên đảo Aegean của Skyros cũng bi nghi nhiễm bệnh và đang được tiến hành xét nghiệm.
Tại Bulgaria: Dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục xảy ra tại nước này. Hội đồng Châu Âu đã khẳng định các con thiên nga tại Bulgaria bị nhiễm cúm A(H5N1).
Tại Pháp: Một vịt hoang ở tỉnh Ain phía đông nước Pháp đã được khẳng định nhiễm cúm A(H5) bằng xét nghiệm. Một vịt chết được tìm thấy ở Lyon và 2 con vịt chết ở sông Somme nghi ngờ do nhiễm bệnh, đang chờ xét nghiệm khẳng định.
Tại Ai Cập: Thông báo vi rút cúm A(H5N1) đã tấn công vào một trang trại cách 60km phía Bắc của Cairo. Toàn bộ 100.000 gia cầm tại đây đã bị tiêu huỷ. Hiện nay gia cầmtại Cairo, Giza, Minya đang xét nghiệm khẳng định nhiễm cúm A(H5N1). Tất cả các gia cầm của các trang trai lân cận đã bị tiêu huỷ. Dịch cúm gia cầm hiện ghi nhận ở 10 bang của nước này.
Tại Ấn độ: Dịch cúm gia cầm đã xảy ra trong các trang trại tại tỉnh Nandurbar. Các nhân viên làm việc tại đây đang được kiểm tra để khẳng định, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm.
Tại châu Á, các vụ dịch cúm gia cầm tiếp tục xảy ra tại các nước Hồng Kông, Azerbaijan, Trung Quốc.
Tại Hồng Kông: Các xét nghiệm bệnh phẩm của 01 con chim và 01 con gà chết trong khi đang vận chuyển lậu từ Trung Quốc sang Hồng Kông đã khẳng định dương tính với vi rút cúm A(H5N1).
Tại Azerbaijan: Bộ Y tế nước này đã thông báo các con chim trên biển Caspian, đang xét nghiệm có khả năng nhiễm cúm A(H5N1). Trong tháng 10/2005 một đàn chim di cư ở vùng Nakhchivan bị chết chưa rõ nguyên nhân.
Tại Trung Quốc: Tuần trước, tại một trang trại ở tỉnh Shanxi, đã có 15.000 gia cầm chết. Hiện 35 công nhân làm việc tại đây đang được giám sát chặt chẽ về y tế.
Tại Châu Phi, cúm gia cầm tiếp tục diễn ta tại Nigeria:
Tại Nigeria: Dịch cúm A(H5N1) ở gia cầm lại tiếp tục được ghi nhận thêm tại 2 bang Kano và Plateau, sát biên giới bang Kaduna. Khoảng 46.000 gia cầm mắc bệnh đã bị tiêu huỷ.
1.2 Tại Việt Nam: Tình hình dịch cúm A(H5N1) ở gia cầm đã cơ bản được khống chế. Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 15/12/2005 đến nay (22/02/2006), đã hơn 2 tháng toàn quốc không phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm mới.
2.2.2. Tình hình dịch cúm A (H5N1) trên người:
Trên thế giới:
Tại Indonesia: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 20/02/2006: Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận thêm 01 trường hợp mắc mới cúm A(H5N1). Bệnh nhân nam 23 tuổi, sống ở phía Đông tỉnh Jakarta, khởi bệnh ngày 05/02/2006, nhập viện ngày 07/02/2006 và tử vong ngày 10/02/2006. Bệnh nhân là người bán trứng tại chợ.
Như vậy, đến nay tại Indonesia đã ghi nhận 26 trường hợp mắc, trong đó có 19 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam:Kể từ trường hợp mắc gần đây nhất ngày 14/11/2005 đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc mới cúm A (H5N1) ở người.
Tính từ trường hợp mắc cúm A(H5N1) đầu tiên tại Việt Nam (26/12/2003) đến nay đã ghi nhận 93 trường hợp mắc tại 32 tỉnh/thành phố, trong đó có 42 trường hợp tử vong.
Kể từ tháng 12/2003 đến nay, trên thế giới đã ghi nhận 170 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có 92 trường hợp tử vong tại 7 quốc gia: Thái Lan (mắc 22, chết 14), Indonesia (mắc 26, chết 19), Campuchia (mắc 4, chết 4), Trung Quốc (mắc 12, chết 08), Việt Nam (mắc 93, chết 42), Thổ Nhĩ Kỳ (mắc 12, chết 04), Iraq (mắc 01, chết 01).
2.2.3. Các hoạt động phòng chống dịch đã thực hiện:
1.Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh hàng ngày trong nước và trên thế giới, các hoạt động phòng, chống dịch để báo cáo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính Phủ, Ban Khoa giáo Trung ương và thông tin hàng ngày trên trang web của Bộ Y tế.
2.Duy trì các hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút (SARS), cúm ở người các tuyến. Tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới tại các cửa khẩu, chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng cơ sở giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
3.Chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Sở Y tế TP. Hà Nội tăng cường giám sát phòng chống dịch, kiểm tra y tế môi trường, vệ sinh san toàn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.
4.Chỉ đạo các tỉnh lân cận Hà Nội (Hà Tây, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Hưng Yên) tăng cường giámsát phòng chống không để xảy dịch và để lây lan dịch vào Hà Nội trong thời gian Đại hội Đảng X.
5.Tiếp tục các bước hoàn chỉnh Dự thảo Quy định hướng dẫn về an toàn sinh học phòng xét nghiệm cấp độ I, II và III .
6.Chuẩn bị báo cáo cho Đoàn cán bộ Bộ Y tế đi kiểm tra và chỉ đạo công tác y tế và phòng chống dịch bệnh tại các tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng (từ ngày 14/02 - 16/02/2006).
7.Chuẩn bị “Báo cáo tình hình dịch cúm A(H5N1) ở người tại Việt Nam và triển khai các biện pháp phòng chống dịch" và “Báo cáo tóm tắt những hợp tác Y tế Việt Nam - Indonesia" cho đoàn tháp tùng Thủ tướng Chính phủ thăm chính thức nước cộng hoà Indonesia (từ 22/02 - 24/02/2006).
8.Xây dựng cơ số thuốc, hoá chất, trang bị phòng chống dịch cúm A(H5N1) dự trữ năm 2006 tại các cấp từ Trung ương đến cơ sở.
9.Làm việc với các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới về phát triển Hệ thống cảnh báo sớm dịch bệnh tại Việt Nam trong thời gian tới (từ ngày 13/02 - 23/02/2006). Tích cực triển khai các hoạt động của dự án WHO/FAO/UNDP tài trợ về việc phòng chống các bệnh dịch tiềm ẩn, bao gồm cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) và Dự án hỗ trợ cho công tác phòng chống cúm gia cầm do Chính phủ Đức viện trợ không hoàn lại.
III. KẾT LUẬN CUỘC HỌP:
Sau khi thống nhất ý kiến của các thành viên tham gia dự họp, PGS.TS. Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người đã kết luận cuộc họp như sau:
1.Trên thế giới, dịch cúm gia cầm còn rất phức tạp, đáng lo ngại, dịch tiếp tục diễn biến tại các nước châu Âu, châu Á và châu Phi. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá 5 châu lục đều có nguy cơ lan tràn dịch trên gia cầm vì không khống chế được chim di cư. Nhiều nước trên thế giới đánh giá Việt Nam đã thành công trong việc khống chế dịch cúm gia cầm rất hiệu quả. Cần tiếp tục tích cực triển khai các hoạt động phòng chống dịch để giữ vững thành quả đạt được.
2.Ngày 21/02/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người. Đề nghị các Bộ, ngành trong danh sách các thành viên Ban chỉ đạo có bộ phận Thường trực tham gia các cuộc họp giao ban đầy đủ, thường xuyên để nắm chắc tình hình, báo cáo Lãnh đạo Bộ, ngành.
3.Tiểu ban Giám sát, chống dịch:
·Tăng cường tổ chức hoạt động giám sát, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Xuân – Hè. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan Thông tấn và báo chí tuyên truyền nhân dân về sử dụng gia cầm sạch, có nguồn gốc, không bị bệnh, có kiểm định của cơ quan thú y và đảm bảo vệ sinh cá nhân, đề phòng dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ khi nào. Phối hợp với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức kiểm tra giám sát sử dụng gia cầm.
·Triển khai chỉ đạo các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh/thành phố trong cả nước tổ chức phát động và hưởng ứng tiếp 1 đợt chiến dịch tăng cường Vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại trong tháng 3/2006 (từ 01/3 – 31/3/2006).
·Tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch biên giới, giám sát dịch tễ, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch tránh lây lan. Phát hiện sớm, điều trị tích cực các trường hợp nghi nhiễm cúm A(H5N1).
·Chỉ đạo các tỉnh lân cận Hà Nội (Hà Tây, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Hưng Yên) tăng cường giámsát phòng chống không để xảy dịch và để lây lan dịch vào Hà Nội trong thời gian Đại hội Đảng X.
4.Các Tiểu ban, thành viên các Bộ, ngành liên quan phối hợp trong tổ chức thực hiện chiến dịch Vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại và thành lập các đoàn cán bộ để giám sát thực hiện chiến dịch tại các địa phương từ đầu tháng 3/2006.
5.Tiểu ban Tuyên truyền phát hành các nội dung truyên truyền, cuốn “Cẩm nang phòng chống đại dịch cúm ở người” đến tận xã, phường.
6.Tiểu ban Hậu cần:
-Khẩn trương báo cáo trình Lãnh đạo Bộ, Thủ tướng Chính phủ chi tiết tình hình mua sắm trang thiết bị, thuốc, hoá chất, phương tiện phòng, chống dịch đợt I, chuẩn bị kế hoạch mua sắm đợt II.
-Đề nghị các địa phương báo cáo cụ thể tình hình sử dụng kinh phí theo Quyết định 1239/QĐ-TTg về việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch.
Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người sẽ tiếp tục giao ban định kỳ vào 16h00 ngày 01/3/2006 để báo cáo tình hình dịch cúm A(H5N1) và triển khai các hoạt động phòng chống dịch.
| KT. TRƯỞNG BAN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.