VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 145/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2007 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ NGUYỄN SINH HÙNG TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2007 VÀ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 32/2007/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
Ngày 22 tháng 7 năm 2007 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2007 và triển khai Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 32 của Chính phủ) về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; đại diện Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 11 Giám đốc Công an các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị.
Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia báo cáo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2007, Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ; ý kiến tham gia của các đại biểu, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng kết luận như sau:
1. Năm 2002 Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 14/QH, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/CP và năm 2003 Ban Bí thư ra Chỉ thị số 22/CT-TW về kiềm chế gia tăng và tiến tới làm giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, 3 năm liên tục (từ năm 2003 đến năm 2005) tai nạn giao thông đã giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Nhưng năm 2006 và đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2007 tình hình tai nạn giao thông đã xảy ra rất nghiêm trọng (số người bị chết vì tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2007 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2006) nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên cả đường bộ, đường sắt, đường thủy; nhiều vụ ùn tắc giao thông kéo dài xảy ra trên các tuyến quốc lộ và các thành phố lớn; tai nạn giao thông đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội, là thảm họa của quốc gia.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tăng là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông kém; công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương về trật tự an toàn giao thông, trong đó vai trò nòng cốt là lực lượng Công an và ngành Giao thông vận tải thực hiện chưa quyết liệt, các biện pháp chưa đủ mạnh, chưa thường xuyên, liên tục; các tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự vào cuộc, chưa huy động được lực lượng tổng hợp tham gia giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tình hình trên đây đòi hỏi cả hệ thống chính trị trong đó có cơ quan quản lý Nhà nước phải kiên quyết trong triển khai thực hiện, phải huy động được lực lượng tổng hợp, bằng nhiều biện pháp cụ thể để giải quyết bằng được vấn đề này.
2. Đồng ý với Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2007 và Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần triển khai ngay việc quán triệt Nghị quyết và các văn bản liên quan, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện các biện pháp cấp bách làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
3. Để đạt được mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đề ra cho năm 2007 tại Quyết định 128/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 22-CT/TW ngày 24 tháng 2 năm 2003 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện tốt các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông nêu tại Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, trong đó cần chú ý những vấn đề sau:
a) Phải xác định rõ yêu cầu bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Phải xây dựng quyết tâm chính trị cao và các biện pháp hữu hiệu thì mới đạt được mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông. Thực tiễn vừa qua cho thấy trong những điều kiện tương tự như nhau nhưng có 25 tỉnh, thành phố giảm số người chết do tai nạn giao thông, còn 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì số người chết vì tai nạn giao thông lại tăng so với cùng kỳ năm 2006. Cần kiểm điểm, đánh giá nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội về việc này để rút ra bài học và quyết liệt triển khai các biện pháp khắc phục.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo ngay Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân ra nghị quyết chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; hàng tháng, quý, 6 tháng có đánh giá tình hình, kiểm điểm trách nhiệm, kịp thời khen thưởng, phê bình, kỷ luật những đơn vị, địa phương, cá nhân thực hiện tốt và không tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
c) Trong 7 giải pháp cấp bách nêu tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ thì việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông là vấn đề rất quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài, phải làm thường xuyên nhằm tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, sự quan tâm và tích cực tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông của toàn xã hội. Đây là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước và của tất cả các đoàn thể, cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, các trường học, của cả hệ thống chính trị.
Bộ Văn hóa-Thông tin chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền với những nội dung cụ thể, phù hợp, đa dạng, chú ý việc biểu dương những người tốt, việc tốt, phê phán những hành vi tiêu cực, vi phạm phát luật trật tự an toàn giao thông.
d) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan thành lập Tổ nghiên cứu khẩn trương đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông mà nội dung còn bất cập, không phù hợp như: tiêu chuẩn lái xe khách, quy định mức phạt, xử phạt căn cứ vào hình ảnh, thông báo về cơ quan, đơn vị, địa phương người vi phạm, quy định bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông..., đặc biệt là Nghị định thay thế Nghị định 152/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005, để ban hành trong tháng 8 năm 2007;
Khẩn trương xây dựng và thực hiện chủ trương khuyến khích thành lập những doanh nghiệp vận tải ô tô có năng lực lớn, có thương hiệu, chất lượng để vận tải khách trên các tuyến liên tỉnh; tổ chức xây dựng các trạm nghỉ trên tuyến Bắc Nam; chấn chỉnh quản lý vận tải khách công cộng;
Kiểm tra lại tất cả giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường thủy, bến bãi, nếu không đủ điều kiện, không an toàn phải kiên quyết đình chỉ hoạt động;
Chỉ đạo cơ quan đăng kiểm kiểm tra chặt chẽ các phương tiện giao thông, nếu không đủ tiêu chuẩn, hết niên hạn sử dụng phải chấm dứt lưu hành. Lực lượng tuần tra kiểm soát phải xử lý nghiêm theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ khi phát hiện phương tiện không đủ tiêu chuẩn lưu hành hoặc hết hạn lưu hành;
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông, kiên quyết không để người không đủ tiêu chuẩn, sức khỏe, trình độ điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
e) Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Trung ương của các đoàn thể căn cứ vào Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ để giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị trường học, doanh nghiệp và phải kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, quyết liệt việc thực hiện; cán bộ, đảng viên, công chức, công nhân viên, lực lượng vũ trang phải gương mẫu đi đầu chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Các Bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành các văn bản triển khai Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ trong tháng 8 năm 2007.
f) Giải quyết ngay một số việc liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tiến hành rà soát và đề ra kế hoạch giải quyết xong trước Tết Nguyên đán 2008 các đường ngang qua đường sắt (bất hợp pháp). Các đường ngang được phép tồn tại phải lắp đặt đầy đủ thiết bị cảnh báo hoặc phải có người gác.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định xong các "điểm đen" về tai nạn giao thông trong tháng 8 năm 2007 và phải giải quyết xong trong năm 2007. Đối với các dải phân cách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao đổi với Bộ Giao thông vận tải để lắp đặt cho hợp lý theo hướng tăng cường phân làn, phân luồng xe ô tô, mô tô.
Cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với việc khắc phục "điểm đen" (không phải thực hiện theo quy trình đầu tư xây dựng cơ bản) để rút ngắn thời gian thực hiện nhằm khắc phục được sớm những yếu tố mất an toàn trên các tuyến đường.
g) Công tác tuần tra kiểm soát:
Bộ Công an tăng cường lực lượng cho Cảnh sát giao thông, Công an xã, phường và chỉ đạo các lực lượng này phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông tuần tra kiểm soát thường xuyên, liên tục, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật an toàn giao thông, trong đó phải xử phạt người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm theo lộ trình đội mũ bảo hiểm được quy định tại Nghị quyết 32/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
h) Về thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy:
Các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan thông tin, tuyên truyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thương mại phải kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.
i) Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ; hàng tháng tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, khen thưởng đơn vị, cá nhân làm tốt, khiển trách phê bình những cá nhân, đơn vị làm không tốt, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.